Văn bản pháp luật: Thông tư 43/TC-TCT

 
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 43/TC-TCT
Thông tư
01/01/1995
05/06/1995

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn về thuế doanh thu đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm

 
1.995
 

Toàn văn

THôNG Tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Hướng dẫn về thuế doanh thu

đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm

Căn cứ Luật thuế doanh thu và các văn bản hướng dẫn hiện hành;

Để thực hiện việc thu thuế doanh thu phù hợp với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm theo Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm và Quyết định số 1314/TC-QĐ-TCNH ngày 21/12/1994 của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu thuế doanh thu đối với các hoạt động này như sau:

I. Doanh thu tính thuế:

Doanh thu tính thuế đối với ngành Bảo hiểm (bao gồm các Tổng công ty, công ty, các chi nhánh của Việt Nam và của nước ngoài...) có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm tại Việt Nam (gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm) quy định như sau:

1. Phí bảo hiểm gốc: Bao gồm toàn bộ số tiền thu được từ các tổ chức, cá nhân tham gia mua bảo hiểm.

2. Phí đại lý giám định gồm toàn bộ số tiền thu được do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuê các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm giám định; các khoản thu khác từ hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm như: phí đại lý xét bồi thường, đòi người thứ ba...

3. Khoản thu phí nhận tái bảo hiểm từ các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Phí nhận tái bảo hiểm từ các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam không tính thuế doanh thu (thuế doanh thu đã được tính trên doanh thu là phí bảo hiểm gốc).

Ví dụ: Công ty Bảo hiểm A thu được:

a) Phí Bảo hiểm gốc thu được trực tiếp của các đối tượng tham gia Bảo hiểm là 100 triệu đồng.

b) Phí nhận tái Bảo hiểm từ các đối tượng kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam là 50 triệu đồng.

c) Phí nhận tái Bảo hiểm từ các đối tượng kinh doanh bảo hiểm hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam là 30 triệu đồng.

d) Thực hiện tái bảo hiểm lại cho công ty tái bảo hiểm B là 80 triệu đồng.

Công ty A sẽ phải nộp thuế doanh thu tính trên doanh thu gồm:

- Phí Bảo hiểm gốc nêu tại điểm a: 100 triệu đồng

- Phí nhận tái bảo hiểm nêu tại điểm b: 50 triệu đồng

---------------

Tổng cộng: 150 triệu đồng

Phần phí nhận tái bảo hiểm từ các đối tượng kinh doanh bảo hiểm trong nước là 30 triệu đồng không phải tính thuế doanh thu (điểm c).

Phần phí công ty A tái bảo hiểm lại cho công ty B là 80 triệu đồng (điểm d) thì công ty B cũng không phải tính vào doanh thu (là phí bảo hiểm gốc của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đầu tiên trực tiếp thu của các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm và đã nộp thuế doanh thu).

4. Khoản thu hoa hồng tái bảo hiểm: khoản thu này do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm nhận được từ các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm khác do tái bảo hiểm phải hạch toán vào doanh thu để tính thuế doanh thu.

Ví dụ: Công ty bảo hiểm A thực hiện tái bảo hiểm cho công ty B (công ty B nhận lại), số tiền phí tái bảo hiểm là 100 triệu. Công ty B trả cho công ty A hoa hồng tái bảo hiểm với tỷ lệ 5% là 5 triệu đồng. Công ty A sẽ phải nộp thuế doanh thu tính trên số tiền 5 triệu đồng nhận được.

Các khoản thu khác như: tiền bán hộ hàng nước ngoài, hàng nước ngoài từ bỏ và các hoạt động kinh doanh khác..., doanh thu của từng loại hoạt động phải được hoạch toán riêng để áp dụng thuế suất cụ thể quy định trong Biểu thuế cho hoạt động đó.

Mọi trường hợp chỉ đơn thuần làm dịch vụ môi giới hay đại lý cho các doanh nghiệp khác về bảo hiểm thì khoản hoa hồng thu được từ dịch vụ này phải nộp thuế doanh thu theo thuế suất quy định đối với hoạt động môi giới hay đại lý.

II. Thuế suất thuế doanh thu:

1. Đối với hoạt động bảo hiểm: thuế suất 4% (quy định tại điểm 4, mục VI Biểu thuế doanh thu ban hành kèm theo Nghị định số 55/CP ngày 28/8/1993).

2. Đối với các hoạt động khác: phải nộp thuế doanh thu theo thuế suất quy định riêng cho từng ngành, nghề cụ thể trong Biểu thuế doanh thu. Trường hợp không hạch toán được riêng doanh thu của từng ngành nghề hoạt động kinh doanh sẽ phải tính theo thuế suất cao nhất quy định cho ngành nghề có kinh doanh trên tổng doanh thu các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

III. Đăng ký, kê khai nộp thuế doanh thu:

Việc kê khai đăng ký nộp thuế doanh thu đối với hoạt động bảo hiểm, tái bảo hiểm thực hiện như sau:

1. Công ty bảo hiểm các tỉnh, thành phố kê khai đăng ký nộp thuế doanh thu tại Cục thuế tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở Văn phòng. Văn phòng Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam và công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam kê khai đăng ký nộp thuế tại Cục thuế thành phố Hà nội.

Trường hợp các Tổng công ty, công ty có chi nhánh đóng tại các địa phương khác thì các chi nhánh phải kê khai, đăng ký nộp thuế doanh thu tại Cục thuế tỉnh, thành phố nơi đó. Các trường hợp liên doanh với nước ngoài cũng thực hiện kê khai, đăng ký nộp thuế như trên.

2. Thủ tục kê khai, nộp thuế: thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 và 3 phần B, mục III Thông tư số 73A/TC-TCT ngày 30/8/1993 của Bộ Tài chính.

IV. Miễn giảm thuế:

Các khoản thu phí Bảo hiểm học sinh, Bảo hiểm vật nuôi, cây trồng, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tạm thời không tính thuế doanh thu (quy định tại Điều 13, Nghị định số 55/CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ).

V. Tổ chức thực hiện:

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1995 và thay thế những văn bản hướng dẫn trước đây của Bộ Tài chính về thuế doanh thu đối với hoạt động bảo hiểm.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị báo cáo để Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết kịp thời./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=9870&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận