THÔNG TƯ THÔNG TƯ
BỘ TÀI CHÍNH SỐ 36/TC-TCDN NGÀY 27/4/1995
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ KHẤU HAO CƠ BẢN TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Thi hành Quyết đinh số 51/TTg ngày 21 tháng 01 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ "quy định chế độ khấu hao cơ bản tài sản cố định trong các doanh nghiệp Nhà nước". Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập sử dụng vốn khấu hao cơ bản tại các doanh nghiệp Nhà nước như sau:
I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG. 1. Chế độ khấu hao cơ bản tài sản cố định trong các doanh nghiệp Nhà nước được áp dụng cho mọi tài sản cố định hiện có do các doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp quản lý và sử dụng thuộc mọi nguồn vốn đầu tư: Nhà nước, vay Ngân hàng và các đối tượng khác trong, ngoài nước, viện trợ, quà biếu, liên doanh, liên kết..... (trừ TSCĐ đi thuê hoạt động).
2.Mức khấu hao TSCĐ tính bằng tỷ lệ (%) theo quy định của Bộ Tài chính trên nguyên gía TSCĐ, ghi trong sổ kế toán của doanh nghiệp. Tỷ lệ này được áp dụng cho từng loại TSCĐ (hoặc từng nhóm TSCĐ cùng loại).
3. Chi phí sửa chữa lớn TSCĐ phát sinh thực tế được hạch toán trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp. Đối với các tài sản có đặc thù riêng nếu chi phí sửa chữa lớn trích theo thực chi làm ảnh hưởng không đúng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì được trích trước hoặc phân bổ dần sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan tài chính.
4. Mọi TSCĐ trong các doanh nghiệp Nhà nước (hữu hình hay vô hình) được đầu tư từ bất kỳ nguồn vốn nào, phải trích KHCB hay không phải trích KHCB đều phải huỵ động sử dụng và quản lý theo chế độ quản lý TSCĐ hiện hành.
5. Trong khi Nhà nước chưa đánh gía lại TSCĐ, doanh nghiệp Nhà nước cần rà soát lại nguyên gía từng TSCĐ, có phương án điều chỉnh phù hợp với mặt bằng giá hiện hành báo cáo cơ quan tài chính xem xét và quyết định.
6. Các từ ngữ dưới đây, trong Thông tư hướng dẫn này được hiểu như sau:
- Tài sản cố đinh hữu hình: Là những tài sản cố định có hình thái vật chất, có đủ tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng theo qui định, bao gồm: nhà cửa, đất, vật kiến trúc,máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, công cụ, khí cụ, thiết bị truyền dẫn, đo lường, phương tiện thông tin, tính toán, tài sản phương tiện máy móc dùng cho công tác qủan lý... và các tài sản hữu hình khác.
- Tài sản cố định vô hình: là những Tài sản cố định không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư, hoặc quyền, đặc quyền của doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động SXKD và các hoạt động khác của DNNN, như: chi phí thành lập doanh nghiệp chi phí chuẩn bị sản xuất, bằng phát minh sáng chế, bản quyền về nhãn hiệu hàng hoá, chi phí khai hoang, phục hoang, cải tạo đất đai, quyền sử dụng đất đai, chi phí nạo vét luồng lạch, bến cảng, cửa sông... và các tài sản vô hình khác.
- Tài sản cố định thuê mua: là tài sản cố định mua dưới hình thức trả dần (trả góp) bằng hợp đồng thuê dài hạn. Khi hết thời hạn thuê theo hợp đồng và tổng số tiền thuê đã trả bằng giá trị của TSCĐ thuê, thì tài sản đó thuộc quyền sở hữu của bên đi thuê.
- Vốn Nhà nước: Là vốn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, gồm: vốn do Ngân sách Nhà nước đầu tư, vốn có nguồn gốc từ Ngân sách, vốn do doanh nghiệp Nhà nước tự bổ sung theo quy định của Nhà nước.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TRÍCH LẬP VỐN KHẤU HAO CƠ BẢN.
1) Tài sản cố định phải trích khấu hao cơ bản. - Mọi tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước đều phải đưa ra sử dụng bao gồm tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình và đều phải trích khấu hao cơ bản, thu hồi đủ vốn trên cơ sở tính đúng, tính đủ nguyên giá tài sản cố định.
2) Tài sản cố định không trích khấu hao cơ bản:
Những tài sản cố định sau đây, không trích khấu hao cơ bản:
- Tài sản cố định đi thuê hoạt động.
- Tài sản cố định đã khấu hao cơ bản hết nhưng vẫn còn sử dụng được.
- Tài sản cố định không cần dùng, chờ điều đi, cất giữ trên một năm có đăng ký với cơ quan tài chính.
- Cầu, cống, đường sá, đê đập, rừng cây(trừ rừng lấy giống, lấy nhựa....)... thuộc cơ sở hạ tầng, phục vụ chung cho nhu cầu xã hội, không phục vụ trực tiếp cho SXKD của một doanh nghiệp Nhà nước.
- Tài sản cố định hình thành từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp không phục vụ trực tiếp cho SXKD của doanh nghiệp.
- Giá trị đất hoặc quyền sử dụng đất của doanh nghiệp.
3) Mức trích khấu hao cơ bản.
Trong khi chưa sửa đổi mức trích KHCB, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn trích khấu hao cơ bản theo quyết định số 507 TC/ĐTXD ngày 22/7/1986 của Bộ Tài chính và các văn bản khác hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung tỷ lệ khấu hao cơ bản của Bộ Tài chính.
- Đối với tài sản cố định vô hình : tuỳ theo thời gian phát huy hiệu quả của từng loại TSCĐ vô hình để trích KHCB tính từ khi TSCĐ được đưa vào hoạt động ( theo hợp đồng, cam kết hoặc chu kỳ sử dụng).
- Đối với TSCĐ thuê mua, trong quá trình sử dụng bên đi thuê phải trích khấu hao cơ bản theo quy định của Nhà nước bằng tỷ lệ (%) trên nguyên giá tài sản cố định ghi trong hợp đồng thuê mua để tạo nguồn trả nợ.
- Đối với TSCĐ chưa khấu hao cơ bản hết mà đã hư hỏng, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan tài chính để xem xét xử lý từng trường hợp cụ thể : Nếu do nguyên nhân khách quan ( thiên tai, hoả hoạn, địch hoạ ...) được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định phần giá trị còn lại chưa khấu hao cơ bản hết của TSCĐ có thể được giảm vốn kinh doanh, hoặc hạch toán vào chi phí kinh doanh. Nếu do nguyên nhân chủ quan doanh nghiệp hoặc cá nhân gây ra thì phải trừ vào phần lợi tức để lại của doanh nghiệp hoặc đền bù của cá nhân.
4) Tăng, giảm mức trích khấu hao cơ bản TSCĐ.
a) Tăng mức trích khấu hao cơ bản : các doanh nghiệp nhà nước được phép tăng mức trích KHCB so với mức trích cơ bản theo quy định hiện hành với điều kiện không bị lỗ trong các trường hợp sau đây:
- Những TSCĐ có tiến bộ kỹ thuật nhanh, yêu cầu cần có vốn để đổi mới, tránh bị lạc hậu ảnh hưởng tời kinh doanh.
- Doanh nghiệp sử dụng vốn vay để xây dựng, mua sắm TSCĐ mà thời hạn trả nợ nhanh hơn thời hạn khấu hao của TSCĐ và sau khi đã huy động hết các nguồn vốn hợp pháp tại doanh nghiệp (quỹ đầu tư xây dựng, quỹ phát triển sản xuất...) để trả nợ nhưng vẫn thiếu thì được tăng mức trích KHCB, nhưng không được phép vượt quá số nợ phải trả trong năm theo khế ước vay.
- Chế độ làm việc thực tế của TSCĐ cao hơn mức bình thường do tận dụng công suất máy móc thiết bị, tăng ca máy, giờ máy đê tăng cường độ lao động, đẩy nhanh quá trình đổi mời thiết bị .
Thẩm quyền quyết định việc tăng thêm trích KHCB tài sản cố định được quy định như sau :
+ Nếu mức trích tăng thêm không quá 20% so với mức trích cơ bản thì giám đốc doanh nghiệp quyết định và báo cáo bằng văn bản cho cơ quan tài chính biết.
+ Nếu mức trích tăng trên 20% so với múc trích cơ bản thì doanh nghiệp phải có phương án gửi cơ quan tài chính xem xét quyết định.
b) Giảm mức trích khấu hao cơ bản : Về nguyên tắc các DNNN phải thực hiện đúng các quy định tại điểm 1,2,3 mục II trên đây : Không được giảm mức trích KHCB các TSCĐ hiện có tại Doanh nghiệp. Một số TSCĐ được Nhà nước đầu tư từ năm 1990 trở về trước không còn phù hợp với SXKD trong cơ chế thị trường; nếu trích KHCB của những TSCĐ này dẩn đến kết quả bị lỗ thì cơ quan Tài chính sẽ xem xét giảm mức trích KHCB cho từng trường hợp cụ thể ( nhưng không vượt quá số lỗ phát sinh) trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp. Nếu các TSCĐ này thuộc nguồn vốn vay hoặc huy động thì do doanh nghiệp quyết định việc giảm mức trích KHCB nhưng phải đảm bảo việc trả nợ theo đúng khế ước, hợp đồng ( hoặc cam kết) .
III. SỬ DỤNG VỐN KHẤU HAO CƠ BẢN 1) Thực hiện điều 5- quyết định số 51 TTg ngày 21/1/95 của Thủ tướng Chính phủ : kể từ ngày 1/1/1995 các doanh nghiệp Nhà nước được giữ lại toàn bộ KHCB tài sản cố định thuộc nguồn vốn Nhà nước để đầu tư, thay thế, đổi mới TSCĐ.
Hàng năm, các DNNN và cơ quan quản lý cấp trên của doanh nghiệp phải đăng ký kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn khấu hao cơ bản để lại với các cơ quan kế hoạch Nhà nước và cơ quan Tài chính để kiểm tra thủ tục, đối tượng đầu tư và theo dõi qúa trình thực hiện.
2) Vốn khấu hao cơ bản TSCĐ thuộc nguồn vay ngân hàng và các nguồn vay khác trong và ngoài nước:DNNN được sử dụng để tạo nguồn vốn trả nợ; sau khi trả hết nợ mà tài sản đó vẫn còn tiếp tục sử dụng thì không trích KHCB theo điểm 2, Mục II Thông tư này.
3) Các doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn khấu hao cơ bản để đầu tư xây dựng phải thực hiện theo điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 177 CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ.
4) Vốn khấu hao cơ bản đã trích để lại cho DNNN trong thời gian chưa có nhu cầu đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước được sử dụng vào SXKD theo qui định của Pháp luật, nhưng phải bảo toàn vốn, nộp tiền thu sử dụng vốn và hoàn trả kịp thời khi có nhu cầu đầu tư, hoặc khi có quyết định huy động của cơ quan có thẩm quyền.
IV-
HUY ĐỘNG VỐN KHẤU HAO CƠ BẢN TSCĐ. 1- Việc huy động vốn khấu hao cơ bản để lại áp dụng trong phạm vi ngành kinh tế - kỹ thuật theo mô hình tổ chức Tổng công ty: tuỳ theo tình hình cụ thể ở các doanh nghiệp thành viên và yêu cầu đầu tư tập trung để phát triển ngành Hội đồng quản trị Tổng công ty được quyết định huy động vốn KHCB của TSCĐ trích trong năm của các doanh nghiệp thành viên lập quỹ đầu tư XDCB của Tổng công ty để đầu tư tập trung cho các công trình phát triển thuộc ngành.
2 - Các doanh nghiệp thành viên có vốn KHCB bị huy động được Tổng công ty hoàn trả lại vốn và lãi: mức lãi xuất trả cho doanh nghiệp bị huy động vốn khấu hao cơ bản do Hội đồng Quản trị Tổng công ty xem xét và quyết định cụ thể theo đề nghị của Tổng giám đốc nhưng không được thấp hơn mức trượt gíá bình quân hàng năm do Nhà nước công bố và tiền thu sử dụng vốn. Đơn vị có vốn KHCB bị huy động vẫn chịu trách nhiệm nộp tiền sử dụng vốn vào ngân sách Nhà nước và bảo toàn vốn theo quy định hiện hành.
3- Nguồn để trả nợ vốn và lãi cho doanh nghiệp bị huy động được lấy từ khấu hao cơ bản và lãi của công trình mới đầu tư. Trong quá trình đầu tư nếu công trình chưa phát huy hiệu quả thì lấy vốn từ nguồn vay để trả cho doanh nghiệp bị huy động vốn khấu hao cơ bản.
V.
QUYẾT TOÁN VỐN KHẤU HAO CƠ BẢN Hàng năm, các doanh nghiệp Nhà nước (kể cả tổng công ty) phải quyết toán việc trích lập, sử dụng và huy động vốn KHCB với cơ quan tài chính Nhà nước cùng với quyết toán sản xuất kinh doanh.
Thông tư này được áp dụng thi hành từ ngày 01/01/1995./.