Văn bản pháp luật: Thông tư 204/2013/TT-BTC

Vũ Thị Mai
Công báo số 171+178, năm 2014
Thông tư 204/2013/TT-BTC
Thông tư
06/02/2014
24/12/2013

Tóm tắt nội dung

Quy định mức thu chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản

Tài chính
Thứ trưởng
2.013
Bộ Tài chính

Toàn văn

 

THÔNG TƯ

Quy định mức thu chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí,

lệ phí quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản

_________________

 

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản, như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam khi nộp hồ sơ đề nghị các cơ quan, đơn vị có chức năng thực hiện nghiệp vụ quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật thì phải nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

2. Cơ quan thu phí, lệ phí là cơ quan, đơn vị thực hiện các công việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản. Bao gồm:

a) Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản: Văn phòng Trung tâm, Trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm miền Đông Nam Bộ, Trung tâm miền Trung và Tây nguyên, Trung tâm miền Bắc;

b) Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 2. Mức thu phí, lệ phí

Mức thu phí, lệ phí trong công tác quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản thực hiện theo Biểu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Quản lý và sử dụng phí, lệ phí

Phí, lệ phí về công tác quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý và sử dụng như sau:

1. Về phí: Cơ quan thu được trích 90% trên tổng số tiền thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước để trang trải cho các nội dung chi theo quy định tại Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn. Số tiền còn lại (10%) nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, mục của Mục lục ngân sách nhà nước.

2. Về lệ phí: Cơ quan thu nộp 100% vào ngân sách nhà nước theo chương, mục của Mục lục ngân sách nhà nước.

3. Đối với cơ quan thu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này:

a) Định kỳ cuối quý, các đơn vị thu căn cứ vào số tiền phí được để lại chi theo quy định (90%) và dự toán chi được cấp có thẩm quyền phê duyệt (dự toán năm chia ra từng quý), nếu số tiền phí được để lại lớn hơn dự toán chi được phê duyệt thì phải nộp số chênh lệch vào tài khoản của Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản để điều hòa cho đơn vị thu khác (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này) không đủ nguồn thu theo quy định tại Thông tư này.

b) Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để điều hòa tiền phí trong công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản theo quy định giữa các cơ quan thu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này.

c) Tiền phí được trích để lại cho cơ quan thu theo quy định, trong năm nếu giảm thu thì sẽ giảm chi tương ứng; kết thúc năm nếu chưa chi hết thì chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

d) Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản lập dự toán thu chi hàng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp trên phê duyệt. Đồng thời, mở sổ hạch toán riêng và hàng năm phải quyết toán với cơ quan cấp trên.

4. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, sử dụng, kê khai, nộp phí, lệ phí và công khai chế độ thu phí, lệ phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 02 năm 2014.

2. Bãi bỏ Phụ lục 2 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 107/2012/TT-BTC ngày 28/6/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thủy sản.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=38003&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận