Văn bản pháp luật: Thông tư 24/TBXH

 
Công báo số 8/1984;
Thông tư 24/TBXH
Thông tư
01/04/1984
19/03/1984

Tóm tắt nội dung

Về việc thống nhất một số chế độ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ

 
1.984
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 24/TBXH NGÀY 19-3-1984
VỀ VIỆC THỐNG NHẤT MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

Sau khi đã thoả thuận với các Bộ Quốc phòng, Lao động, Tài chính và được thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đồng ý, Bộ Thương binh và xã hội qui định về việc thống nhất một số chế độ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ như sau.

1. Đối với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh:

a) Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh trong các thời kỳ kháng chiến và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, khi về hưu thì ngoài trợ cấp hưu trí, hàng tháng vẫn được hưởng trợ cấp thương tật như khi đang công tác.

b) Thương binh thời kỳ chống Pháp có hành động dũng cảm mà bị thương được hưởng trợ cấp ưu đãi như thương binh thời kỳ chống Mỹ có hành động dũng cảm theo qui định của điều 15, tiết 2, chương II Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân ban hành kèm theo Nghị định số 161-CP ngày 30-10-1964 của Hội đồng Chính phủ.

c) Những cán bộ xã không giữ chức vụ chủ chốt (hoặc không thoát ly gia đình nếu ở miền Nam), những dân công, lực lượng vận tải nhân dân và những công dân đã bị thương vì trực tiếp tham gia chiến đấu trong kháng chiến, thì cũng được xác nhận là người hưởng chính sách như thương binh, được trợ cấp thương tật hàng tháng và hưởng các chế độ ưu đãi khác như qui định ở điều 2 quyết định số 301-CP ngày 20-9-1980 của Hội đồng Chính phủ.

d) Dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương trong thời kỳ chống Pháp ở miền Bắc, được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng bằng mức trợ cấp của thương binh thời kỳ chống Pháp có cùng hạng thương tật như qui định ở điểm a, điều 1, Nghị định số 13-CP ngày 2-2-1962 của Hội đồng Chính phủ.

e) Mọi thương binh nặng và người hưởng chính sách như thương binh nặng thuộc diện phải có người phục vụ, về sinh sống ở gia đình, được trợ cấp vì cần người phục vụ là 100 đồng/tháng đối với hạng 8 (tiêu chuẩn 8 hạng), hạng đặc biệt (tiêu chuẩn 6 hạng) và 80 đồng/tháng đối với các hạng 7, 6 (tiêu chuẩn 8 hạng), hạng 1 (tiêu chuẩn 6 hạng).

2. Đối với bệnh binh:

Bệnh binh thời kỳ chống Pháp bị mất sức lao động từ 60% trở lên đang hưởng trợ cấp theo các Nghị định số 500-NĐ/LB ngày 12-11-1958 và số 523-TTg ngày 6-12-1958, được trợ cấp hàng tháng như mức qui định đối với quân nhân mất sức lao động thời kỳ chống Mỹ theo Quyết định số 21-HĐBT ngày 8-8-1981 của Hội đồng bộ trưởng (hiện nay là 50 đồng/tháng, đã gồm cả phụ cấp tạm thời theo Quyết định số 219-CP ngày 29-5-1981 và được phụ cấp theo Quyết định số 9-HĐBT ngày 19-1-1983, số 60-HĐBT ngày 15-6-1983).

3. Đối với gia đình liệt sĩ:

Gia đình các liệt sĩ hy sinh trước cách mạng tháng 8 năm 1945 ở miền Nam, gia đình các liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Pháp ở miền Bắc và gia đình các liệt sĩ là cán bộ xã không giữ chức vụ chủ chốt (hoặc không thoát ly gia đình nếu ở miền Nam), là dân công, lực lượng vận tải nhân dân hoặc là công dân hy sinh trong kháng chiến thì nay nếu còn thân nhân chủ yếu có đủ điều kiện cũng được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thống nhất như các gia đình liệt sĩ khác theo qui định hiện hành.

4. Điều khoản thi hành:

a) Những qui định trong Thông tư này được thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1984.

b) Kinh phí cho việc thống nhất các chế độ nói trong thông tư này vẫn thực hiện như hiện nay: ngân sách nào đang chi trả cho chế độ nào thì vẫn tiếp tục đài thọ cho chế độ đó.

c) Các Sở thương binh và xã hội cần có kế hoạch khẩn trương giải quyết cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ được hưởng đầy đủ và chính xác theo các qui định nói trong thông tư này.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=3430&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận