THÔNG TƯ
Hướng dẫn phương pháp tính toán các chỉ tiêu nợ nước ngoài
Căn cứ Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 1/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 231/2006/QĐ-TTg ngày 16/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể phương pháp tính toán các chỉ tiêu nợ nước ngoài như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn cụ thể phương pháp tính toán các chỉ tiêu nợ nước ngoài được quy định tại Điều 5 và Điều 6 Quyết định số 231/2006/QĐ-TTg ngày 16/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia.
2. Giải thích từ ngữ:
Các từ ngữ sử dụng trong Quyết định này có cùng ý nghĩa như đã được giải thích tại Quyết định số 231/2006/QĐ-TTg ngày 16/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng và quản lý hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia (sau đây gọi là Quyết định số 231/2006/QĐ-TTg).
Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a) "Hệ số chiết khấu để tính toán Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài" (Hệ số chiết khấu): là lãi suất thương mại tham chiếu (CIRR) kỳ hạn 6 tháng của đồng ngoại tệ tương ứng với mỗi khoản nợ do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố (trên trang web của tổ chức này) tại thời điểm tính toán. Trong trường hợp cần tính toán nhanh các chỉ tiêu nợ có thể sử dụng lãi suất CIRR của đồng USD làm đại diện, hoặc sử dụng hệ số chiết khấu do IMF áp dụng để tính toán Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài của Việt Nam và ghi chú rõ hệ số chiết khấu áp dụng
b) Thu ngân sách nhà nước (Thu NSNN): là tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (kể cả thu từ viện trợ không hoàn lại cho chương trình, dự án), được Quốc hội phê chuẩn; hoặc trong trường hợp Quốc hội chưa phê chuẩn, là số liệu do Bộ Tài chính báo cáo.
c) "Dự trữ ngoại hối nhà nước" (FR): là tài sản bằng ngoại hối thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp theo quy định của Quyết định số 231/2006/QĐ-TTg.
II. QUY ĐỊNH VỀ TÍNH TOÁN CHỈ TIÊU NỢ NƯỚC NGOÀI
1. Các chỉ tiêu chính được đánh giá, giám sát theo ngưỡng an toàn nợ:
a) Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài (PV FD):
Là tổng các nghĩa vụ trả nợ (gốc và lãi) trong tương lai của tổng số nợ nước ngoài hiện có được quy về thời điểm hiện tại áp dụng hệ số chiết khấu nêu tại Khoản 2 Mục I Thông tư này.
Công thức tính giá trị hiện tại của nợ nước ngoài (PV FD) như sau:
PV FD | bằng (=) | n | DSi |
∑ | ------------------------ |
i = 1 | (1 + r)i |
Trong đó:
- DSi là nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi) của năm thứ i
- r là hệ số chiết khấu để tính toán giá trị hiện tại của nợ nước ngoài
- n là số năm đưa vào tính toán
b) Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với GDP (PV FD/GDP) được tính tại thời điểm cuối mỗi năm như sau:
PV FD/GDP | bằng (=) | Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài cuối kỳ | x 100% |
GDP trong kỳ (năm) |
c) Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ (PV FD/EX ):
Chỉ tiêu này được tính như sau:
PV FD/EX | bằng (=) | Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài cuối kỳ | x 100% |
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ trong kỳ (năm) |
d) Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với thu ngân sách nhà nước (PV FD/Thu NSNN):
Chỉ tiêu này được tính như sau:
PV FD/Thu NSNN | bằng (=) | Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài cuối kỳ | x 100% |
Thu Ngân sách Nhà nước trong kỳ (năm) |
đ) Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm so với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ (DS/EX):
Chỉ tiêu này được tính như sau:
DS/EX | bằng (=) | Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm | x 100% |
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ trong kỳ (năm) |
e) Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm so với thu ngân sách nhà nước (DS/GR):
DS/GR | bằng (=) | Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm | x 100% |
Thu ngân sách nhà nước trong kỳ (năm) |
f) Dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng số nợ nước ngoài ngắn hạn (FR/STD):
Chỉ tiêu này được tính như sau:
FR/STD | bằng (=) | Dự trữ ngoại hối nhà nước cuối kỳ | x 100% |
Tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn cuối kỳ |
2. Nhóm chỉ tiêu nợ nước ngoài của Chính phủ và của khu vực công
a) Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài của khu vực công so với GDP (PV PD/GDP):
Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài của khu vực công là là tổng các nghĩa vụ trả nợ (gốc và lãi) trong tương lai của tổng số nợ nước ngoài hiện có của khu vực công được quy về thời điểm hiện tại áp dụng hệ số chiết khấu nêu tại điểm 2 Phần I Thông tư này.
Chỉ tiêu này được tính tại thời điểm cuối mỗi năm như sau:
PV PD/GDP | bằng (=) | Giá trị hiện tại của nợ nước ngoài của khu vực công cuối kỳ | x 100% |
GDP trong kỳ (năm) |
b) Nghĩa vụ trả nợ hàng năm của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (DS GD/GR):
Chỉ tiêu này được tính như sau:
DS GD/GR | bằng (=) | Nghĩa vụ trả nợ hàng năm (kể cả trả nợ trong nước) của Chính phủ | x 100% |
Thu ngân sách nhà nước (năm) |
c) Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (DSExt/GR):
Chỉ tiêu này được tính như sau:
DSExt/GR | bằng (=) | Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm của Chính phủ | x 100% |
Thu ngân sách nhà nước (năm) |
d) Nghĩa vụ nợ dự phòng so với thu ngân sách nhà nước (CL/GR):
Nghĩa vụ nợ dự phòng là số dư tại từng thời điểm của toàn bộ các khoản gốc, lãi và phí phải trả đối với các khoản vay của Chính phủ về cho vay lại và các khoản vay (kể cả vay trong nước) do Chính phủ bảo lãnh.
Chỉ tiêu này được tính như sau:
CL/GR | bằng (=) | Nghĩa vụ nợ dự phòng cuối kỳ (năm) của Chính phủ | x 100% |
Thu ngân sách nhà nước (năm) |
3. Tỷ giá quy đổi: Tỉ giá quy đổi giữa Đồng Việt Nam (VND) và Đô la Mỹ (USD) để tính toán các chỉ tiêu nợ nước ngoài là tỉ giá hạch toán và báo cáo thu chi ngoại tệ do Bộ Tài chính ban hành.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.