CỦA BỘ NỘI VỤ (CỤC QUẢN LÝ NHÀ ĐẤT) SỐ 33/NV NGÀY 2 THÁNG 12 NĂM 1964 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 99/TTG-TW NGÀY 26-10-1964 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHO CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP VÀ CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI MUA NHÀ TƯ NHÂN
Kính gửi:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
- Các đoàn thể Trung ương.
- Các U.B.H.C. khu, thành phố, tỉnh.
- Các Sở, Phòng quản lý nhà, đất thành phố, tỉnh, thị xã.
Trước nhu cầu công tác và sản xuất, nhiều cơ quan, xí nghiệp Nhà nước và các tổ chức xã hội đang gặp khó khăn về nhà cửa, nên lẻ tẻ đã có những cơ quan, xí nghiệp mua nhà của tư nhân để sử dụng; trong đó có cơ quan mua nhà không xin phép, không đăng ký trước bạ, có cơ quan lại lấy danh nghĩa cá nhân cán bộ đứng ra mua và đăng ký sang tên. Đối với tư nhân có nhà, việc liên hệ mua nhà của các cơ quan, xí nghiệp trong thời gian gần đây càng gây cho họ có tâm lý muốn bán nhà, rồi bản thân họ lại đi mua hoặc thuê nhà khác để ở. Đây là một vấn đề có ảnh hưởng không lợi đến chính sách nhà cửa lâu dài của Đảng và Nhà nước.
Để uốn nắn tình hình trên, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 99/TTg-TW ngày 26-10-1964 nói rõ chủ trương về việc cơ quan, xí nghiệp mua nhà của tư nhân và giao trách nhiệm cho Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện.
Vì vậy, sau khi đã thoả thuận với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ ra Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện như sau:
I- NGUYÊN TẮC VÀ CHỦ TRƯƠNG CHUNG
1. Các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước và các tổ chức xã hội được Nhà nước trợ cấp không được mua nhà của dân, bất kể mua bằng nguồn vốn nào (vốn Nhà nước cấp, vốn quỹ xí nghiệp, vốn địa phương v.v...) Cơ quan, xí nghiệp nào thiếu nhà ở, nhà làm việc, nhà sản xuất v.v... cần chú ý giải quyết bằng biện pháp xây dựng mới; như vậy vừa tăng thêm diện tích nhà cửa ở thành phố, thị xã, vừa có nhà thích hợp với mục đích sử dụng và không ảnh hưởng đến nhà ở của nhân dân.
2. Trường hợp thật đặc biệt, cơ quan, xí nghiệp nào (không kể là cơ quan, xí nghiệp Trung ương hay địa phương) quá khó khăn về nhà cửa, không có nhà để làm việc, để sản xuất, kinh doanh mà cần mua nhà đều phải đề nghị Bộ Nội vụ xét và quyết định.
3. Các tổ chức tài vụ, kế toán, các cơ quan Tài chính và Ngân hàng không được xuất tiên quỹ để trả tiền mua nhà, nếu không có quyết định của Bộ Nội vụ như Chỉ thị số 99/TTg-TW ngày 26-10-1964 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định.
II- TRƯỜNG HỢP THẬT ĐẶC BIỆT ĐƯỢC MUA NHÀ
Các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước và các tổ chức xã hội được Nhà nước trợ cấp, xin mua nhà chỉ được Bộ Nội vụ xét cho mua trong những trường hợp sau đây:
- Không có nhà để làm việc hành chính sự nghiệp, làm nơi sản xuất, kinh doanh trong khi nhu cầu công tác và sản xuất cấp bách đòi hỏi không thể trì hoãn được và không có khả năng nhà cửa để điều chỉnh trong phạm vi nội bộ.
- Tiền mua nhà phải là vốn kiến thiết cơ bản do Nhà nước cấp, được ghi trong kế hoạch và do Ngân hàng kiến thiết Bộ Tài chính quản lý.
- Chỉ được mua nhà để làm việc, để làm nơi sản xuất, kinh doanh, không được mua nhà để ở.
- Chủ nhà định bán phải đảm bảo có nơi khác để ở sau khi bán nhà, chứ không được đi thuê lại nhà của Nhà nước.
- Nếu là nhà cho thuê phải được cơ quan quản lý nhà, đất xét có điều kiện di chuyển được các hộ thuê nhà đi nơi khác.
III- VỀ THỦ TỤC, GIÁ CẢ VÀ PHƯƠNG THỨC TRẢ TIỀN
1. Về thủ tục:
Công văn đề nghị xin mua nhà của cơ quan, xí nghiệp Trung ương phải do chính Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp ký, của các cơ quan địa phương phải do Uỷ ban hành chính ký và gửi lên Bộ Nội vụ để xét duyệt, kèm theo hồ sơ bao gồm: đơn xin bán nhà của chủ nhà và văn tự, bản đồ (nếu có) hoặc tờ khai chi tiết về diện tích theo mẫu hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà, đất sở tại.
Sau khi có quyết định của Bộ Nội vụ, việc bán nhà mới được đăng ký sang tên ở cơ quan nhà, đất theo thể lệ hiện hành.
2. Về giá cả: Các cơ quan, xí nghiệp xin mua nhà phải đề nghị với cơ quan quản lý nhà, đất sở tại dự kiến cho một giá mua thích hợp ở địa phương để Bộ nội vụ có căn cứ quyết định chính thức.
Cơ quan quản lý nhà, đất địa phương cần thành lập một hội đồng để dự kiến giá mua nhà gồm đại diện các cơ quan: Quản lý nhà, đất, Kiến trúc, Tài chính và Chi hàng kiến thiết, do đại diện cơ quan quản lý nhà đất chủ trì.
3. Về phương thức trả tiền:
Tiền mua nhà của các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội trả cho chủ nhà nhất thiết phải trả qua Ngân hàng và phải theo thể thức quản lý tiền mặt của nhà nước.
Các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội được thanh toán tiền mua nhà bằng một hay nhiều lần, nếu đại bộ phận các khoản chi trả không bằng tiền mặt trong những trường hợp chủ nhà mua nguyên vật liệu để xây dựng nhà mới, sửa chữa nhà cũ hoặc để dùng vào công việc sản xuất kinh doanh có lợi cho công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá...
Nếu chủ nhà xin nhận tiền để tiêu dùng hay mua lại nhà người khác để ở thì cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hộ phải thực hiện việc trả dần, để khỏi ảnh hưởng đến việc quản lý tiền mặt ở thị truờng.
Khi mua nhà, các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội cần ghi rõ điểm này trên hợp đồng mua nhà để thuận tiện cho việc thanh toán của Ngân hàng sau này với chủ nhà.
Đối với trưòng hợp các cơ quan, xí nghiệp đã mua nhà trước đây mà chưa đăng ký sang tên, thì nay phải làm đủ thủ tục khai báo tại cơ quan quản lý nhà, đất sở tại để cơ quan quản lý nhà, đất thực hiện việc giám đốc của Nhà nước đối với việc mua nhà nói trên.