Văn bản pháp luật: Thông tư 21/2010/TT-BXD

Nguyễn Trần Nam
Toàn quốc
Công báo số 713+714
Thông tư 21/2010/TT-BXD
Thông tư
31/12/2010
16/11/2010

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng

Thứ trưởng
2.010
Bộ Xây dựng

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với

 sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng

 ___________________

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 67/2009/NĐ-CP ngày 03/8/2009 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Bộ Xây dựng hướng dẫn việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng.

Hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật.

2. Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật.

3. Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng bao gồm các loại sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo khoản 4 Điều 3 của Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa) trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, sử dụng trong công trình xây dựng có tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người và công trình xây dựng, cho môi trường xung quanh.

4. Tổ chức chứng nhận hợp quy là tổ chức thực hiện việc đánh giá, xác nhận sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 4. Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy

1. Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng là đối tượng áp dụng của các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật.

2. Hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy được thực hiện theo “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy” ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ và theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Chương II

CHỨNG NHẬN HỢP QUY

Điều 5. Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận hợp quy

1. Tổ chức chứng nhận hợp quy phải có chứng chỉ (còn hiệu lực) về hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001; phải có năng lực hoạt động chứng nhận sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật.

2. Đối với các tổ chức có phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (LAS-XD) được công nhận, năng lực thí nghiệm phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng thì được xem như có năng lực hoạt động chứng nhận theo Khoản 1 của Điều này.

3. Tổ chức chứng nhận phải có ít nhất 03 chuyên gia đánh giá thuộc biên chế chính thức (viên chức hoặc lao động ký hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn) của tổ chức, có trình độ đại học trở lên và chuyên môn phù hợp với hoạt động về chứng nhận sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng tương ứng, có kinh nghiệm công tác thuộc lĩnh vực này từ 03 năm trở lên.

Điều 6. Chỉ định và công bố các tổ chức chứng nhận hợp quy

1. Căn cứ sự đáp ứng các yêu cầu hệ thống quản lý và năng lực của các phòng thí nghiệm theo Điều 5 của Thông tư này, Bộ Xây dựng ra quyết định chỉ định các tổ chức chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

2. Công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và địa phương: Danh sách các tổ chức và các chuyên gia thuộc tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định; Danh sách các tổ chức và các chuyên gia thuộc tổ chức chứng nhận hợp quy đã bị xử lý vi phạm các quy định hiện hành về hoạt động chứng nhận hợp quy.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý

1. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng:

- Hướng dẫn hoạt động chứng nhận hợp quy; Tổ chức soát xét, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng;

- Kiểm tra, đánh giá năng lực và đề xuất Bộ Xây dựng ra quyết định chỉ định và công bố các tổ chức chứng nhận hợp quy; Theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động của các tổ chức chứng nhận hợp quy;

- Tổ chức xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

2. Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) là cơ quan đầu mối có trách nhiệm:

- Theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý các hoạt động đăng ký hợp quy của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Tổng hợp tình hình hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; Danh mục các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng đã được công bố hợp quy;

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

3. Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Tiếp nhận bản công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân đối với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng;

- Quản lý các hoạt động chứng nhận hợp quy theo quy định tại Thông tư này trên địa bàn địa phương; tổng hợp tình hình chứng nhận hợp quy, danh mục các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng đã được công bố hợp quy tại địa phương, gửi báo cáo về Bộ Xây dựng theo định kỳ 06 tháng/lần;

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trên địa bàn do mình quản lý.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời cho Bộ Xây dựng để nghiên cứu, điều chỉnh hoặc bổ sung./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25945&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận