THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 203/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2006
của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định ngành nghề chuyên môn của công dân nữ
cần cho quân đội
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 21 tháng 12 năm 1990, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 06 năm 1994, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 14 tháng 06 năm 2005 và Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự;
Căn cứ Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 08 năm 1996;
Để triển khai thực hiện Quyết định số 203/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 08 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định ngành nghề chuyên môn của công dân nữ cần cho quân đội (sau đây gọi là Quyết định số 203/2006/QĐ-TTg), Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Công dân nữ có ngành nghề chuyên môn quy định tại Quyết định số 203/2006/QĐ-TTg, trong thời bình phải đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự và được gọi huấn luyện; nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì có thể được phục vụ tại ngũ.
Trong thời chiến, theo quyết định của Chính phủ công dân nữ được gọi nhập ngũ và đảm nhiệm công tác thích hợp.
2. Các cơ quan, tổ chức, địa phương có công dân nữ thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 có trách nhiệm đôn đốc và tạo điều kiện cho công dân nữ thực hiện nghĩa vụ của mình.
II. NGÀNH NGHỀ CHUYÊN MÔN CỦA CÔNG DÂN NỮ CẦN CHO QUÂN ĐỘI
Các ngành nghề chuyên môn của công dân nữ cần cho Quân đội được quy định tại Quyết định số 203/2006/QĐ-TTg như sau:
1. Trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ và tiến sỹ gồm 09 ngành nghề:
a) Công nghệ thông tin;
b) Điện tử, viễn thông;
c) Bác sỹ (đa khoa và chuyên khoa);
d) Dược sỹ;
đ) Điều dưỡng;
e) Tài chính - ngân hàng;
g) Kế toán;
h) Kỹ thuật mật mã;
i) Ngoại ngữ;
2. Trình độ trung cấp gồm 16 ngành nghề:
a) Công nghệ thông tin;
b) Điện tử, viễn thông;
c) Bưu chính;
d) Y sỹ (đa khoa và chuyên khoa);
đ) Kỹ thuật viên chính y;
e) Y tá trung cấp;
g) Dược sỹ;
h) Y học cổ truyền;
i) Điều dưỡng;
k) Dinh dưỡng và nấu ăn;
l) Tài chính - tín dụng;
m) Kế toán;
n) Kỹ thuật mật mã;
o) Can, vẽ bản đồ;
p) Văn thư, lưu trữ;
q) Xăng dầu.
3. Trình độ sơ cấp gồm 04 ngành nghề:
a) Đài trưởng, báo vụ (15 w trở lên);
b) Điều dưỡng;
c) Dược tá;
d) Can, vẽ bản đồ.
Trong các ngành nghề nói trên khi đăng ký, quản lý cần lưu ý một số điểm sau:
- Đối với ngoại ngữ tập trung đăng ký và quản lý công dân nữ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thuộc các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và các thứ tiếng của các nước Đông Nam Á.
- Các ngành nghề khác cần ghi rõ chuyên ngành đã học của công dân nữ. Ví dụ Bác sỹ: phải ghi rõ Bác sỹ đa khoa, Bác sỹ chuyên khoa nội, Bác sỹ chuyên khoa ngoại, Bác sỹ chuyên khoa mắt, Bác sỹ nha khoa v.v...
III. ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ ĐỐI VỚI CÔNG DÂN NỮ CÓ NGÀNH NGHỀ CHUYÊN MÔN CẦN CHO QUÂN ĐỘI
1. Đối với công dân nữ có ngành nghề chuyên môn cần cho quân đội:
- Công dân nữ từ đủ mười tám tuổi đến hết bốn mươi tuổi có ngành nghề chuyên môn theo quy định tại Quyết định số 203/2006/QĐ-TTg khi đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức hoặc cư trú tại các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) phải kê khai ngành nghề đã học của mình cho cơ quan, tổ chức hoặc xã đó biết. Những công dân đến làm việc hoặc cư trú đã lâu nhưng chưa kê khai, nếu còn trong độ tuổi trên phải tiến hành kê khai bổ sung.
- Khi có lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), công dân nữ có ngành nghề chuyên môn cần cho Quân đội phải đến Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cư trú để đăng ký nghĩa vụ quân sự. Khi đến đăng ký công dân nữ phải xuất trình lệnh gọi và bằng tốt nghiệp chuyên môn hoặc chứng chỉ chuyên môn.
- Sau khi đăng ký vào ngạch dự bị công dân nữ phải chấp hành các chế độ về đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký vắng mặt, đăng ký riêng, đăng ký giải ngạch theo quy định của Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự.
2. Đối với xấp xã, các cơ quan, tổ chức:
- Trong thời hạn mười ngày đầu tháng một hàng năm, Chủ tịch Ủy nhân dân cấp xã, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức báo cáo với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở, danh sách những công dân nữ từ đủ mười tám tuổi đến hết bốn mươi tuổi có ngành nghề chuyên môn cần cho Quân đội chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự.
- Khi có lệnh của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện gọi công dân nữ đi đăng ký nghĩa vụ quân sự, cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đôn đốc, tạo điều kiện cho công dân nữ đến Ban chỉ huy quân sự cấp huyện đăng ký đúng thời gian quy định. Khi công dân nữ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự và trở thành quân nhân dự bị thì Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm theo dõi, quản lý quân nhân dự bị đó theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Đối với Ban chỉ huy quân sự cấp huyện:
- Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện lập danh sách những công dân nữ đủ điều kiện đăng ký nghĩa vụ quân sự.
- Tháng tư hàng năm, căn cứ danh sách công dân nữ đủ điều kiện đăng ký nghĩa vụ quân sự đã lập, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phát lệnh gọi những công dân này đến Ban chỉ huy quân sự cấp huyện để đăng ký nghĩa vụ quân sự. Trừ những người quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự.
- Khi công dân nữ đến đăng ký, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện kiểm tra lệnh gọi, làm thủ tục đăng ký vào sổ và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký quân nhân dự bị cho những công dân nữ thuộc đối tượng nói trên. Hướng dẫn những công dân này về đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký vắng mặt, đăng ký riêng, đăng ký giải ngạch theo quy định của Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự.
- Giải ngạch dự bị cho những nữ quân nhân dự bị thuộc đối tượng đăng ký theo Quyết định 183/HĐBT ngày 02 tháng 11 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng nhưng không thuộc đối tượng đăng ký theo Quyết định số 203/2006/QĐ-TTg.
IV. SẮP XẾP NỮ QUÂN NHÂN DỰ BỊ VÀO CÁC ĐƠN VỊ DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN:
1. Căn cứ vào chỉ tiêu xây dựng các đơn vị dự bị động viên được giao và danh sách nữ quân nhân dự bị đã đăng ký được để sắp xếp vào các đơn vị dự bị động viên theo nguyên tắc sau:
- Sắp xếp người có chuyên môn phù hợp với chức danh biên chế, nếu thiếu thì sắp xếp người có chuyên môn tương ứng;
- Sắp xếp những nữ quân nhân dự bị có nơi cư trú gần nhau hoặc cùng nơi làm việc vào cùng một đơn vị.
2. Việc sắp xếp nữ quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:
- Sắp xếp vào các đơn vị bảo đảm chiến đấu trực thuộc các quân chủng, binh chủng, các đơn vị bộ đội địa phương một số nữ quân nhân dự bị nhóm A ở các vị trí thích hợp;
- Sắp xếp vào các đơn vị hậu cần, kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan quân sự địa phương, các cơ quan quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, cơ quan Bộ Quốc phòng; các nhà trường; các đơn vị chuyên môn dự bị do các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, một số nữ quân nhân dự bị nhóm A, nhóm B ở các vị trí thích hợp.
3. Nữ quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thì Ban chỉ huy quân sự cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi nữ quân nhân dự bị cư trú, thông báo cho cơ quan, tổ chức nơi nữ quân nhân dự bị làm việc để theo dõi và thông báo cho nữ quân nhân dự bị biết họ đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên.
V. HUẤN LUYỆN, DIỄN TẬP, KIỂM TRA SẴN SÀNG ĐỘNG VIÊN SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU:
1. Nữ quân nhân dự bị đã sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được tham gia huấn luyện diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiếu đấu theo chỉ tiêu, kế hoạch của đơn vị.
Nữ quân nhân dự bị chưa sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên có thể được gọi tập trung huấn luyện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Khi có lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, nữ quân nhân dự bị phải chấp hành nghiêm chỉnh lệnh gọi tập trung của cấp có thẩm quyền. Trong thời gian tập trung huấn luyện, nữa quân nhân dự bị chịu sự quản lý của các đơn vị quân đội và thực hiện các quy định theo điều lệnh quản lý bộ đội của Quân đội nhân dân Việt Nam.
VI. TRÁCH NHIỆM CỦA NỮ QUÂN NHÂN DỰ BỊ:
1. Ngoài trách nhiệm quy định tại khoản 1 Mục III, Mục V, nữ quân nhân dự bị còn có trách nhiệm chấp hành: quy định về kiểm tra sức khỏe; chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên; lệnh gọi nhập ngũ, lệnh huy động làm nhiệm vụ; những quy định khác của pháp luật về trách nhiệm của quân nhân dự bị.
2. Đối với nữ quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy trong đơn vị dự bị động viên ngoài việc thực hiện quy định trên còn có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người chỉ huy đơn vị dự bị động viên.
VII. CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NỮ QUÂN NHÂN DỰ BỊ:
1. Công dân nữ trong thời gian đi đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc kiểm tra sức khỏe được hưởng các chế độ sau:
- Nếu là cán bộ, công chức, công nhân đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được cơ sở nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có), tiền tàu xe và phụ cấp đi đường theo chế độ hiện hành.
- Các đối tượng khác được Ban chỉ huy quân sự cấp huyện cấp tiền tàu xe đi về, tiền ăn, ở trong những ngày chờ đăng ký hoặc kiểm tra sức khỏe theo chế độ hiện hành.
2. Nữ quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị theo quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.
3. Nữ quân nhân dự bị được gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 39/CP ngày 28 tháng 04 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và các văn bản hiện hành khác theo quy định của pháp luật.
4. Nữ quân nhân dự bị được huy động tăng cường cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có nhu cầu chiến đấu để bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà chưa đến mức phải động viên cục bộ (khoản 2 Điều 18 của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên) thì trong thời gian làm nhiệm vụ được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Mục II Thông tư số 2221/2000/TT-BQP ngày 09/08/2000 của Bộ trưởng BQP hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị được huy động đi làm nhiệm vụ bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà chưa đến mức phải động viên cục bộ.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các cơ quan có liên quan thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị Quân đội có trách nhiệm triển khai thực hiện.
Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cấp phản ánh về Bộ Quốc phòng để nghiên cứu giải quyết./.