Thông tư THÔNG TƯ
Hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Căn cứ Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 14/6/1997 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm;
Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Theo Điều 1 của Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm, phạm vi áp dụng của Nghị định này là hoạt động bảo hiểm mang tính chất kinh doanh. Bảo hiểm y tế ban hành theo Nghị định số 299/HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Nghị định số 47/CP ngày 6/6/1994 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Điều lệ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 299/HĐBT và bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định số 100/CP và Nghị định số 74/CP.
2. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 100/CP và Nghị định số 74/CP là các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm tiến hành kinh doanh bảo hiểm trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Bộ Tài chính là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm muốn tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận).
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, xin cấp Giấy phép đầu tư (nếu là tổ chức nước ngoài) theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước nếu chưa được cấp Giấy chứng nhận và chưa được cấp đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư (nếu là tổ chức nước ngoài) thì không được phép tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
II. CÁC ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC XÉT CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN:
1. Giấy chứng nhận:
Giấy chứng nhận do Bộ Tài chính cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm là văn bản pháp lý xác nhận quyền tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm hợp pháp của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm.
Giấy chứng nhận là điều kiện tiên quyết để các cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập doanh nghiệp hoặc cấp Giấy phép đầu tư và đăng ký kinh doanh trong trường hợp hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận:
Giấy chứng nhận được cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm dựa trên các nguyên tắc sau:
Phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam;
Phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế quốc dân về loại hình bảo hiểm mà doanh nghiệp dự kiến kinh doanh;
Phù hợp với nhu cầu phát triển thêm số lượng các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm ở từng địa bàn;
Đảm bảo sự ổn định của thị trường bảo hiểm, không làm xáo trộn thị trường;
3. Điều kiện để được xét cấp Giấy chứng nhận:
Điều kiện để Bộ Tài chính xét cấp Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm được quy định cụ thể như sau:
3.1. Các điều kiện chung:
Có mục tiêu và lĩnh vực hoạt động kinh doanh bảo hiểm rõ ràng: nêu rõ phạm vi hoạt động, thời gian hoạt động, các loại nghiệp vụ dự kiến tiến hành;
Có số vốn điều lệ (không kể vốn vay) ít nhất bằng mức vốn pháp định tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp như quy định tại Điều 22 Nghị định số 100/CP;
Có hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp với quy định tại Điều 2 Nghị định số 100/CP;
Có trụ sở phù hợp với hoạt động kinh doanh: địa chỉ rõ ràng, đảm bảo tính hợp pháp của trụ sở;
Người điều hành có năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn về bảo hiểm, tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy của một trường đại học kinh tế và có thực tiễn quản lý kinh doanh hay quản lý Nhà nước ít nhất 3 năm;
Phù hợp với các nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận.
3.2. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm Nhà nước, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung quy định tại điểm 3.1 còn phải được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vào mục đích hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
3.3. Đối với công ty cổ phần, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung quy định tại điểm 3.1, các sáng lập viên thành lập công ty còn phải có xác nhận tính hợp pháp nguồn vốn góp của cơ quan có thẩm quyền .
3.4. Đối với công ty liên doanh, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung quy định tại điểm 3.1 còn phải có các điều kiện sau:
Các Bên dự định tham gia liên doanh phải là các tổ chức đang hoạt động hợp pháp ít nhất 3 năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ theo luật pháp hiện hành của nước nơi các tổ chức đó đóng trụ sở chính và được cơ quan tài chính hoặc kiểm toán hợp pháp tại nguyên xứ xác nhận tình hình tài chính lành mạnh và hiện đang hoạt động bình thường;
Các Bên dự định tham gia liên doanh không là các đối tác có quyền lợi đối lập nhau;
Í
t nhất một trong các Bên dự định tham gia liên doanh phải là tổ chức đang hoạt động kinh doanh bảo hiểm;Bên nước ngoài phải là tổ chức đã được phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam tối thiểu 3 năm, không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và có đóng góp tích cực cho sự phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam;
Lĩnh vực dự kiến liên doanh phải phù hợp với khả năng và kinh nghiệm của các Bên dự định tham gia liên doanh;
Nguồn vốn góp của đối tác trong nước phải được cấp có thẩm quyền xác nhận tính hợp pháp;
Có phương án đào tạo và ưu tiên sử dụng lao động người Việt Nam, kể cả ở các vị trí quản lý của công ty liên doanh;
3.5. Đối với chi nhánh của tổ chức bảo hiểm nước ngoài và công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung còn phải có các điều kiện:
Là tổ chức đang hoạt động hợp pháp ít nhất 5 năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ theo luật pháp hiện hành của nước nơi các tổ chức đó đóng trụ sở chính và được cơ quan tài chính hoặc kiểm toán hợp pháp tại nguyên xứ xác nhận tình hình tài chính lành mạnh và hiện đang hoạt động bình thường;
Là tổ chức đã được phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam tối thiểu 3 năm, không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và có đóng góp tích cực cho sự phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam;
Có phương án đào tạo và ưu tiên sử dụng lao động người Việt Nam, kể cả ở các vị trí quản lý của công ty;
4. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận:
4.1. Đối với doanh nghiệp Nhà nước:
Doanh nghiệp xin cấp Giấy chứng nhận phải nộp cho Bộ Tài chính một bộ hồ sơ là bản chính bằng tiếng Việt. Ngoài các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 100/CP, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận còn bao gồm:
Văn bản của cơ quan quyết định thành lập chấp thuận việc doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm;
Giải trình về nguồn vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
Tài liệu liên quan tới việc thuê, mua hoặc sử dụng trụ sở làm việc;
4.2. Đối với công ty cổ phần:
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận phải nộp cho Bộ Tài chính gồm một bộ bản chính bằng tiếng Việt. Ngoài các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 100/CP, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận còn bao gồm:
Biên bản họp ghi ý kiến tham gia của các cổ đông sáng lập về việc thành lập công ty cổ phần;
Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tính hợp pháp của nguồn vốn thành lập công ty;
Tài liệu liên quan tới việc thuê, mua hoặc sử dụng trụ sở làm việc;
4.3. Đối với công ty liên doanh:
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận phải nộp cho Bộ Tài chính gồm một bộ bản chính bằng tiếng Việt và một bộ bản chính bằng tiếng Anh. Ngoài các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 100/CP, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận còn bao gồm:
Văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép đối tác là Bên Việt Nam tham gia vào công ty liên doanh;
Giải trình về nguồn vốn góp của đối tác là Bên Việt Nam có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
Tài liệu liên quan tới việc thuê, mua hoặc sử dụng trụ sở làm việc của công ty liên doanh;
Các giấy tờ là bản sao phải có xác nhận hợp pháp của cơ quan công chứng nơi Bên tham gia liên doanh đóng trụ sở chính.
Các giấy tờ là bản dịch ra tiếng Việt phải có xác nhận hợp pháp của cơ quan công chứng Việt Nam hoặc tổ chức dịch thuật hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
4.4. Đối với chi nhánh của tổ chức bảo hiểm nước ngoài và công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài:
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận phải nộp cho Bộ Tài chính gồm một bộ bản chính bằng tiếng Việt và một bộ bản chính bằng tiếng Anh. Ngoài các giấy tờ theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 100/CP, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận còn bao gồm:
Giấy tờ liên quan tới việc thuê, mua hoặc sử dụng trụ sở làm việc của công ty tại Việt Nam;
Các giấy tờ là bản dịch hoặc bản sao phải có xác nhận hợp pháp của cơ quan công chứng nước nguyên xứ.
Các giấy tờ là bản dịch ra tiếng Việt phải có xác nhận hợp pháp của cơ quan công chứng Việt Nam hoặc tổ chức dịch thuật hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
5. Sau khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài chính sẽ xem xét cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn quy định tại Điều 21 Nghị định số 100/CP.
Nếu sau 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm chưa làm xong thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh hoặc chưa xin được Giấy phép đầu tư thì phải thông báo cho Bộ Tài chính biết lý do, thời gian dự kiến hoàn thành và xin gia hạn Giấy chứng nhận. Việc gia hạn Giấy chứng nhận chỉ được thực hiện một lần với thời gian tối đa là 6 tháng. Quá thời hạn trên, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải làm lại thủ tục xin cấp mới.
Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải nộp khoản lệ phí cấp Giấy chứng nhận bằng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ tương đương theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 100/CP. Khoản lệ phí này không bao gồm trong vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm quy định tại Điều 22 Nghị định số 100/CP.
Việc thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy chứng nhận thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 96 TC/CĐTC ngày 18 tháng 11 năm 1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, quản lý, sử dụng lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh bảo hiểm.
III. HOẠT ĐỘNG VÀ THAY ĐỔI NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM, TỔ CHỨC MÔI GIỚI BẢO HIỂM:
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải hoạt động đúng với các nội dung và phạm vi đã được quy định trong Giấy chứng nhận đã cấp.
Trường hợp muốn thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận đã cấp, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải có văn bản chính thức yêu cầu bổ sung, sửa đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận gửi Bộ Tài chính nêu rõ lý do, các nội dung yêu cầu bổ sung, sửa đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận. Mỗi lần sửa đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải nộp 10 triệu đồng lệ phí (hoặc ngoại tệ tương đương). Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Bộ Tài chính có trách nhiệm quyết định việc cho phép sửa đổi, bổ sung hoặc từ chối.
Trong thời gian chưa được Bộ Tài chính chấp thuận yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc cấp lại Giấy chứng nhận, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm không được tiến hành các hoạt động vượt quá nội dung và phạm vi cho phép của Giấy chứng nhận cũ.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ tiến hành bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm phi nhân thọ và tổ chức môi giới bảo hiểm không được thành lập quá một chi nhánh trong cùng một thành phố.
Khi xin phép thành lập chi nhánh (hoặc các hình thức tổ chức khác được phép hoạt động kinh doanh), doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải làm đơn gửi Bộ Tài chính kèm theo các tài liệu sau:
Bản đánh giá tình hình hoạt động, mức độ tăng trưởng về doanh thu của doanh nghiệp trong thời gian trước;
Điều tra nhu cầu bảo hiểm nơi doanh nghiệp xin phép thành lập chi nhánh;
Kế hoạch kinh doanh của chi nhánh trong 3 năm tới trong đó nêu rõ lĩnh vực, phạm vi dự kiến kinh doanh của chi nhánh, dự kiến doanh thu của chi nhánh;
Dự kiến nơi đặt trụ sở chi nhánh;
Dự kiến kế hoạch nhân sự, bao gồm cả cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ của chi nhánh;
Lý lịch, văn bằng, chứng chỉ của người điều hành chi nhánh.
3. Xin phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm mới:
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm có thể đề nghị Bộ Tài chính cho phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm mới ngoài các nghiệp vụ đã được quy định trong Giấy chứng nhận.
Khi xin phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm mới, doanh nghiệp bảo hiểm phải lập hồ sơ gửi Bộ Tài chính bao gồm các tài liệu sau:
Đơn xin triển khai nghiệp vụ bảo hiểm mới;
Điều tra nhu cầu của khách hàng đối với loại nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai;
Giải trình cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, điều kiện tài chính phục vụ cho việc triển khai nghiệp vụ mới;
Quy tắc, điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm của nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai;
Giải trình cơ sở tính phí, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ... của nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai;
Phương án kinh doanh trong 3 năm tới đối với loại nghiệp vụ dự kiến triển khai.
IV. QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM:
1. Kiểm tra:
Ngoài việc chịu sự kiểm tra của các cơ quan chức năng của Nhà nước theo pháp luật hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm còn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính về cách thức điều hành, khả năng thanh toán, tình hình quản lý tài sản, việc thực hiện điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính và việc chấp hành pháp luật hiện hành của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm. Việc kiểm tra của Bộ Tài chính không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm. Trong trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 10, Điều 1, Nghị định số 74/CP ngày 14 tháng 6 năm 1997 sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 100/CP ngày 18 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm.
2. Hạn chế, đình chỉ và thu hồi Giấy chứng nhận:
2.1. Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm có thể bị Bộ Tài chính hạn chế Giấy chứng nhận trong trường hợp sau:
Không thực hiện đúng điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã được Bộ tài chính phê chuẩn
2.2. Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm có thể bị Bộ Tài chính đình chỉ Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:
2.2.1. Vi phạm nghiêm trọng những quy định của luật pháp Việt Nam, Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993, Nghị định số 74/CP ngày 14/6/1997 trong hoạt động kinh doanh.
2.2.2. Khả năng tài chính không đủ để thực hiện các cam kết đối với người được bảo hiểm .
2.2.3. Tự ý đình chỉ hoạt động trong thời hạn Giấy chứng nhận còn hiệu lực.
2.3. Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm có thể bị Bộ Tài chính thu hồi Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:
2.3.1 Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận hoặc hết thời gian gia hạn được Bộ Tài chính cho phép mà không thực hiện đầy đủ các điều kiện để khai trương hoạt động hoặc không hoạt động.
2.3.2. Không thể tiếp tục đáp ứng các điều kiện khi cấp Giấy chứng nhận.
2.3.3. Giải thể, phá sản .
2.3.4. Hợp nhất.
2.3.5. Chia tách, bị sáp nhập dẫn tới việc doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm mất tư cách pháp nhân hoặc không thể tiếp tục đáp ứng các điều kiện khi cấp Giấy chứng nhận.
2.3.6. Ngoài các trường hợp nói trên, Giấy chứng nhận của chi nhánh của tổ chức bảo hiểm, môi giới bảo hiểm nước ngoài còn bị thu hồi khi tổ chức bảo hiểm, môi giới bảo hiểm nước ngoài bị rút giấy phép và chấm dứt hoạt động tại nguyên xứ.
2.4 Giấy chứng nhận có thể bị hạn chế, đình chỉ hay thu hồi đối với một hay nhiều loại nghiệp vụ hoặc tất cả các loại nghiệp vụ tuỳ theo mức độ vi phạm.
Trường hợp Giấy chứng nhận bị hạn chế, đình chỉ hay thu hồi đối với loại nghiệp vụ bảo hiểm nào thì doanh nghiệp bảo hiểm không được ký tiếp hợp đồng bảo hiểm mới đối với loại nghiệp vụ đó, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về các hợp đồng bảo hiểm đã ký trước đó.
Văn bản hạn chế, đình chỉ hay thu hồi Giấy chứng nhận của Bộ Tài chính sẽ gửi đến các cơ quan có liên quan để xử lý các bước tiếp theo đối với doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm.
3. Giải thể, phá sản, tách, sáp nhập, hợp nhất:
Khi giải thể, chấm dứt hoạt động, thanh lý, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải thành lập ngay ban thanh lý. Kể từ ngày được thành lập, ban thanh lý đại diện cho doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm trước các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc phân định trách nhiệm, xử lý tài sản của các bên hữu quan theo pháp luật hiện hành.
Việc giải quyết phá sản của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam thực hiện theo Luật phá sản doanh nghiệp đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 30/12/1993 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký thay thế Thông tư số 46 TC/CĐTC ngày 30/5/1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm.
Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, bổ sung, sửa đổi./.