Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 126-CT ngày 10-4-1987 về việc sửa đổi, bổ sung chế độ nhận tiền và hàng do người Việt nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về giúp gia đình và Thông tư số 128-CT ngày 10-4-1987 hướng dẫn việc thực hiện Quyết định nói trên.
Căn cứ vào điều 8 của Quyết định và điều 3 của Thông tư, Ban Việt kiều trung ương hướng dẫn thi hành những nội dung có liên quan như sau:
I. Việc tổ chức hoạt động dịch vụ trung chuyển tiền, hàng do người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về giúp gia đình.
Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người gửi, người nhận và giúp vào việc quản lý theo chính sách, nay quy định:
1. Các tổ chức và tư nhân người Việt nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài muốn đứng ra tổ chức hoạt động dịch vụ trung chuyển tiền, hàng (dưới đây gọi tắt là dịch vụ tiền, hàng) do người Việt nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về giúp gia đình, cần thông qua Ban Việt kiều Trung ương để đăng ký xin phép Nhà nước.
2. Hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ tiền, hàng gồm:
- Đơn xin đăng ký hoạt động;
- Bản sao giấy phép kinh doanh hoặc một chứng chỉ kinh doanh có hiệu lực pháp lý của nước sở tại;
- Sơ yếu lý lịch (có ảnh) của Ban Giám đốc công ty hoặc của người phụ trách tổ chức hoạt động dịch vụ.
Hồ sơ làm thành ba bản gửi về:
Ban Việt kiều Trung ương.
32 phố Bà Triệu - Hà Nội Việt nam.
Những công ty đã có đăng ký hoạt động kinh doanh với Việt nam chỉ cần bổ túc những phần hồ sơ còn thiếu, không phải làm thủ tục đăng ký lại.
3. Những tổ chức, tư nhân đăng ký xin phép mà có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tiền, hàng và được trong nước chấp thuận, sẽ được Ban Việt kiều Trung ương cấp giấy giới thiệu để quan hệ với các tổ chức hữu quan ở trong nước nhằm thực hiện dịch vụ nói trên.
4. Các tổ chức, tư nhân được trong nước chấp thuận cho hoạt động dịch vụ tiền, hàng có trách nhiệm:
- Chấp hành đúng các chủ trương chính sách của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người Việt Nam ở nước ngoài và các quy định về quản lý ở trong nước;
- Định kỳ ba tháng một lần báo cáo về Ban Việt kiều Trung ương các hợp đồng đã ký kết và tình hình thực hiện dịch vụ nói trong Thông tư này.
5. Các tổ chức và tư nhân khác không thuộc diện nói ở điểm 3 trên đây đều có thể làm dịch vụ tiền, hàng với tính chất là đại lý cho các tổ chức, tư nhân đã được trong nước chấp thuận.
II. Việc phối hợp công tác giữa các cơ quan quản lý.
Dịch vụ trung chuyển tiền, hàng có liên quan đến nhiều mặt quản lý ở trong nước, vì vậy:
1. Các ngành, địa phương căn cứ vào giới thiệu của ban Việt kiều Trung ương để quan hệ với tổ chức, tư nhân ở nước ngoài về dịch vụ tiền, hàng. Nếu chưa có sự giới thiệu đó thì hướng dẫn đương sự làm thủ tục đăng ký xin phép như đã nêu ở các điểm trên.
2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc ngành hoặc địa phương muốn quan hệ để làm dịch vụ tiền, hàng phải được sự đồng ý của cấp Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và tương đương, và thông báo cho Ban Việt kiều Trung ương biết.
Các cơ sở sản xuất được sử dụng kiều hối để mua nguyên liệu, vật tư, thiết bị... thì Ban Việt kiều Trung ương sẽ giới thiệu những tổ chức, tư nhân người Việt nam ở nước ngoài giúp thực hiện. Việc chi trả cho người trong nước theo hướng dẫn và quy định của Ngân hàng nhà nước.
3. Định kỳ 6 tháng một lần, các ngành, địa phương có quan hệ với tổ chức, tư nhân người Việt nam ở nước ngoài báo cáo cho ban Việt kiều trung ương tình hình thực hiện dịch vụ nói trong Thông tư này.
4. Các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại của Việt nam ở nước người hướng dẫn cho các tổ chức, tư nhân muốn hoạt động dịch vụ tiền, hàng về thủ tục đăng ký xin phép và có nhận xét và các đối tượng đó.
Trong khi thực hiện Thông tư hướng dẫn này, nếu phát hiện thấy có vấn đề gì cần được bổ sung hoặc sửa đổi thì các ngành, các địa phương kịp thời thông báo cho Ban Việt kiều Trung ương biết.