Tại Điều 5 của Nghị định số 158-HĐBT ngày 17 tháng 12 năm 1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh của kế hoạch Nhà nước năm 1984 quy định:
"a) Quỹ vật tư, hàng hoá trung ương điều về địa phương để thực hiện nhiệm vụ thu mua, điều động hàng xuất khẩu, vận tải... cho trung ương do các Bộ, các ngành trực tiếp lập kế hoạch phân chia cho từng địa phương tương ứng với nhiệm vụ giao cho địa phương và gửi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để tổng hợp trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao địa phương cùng một lần với các kế hoạch khác, đồng thời thông báo cho các Bộ.
b) Các Bộ, Tổng cục có trách nhiệm đôn đốc thực hiện đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết, trực tiếp điều hành thực hiện kế hoạch. Các cơ quan cung ứng vật tư chỉ được cấp phát cho các địa phương tương ứng với khối lượng sản phẩm hàng hoá thực tế đã giao nộp trung ương theo sự xác nhận của Bộ được phân công quản lý thu mua hàng hoá đó".
Như vậy, những căn cứ để ký kết hợp đồng cung ứng vật tư để thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều là:
- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao cho các Bộ, địa phương về nhiệm vụ thu mua, điều động hàng xuất khẩu, vận tải... cho trung ương.
- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch phân bổ của các Bộ và địa phương (tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương) giao cho các tổ chức thu mua, và Uỷ ban Nhân dân huyện về nhiệm vụ thu mua và giao nộp sản phẩm.
- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch phân bố của Uỷ ban Nhân dân huyện giao cho các tổ chức thu mua và đơn vị sản xuất về thu mua và bán sản phẩm trong địa bàn huyện.
Ngoài ra, còn phải căn cứ vào chính sách giá cả, chính sách quản lý vật tư, quản lý thị trường, định mức kinh tế kỹ thuật, định mức vật tư hàng hoá cung ứng theo đầu tấn sản phẩm bán cho Nhà nước, v.v... để ký kết hợp đồng kinh tế đúng với nội dung tinh thần của Nghị định số 54-CP ngày 10 tháng 3 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và Nghị quyết số 187-HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng.
Các công ty cung ứng và thu mua vật tư, các trạm vật tư ở huyện có trách nhiệm giúp Uỷ ban Nhân dân huyện trong việc nắm nhu cầu vật tư cho sản xuất, nắm quỹ vật tư hàng hoá dành cho thu mua mà tỉnh giao cho huyện. Để tổng hợp nhu cầu vật tư cân đối xây dựng kế hoạch hàng năm.
Sau khi có chỉ tiêu kế hoạch của Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Uỷ ban Nhân dân huyện, các công ty vật tư tỉnh, thành phố (trung ương và địa phương); các công ty cung ứng và thu mua vật tư, các trạm vật tư huyện phải khẩn trương tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế bảo đảm cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và kế hoạch thu mua của Nhà nước.
Các tổ chức thu mua, cung ứng vật tư và người sản xuất căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ của Uỷ ban Nhân dân huyện để ký kết hợp đồng thu mua, bán sản phẩm và cung ứng vật tư dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Uỷ ban Nhân dân huyện.
1. Về ký kết hợp đồng:
Đại diện có thẩm quyền của các tổ chức thu mua ở huyện là người chủ trì việc tổ chức ký kết hợp đồng với đại diện có thẩm quyền của các hợp tác xã sản xuất, tập đoàn sản xuất, tổ đoàn kết sản xuất hoặc hợp tác xã mua bán xã, và đại diện có thẩm quyền của tổ chức cung ứng vật tư huyện.
Tuỳ tình hình cụ thể của từng nơi, có thể chọn một trong hai hình thức ký kết hợp đồng dưới đây:
a) Sau khi tổ chức thu mua ký xong các hợp đồng với người sản xuất, tổng hợp về nhu cầu vật tư cùng với kế hoạch phân bổ vật tư theo từng bản hợp đồng đã ký kết với người sản xuất. Trên cơ sở đó, tổ chức thu mua trực tiếp ký hợp đồng với tổ chức cung ứng vật tư, bảo đảm cung ứng vật tư phục vụ cho kế hoạch thu mua và giao nộp sản phẩm.
b) Tổ chức thu mua, tổ chức cung ứng vật tư, và người sản xuất cùng ký chung một bản hợp đồng (gồm thu mua sản phẩm và cung ứng vật tư) do phía tổ chức thu mua chủ trì việc khởi thảo và tổ chức ký kết hợp đồng.
- Thủ trưởng công ty cung ứng và thu mua vật tư cấp huyện là người đại diện cho tổ chức cung ứng vật tư ký kết hợp đồng với đại diện có thẩm quyền của các tổ chức thu mua của Nhà nước ở huyện và người sản xuất. Những nơi chưa có tổ chức công ty cung ứng và thu mua vật tư ở huyện, thủ trưởng các công ty vật tư cấp tỉnh, thành phố (trung ương và địa phương) có thể uỷ quyền cho trạm trưởng các trạm vật tư huyện trực thuộc ký hợp đồng kinh tế với đại diện có thẩm quyền của các tổ chức thu mua, và phía người sản xuất ở huyện.
- Những nơi chưa có tổ chức công ty cung ứng và thu mua vật tư ở huyện, và cũng chưa có trạm vật tư huyện thì thủ trưởng các công ty vật tư cấp tỉnh, thành phố (trung ương và địa phương) có trách nhiệm ký kết hợp đồng với đại diện có thẩm quyền của các tổ chức thu mua, và phía người sản xuất ở huyện.
- Dựa vào kết quả của việc ký kết hợp đồng với các tổ chức thu mua và phía người sản xuất, các công ty cung ứng và thu mua vật tư cấp huyện tổng hợp nhu cầu vật tư và tiến hành ký kết hợp đồng với các công ty vật tư cấp tỉnh, thành phố (trung ương và địa phương) trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao cho các ngành quản lý thu mua, và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố; Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phân bổ cho huyện; Uỷ ban Nhân dân huyện giao cho công ty cung ứng và thu mua vật tư, và các tổ chức kinh tế khác của Nhà nước ở huyện.
2. Nội dung của hợp đồng kinh tế:
Hợp đồng kinh tế hai chiều khác với hợp đồng mua bán vật tư kỹ thuật thông thường. Về nội dung và hình thức của một bản hợp đồng có những nét chung, nhưng cũng có nét riêng mang tính đặc thù của nó. Vì vậy, nội dung của một bản hợp đồng cung ứng vật tư kỹ thuật, phục vụ cho sản xuất và thu mua sản phẩm theo hợp đồng kinh tế hai chiều phải thể hiện đầy đủ nội dung các điều khoản chủ yếu sau đây:
1. Số lượng, quy cách, phẩm chất và trị giá vật tư cung ứng cho người sản xuất.
2. Số lượng, quy cách, phẩm chất và trị giá sản phẩm của người sản xuất bán cho tổ chức thu mua của Nhà nước. 3. Giá bán vật tư cho người sản xuất.
4. Giá bán sản phẩm của người sản xuất bán cho các tổ chức thu mua của Nhà nước.
5. Phương thức kiểm nghiệm vật tư kỹ thuật Nhà nước bán cho người sản xuất, và sản phẩm người sản xuất bán cho Nhà nước.
6. Thời gian, địa điểm và thể thức giao nhận vật tư.
7. Thời gian, địa điểm và thể thức giao nộp sản phẩm.
8. Thể thức thanh toán hợp đồng.
9. Tổng giá trị của hợp đồng.
10. Trách nhiệm vật chất của các bên ký kết hợp đồng.
11. Thời gian có hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng kinh tế hai chiều ký theo chỉ tiêu kế hoạch năm nhưng phải chia ra từng quý hoặc từng vụ. Vậy thời vụ bắt đầu từ ngày, tháng nào là tuỳ điều kiện thiên nhiên, mùa trồng trọt và thu hoạch, đánh bắt của từng địa phương. Hợp đồng phải ký ngay từ khi có chỉ tiêu kế hoạch, hoặc ký theo thời vụ. Khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thì các tổ chức thu mua, tổ chức cung ứng vật tư và phía người sản xuất phải cùng nhau bàn bạc để điều chỉnh, bổ sung hợp đồng cho phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao.
