Văn bản pháp luật: Thông tư 174/2010/TT-BTC

Trần Xuân Hà
Toàn quốc
Công báo số 694+695
Thông tư 174/2010/TT-BTC
Thông tư
01/01/2011
04/11/2010

Tóm tắt nội dung

Sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC ngày 21/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

Thứ trưởng
2.010
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam ban

 hành kèm theo Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC ngày 21/8/2007

 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

________________

Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/06/2003;

Căn cứ Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 4/12/2009;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 191/2004/QĐ-TTg ngày 08/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 186/2007/QĐ-TTg ngày 03/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định số 191/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán áp dụng cho Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC ngày 21/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định một số Tài khoản, mẫu Báo cáo tài chính áp dụng riêng cho Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (dưới đây gọi là Quỹ).

2. Những nội dung kế toán không hướng dẫn trong Thông tư này, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thực hiện theo Chế độ kế toán ban hành kèm theo Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC ngày 21/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ Kế toán áp dụng cho Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (dưới đây gọi là Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC) và các Thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán.

Điều 2. Quy định áp dụng hệ thống tài khoản kế toán

Hệ thống Tài khoản kế toán áp dụng đối với Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thực hiện theo quy định tại Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC và các sửa đổi, bổ sung sau:

1. Sửa đổi tên và số hiệu một số Tài khoản kế toán

- Sửa đổi số hiệu Tài khoản 25112, 25122 – “Nợ dưới tiêu chuẩn” thành Tài khoản 25113, 25123 – “Nợ dưới tiêu chuẩn”.

- Sửa đổi số hiệu Tài khoản 25113, 25123 – “Nợ nghi ngờ” thành Tài khoản 25114, 25124 – “Nợ nghi ngờ”.

- Sửa đổi số hiệu Tài khoản 25114, 25124 – “Nợ có khả năng mất vốn” thành Tài khoản 25115, 25125 – “Nợ có khả năng mất vốn”.

- Sửa đổi tên và số hiệu Tài khoản 359 – “Quỹ dự phòng rủi ro cho vay” thành Tài khoản 259 – “Dự phòng rủi ro cho vay”

- Sửa đổi tên và số hiệu Tài khoản 353 – “Quỹ hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích” thành Tài khoản 372 – “Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích” và bỏ 2 Tài khoản cấp 2 của Tài khoản này, như sau:

+ Bỏ Tài khoản 3531 – “Quỹ hỗ trợ dịch vụ phổ cập”;

+ Bỏ Tài khoản 3532 – “Quỹ hỗ trợ dịch vụ bắt buộc”.

- Sửa đổi số hiệu Tài khoản 431 – “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” thành Tài khoản 353 - “Quỹ khen thưởng, phúc lợi”. Tài khoản 353 có 3 tài khoản cấp 2 sau:

+ Đổi số hiệu tài khoản 4311 – “Quỹ khen thưởng” thành tài khoản 3531 – “Quỹ khen thưởng”;

+ Đổi số hiệu tài khoản 4312 – “Quỹ phúc lợi” thành tài khoản 3532 – “Quỹ phúc lợi”;

+ Đổi số hiệu tài khoản 4313 – “Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ” thành tài khoản 3533 – “Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ”;

- Sửa đổi tên và số hiệu Tài khoản 005 – “Mức vốn cấp hỗ trợ” thành Tài khoản 020 – “Vốn cấp hỗ trợ”

- Sửa đổi số hiệu Tài khoản 006 - “Mức vốn cho vay” thành Tài khoản 025 “Mức vốn cho vay”.

2. Bổ sung một số Tài khoản kế toán

- Tài khoản 128 “Đầu tư ngắn hạn khác” và 2 tài khoản cấp 2, như sau:

+ Tài khoản 1281 – “Tiền gửi có kỳ hạn”;

+ Tài khoản 1288 – “Đầu tư ngắn hạn khác”.

- Bổ sung Tài khoản 25112, 25122 – “Nợ cần chú ý”.

- Bổ sung 2 Tài khoản cấp 3 của Tài khoản 3388 “Phải trả, phải nộp khác”:

+ Tài khoản 33881 – “Tiền thu từ bán tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng”;

+ Tài khoản 33888 – “Phải trả, phải nộp khác”.

- Bổ sung Tài khoản 3389 – “Bảo hiểm thất nghiệp”.

- Bổ sung Tài khoản 005 – “Tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng”.

- Bổ sung Tài khoản 021 – “Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán”.

- Bổ sung Tài khoản 026 – “Lãi cho vay và phí phải thu chưa thu được”.

3. Không sử dụng Tài khoản kế toán

- Bỏ Tài khoản 315 – “Nợ dài hạn đến hạn trả”.

Danh mục Hệ thống Tài khoản kế toán áp dụng cho Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam sau khi sửa đổi, bổ sung như sau (Xem phụ lục 01).

Điều 3. Kế toán đầu tư ngắn hạn khác

Bổ sung Tài khoản 128 “Đầu tư ngắn hạn khác”

Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của các khoản đầu tư ngắn hạn khác, như: tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm, …

Kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi từng khoản đầu tư, từng khoản tiền gửi theo thời hạn, địa điểm đầu tư.

Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 128 – Đầu tư ngắn hạn khác

Bên Nợ:

Giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn khác tăng.

Bên Có:

Giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn khác giảm.

Số dư bên Nợ:

Giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn khác hiện còn cuối kỳ

Tài khoản 128 – Đầu tư ngắn hạn khác, có 2 tài khoản cấp 2:

- Tài khoản 1281 – Tiền gửi có kỳ hạn: Phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của tiền gửi tại các Ngân hàng, tổ chức tài chính có kỳ hạn nhỏ hơn hoặc bằng (≤) 12 tháng.

- Tài khoản 1288 - Đầu tư ngắn hạn khác: Phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của các khoản đầu tư ngắn hạn khác.

Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

1. Khi dùng tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng, … để đầu tư ngắn hạn, ghi:

Nợ TK 128 – Đầu tư ngắn hạn khác (1281, 1288)

            Có các TK 111, 112, …

2. Khi phát sinh các khoản thu lãi tiền gửi và các khoản đầu tư ngắn hạn khác, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc

Nợ TK 138 – Phải thu khác

            Có TK 511 – Thu nhập từ hoạt động nghiệp vụ (5112, 5118).

3. Khi thu được tiền các khoản tiền lãi phải thu, ghi:

Nợ các TK 111, 112, …

            Có TK 138 – Phải thu khác.

4. Khi thu hồi các khoản đầu tư ngắn hạn khác, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 211, …..

Nợ TK 631 – Chi phí hoạt động nghiệp vụ (Trường hợp lỗ)

            Có TK 128 – Đầu tư ngắn hạn khác (Giá vốn) (1281, 1288)

            Có TK 511 – Thu nhập từ hoạt động nghiệp vụ (Trường hợp lãi).

Điều 4. Hướng dẫn kế toán chuyển nhóm nợ cho vay

1. Trường hợp khi đến hạn trả nợ vay trung hạn, dài hạn nhưng đơn vị vay chưa có khả năng trả nợ, nếu không được quỹ cho gia hạn trả thì kế toán phải lập phiếu để chuyển nợ vay từ Nợ đủ tiêu chuẩn sang Nợ cần chú ý, ghi:

Nợ TK 25112 – Nợ cần chú ý, hoặc

Nợ TK 25122 – Nợ cần chú ý

            Có TK 25111 – Nợ đủ tiêu chuẩn, hoặc

            Có TK 25121 – Nợ đủ tiêu chuẩn.

2. Trường hợp chuyển từ Nợ cần chú ý sang Nợ dưới tiêu chuẩn, từ Nợ dưới tiêu chuẩn sang Nợ nghi ngờ, và từ Nợ nghi ngờ sang Nợ có khả năng mất vốn phải có chứng cứ và phải có biên bản xử lý của cấp có thẩm quyền trên cơ sở các quy định liên quan của Ngân hàng Nhà nước hiện hành. Căn cứ vào biên bản xử lý để kế toán ghi sổ:

- Khi chuyển từ Nợ cần chú ý sang Nợ dưới tiêu chuẩn, ghi:

Nợ TK 25113 – Nợ dưới tiêu chuẩn, hoặc

Nợ TK 25123 – Nợ dưới tiêu chuẩn

            Có TK 25112 – Nợ cần chú ý, hoặc

            Có TK 25122 – Nợ cần chú ý.

- Khi chuyển từ Nợ dưới tiêu chuẩn sang Nợ nghi ngờ, ghi:

Nợ TK 25114 – Nợ nghi ngờ, hoặc

Nợ TK 25124 – Nợ nghi ngờ

            Có TK 25113 – Nợ dưới tiêu chuẩn, hoặc

            Có TK 25123 – Nợ dưới tiêu chuẩn.

- Khi chuyển từ Nợ nghi ngờ sang Nợ có khả năng mất vốn, ghi:

Nợ TK 25115 – Nợ có khả năng mất vốn, hoặc

Nợ TK 25125 – Nợ có khả năng mất vốn

            Có TK 25114 – Nợ nghi ngờ, hoặc

            Có TK 25124 – Nợ nghi ngờ

Điều 5. Kế toán Dự phòng rủi ro cho vay

Kết cấu, nội dung phản ánh và phương pháp hạch toán kế toán của TK 259 – “Dự phòng rủi ro cho vay” không thay đổi so với TK 359 – “Quỹ dự phòng rủi ro cho vay” quy định tại Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC.

Điều 6. Kế toán Bảo hiểm thất nghiệp

Bổ sung tài khoản 3389 – Bảo hiểm thất nghiệp.

Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình trích và đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở Quỹ dịch vụ viễn thông công ích theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi Bảo hiểm thất nghiệp.

Kết cấu, nội dung phản ánh của tài khoản 3389 – Bảo hiểm thất nghiệp

Bên Nợ: Số Bảo hiểm thất nghiệp đã nộp cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên Có:

- Trích bảo hiểm thất nghiệp vào chi phí quản lý;

- Trích bảo hiểm thất nghiệp khấu trừ vào lương của công nhân viên.

Số dư bên Có: Số bảo hiểm thất nghiệp đã trích nhưng chưa nộp cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

1. Định kỳ trích bảo hiểm thất nghiệp vào chi phí quản lý, ghi:

Nợ TK 642 – Chi phí quản lý

            Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3389).

2. Tính số tiền bảo hiểm thất nghiệp mà công nhân viên phải nộp trừ vào lương của công nhân viên, ghi:

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động

            Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3389).

3. Khi nộp bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ghi:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3389)

            Có các TK 111, 112.

Điều 7. Kế toán Quỹ khen thưởng, phúc lợi

Kết cấu, nội dung phản ánh và phương pháp hạch toán của tài khoản 3531, 3532, 3533 không thay đổi so với tài khoản 431 (4311, 4312, 4313) quy định tại Quyết định số 74/2007/QĐ-BTC ngày 21/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 8. Kế toán chi phí nhân viên

Sửa nội dung Tài khoản 6421 – Chi phí nhân viên như sau:

Tài khoản này phản ánh các khoản phải trả cho cán bộ nhân viên như: tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản trích nộp theo lương được tính vào chi phí, gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn của Ban giám đốc, nhân viên của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Điều 9. Kế toán vốn cấp hỗ trợ

Nội dung Tài khoản 020 – “Vốn cấp hỗ trợ” như sau:

Tài khoản này dùng để phản ánh số vốn được cấp, đơn đặt hàng, hoặc trúng thầu, …; số đã cấp, đã tạm ứng trong kỳ, lũy kế đến cuối kỳ và số còn phải cấp hỗ trợ hoặc số phải thu hồi các doanh nghiệp để duy trì, phát triển cung ứng dịch vụ viễn thông công ích và các nhiệm vụ công ích khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kế toán mở sổ theo dõi chi tiết cho từng doanh nghiệp theo từng năm được cấp vốn hỗ trợ.

Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 020 – Vốn cấp hỗ trợ

Bên Nợ:

- Số vốn hỗ trợ được cấp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua, hoặc số tiền được thanh toán theo hợp đồng (đặt hàng, hoặc trúng thầu, …);

- Số vốn đã cấp đã thu hồi lại.

Bên Có:

- Số vốn đã được cấp;

- Số vốn đã được cấp bổ sung;

- Số tiền chênh lệch giữa số vốn được cấp lớn hơn số được quyết toán.

Số dư bên Nợ: Số vốn còn phải cấp cuối kỳ.

Số dư bên Có: Số vốn còn phải thu hồi cuối kỳ (nếu có).

Quỹ phải mở sổ chi tiết cho từng doanh nghiệp được cấp vốn hỗ trợ để phản ánh số vốn được cấp, số vốn đã cấp năm báo cáo và lũy kế từ khi bắt đầu cấp cho đến cuối kỳ kế toán năm báo cáo.

Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

1. Khi xác định được mức vốn cấp hỗ trợ cho doanh nghiệp, kế toán ghi đơn bên Nợ TK 020 – Vốn cấp hỗ trợ (Tài khoản ngoài Bảng Cân đối kế toán).

2. Khi Quỹ chi tiền cấp vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp để thực hiện duy trì, phát triển cung ứng dịch vụ viễn thông công ích và các nhiệm vụ khác theo quy định, kế toán ghi:

Nợ TK 372 – Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích

            Có các TK 111, 112, …

Đồng thời, ghi đơn bên Có TK 020 – Vốn cấp hỗ trợ.

3. Kho Quỹ hoàn thành thủ tục quyết toán, căn cứ vào thông báo quyết toán để ghi sổ kế toán như sau:

3.1. Trường hợp mức tiền được cấp lớn hơn số tiền được quyết toán, số tiền chênh lệch ghi Có TK 020 – Vốn cấp hỗ trợ.

3.2. Trường hợp số tiền đã cấp lớn hơn số tiền được quyết toán:

- Khi thu hồi được tiền chênh lệch giữa số tiền đã cấp lớn hơn số quyết toán, ghi:

Nợ các TK 111, 112

            Có TK 372 – Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích

- Đồng thời, ghi đơn bên Nợ TK 020 – Vốn cấp hỗ trợ (Số tiền thu hồi).

Điều 10. Kế toán vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán

Bổ sung Tài khoản 021 – “Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán”:

Tài khoản này dùng để phản ánh tổng số vốn Quỹ đã cấp cho doanh nghiệp theo quy định đang chờ thủ tục quyết toán và tình hình quyết toán số vốn đó.

Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 021 – Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán

Bên Nợ:

- Số vốn đã cấp, đã tạm ứng cho các doanh nghiệp đang chờ thủ tục quyết toán;

- Số vốn cấp bổ sung trong trường hợp số quyết toán lớn hơn (>) số đã cấp, đã tạm ứng.

Bên Có:

- Số vốn được quyết toán của các doanh nghiệp;

- Số tiền đã thu hồi số vốn đã cấp.

Số dư bên Nợ: Số vốn đã cấp, đã tạm ứng cho các doanh nghiệp chưa được quyết toán hoặc số tiền chênh lệch giữa số vốn đã cấp lớn hơn số được quyết toán nhưng chưa thu hồi được tiền.

Số vốn hỗ trợ đã cấp tạm ứng đang chờ thủ tục quyết toán được theo dõi chi tiết theo từng năm cho từng doanh nghiệp.

Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

1. Cuối năm, khi khóa sổ kế toán, nếu số đã cấp tạm ứng chưa được quyết toán, kế toán phản ánh số vốn đã cấp, đã tạm ứng cho các doanh nghiệp chưa được quyết toán vào bên Nợ TK 021 – Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán (Tài khoản ngoài bảng Cân đối kế toán).

2. Khi Quỹ đã hoàn thành thủ tục quyết toán ra thông báo cho doanh nghiệp, kế toán căn cứ vào biên bản quyết toán để phản ánh số được quyết toán, ghi đơn bên Có TK 021 – Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán (Số vốn được quyết toán).

2.1. Nếu số quyết toán lớn hơn (>) số đã cấp:

- Khi Quỹ chi tiền cấp bổ sung cho doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 372 – Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích

            Có các TK 111, 112.

- Đồng thời, ghi đơn bên Nợ TK 021 – Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán (Số vốn cấp bổ sung) (Tài khoản ngoài Bảng Cân đối kế toán).

2.2. Nếu số quyết toán nhỏ hơn (<) số đã cấp:

- Khi Quỹ thu hồi được tiền về, ghi:

Nợ các TK 111, 112

            Có TK 372 – Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích.

Đồng thời, ghi đơn bên Có TK 021 – Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán (Số tiền thu hồi) (Tài khoản ngoài Bảng Cân đối kế toán).

Điều 11. Sửa đổi phần thứ hai – Hệ thống báo cáo tài chính

1. Bảng Cân đối kế toán – Mẫu số B01 – VTF (Phụ lục số 03)

1.1. Các chỉ tiêu trong Bảng Cân đối kế toán

- Sửa đổi cơ sở lấy số liệu để lập chỉ tiêu “Các khoản tương đương tiền” – Mã số 112. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của Tài khoản 121 “Đầu tư tài chính ngắn hạn” trên sổ chi tiết Tài khoản 121 và số dư Nợ chi tiết của Tài khoản 128 “Đầu tư ngắn hạn khác” trên sổ chi tiết Tài khoản 128 của các khoản đầu tư tài chính có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng ít rủi ro và dễ chuyển thành 1 khoản tiền nhất định kể từ ngày mua;

- Sửa đổi chỉ tiêu “Người mua trả tiền trước” – Mã số 313 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu người mua trả tiền trước phản ánh tổng số tiền người mua ứng trước để mua dịch vụ tại thời điểm báo cáo. Chỉ tiêu này không phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện (gồm cả doanh thu nhận trước). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Người mua trả tiền trước” là số dư Có chi tiết của tài khoản 131 – “Phải thu của khách hàng” mở cho từng khách hàng trên sổ kế toán chi tiết TK 131;

- Đổi mã số chỉ tiêu “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” – Mã số 431 trên Bảng Cân đối kế toán thành Mã số 323 trên Bảng Cân đối kế toán. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” là số dư Có của tài khoản 353 – “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” trên Sổ kế toán TK 353;

- Sửa đổi lại tên và mã số chỉ tiêu “Quỹ hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích” – Mã số 338 trên Bảng Cân đối kế toán thành “Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích” Mã số 349 trên Bảng Cân đối kế toán. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích” là số dư Có của TK 372 “Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích” trên Sổ kế toán TK 372;

- Đổi mã số chỉ tiêu “Dự phòng rủi ro cho vay” – Mã số 339 trên Bảng Cân đối kế toán thành Mã số 264 trên Bảng Cân đối kế toán. Số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Dự phòng rủi ro cho vay” là số dư Có của TK 259 “Dự phòng rủi ro cho vay” trên Sổ kế toán TK 259;

- Bổ sung chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn” – Mã số 328 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn” là số dư Có của tài khoản 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện” trên sổ kế toán chi tiết TK 3387 (Chi tiết doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn);

- Bổ sung chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện dài hạn” – Mã số 338 trên Bảng Cân đối kế toán. Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện” là số dư Có của tài khoản 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện” trên sổ kế toán chi tiết TK 3387 (Chi tiết doanh thu chưa thực hiện dài hạn).

1.2. Các chỉ tiêu ngoài Bảng Cân đối kế toán

- Sửa đổi lại tên và số hiệu chỉ tiêu ngoài bảng Cân đối kế toán: chỉ tiêu số 5 – “Mức vốn cấp hỗ trợ” thành chỉ tiêu số 8 – “Vốn cấp hỗ trợ”.

- Sửa đổi lại số hiệu chỉ tiêu ngoài bảng Cân đối kế toán: chỉ tiêu số 6 – “Mức vốn cho vay” thành chỉ tiêu số 10.

- Sửa đổi lại số hiệu chỉ tiêu ngoài bảng Cân đối kế toán: chỉ tiêu số 7 – “Ngoại tệ các loại” thành chỉ tiêu số 6.

- Sửa đổi lại số hiệu chỉ tiêu ngoài bảng Cân đối kế toán: chỉ tiêu số 8 – “Dự toán chi sự nghiệp, dự án” thành chỉ tiêu số 7.

- Bổ sung chỉ tiêu ngoài Bảng cân đối kế toán: Chỉ tiêu số 5 – “Tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng”.

- Bổ sung chỉ tiêu ngoài Bảng cân đối kế toán: Chỉ tiêu số 9 – “Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán”.

- Bổ sung chỉ tiêu ngoài Bảng cân đối kế toán: Chỉ tiêu số 11 – “Lãi cho vay và phí phải thu chưa thu được”.

2. Bổ sung “Báo cáo tình hình sử dụng Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích” – Mẫu số B06 – VTF (Phụ lục số 02)

2.1. Mục đích của Báo cáo tình hình sử dụng Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích

Báo cáo tình hình sử dụng Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích là báo cáo tổng hợp tình hình tăng, giảm Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích và đồng thời chi tiết số phải cấp năm nay và số còn phải cấp năm trước, số phải thu hồi, số thực cấp tạm ứng, số đã quyết toán, số chưa quyết toán và số còn phải cấp. Báo cáo gồm có 2 phần:

- Phần A: Tổng hợp tăng, giảm Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích: Phản ánh số dư đầu kỳ, số tăng (thu) trong kỳ, số giảm (chi) đã cấp trong kỳ và số dư cuối kỳ của Quỹ;

- Phần B: Chi tiết tình hình tạm ứng, quyết toán Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích: Phản ánh số kinh phí hỗ trợ phải cấp, số thực cấp tạm ứng, số phải thu hồi, số đã quyết toán, số đã cấp chưa quyết toán và số còn phải cấp cho các đơn vị được cấp hỗ trợ.

2.2. Cơ sở lập báo cáo tình hình sử dụng Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích

- Căn cứ vào Báo cáo tình hình sử dụng Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích của năm trước;

- Căn cứ vào sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết trong kỳ của tài khoản 372 – “Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích”, TK 020 – “Vốn cấp hỗ trợ” và TK 021 – “Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán”.

2.3. Nội dung và phương pháp lập

Phần A – “Tổng hợp tăng, giảm Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích”, gồm có 4 cột:

- Cột A – “Chỉ tiêu”: Phản ánh số dư đầu kỳ, số tăng (thu) trong kỳ, số giảm (chi) trong kỳ và số dư cuối kỳ của Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích;

- Cột B – “Mã số”: Phản ánh mã số từ 01 đến 04 tương ứng với các chỉ tiêu ở cột A;

- Cột 1 – “Kỳ này”: Phản ánh số phát sinh tăng, giảm của Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích trong kỳ này; Số liệu để ghi vào cột này được lấy theo từng chỉ tiêu ở Cột A. Cụ thể:

+ Chỉ tiêu “Số dư đầu kỳ” số liệu được ghi vào cột này bằng cách lấy số dư có đầu kỳ của TK 372 – “Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích” trên sổ cái TK 372;

+ Chỉ tiêu “Số tăng (thu) trong kỳ” (Mã số 02) số liệu được ghi vào cột này bằng cách lấy tổng số phát sinh trong kỳ bên Có Tài khoản 372 “Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích” trên sổ cái TK 372;

+ Chỉ tiêu “Số giảm (chi) trong kỳ” (Mã số 03) số liệu được ghi vào cột này bằng cách lấy tổng số phát sinh trong kỳ bên Nợ Tài khoản 372 “Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích” trên sổ cái TK 372; và

+ Chỉ tiêu “Số dư cuối kỳ” (Mã số 04) số liệu được ghi vào cột này bằng cách lấy số dư Có cuối kỳ báo cáo của TK 372 – “Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích” trên sổ cái TK 372 hoặc Mã số 04 (Cột 2) = Mã số 01 (Cột 2) + Mã số 02 (Cột 2) – Mã số 03 (Cột 2);

- Cột 2 – “Lũy kế đến cuối kỳ này”: Phản ánh số lũy kế từ đầu năm đến cuối kỳ báo cáo của Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích. Số liệu để ghi vào cột này được lấy theo từng chỉ tiêu ở Cột A, như sau:

+ Chỉ tiêu “Số dư đầu kỳ” (Mã số 01) = Mã số 01 của cột 1 báo cáo kỳ này;

+ Chỉ tiêu “Số tăng (thu) trong kỳ” (Mã số 02) = Mã số 02 của cột 1 báo cáo kỳ này cộng (+) Mã số 02 của cột 2 báo cáo này kỳ trước;

+ Chỉ tiêu “Số giảm (chi) trong kỳ” (Mã số 03) = Mã số 03 của cột 1 báo cáo kỳ này cộng (+) Mã số 03 của cột 2 báo cáo này kỳ trước;

+ Chỉ tiêu “Số dư cuối kỳ” (Mã số 04) = Mã số 04 của cột 1 báo cáo kỳ này hoặc được tính như sau:

Mã số 04 = Mã số 01 + Mã số 02  - Mã số 03.

Phần B – “Chi tiết tình hình tạm ứng, quyết toán Quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích”, Gồm:

- Cột A: Phản ánh tên doanh nghiệp được cấp hỗ trợ;

- Cột 1: Phản ánh Mức được cấp cho các doanh nghiệp theo số kế hoạch được phê duyệt hoặc số đặt hàng, số trúng thầu năm nay. Cột này được ghi căn cứ vào số phát sinh trong kỳ bên Nợ của TK 020, chi tiết phần mức được cấp cho các doanh nghiệp;

- Cột 2: Phản ánh Mức được cấp của năm trước chưa cấp chuyển sang năm nay cấp tiếp. Số liệu để ghi vào cột này được căn cứ vào số dư Nợ cuối kỳ năm trước của TK 020 “Vốn cấp hỗ trợ” trên sổ chi tiết TK 020, chi tiết phần còn phải cấp năm trước, hoặc căn cứ vào số liệu ghi ở cột 13 của báo cáo này cuối năm trước;

- Cột 3: Phản ánh tổng số phải cấp, gồm: số phải cấp năm nay và số phải cấp năm trước còn lại chưa cấp (Cột 3 = Cột 1 + Cột 2);

- Cột 4, 5, 6, 7: Phản ánh số thực cấp tạm ứng phát sinh trong kỳ báo cáo và số lũy kế từ khi cấp cho doanh nghiệp chưa được quyết toán đến cuối kỳ báo cáo;

+ Cột 4: Phản ánh số đã thực cấp cho mức cấp năm trước phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào cột này được căn cứ vào số phát sinh bên Có TK 020 – “Vốn cấp hỗ trợ” (Chi tiết số thực cấp của mức cấp năm trước trên sổ chi tiết TK 020);

+ Cột 5: Phản ánh số đã thực cấp của mức cấp năm nay phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào cột này được căn cứ vào số phát sinh bên Có TK 020 trên sổ chi tiết TK 020 – “Vốn cấp hỗ trợ” (Chi tiết số cấp cho mức cấp năm nay);

+ Cột 6 = Cột 4 + Cột 5;

+ Cột 7: Phản ánh số thực cấp lũy kế từ khi bắt đầu cấp cho đơn vị chưa được quyết toán cho đến cuối kỳ báo cáo.

Số liệu để phản ánh vào cột này bằng số liệu của cột này của báo cáo này kỳ trước cộng (+) số liệu cột 6 của báo cáo này kỳ này.

- Cột 8, 9: Phản ánh số vốn đã quyết toán của năm nay và lũy kế số đã quyết toán cho đến cuối kỳ báo cáo. Căn cứ để ghi là biên bản quyết toán và số phát sinh bên Có TK 021 trên sổ chi tiết TK 021 – “Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán (Chi tiết số đã quyết toán năm nay và lũy kế);

- Cột 10, 11: Phản ánh số vốn đã cấp phải thu hồi của năm nay và lũy kế. Cơ sở số liệu để ghi vào cột 10 là biên bản quyết toán vốn cấp và số phát sinh trên sổ chi tiết TK 021 – “Vốn cấp hỗ trợ quyết toán” (Chi tiết số phải thu hồi năm nay). Số liệu để ghi vào cột 11 được căn cứ vào số liệu ghi ở cột 11 của báo cáo này kỳ trước cộng (+) số liệu ghi ở cột 10 của báo cáo này kỳ này;

- Cột 12: Phản ánh số đã cấp chưa quyết toán. Số liệu để ghi vào cột 12 được căn cứ vào số dư bên Nợ TK 021 “Vốn cấp hỗ trợ chờ quyết toán” (Chi tiết số vốn đã cấp chưa quyết toán);

- Cột 13: Phản ánh số vốn còn phải cấp. Căn cứ để ghi là số dư bên Nợ TK 020 “Vốn cấp hỗ trợ” (Chi tiết số vốn còn phải cấp).

3. Thuyết minh báo cáo tài chính – Mẫu số B09-VTF (Phụ lục số 04)

3.1. Bổ sung, sửa đổi một số nội dung tại khoản 3 “Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn” – mục V – “Thuyết minh báo cáo tài chính” – Mẫu số B09 – VTF như sau:

“3 – Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn

Chỉ tiêu

Cuối năm

Đầu năm

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

- Trái phiếu Chính phủ đầu tư ngắn hạn (Tổng số và chi tiết cho từng loại trái phiếu Chính phủ bị giảm giá)

-

-

-

-

- Tín phiếu Kho bạc đầu tư ngắn hạn (Tổng số và chi tiết cho từng loại tín phiếu Kho bạc bị giảm giá)

 

 

 

 

- Đầu tư ngắn hạn khác (Tổng số và chi tiết cho từng danh mục đầu tư)

 

-

 

-

3.2. Bỏ điểm 7 – mục V – Thuyết minh báo cáo tài chính: “Báo cáo tình hình cấp kinh phí hỗ trợ phát triển và duy trì dịch vụ viễn thông công ích” và thay bằng nội dung “Tình hình sử dụng kết quả hoạt động sau thuế thu nhập doanh nghiệp”:

Tình hình sử dụng kết quả hoạt động sau thuế thu nhập doanh nghiệp

Đơn vị tính:

Chỉ tiêu

Năm nay

Năm trước

Kỳ này

Lũy kế đến cuối kỳ này

Kỳ này

Lũy kế đến cuối kỳ này

A

1

2

3

4

1. Lợi nhuận chưa sử dụng năm trước chuyển sang

 

 

 

 

2. Lợi nhuận phát sinh năm báo cáo

 

 

 

 

3. Số lợi nhuận phân phối trong năm báo cáo:

 

 

 

 

- Trích quỹ Khen thưởng, phúc lợi

 

 

 

 

- Trích quỹ Đầu tư phát triển

 

 

 

 

- Trích quỹ khác

 

 

 

 

4. Lợi nhuận chưa sử dụng đến cuối năm báo cáo (4 = 1 + 2 – 3)

 

 

 

 

Điều 12. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện:

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011.

2. Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Giám đốc Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25884&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận