Thời gian qua việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông vận tải đường sắt đã có chuyển biến và đạt được một số kết quả. Nhưng từ sau Tết đến nay, tình hình trật tự an toàn trên các đoàn tầu khách lại đang xấu đi. Bọn lưu manh côn đồ, trộm cắp, trấn lột lại nổi lên. Nội quy đi tầu không được tôn trọng. Trong khi khả năng đầu máy, toa xe có hạn nhưng hành khách đi tầu lại đột xuất tăng lên quá đông, trong đó phần lớn lại là những người buôn bán lợi dụng đoàn tầu làm nơi hoạt động. Một số cá biệt cán bộ, công nhân viên đường sắt và trong các lực lượng bảo vệ đường sắt như công an, kiểm soát quân nhân... đã không giữ vững phẩm chất, cũng lợi dụng vị trí công tác để buôn bán, bao người, bao hàng.
Để thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định số 290-CT ngày 2-11-1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về công tác bảo vệ trật tự an toàn giao thông vận tải đường sắt, Bộ Giao thông vận tải quy định:
1- Hành khách đi tầu phải có vé đầy đủ mới được vào ga lên tầu. Từ nay đối với tầu khách thống nhất và tầu nhanh đình chỉ việc bán vé bổ sung trên tầu cho những hành khách không mua vé tại ga đi mà đã lên tầu, ai không có vé mà đã lên tầu thì sẽ bị phạt tiền theo thể lệ vận chuyển đường sắt và buộc phải xuống ga gần nhất tầu có đỗ, kể cả cán bộ, công nhân viên trong ngành đường sắt và các lực lượng khác không có nhiệm vụ làm việc trên đoàn tầu đó.
2- Trước mắt kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1984 trở đi, tầu khách thống nhất và tầu nhanh tập trung dành cho các đối tượng bộ đội, công an, cán bộ công nhân viên đi công tác, đi phép, học sinh các trường đại học, trung học chuyên nghiệp nghỉ hè và nhân dân có yêu cầu đi lại chính đáng sau mới đến các đối tượng khác. Việc bán vé ưu tiên vẫn áp dụng theo chế độ hiện hành Nhà nước đã quy định. Đối với thương binh tuyệt đối không được lợi dụng quyền ưu tiên để bao chỗ, bao người, bao hàng cho người khác.
3- Hành khách đi tầu dù đi tập thể hay đi lẻ, mỗi người chỉ được mang vào chỗ ngồi không quá 20 kilôgam hành lý như thể lệ vận tải đường sắt đã quy định. Nếu mang quá mức trên phải cân để mua cước tại ga đi, đối với tầu khách thống nhất, nhất thiết phải gửi trên toa hành lý theo đúng quy định của Tổng cục đường sắt. Hành khách nào cố ý vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền và buộc phải xuống ga gần nhất.
4- Việc sử dụng toa dành riêng, đoàn tầu dành riêng để chở cán bộ, bộ đội, đồng bào đi xây dựng kinh tế mới, v.v... phải thực hiện đúng như hợp đồng vận chuyển đã ký kết với Tổng cục đường sắt. Tuyệt đối không được lợi dụng toa xe đã hợp đồng, kể cả toa xe, hoặc chỗ xếp các bưu kiện để bao người, bao hàng lấy tiền và cấm phát hành các loại giấy tờ riêng thay vé đi tầu của đường sắt. Công an, cán bộ nhân viên ngành đường sắt có trách nhiệm kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như bắt bồi thường về kinh tế, buộc những người đi tầu không đúng đối tượng xuống ga gần nhất và báo cáo về cơ quan ký hợp đồng vận chuyển.
5- Hành khách đi tầu phải ngồi đúng chỗ của mình. Nghiêm cấm nằm, ngồi trên nóc toa, hoặc mắc võng trong toa; nhảy tầu, quẳng hàng hoá khi tầu đang chạy. Khi xảy ra những việc lộn xộn như hành hung, trấn lột, gây mất trật tự an toàn, hành khách phải kiên quyết lên án bọn xấu, ủng hộ mạnh mẽ cán bộ nhân viên đường sắt và các lực lượng giữ gìn trật tự trị an trên tầu, dưới ga làm tròn nhiệm vụ.
6- Ngành đường sắt phải nỗ lực phấn đấu bảo đảm chạy tầu đúng giờ và an toàn. Tuyệt đối không được dừng tầu ở những chỗ không quy định đỗ. Tổ chức tốt các dịch vụ ăn uống, phục vụ hành khách đi tầu trật tự, vệ sinh nhất là đối với tầu khách thống nhất. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, quân cảnh, dân quân tự vệ, quản lý thị trường ở địa phương có biện pháp kiên quyết ngăn chặn và xử lý thật nghiêm tư thương, hàng rong, hát rong vào ga, lên tầu để hoạt động phi pháp và buôn bán.
7- Cấm những người không có trách nhiệm đi trên các đoàn tầu hàng (kể cả toa trưởng tầu). Nếu vi phạm, trưởng tầu sẽ bị kỷ luật, người đi tầu hàng sẽ bị phạt tiền như trường hợp đi tầu khách trốn vé và buộc phải đưa xuống ga gần nhất tầu có đỗ. Nếu xảy ra tai nạn thì đường sắt không chịu trách nhiệm bồi thường.
8- Các cán bộ, nhân viên làm việc dưới ga, trên tầu, các lực lượng công an, quân cảnh, các nhân viên bưu vụ, quân bưu đi theo tầu làm nhiệm vụ, cần phải đề cao ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ hành khách, gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và nội quy đi tầu. Cấm lợi dụng phương tiện và vị trí công tác để bao người, bao hàng hoặc buôn bán.
9- Đề nghị Uỷ ban nhân dân các địa phương có đường sắt chạy qua phải chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định số 290-CT ngày 2-11-1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời có trách nhiệm tăng cường công tác giáo dục cán bộ, công nhân viên, nhân dân và nhất là thương binh chấp hành nghiêm chỉnh nội quy đi tầu và có thái độ xử lý nghiêm đối với các trường hợp ném đá làm vỡ kính và gây thương tích cho hành khách đi tầu đang chạy.
10- Các cơ quan tuyên truyền của Bộ và Tổng cục đường sắt có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, các ngành, các địa phương có liên quan tổ chức phổ biến rộng rãi Thông tư này trong cán bộ, bộ đội và nhân dân, trích những điểm cần thiết trong Quyết định số 290-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư này để niêm yết ở các ga và thường xuyên tuyên truyền phổ biến bằng các hình thức trên đài và trên báo chí.