Văn bản pháp luật: Thông tư 36/GD-TT

 
Sách-Nhà xuất bản Giáo dục;
Thông tư 36/GD-TT
Thông tư
...
29/12/1976

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn xếp lương cho giáo viên phổ thông, công nhân, viên chức mới giải phóng được tuyển dụng chính thức

 
1.976
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 36/GD-TT NGÀY 29-12-1976 HƯỚNG DẪN
XẾP LƯƠNG CHO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG, CÔNG NHÂN,
VIÊN CHỨC MỚI GIẢI PHÓNG ĐƯỢC TUYỂN DỤNG CHÍNH THỨC

Thi hành Quyết định số 87-TTg-B ngày 20-8-1976 và Quyết định số 435-TTg ngày 30-10-1976 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Thông tư liên Bộ Giáo dục - Nội vụ số 10/TT-LB ngày 09-9-1976 và Thông tư số 20/TT-LB ngày 08-11-1976 của Bộ Lao động về việc tuyển dụng và trả lương cho công nhân, viên chức mới được giải phóng đang làm việc ở các cơ quan hành chính sự nghiệp ở miền Nam.

Bộ Giáo dục hướng dẫn xếp lương cho giáo viên phổ thông và công nhân, viên chức mới giải phóng được tuyển dụng chính thức đang công tác trong ngành giáo dục tại các tỉnh, thành phố và các cơ sở trường học ở phía Nam trực thuộc Bộ Giáo dục như sau

:

A- NGUYÊN TẮC XẾP LƯƠNG

1. Sử dụng các bảng lương và vận dụng các quy định về xếp lương hiện hành cho giáo viên và công nhân, viên chức mới giải phóng được tuyển dụng chính thức.

2. Việc xếp lương phải căn cứ vào ngành nghề đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thể hiện trên kết quả công tác đạt được qua việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Bảo đảm sự hướng dẫn thống nhất của Bộ, năm vững và thực hiện thống nhất chế độ xếp lương đã quy định; thực hiện đúng đắn trách nhiệm và quyền hạn được phân cấp.

 

B- ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XẾP LƯƠNG

I- ĐỐI TƯỢNG XẾP LƯƠNG

Giáo viên phổ thông các cấp và công nhân viên chức mới giải phóng đã được tuyển dụng chính thức theo quyết định số 87-TTg-B ngày 20-8-1976 và quyết định số 435/TTg ngày 30-10-1976 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư hướng dẫn số 10-TT-LB ngày 9-9-1976 của Liên Bộ Giáo dục - Nội vụ và Thông tư số 20/TT-LB ngày 8-11-1976 của Bộ Lao động.

II- TIÊU CHUẨN XẾP LƯƠNG

Việc xếp lương cho giáo viên và công nhân viên chức mới giải phóng được tuyển dụng phải theo những tiêu chuẩn chung:

- Tinh thần thái độ công tác, ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật.

- Ngành nghề đào tạo, khả năng công tác, khả năng giảng dạy và nhiệm vụ được giao.

- Kết quả giảng dạy và công tác từ khi được sử dụng đến nay.

Tiêu chuẩn cụ thể đối với giáo viên từng cấp và công nhân viên chức như sau:

1. Giáo viên cấp III:

a) Được công nhận giáo viên cấp III, những người có đủ điều kiện sau:

- Về nhiệm vụ: Được phân công chính thức dạy ở các lớp cấp III (lớp 10, 11, 12) và có trình độ dạy cấp III. Trường hợp được phân công dạy cả cấp II-III thì số giờ dạy cấp III phải là chủ yếu.

- Về trình độ và văn bằng: Có 1 trong những văn bằng đại học sau:

- Đã tốt nghiệp ngành "giáo sư đệ nhị cấp" tại các trường Đại học sư phạm.

- Có bằng cử nhân giáo khoa (khoa học hay văn khoa) hay 1 văn bằng cử nhân khoa học ứng dụng khác. (Ví dụ: Cử nhân khoa học ứng dụng ban Sinh hoá được tuyển dụng để dạy sinh vật).

- Những người có bằng cử nhân tự do, đã kinh qua giảng dạy nhiều năm ở các lớp cấp III các trường công lập hoặc tư thục, hay được công nhận đủ trình độ dạy cấp III.

b) Tiêu chuẩn xếp bậc:

Những giáo viên được tuyển dụng và công nhận giáo viên cấp III chính thức (đủ điều kiện quy định tại điểm 1a trên) được xét xếp các bậc lương trong bảng lương giáo viên cấp III (bậc khởi điểm: 55đ - 60đ, bậc 1: 65đ, bậc 2: 75đ, bậc 3: 85 đ, bậc 4: 100đ, bậc 5: 115đ).

Bậc lương 55đ: Những người có bằng cử nhân tự do, đủ trình độ dạy cấp III.

Bậc lương 60đ: Những người đã tốt nghiệp "ngành giáo sư đệ nhị cấp" tại các trường đại học sư phạm và những người có bằng cử nhân giáo khoa, cử nhân khoa học ứng dụng.

Bậc lương 65đ: Những giáo viên cấp III, đủ trình độ và văn bằng quy định tại điểm 1a trên, có ý thức tổ chức kỹ luật, tích cực công tác.

Những bậc trên tiếp theo: (75đ - 85đ-100đ-115đ).

Giáo viên cấp III được xếp vào các bậc trên tiếp theo phải là những giáo viên hăng hái nhiệt tình công tác, có ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cao, và có kinh nghiệm giảng dạy.

c) Những giáo viên chưa đủ điều kiện văn bằng và trình độ quy định dạy cấp III, do yêu cầu được tạm thời cử dạy cấp III thì xếp lương giáo viên cấp II (nói tại điểm 2a sau) và trước mắt được hưởng phụ cấp dạy kê quy định tại Quyết định số 708/QĐ ngày 10-9-1962 của Bộ Giáo dục.

2. Giáo viên cấp II:

a) Được công nhận giáo viên cấp II, những người có đủ điều kiện sau:

- Về nhiệm vụ: Được phân công chính thức dạy ở các lớp cấp II (lớp 6, 7, 8, 9).

- Về trình độ và văn bằng: Có 1 trong những văn bằng trung học sư phạm như sau:

1. Tốt nghiệp ngành "trung học đệ nhất cấp" Đại học sư phạm công lập, hoặc Ban "trung học đệ nhất cấp" Đại học sư phạm tư thục với điều kiện tuyển học là tú tài 2 và 2 năm học.

2. Có văn bằng tú tài 2 và 2 năm 2 phạm trung cấp.

3. Có văn bằng tú tài 2 và bằng khả năng sư phạm trung cấp.

4. Có văn bằng tú tài 2 và 2 chứng chỉ đại học trở lên, trong đó có 1 chứng chỉ đại học phải phục vụ được cho yêu cầu bộ môn đang giảng dạy kể cả ngoại ngữ Anh, Pháp.

5. Có văn bằng tú tài 2, nhưng trước đây vì hoàn cảnh nào đó không qua lớp đào tạo sư phạm, nhưng đã kinh qua giảng dạy ở các lớp cấp II công lập hoặc tư thục, nay có đủ trình độ dạy cấp II.

b) Tiêu chuẩn xếp bậc.

Những giáo viên được tuyển dụng và công nhận giáo viên cấp II chính thức (đủ điều kiện quy định tại điểm 2a trên) được xét xếp các bậc lương trong bảng lương giáo viên cấp II. (Bậc khởi điểm: 45đ, bậc 1: 50đ, bậc 2: 58đ, bậc 3: 68đ, bậc 4: 78đ, bậc 5: 88đ).

Bậc lương 45đ: Những giáo viên có bằng tú tài 2 không qua lớp sư phạm (nói ở điểm 5-2a văn bằng), đủ trình độ dạy cấp II.

Bậc lương 50đ: Những giáo viên có điều kiện trình độ văn bằng quy định (ở mục 1, 2, 3, 4 - 2a văn bằng) có ý thức tổ chức kỷ luật, tích cực công tác.

Những bậc trên tiếp theo: (58đ, 68đ, 78đ, 88đ).

Giáo viên cấp II được xếp vào các bậc trên tiếp theo (58đ, 68đ, 78đ, 88đ) phải là những giáo viên hăng hái nhiệt tình công tác, có ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cao, và có kinh nghiệm giảng dạy.

c) Những giáo viên chưa đủ điều kiện văn bằng dạy cấp II, do yêu cầu được tạm thời cử dạy cấp II thì xếp lương giáo viên cấp I (nói tại điểm 3 sau) và trước mắt được hưởng phụ cấp dạy kê quy định tại quyết định số 708/QĐ, ngày 10-9-1962 của Bộ Giáo dục.

Riêng giáo học cấp bổ túc có bằng tú tài 2 (hoặc tú tài 1) đã tốt nghiệp "trường Quốc gia sư phạm" hệ 2 năm, nếu được cử dạy cấp II thì xếp vào bậc lương 50đ không có phụ cấp dạy kê.

3. Giáo viên cấp I:

Được công nhận giáo viên cấp I những giáo viên các "ngạch" sau đây được tuyển dụng dạy cấp I:

- Giáo học cấp bổ túc,

- Giáo viên tiểu học,

- Giáo viên sơ cấp, giáo viên công nhật ngoại ngạch hàng Bộ Giáo dục, B2, giáo viên ấp, giáo viên tư thục công lập hoá có bằng "trung học đệ nhất cấp" trở lên.

- Và giáo viên chưa có trình độ "trung học đệ nhất cấp" hiện nay dạy các lớp 1, 2, 3...

b) Tiêu chuẩn xếp bậc:

Những giáo viên được tuyển dụng và công nhận giáo viên cấp I được xếp bậc như sau:

- Giáo viên cấp I trình độ sơ cấp xếp các bậc: 40đ, 47 đ, 54đ, 62đ, 72đ.

- Giáo viên cấp I trình độ trung cấp xếp các bậc: 45đ, 50đ, 58đ, 68đ, 78đ, 88đ.

- Giáo viên cấp I chưa có trình độ "trung học đệ nhất cấp" xếp vào bảng lương: 36đ, 41đ, 47đ, 53đ, 60đ.

Cụ thể:

1. Xếp bậc lương giáo viên cấp I có trình độ sơ cấp:

Bậc lương 40đ: Những giáo viên cấp I có bằng trung học đệ nhất cấp và tú tài 1.

Bậc lương 47đ: Những giáo viên cấp I có bằng trung học đệ nhất cấp và tú tài 1, có ý thức tổ chức kỷ luật, tích cực công tác, bảo đảm giảng dạy được chương trình toàn cấp I.

Các bậc trên tiếp theo: (54đ, 62đ, 72đ).

Giáo viên cấp I có bằng trung học đệ nhất cấp và tú tài 1 dược xếp vào các bậc này phải là những người hăng hái nhiệt tình công tác, có ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cao và có kinh nghiệm giảng dạy.

2. Xếp bậc lương giáo viên cấp I có trình độ trung cấp.

Bậc lương 45đ: Giáo viên cấp I có trình độ:

- Tú tài 2, hoặc tú tài 1 học sư phạm cấp tốc

- Tú tài 1 và 1 năm học sư phạm (9 tháng)

- Giáo viên thi trượt sư phạm "đào tạo giáo học cấp bổ túc" mà điều kiện tuyển sinh là tú tài 2 vào học 2 năm.

Bậc lương 50đ: Giáo viên cấp I có bằng tú tài 2 (hoặc tú tài 1) đã tốt nghiệp trường "Quốc gia sư phạm" hệ 2 năm (giáo học cấp bổ túc).

- Giáo viên cấp I có bằng tú tài 2 và có từ 2 chứng chỉ đại học trở lên.

Các bậc trên tiếp theo: (58đ, 68đ, 78đ, 88đ).

Giáo viên cấp I trong "ngạch" giáo học cấp bổ túc hoặc giáo viên tiểu học có bằng tú tài 2 trở lên được xếp vào các bậc này phải là những giáo viên: hăng hái nhiệt tình công tác, có ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cao và có kinh nghiệm giảng dạy.

3. Xếp bậc lương giáo viên cấp I chưa có trình độ "trung học đệ nhất cấp" (36đ, 41đ, 47đ, 53đ, 60đ).

Bậc lương 36đ: Những giáo viên chỉ dạy được các lớp 1, 2 giảng dạy còn yếu, nhưng có tích cực cố gắng.

Bậc lương 41đ: Những giáo viên dạy được các lớp 1,2, 3 giảng dạy được, có khả năng phụ trách 1 lớp học đạt yêu cầu, ít nhiều có kinh nghiệm trong nghiệp vụ sư phạm.

Những bậc trên tiếp theo (47đ, 53đ, 60đ).

Phải là những giáo viên có kinh nghiệm trong nghề nghiệp, nhiệt tình công tác và giảng dạy, có ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cao.

4. Đối với công nhân viên chức mới giải phóng được tuyển dụng làm việc trong ngành giáo dục.

Ngoài đối tượng là giáo viên phổ thông nói trên, Bộ hướng dẫn việc tuyển dụng và xếp lương cho công nhân, viên chức làm việc trong ngành giáo dục của các tỉnh, thành phố và các trường học, các cơ sở trực thuộc Bộ như sau:

a) Chỉ tuyển dụng những người có đủ điều kiện nói tại điều 1-1 quyết định số 435/TTg ngày 30-10-1976 của Thủ tướng Chính phủ và phải căn cứ vào biên chế của cơ quan giáo dục các cấp và trường học.

b) Xếp lương:

- Công nhân, viên chức mới giải phóng được tuyển dụng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được bố trí các công việc:

+ Công tác nghiên cứu chỉ đạo thanh tra ở các cơ quan giáo dục các cấp thì xếp vào bẳng lương nhân viên, cán sự, chuyên viên.

+ Làm công tác văn thư, hành chính, quản trị thì xếp vào bảng lương nhân viên hành chính quản trị.

+ Đánh máy chữ xếp vào bảng lương nhân viên đánh máy chữ.

+ Lái xe được xếp vào bảng lương lái xe con hoặc lái xe tải tuỳ theo được giao lái xe con hoặc lái xe tải.

+ Công nhân tu sửa cơ quan (nề, mộc, điện, nước) được xếp vào bảng lương công nhân tu sửa cơ quan.

+ Công nhân sửa chữa máy ô tô được xếp thang lương công nhân cơ khí sửa chữa máy móc.

+ Nhân viên y tế (bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý...) được xếp bảng lương theo hệ đào tạo y, bác sĩ, y tá... của Bộ Y tế.

+ Nhân viên nhà ăn tập thể, nhà trẻ được xếp vào bảng lương nhân viên nhà ăn, nhân viên giữ trẻ.

+ Công nhân các ngành nghề làm việc tại Chi cục xuất bản, Chi nhánh công ty Thiết bị trường học thuộc Bộ Giáo dục sẽ có hướng dẫn riêng.

- Tiêu chuẩn xếp vào các bậc lương của mỗi chức vụ phải căn cứ vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm, thể hiện trên kết quả công tác đạt được qua việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Việc xếp lương vào các bậc trên của bảng lương cán sự (bậc 5, bậc 6) và chuyên viên phải là những người hăng hai nhiệt tình công tác, có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn và nghiệp vụ.

5. Sau khi xếp lương chính thức, công nhân viên chức và giáo viên được hưởng ngay các khoản phụ cấp hiện hành.

a) Phụ cấp tạm thời:

- 6 đồng (miền Nam)/1 tháng từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào.

- 10 đồng - 15 đồng (tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam) ở Bình Trị Thiên cho đến hết tháng 12-1976.

b) Phụ cấp khu vực (nếu có).

c) Chế độ công tác phí.

d) Riêng giáo viên còn có các chế độ phụ cấp trong ngành giáo dục như sau:

- Phu cấp chức vụ Hiệu trưởng, Hiệu phó, nếu có quyết định bổ nhiệm của cấp quản lý có thẩm quyền nói tại điểm 3c mục 1 chỉ thị số 252/TCCB ngày 27-7-1976 của Bộ Giáo dục.

- Phụ cấp dạy thêm giờ, thêm buổi.

- Phụ cấp cho giáo viên sư phạm chỉ đạo thực tập.

Các khoản phụ cấp trên, Bộ Giáo dục sẽ có hướng dẫn cụ thể;

d) Công nhân còn được hưởng các chế độ phụ cấp hiện hành theo ngành chuyên môn (sẽ do các ngành hữu quan hướng dẫn).

6. Các mức tiền lương nói ở trên là tính theo tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam hiện nay.

 

C- ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC TẠM TUYỂN THEO CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG CÓ THỜI HẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI CHO THÔI VIỆC

I- NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC TẠM TUYỂN THEO CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG
CÓ THỜI HẠN

Căn cứ Điều 4 của Quyết định số 87/TTg-B ngày 20-8-1967 và Điều 21 của Quyết định số 345/TTg ngày 30-10-1976 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục hướng dẫn như sau:

1. Đối tượng tạm tuyển theo chế độ hợp đồng có thời hạn

Là những giáo viên, công nhân viên mà Sở, Ty Giáo dục cần có thời gian để cân nhắc thêm, hoặc người đó đã gần đến tuổi về hưu thì áp dụng theo Thông tư 16/LĐ-TT ngày 26-8-1976 của Bộ Lao động.

2. Chế độ tiền lương khi tạm tuyển theo hợp đồng có thời hạn.

a) Xếp lương:

- Giáo viên cấp I được tạm xếp 40 đồng nếu có trình độ sơ cấp, hoặc 45đ - 50đ nếu có trình độ trung cấp như nói tại điểm 3b mục II, phần B.

- Giáo viên cấp II được tạm xếp 45đ - 50đ như đã nói tại điểm 2b mục II phần B.

- Giáo viên cấp III được tạm xếp 55đ - 60đ như đã nói tại điểm 1b mục II phần B.

- Công nhân, viên chức được tạm xếp vào bậc 1 của bảng lương chức vụ được giao.

Sau thời hạn tạm tuyển hợp đồng, nếu được tuyển dụng chính thức thì xếp lương vào bậc lương như đã hướng dẫn ở mục II phần B nói trên.

Riêng đố với giáo viên gần đến tuổi về hưu, được tuyển theo hợp đồng thì dược xếp ở những bậc lương như giáo viên được tuyển dụng chính thức như đã hướng dẫn ở mục II phần B.

b) Phụ cấp:

Giáo viên, công nhân viên chức tạm tuyển theo hợp đồng được hưởng các phụ cấp nói tại điểm 6 mục 2 phần B trên và các chế độ trong phạm vi được hưởng nói tại Thông tư số 16/LĐ-MN ngày 26-8-1976 của Bộ Lao động.

II- NHỮNG NGƯỜI CHO THÔI VIỆC

Những giáo viên, công nhân viên chức không đủ điều kiện tuyển dụng cho thôi việc thì tuỳ hoàn cảnh từng người mà trợ cấp một khoản tiền (1 lần) bằng 3 tháng lương, hoặc trợ cấp hiện lĩnh, nếu tổng số tiền chưa được 80 đồng thì trợ cấp bằng 80 đồng (tiền miền Nam), nếu trên 200 đồng thì cũng chỉ trợ cấp bằng 200 dồng (tiền miền Nam).

Khoản trợ cấp này chỉ áp dụng cho người thôi việc từ ngày 1-11-1976 về sau; không áp dụng đối với những người đã thôi việc trước ngày 1-11-1976.

 

D- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Để bảo đảm việc thực hiện chính sách xếp lương cho giáo viên công nhân viên mới giải phóng được tốt, kịp thời; các Sở, Ty giáo dục phải làm tốt công tác tuyển dụng giáo viên và công nhân viên chức như Quyết định 87/TTg-B ngày 20-8-1976 và Quyết định số 435/TTg ngày 30-10-1976 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định.

2. Các Sở, Ty và Phòng Giáo dục phải bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ của từng giáo viên một cách đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan (Ban Tổ chức Chính quyền, Sở, Ty Lao động) xây dựng phương án tiền lương và có kế hoạch triển khai từng bước.

(Lập danh sách giáo viên, công nhân viên, bổ sung hồ sơ về văn bằng, học lực, thống kê theo biểu mẫu, dự kiến xếp lương...).

3. Ban Giám hiệu các trường cần đánh giá tinh thần thái độ kết quả công tác của từng người từ sau ngày giải phóng đến nay, căn cứ vào tiêu chuẩn hướng dẫn mà dự kiến xếp lương cho từng người trong đơn vị mình và đề nghị lên Phòng Giáo dục và Sở, Ty giáo dục xét duyệt.

Đối với những trường cấp I, II lãnh đạo còn thiếu và chưa ổn định thì Phòng Giáo dục phải trực tiếp nắm tình hình và dự kiến xếp lương và báo cáo lên Sở, Ty xét duyệt.

4. Bộ Giáo dục ra quyết định xếp lương cho giáo viên và công nhân viên chức mới giải phóng công tác tại các đơn vị và các trường trực thuộc Bộ.

- Các Sở, Ty giáo dục ra quyết định xếp lương cho công nhân viên chức có bậc lương 64 đồng trở xuống và giáo viên cấp I, II.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định xếp lương cho giáo viên cấp III và công nhân viên chức có bậc lương trên 64 đồng. Những giáo viên xếp vào bậc lương 85 đồng và công nhân viên chức xếp vào bậc lương 83 đồng trở lên phải báo cáo Bộ trước khi quyết định.

Nên thành lập Hội đồng xét duyệt lương các cấp có sự tham gia của cơ quan tổ chức chính quyền, lao động địa phương và đại diện các đoàn thể quần chúng để giúp cho Thủ trưởng quyết định dễ dàng.

5. Các giáo viên, công nhân viên chức được xếp lương được hưởng lương mới từ ngày 1-11-1976.

Công tác tuyển dụng và xếp lương cho giáo viên, nhân viên mới giải phóng cần hoàn thành trong quý I/1977.

6. Cần kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong trường để tổ chức cho giáo viên công nhân viên học tập chế độ xếp lương mới, làm tốt công tác tư tưởng trước và sau khi xếp lương mới, làm tốt công tác tư tưởng trước và sau khi xếp lương đảm bảo đoàn kết, phấn khởi đẩy mạnh phong trào thi đua "hai tốt".

7. Các Sở, Ty và Phòng Giáo dục cần cử 1-2 đồng chí cán bộ chuyên trách về lương để giúp lãnh đạo Sở, Ty, Phòng Giáo dục trong việc nghiên cứu và xếp lương.

8. Những trường hợp cá biệt chưa đề cập trong thông tư hướng dẫn này cần phản ánh kịp thời để Bộ góp thêm ý kiến.

Chính sách tuyển dụng và xếp lương cho giáo viên, công nhân viên chức mới giải phóng là một bộ phận quan trọng trong chính sách chung của Đảng và Nhà nước ta đối với anh, chị em trí thức và công nhân viên chức mới giải phóng.

Thực hiện tốt chính sách này sẽ góp phần tích cực vào việc ổn định đời sống của anh, chị em và thống nhất một bước chế độ tiền lương trong cả nước.

Các Sở, Ty, Phòng giáo dục, các trường học phải nắm thật kỹ chính sách này, khẩn trương tổ chức thực hiện gây một không khí phấn khởi, đoàn kết trong giáo viên, công nhân viên, động viên khuyến khích mọi người đem năng lực của mình cống hiến cho Tổ quốc trong giai đoạn mới.

 

 

 

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=1595&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận