Văn bản pháp luật: Thông tư 22/2002/TT-BTCCBCP

Đỗ Quang Trung
Toàn quốc
Công báo số 27, năm 2002
Thông tư 22/2002/TT-BTCCBCP
Thông tư
Hết hiệu lực một phần
23/04/2002
23/04/2002

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn việc xử lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp

Bộ trưởng (Trưởng ban)
2.002
Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

Toàn văn

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc xử lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp

_______________________________

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp pháp, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp. Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức và Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức. Sau khi thống nhất ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương. Ban Khoa giáo Trung ương và các cơ quan có liên quan, Ban tổ chức -  cán bộ Chính phủ hướng dẫn việc xử lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG

1. Cán bộ, công chức quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

2. Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, các cán bộ quản lý khác (bao gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng) và những người làm công tác gián tiếp trong các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; những người được cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước cử làm đại diện cho phần vốn Nhà nước góp trong các doanh nghiệp liên doanh. Sau đây gọi chung là cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước.

II. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Việc xử lý cán bộ công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nhằm mục đích để giáo dục, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật và giữ gìn trật tự kỷ cương trong quản lý hành chính Nhà nước.

2. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, sau khi được cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải xử lý theo quy định cuả Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đồng thời bị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật theo hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm xử lý nghiêm minh và kịp thời các trường hợp cán bộ công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Khi xử lý kỷ luật cán bộ công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ cần xem xét từng điều kiện cụ thể để bảo đảm sự công minh, đúng đắn.

III. VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ KHÔNG HỢP PHÁP BAO GỒM CÁC LOẠI SAU:

1. Văn bằng chứng chỉ đó làm giả;

2. Văn bằng, chứng chỉ đã bị sửa đối nội dung mà không được cơ quan cơ quan có thẩm quyền cho phép.

3. Văn bằng, chứng chỉ cấp phát cho những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hoặc cấp phát không đúng quy định về thủ tục hoặc thẩm quyền.

IV. CÁC HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM

1. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp ngoài việc bị thu hồi Văn bằng, chứng chỉ còn phải bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

1.1. Khiển trách;

1.2. Cảnh cáo;

1.3. Hạ bậc lương;

1.4. Hạ ngạch;

1.5. Cách chức;

1.6. Buộc thôi việc.

Đối với cán bộ do bầu cử quy định tại khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh Cán bộ, công chức thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét bãi nhiệm, kỷ luật theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

2. Các hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp được thực hiện như sau:

2.1. Hình thức khiển trách được áp dụng khi:

2.1.1. Cán bộ công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, đưa vào hồ sơ cá nhân xuất trình với cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan nhận hồ sơ khi phát hiện ra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước biết để xử lý kỷ luật.

2.1.2. Cán bộ, công chức, công chứng viên lần đầu mắc khuyết điểm do thiếu trách nhiệm trong việc xác nhận đã tạo ra Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

2.1.3. Cán bộ, công chức được giao quản lý hồ sơ, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đã cố ý gây trở ngaị cho quá trình thẩm tra, xác minh Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

2.2. Hình thức cảnh cáo được áp dụng khi:

2.2.1. Cán bộ công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước đã sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hoá, lý luận, nghiệp vụ hoặc thi nâng ngạch.

Cơ quan tổ chức xét tuyển, thi tuyển, thi nâng ngạch hoặc mở lớp đào tạo có trách nhiệm ra quyết định chỉ xét tuyển, thi tuyển, thi nâng ngạch hoặc đình chỉ học tập và thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước để xử lý kỷ luật.

2.2.2. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp đưa vào hồ sơ nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn để được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, kể cả trước đây chưa bị phát hiện và xử lý.

2.2.3. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước được giao quản lý hồ sơ, cấp phát văn bằng, chứng chỉ do thiếu trách nhiệm, làm sai lệch nội dung hồ sơ để cấp văn bằng chứng chỉ cho người không đủ điều kiện.

2.2.4. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước đã bị kỷ luật khiển trách do cấp phát, sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nhưng nay tái phạm.

2.2.5. Công chứng viên bị kỷ luật khiển trách trong công chứng văn bằng, chứng chỉ nay tái phạm trong việc xác nhận văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định của pháp luật.

Công chứng viên bị kỷ luật cảnh cáo do công chứng sai về văn bằng, chứng chỉ thì chuyển sang làm công việc khác do cơ quan bố trí.

2.2.6. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước có thẩm quyền xác nhận hồ sơ nhưng đã xác nhận không đúng với văn bản gốc của hồ sơ về văn bằng, chứng chỉ.

2.3. Hình thức hạ bậc lương được áp dụng khi:

2.3.1. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước bị phát hiện đã sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để xét nâng lương hoặc để đu điều kiện đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống chính trị, trường của đoàn thể, trường của cơ quan hành chính Nhà nước. Trường hợp người sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp đã được dự khóa học thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý theo quy chế đào tạo, thông báo (bằng văn bản) trả cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước về đơn vị trước kia cử đi học để cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi chung là cơ quan) xử lý kỷ luật.

2.3.2. Người có trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ, cấp phát văn bằng, chứng chỉ hoặc người có trách nhiệm công chứng xác nhận hồ sơ văn bằng chứng chỉ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo nhưng vẫn tái phạm; làm gia hoặc tự ý sửa chữa, bổ sung làm sai lệch hồ sơ để cấp có thẩm quyền cấp phát văn bằng chứng chỉ cho người không đủ điều kiện.

2.3.3. Cán bộ, công chức bị phát hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cấp phát văn bằng chứng chỉ trái với quy định của pháp luật.

2.3.4. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước đã bị xử lý tại điểm 2.2 mục 2 Phần IV của Thông tư này nếu tái phạm nhưng ở mức chưa nghiêm trọng.

2.3.5. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp đẻ dự kỳ thi nâng ngạch hoặc để xét nâng ngạch , nếu đã công bố kết quả dự thi nhưng chưa bổ nhiệm thì cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định công nhận kết quả; đồng thời bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương.

2.4. Hình thức hạ ngạch được áp dụng khi:

Cán bộ công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để dự kỳ thi nâng ngạch hoặc để xét nâng ngạch, nếu đã có quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi quyết định bổ nhiệm, đưa về ngạch, bậc lương cũ; đồng thời bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương.

Các trường hợp bị xử lý kỷ luật quy định tại điểm này trong thời gian ít nhất là 03 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật không được tham gia các kỳ thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.

2.5. Hình thức cách chức được áp dụng khi:

2.5.1. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước đã sử dụng văn bằng không hợp pháp đưa vào hồ sơ cá nhân để làm các thủ tục bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo.

2.5.2. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước đã cố ý lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tạo ra các văn bản chứng chỉ không hợp pháp hoặc ra quyết định cấp phát văn bằng chứng chỉ trái với quy định của pháp luật.

2.5.3. Khi có căn cứ rõ ràng, chứng minh cán bộ, công chức,cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được cấp Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, không đúng đối tượng được cấp phát.

2.6. Hình thức buộc thôi việc được áp dụng khi:

2.6.1. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước đã sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để có đủ điều kiện tham gia thi tuyển, xét tuyển và đã được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước từ sau khi Pháp lệnh Cán bộ, công chức có hiệu lực (sau ngày 01 tháng 5 năm 1998).

2.6.2. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước bị thu hồi văn bằng mà cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức xét thấy không còn đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sử dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ.

2.6.3. Những người cố ý lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giả, tự ý sửa chữa, bổ sung làm sai lệch văn bằng, chứng chỉ; ra quyết định cấp phát văn bằng không hợp pháp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước có hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà áp dụng một trong các hình thức kỷ luật quy định tại Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3.1. Làm công tác tuyển dụng, xét tuyển đào tạo đã cố tình để cho những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp được dự thi tuyển, xét tuyển, thi nâng ngạch và được đi đào tạo, bồi dưỡng.

3.2. Người có trách nhiệm trong cơ quan bao che cho cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước thuộc quyền quản lý sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

3.3. Xử lý cán bộ công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm trong việc cấp phát, sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp không đúng mức độ vi phạm.

3.4. Trù dập người tố cáo cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của mình về việc cấp phát, sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp.

3.5. Trực tiếp tham gia sản xuất, tiêu thụ hoặc môi giới tiêu thụ Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp hoặc sản xuất, tiêu thụ phôi bằng, phôi chứng chỉ.

4. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước đã cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nên tự giác báo cáo cơ quan về hành vi vi phạm hoặc kịp thời có việc làm khắc phục được hậu quả thì có thể xem xét giảm nhẹ mức độ xử lý kỷ luật.

Trường hợp cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước không tự giác khai báo với cơ quan về hành vi vi phạm của cá nhân trong việc cấp phát, sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp mà cố tình che dấu hoặc tiếp tục có những hành vi vi phạm thì sẽ bị xem xét để xử lý kỷ luật ở mức độ nặng hơn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Quá trình tiến hành xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức và Thông tư số 05/1999/TT-TCCP ngày 27/3/1999 của Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 97/1998/NĐ-CP.

2. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo tiến hành kiểm tra, thanh tra việc quản lý cấp phát, sử dụng các loại Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp trong xét tuyển, thi tuyển, thi nâng ngạch và đào tạo của cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước, kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm để xử lý kỷ luật. Đối tượng kiểm tra, thanh tra trước hết là:

2.1. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước được giới thiệu để ứng cử, bầu cử hoặc bổ nhiệm, đề bạt các chức vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị . xã hội, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước ở các cấp.

2.2. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước trong diện quy hoạch, đang học tập ở các trường, trong hệ thống giáo dục quốc dân, trường chính trị, trường của đoàn thể, trường của cơ quan hành chính Nhà nước.

2.3. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước tham gia xét tuyển, thi tuyển, thi nâng ngạch.

2.4. Cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm quản lý, cấp phát văn bằng chứng chỉ.

3. Để thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Thông tư này, các cơ quan cần thực hiện:

3.1. Các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo sơ bộ về việc tổ chức triển khai kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp về Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2002.

3.2. Đối với khối Đảng, đoàn thể báo cáo gửi về Ban tổ chức Trung ương, Uỷ ban kiểm tra Trung ương để tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban bí thư.

4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

5. Các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức trong doanh nghiệp Nhà nước và các phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm phổ biến rộng rãi Thông tư này cho cán bộ công chức, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước biết để thực hiện.

6. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=22197&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận