THôNG TưTHÔNG TƯ
SỐ 3/TT-BNV (A18) NGÀY 17-5-1988 HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 48-CT NGÀY 26-2-1988
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC
CHO PHÉP CÔNG DÂN VIỆT NAM XUẤT CẢNH CÓ THỜI HẠN
ĐỂ GIẢI QUYẾT VIỆC RIÊNG
Ngày 26-2-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 48-CT về việc cho phép công dân Việt Nam xuất cảnh có thời hạn để giải quyết việc riêng. Căn cứ điều 8 của Quyết định nêu trên, Bộ Nội vụ giải thích, hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể và quy định việc thực hiện như sau:
I. NHỮNG NGƯỜI THUỘC DIỆN ĐƯỢC XÉT CHO XUẤT CẢNH (ĐIỀU 1)
1. Đi thăm thân nhân là vợ (chồng), con, cha, mẹ. Trường hợp cá biệt có thể được xét cho đi thăm thân nhân là anh, chị, em ruột (điểm 1):
- Quan hệ giữa cha, mẹ và con bao gồm cha, mẹ đẻ; cha mẹ nuôi có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương (kể cả cha mẹ của vợ hay của chồng).
- Trường hợp cá biệt được xét cho đi thăm anh, chị, em ruột ở nước ngoài đang bị ốm đau, bệnh tật nặng, không còn cha mẹ; cô, dì, chú, bác, cậu ruột ở nước ngoài cô đơn.
2. Đi chữa bệnh nếu được bệnh viện cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chứng nhận là điều kiện điều trị ở trong nước có nhiều khó khăn và có thân nhân ở nước ngoài bảo lãnh (điểm 2). Cụ thể là:
- Phải có giấy của bệnh viện tỉnh, thành phố, đặc khu trở lên xác nhận điều kiện điều trị ở trong nước có nhiều khó khăn (về chuyên môn, thuốc) hoặc phải có giấy xác nhận điều kiện hoàn cảnh nuôi dưỡng chăm sóc của gia đình có nhiều khó khăn của thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp (nếu ở trong biên chế), của Uỷ ban Nhân dân phường, xã, thị trấn nơi thường trú (nếu ở ngoài biên chế).
- Phải có giấy của thân nhân ở nước ngoài bảo lãnh (nhận nuôi dưỡng, chăm sóc) là vợ ( hoặc chồng), con, cha, mẹ, anh, chị, em ruột).
3. Đi nhận di sản thừa kế (điểm 3) là việc đi nhận các loại tài sản của người ở nước ngoài đã chết có di chúc hợp pháp hoặc thừa kế theo luật, phù hợp với pháp luật của nước sở tại.
4. Ra nước ngoài để giải quyết việc hôn nhân với người nước ngoài hoặc với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (điểm 4). Cụ thể là phải có giấy của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gọi để giải quyết các vấn đề về hôn nhân và gia đình, ly hôn, giải quyết tài sản, cấp dưỡng... hoặc đương sự xin đi để giải quyết vấn đề về kết hôn nếu phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam (năm 1986), và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam liên quan đến vấn đề này.
5. Đi học ở nước ngoài theo con đường tự lựa chọn về những ngành, nghề trong nước đang cần để tiếp thu ngành, nghề mới, kỹ thuật mới, nếu người xin đi học có năng khiếu, học giỏi, hạnh kiểm tốt, học xong sẽ trở về phục vụ Tổ quốc; có thân nhân ở nước ngoài bảo lãnh có thái độ chính trị tốt (điểm 5). Cụ thể là:
- Người xin đi học có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật trở lên, cam đoan học xong sẽ trở về phục vụ Tổ quốc.
- Thân nhân ở nước ngoài bảo lãnh là người có thái độ chính trị tốt, không có hành động chống lại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Trường hợp không có thân nhân bảo lãnh mà được Hội Việt kiều yêu nước ở nước ngoài bảo lãnh thì cũng được xem xét giải quyết.
Trường hợp đặc biệt chưa có đủ các điều kiện nêu trên mà có nguyện vọng chính đáng, cũng có thể được xét cho đi du học.
Đối với những người xin đi học đang là cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước thì thủ trưởng đơn vị, cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ đó cần xem xét cụ thể với tinh thần ủng hộ những anh em có triển vọng và có nguyện vọng chính đáng.
6. Đi đưa thân nhân xuất cảnh hoặc đón thân nhân nhập cảnh (điểm 6); trường hợp người thân là người già yếu, bệnh tật nặng hoặc trẻ em từ 15 tuổi trở xuống cần có người chăm sóc, giúp đỡ trên đường đi.
7. Đi đưa hài cốt của thân nhân ở nước ngoài hồi hương (điểm 7) phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc có giấy báo của cơ quan Đại diện Ngoại giao hay cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
8. Đi du lịch ở nước ngoài do cơ quan du lịch Việt Nam tổ chức (điểm 8). Cụ thể là những người xin đi du lịch ở nước ngoài do cơ quan du lịch Việt Nam phối hợp với cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương để giải quyết.
9. Đi để giải quyết các loại việc riêng khác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định.
Những trường hợp nêu trên nếu không vi phạm các điểm cấm quy định ở điều 2 Quyết định số 48-CT ngày 26-2-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì sẽ được xem xét giải quyết.
II. NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC XUẤT CẢNH (ĐIỀU 2)
1.
Ở điểm 1 quy định: "Những người đang phải chấp hành các quyết định của bản án hình sự, dân sự, các quyết định về xử phạt hành chính và những người đang bị truy cứu trách nhiệm về hình sự, dân sự, hành chính". Cụ thể như sau:- Những người đang phải chấp hành các hình phạt theo quyết định của toà án.
- Những người đang phải chấp hành các quyết định của toà án về vấn đề quan hệ nhân thân hoặc quan hệ tài sản.
- Những người đang bị tập trung lao động hoặc lao động bắt buộc và những trường hợp khác đang phải chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hành chính.
- Những người đang trong thời gian bị cơ quan pháp luật khởi tố hoặc truy tố.
- Những người đang là một bên đương sự (bị đơn) của một vụ kiện về quan hệ tài sản hoặc quan hệ nhân thân.
- Những người đang bị cơ quan Nhà nước xem xét, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của họ tuy hành vi đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm về dân sự, hành chính mà xin đến các nước có ký hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với nước ta thì vẫn có thể được xem xét giải quyết, nếu cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm về dân sự, hành chính đồng ý cho xuất cảnh.
2.
Ở điểm 4 quy định: "Những trường hợp khác vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia", như một số trường hợp sau đây:- Những người đang có liên quan đến việc bảo vệ bí mật quốc gia, gồm những người đang làm việc ở các bộ phận thiết yếu, cơ mật của các cơ quan của Đảng và Nhà nước; những người đang có trách nhiệm giữ, nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, công trình khoa học từ cấp Bộ trở lên có yêu cầu bí mật nếu việc xuất cảnh có thể dẫn tới việc mất bí mật quốc gia.
- Những người đang có hành vi phản cách mạng Việt Nam và những người đã tái phạm về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
- Những trường hợp đi thăm thân nhân là người xuất cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì trong thời gian 5 năm (kể từ khi thân nhân đó xuất cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép) sẽ không được giải quyết, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định.
III. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC ĐỐI VỚI NGƯỜI XIN XUẤT CẢNH
1. Thời hạn được ra nước ngoài:
Điều 3 quy định: "Thời hạn ra nước ngoài để giải quyết việc riêng (trừ trường hợp du học và chữa bệnh) không quá 3 tháng. Trường hợp đặc biệt sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài xem xét gia hạn". Cụ thể là:
Căn cứ vào yêu cầu của người xin xuất cảnh, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nội vụ sẽ cấp thị thực xuất nhập cảnh có giá trị thích hợp, nhưng không quá 3 tháng. Khi ở nước ngoài nếu có nhu cầu ở lại thêm thì phải đem hộ chiếu đến cơ quan Đại diện Ngoại giao hoặc cơ quan Lãnh sự của Việt Nam để xin phép.
Trường hợp xin đến nước không có cơ quan Đại diện Ngoại giao hoặc cơ quan Lãnh sự của Việt Nam mà có nhu cầu về thời gian quá 3 tháng thì phải xin phép ngay từ khi chưa xuất cảnh. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nội vụ sẽ xem xét để cấp thị thực xuất nhập cảnh có giá trị hơn 3 tháng, nhưng không quá 6 tháng. Nếu có nhu cầu đi tiếp sang nước khác thì cũng phải theo thủ tục như trên.
Riêng đối với trường hợp đi học hoặc đi chữa bệnh (điểm 2 và điểm 5 của điều 1) thì cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nội vụ sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để cấp thị thực xuất, nhập cảnh có gía trị thích hợp.
2. Thủ tục xin xuất cảnh:
a) Những người xin xuất cảnh có thời hạn để giải quyết việc riêng phải làm thủ tục tại cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương nơi thường trú (trừ trường hợp xin đi du lịch thì phải làm thủ tục với cơ quan du lịch Việt Nam) cụ thể như sau:
- Mỗi người (nếu là trẻ em thì tính từ đủ 14 tuổi trở lên) tự khai vào 2 bản đăng ký đi nước ngoài về việc riêng (theo mẫu in sẵn của cơ quan công an).
- Mỗi người nộp 6 ảnh mới chụp, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần.
- Nộp các loại giấy tờ, chứng nhận có liên quan theo quy định ở mục I Thông tư này.
- Riêng đối với những người đang là cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước thì trước hết phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ đó; nếu xin đi thăm thân nhân là nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh, người lao động ở nước ngoài có yêu cầu bức thiết cần người thân chăm nom vì tai nạn, ốm đau nặng thì phải có thêm giấy mời hoặc đồng ý của cơ quan chủ quản, của nước sở tại và xác nhận đề nghị của cơ quan Đại diện Ngoại giao của Việt Nam ở nước đó (điều 5); nơi không có cơ quan Đại diện Ngoại giao của Việt Nam thì có chứng nhận của cơ quan chính quyền của nước sở tại.
b) Cơ quan công an có thẩm quyền cần nhanh chóng giải quyết các thủ tục xuất cảnh, tránh mọi phiền hà. Không quá 15 ngày đối với những người xin đến các nước xã hội chủ nghĩa và không quá 30 ngày đối với những người xin đến các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa kể từ khi nhận được đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải trả lời kết quả cho người xin xuất cảnh. Trường hợp đặc biệt có thể lâu hơn, nhưng cũng không quá một tháng đối với người xin đến các nước xã hội chủ nghĩa và không quá hai tháng đối với người xin đến các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa.
Những người đã được cấp hộ chiếu có trách nhiệm đem hộ chiếu của mình đến cơ quan Đại diện Ngoại giao hoặc cơ quan Lãnh sự của nước mà mình xin đến đặt tại Việt Nam để xin phép nhập cảnh nước đó. Nếu nước đó chưa có cơ quan Đại diện Ngoại giao hoặc cơ quan Lãnh sự ở Việt Nam thì có thể thông qua Vụ lãnh sự của Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin phép nhập cảnh nước ngoài, hoặc thông qua thân nhân ở nước ngoài xin phép được cấp thị thực nhập cảnh ở một nước thứ 3, sau đó đem hộ chiếu đến cơ quan Đại diện Ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước thứ 3 đó tại Việt Nam xin phép quá cảnh nước đó.
Trường hợp người được cấp hộ chiếu không trực tiếp liên hệ với cơ quan nước ngoài ở Việt Nam để xin phép nhập cảnh nước đó được thì có thể thông qua cơ quan dịch vụ xuất, nhập cảnh giúp đỡ và phải trả một khoản tiền lệ phí cho cơ quan dịch vụ đó (sẽ có thông báo cụ thể của cơ quan dịch vụ xuất, nhập cảnh sau).
Người được cấp hộ chiếu phải nộp một khoản tiền lệ phí theo quy định của liên Bộ Tài chính - Nội vụ - Ngoại giao.
3. Thẩm quyền xét và cấp giấy xuất cảnh.
a) Công an cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn người xin xuất cảnh có thời hạn để giải quyết việc riêng làm đầy đủ thủ tục theo quy định và giải quyết theo quy định của Nhà nước và của Bộ Nội vụ, không được đặt ra các thủ tục khác với các thủ tục đã ghi trong Quyết định số 48-CT ngày 26-2-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư này.
Giám đốc Công an tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định và cấp hộ chiếu cho những trường hợp ở địa phương mình xin xuất cảnh đến các nước xã hội chủ nghĩa; trường hợp phức tạp thì báo cáo xin ý kiến quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
b) Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, quyết định những trường hợp xin xuất cảnh đến các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa và những trường hợp khác do Giám đốc Công an các địa phương báo cáo. Sau khi quyết định, Bộ Nội vụ sẽ thông báo cho công an các địa phương để cấp hộ chiếu (nếu được xuất cảnh) hoặc trả lời cho đương sự biết kết quả và lý do không cho xuất cảnh.
Thông tư này thay thế các quy định trước đây của Bộ Nội vụ về việc giải quyết cho người Việt Nam xuất cảnh có thời hạn để giải quyết việc riêng.