3. Phương thức thanh toán:
- Về nguyên tắc, người sản xuất nhận vật tư đến đâu phải trực tiếp thanh toán tiền hàng đến đấy với tổ chức cung ứng vật tư.
- Trường hợp tổ chức thu mua trực tiếp thanh toán tiền hàng với tổ chức cung ứng vật tư thì cũng phải bảo đảm nguyên tắc người sản xuất nhận vật tư đến đâu, tổ chức thu mua phải thanh toán ngay tiền hàng đến đó. Không được để kết thúc hợp đồng mới thanh toán tiền hàng một lần.
- Giá bán vật tư nhất thiết phải theo giá chỉ đạo của Nhà nước. Phải ghi rõ giá vật tư bán trong kế hoạch, và giá bán vật tư phần vượt kế hoạch, vượt hợp đồng.
- Thể thức thanh toán tiền hàng sau khi các bên bàn bạc thoả thuận phải ghi rõ trong hợp đồng, nhưng không được trái với thể thức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4. Thực hiện hợp đồng đã ký kết:
- Hàng năm, khi Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch, các Liên hiệp xí nghiệp, Tổng công ty phải nắm chắc quỹ vật tư giành cho thu mua của Nhà nước giao cho các địa phương, và ngành quản lý thu mua để cân đối lực lượng, và giao chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc. Các Liên hiệp, Tổng công ty có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai ký và thực hiện hợp đồng đã ký kết với các công ty cung ứng và thu mua vật tư cấp huyện để thực hiện tốt hợp đồng kinh tế hai chiều, bảo đảm kế hoạch thu mua của Nhà nước.
Các công ty vật tư cấp tỉnh (trung ương và địa phương) sau khi được cấp trên giao chỉ tiêu kế hoạch, và Uỷ ban Nhân dân tỉnh thông báo chỉ tiêu phân bổ cho các huyện phải khẩn trương triển khai ký kết hợp đồng cung ứng vật tư với các công ty cung ứng và thu mua vật tư cấp huyện. Trong hợp đồng phải ghi rõ phần vật tư cung ứng để thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều, làm cơ sở cho việc thanh toán tiền hàng và quyết toán vật tư.
Sau khi đã ký kết hợp đồng với các công ty cung ứng và thu mua vật tư cấp huyện. Các công ty vật tư các tỉnh phải tổng hợp nhu cầu để lên đơn hàng ký hợp đồng tạo nguồn, và có kế hoạch điều hàng về cho các công ty cung ứng và thu mua vật tư cấp huyện bảo đảm phục vụ kịp thời cho sản xuất, và thu mua theo hợp đồng đã ký kết.
- Các bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ, giúp đỡ nhau bảo đảm thực hiện đầy đủ các điều khoản đã thoả thuận và ghi trong hợp đồng. Các tổ chức thu mua của Nhà nước phải thường xuyên thông báo tình hình và kết quả thu mua sản phẩm cho tổ chức cung ứng vật tư. Các tổ chức cung ứng vật tư chỉ bán vật tư cho người sản xuất khi có sự xác nhận của các tổ chức thu mua. Các tổ chức thu mua của Nhà nước và tổ chức cung ứng vật tư phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về bảo đảm nguyên tắc chỉ được cung ứng vật tư cho địa phương tương ứng với khối lượng sản phẩm, hàng hoá thực tế đã giao nộp trung ương... và đúng tỷ suất trao đổi quy định của Nhà nước.
- Các công ty vật tư cấp tỉnh (trung ương và địa phương), các trạm vật tư huyện, các công ty cung ứng và thu mua vật tư cấp huyện, và các tổ chức thu mua của Nhà nước ở huyện có trách nhiệm hướng dẫn người sản xuất sử dụng vật tư vào đúng mục đích sản xuất, đúng định mức, đúng kỹ thuật, và giúp Uỷ ban Nhân dân huyện giám sát việc sử dụng vật tư ở các cơ sở sản xuất; tăng cường quản lý thị trường, chống dùng vật tư của Nhà nước vào việc mua đi bán lại, đổi chác, làm ăn phi pháp, v.v...