Thông tư THÔNG TƯ SỐ CỦA BỘ XÂY DỰNG
Về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng khảo
sát và đo đạc xây dựng
Trong những năm qua ở nhiều công trình xây dựng của Trung ương và địa phương đã xảy ra những sự cố đáng tiếc do chưa coi trọng việc quản lý chất lượng các công tác khảo sát và đo đạc xây dựng (bao gồm: khảo sát trắc địa công trình, khảo sát địa chất công trình, khảo sát khí tượng thuỷ văn công trình, đo kiểm xây lắp, đo vẽ hoàn công và quan trắc lún, biến dạng công trình). Do những sơ suất trong quản lý chất lượng đối với các công tác nói trên đã gây ra những thiệt hại đáng kể về tiền của và sức người trong xây dựng cơ bản.
Vì vậy, để giảm dần và tiến tới chủ động ngăn ngừa các sự cố công trình bất thường cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng các công tác khảo sát và đo đạc xây dựng. Cụ thể phải làm tốt các việc sau:
1. Các Sở Xây dựng, các Ban quản lý công trình, các tổ chức nhận thầu khảo sát, thiết kế và các tổ chức nhận thầu xây lắp trong toàn ngành xây dựng cơ bản cần thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản trong các tiêu chuẩn: TCVN-3972-84 và TCVN-4419-87;
2. Chỉ các tổ chức và cá nhân có tư cách pháp nhân hành nghề khảo sát xây dựng mới được nhận thầu khảo sát xây dựng, còn các tổ chức có đủ tư cách pháp nhân về hành nghề thiết kế xây dựng, xây lắp, kiểm định xây dựng mới được nhận thầu các công tác đo kiểm xây lắp, đo vẽ hoàn công, quan trắc lún, biến dạng công trình.
3. Mọi chương trình khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế hoặc công tác đo đạc xây dựng chỉ được triển khai ở hiện trường sau khi phương án kỹ thuật đã được duyệt. Nghiêm cấm tiến hành các công tác nói trên khi chưa có phương án kỹ thuật được duyệt.
Việc lập và duyệt các phương án kỹ thuật phải căn cứ vào nhiệm vụ kỹ thuật do cơ quan thiết kế có tư cách pháp nhân hoặc chủ đầu tư đề ra và dựa trên các quy định hiện hành đối với ngành xây dựng .
4. Tất cả thiết bị, máy móc dùng để thực hiện chương trình khảo sát, đo đạc xây dựng đều phải được kiểm định cơ bản, kiểm nghiệm và kiểm tra định kỳ. Các kết quả nói trên phải được lập thành văn bản để bàn giao cho chủ đầu tư và lưu lại như một hồ sơ gốc về đảm bảo chất lượng.
5. Tất cả các số liệu khoan, đào, đo, quan trắc hiện trường và các tài liệu tính toán trước khi chỉnh lý toán học tổng hợp đều phải được kiểm tra và lập thành hồ sơ để bàn giao cho thiết kế, cho chủ đầu tư và lưu trữ như một hồ sơ gốc về đảm bảo chất lượng.
6. Mỗi chương trình khảo sát đo đạc xây dựng đều phải được kiểm tra, đánh giá chất lượng và phải được tổng hợp trong 1 hồ sơ: báo cáo kỹ thuật. Báo cáo kỹ thuật về chuyên đề gì phải được phản biện và đánh giá của các cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành tương ứng.
7. Sau khi đã thực hiện việc kiểm tra và đánh giá tổng hợp các tài liệu khảo sát xây dựng thì mới được sử dụng chúng cho thiết kế xây dựng và thẩm kế. Các tài liệu đo đạc xây dựng(đo kiểm xây lắp, đo vẽ hoàn công và quan trắc lún- biến dạng) chỉ được dùng cho đánh giá chất lượng xây lắp, chất lượng công trình và luận xét về các nguyên nhân sự cố công trình sau khi đã tiến hành kiểm tra và đánh giá tổng hợp chất lượng của chúng. Đối với các công trình lớn, quan trọng và có công nghệ phức tạp cần tiến hành kiểm tra chéo trước khi sử dụng tài liệu khảo sát xây dựng để thiết kế và thẩm kế.
Cục Giám định thiết kế và xây dựng Nhà nước phối hợp với các Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện và tiến hành kiểm tra (định kỳ hay đột xuất) công tác quản lý chất lượng các công tác nêu trên trong toàn ngành xây dựng cơ bản./.