Văn bản pháp luật: Thông tư 55/2011/TT-BGTVT

Toàn quốc
Công báo số 609+610, năm 2011
Thông tư 55/2011/TT-BGTVT
Thông tư
01/01/2012
17/11/2011

Tóm tắt nội dung

Sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông” ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGTVT ngày 21/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng
2.011
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm

chuyên ngành xây dựng giao thông” ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGTVT

ngày 21/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Thông tư số 06/2011/TT-BXD ngày 21/6/2011 của Bộ Xây dựng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng thực thi Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (sau đây viết tắt là Quyết định số 14/2008/QĐ-BGTVT):

1. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Cơ sở quản lý phòng thí nghiệm phải đăng ký công nhận bổ sung khi có nhu cầu mở rộng, thu hẹp năng lực hoạt động hoặc thay đổi địa điểm đặt phòng thí nghiệm. Hồ sơ công nhận bổ sung phòng thí nghiệm tuân theo các nội dung được quy định tại Điều 9 của Quy định này.”

2. Sửa đổi Điều 6 như sau:

“Điều 6. Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông đã qua đánh giá, nếu đạt các yêu cầu theo quy định của Quy định này sẽ được Bộ Giao thông vận tải xem xét, cấp quyết định công nhận.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Hồ sơ đăng ký công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông bao gồm:

1) Đơn đề nghị công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông (theo mẫu tại Phụ lục số 4 của Quy định này);

2) Bản sao chụp Quyết định thành lập phòng thí nghiệm của cơ sở quản lý trực tiếp;

3) Bản sao chụp Quyết định bổ nhiệm trưởng phòng thí nghiệm;

4) Bản sao chụp chứng chỉ đào tạo của trưởng phòng thí nghiệm, các thí nghiệm viên hay công nhân kỹ thuật thí nghiệm do cơ quan có chức năng đào tạo cấp;

5) Báo cáo khả năng và tình hình hoạt động của phòng thí nghiệm (theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Quy định này);

6) Bản vẽ mặt bằng phòng thí nghiệm (mặt bằng với kích thước phòng, vị trí các thiết bị thí nghiệm, vị trí lưu mẫu …);

7) Bản sao chụp hợp đồng mua, hóa đơn và biên bản bàn giao thiết bị thí nghiệm và đo lường của phòng thí nghiệm; Bản sao chụp Quyết định của cấp có thẩm quyền đối với các thiết bị được điều chuyển từ cơ quan khác;

8) Bản sao chụp hợp đồng sử dụng lao động đối với cán bộ quản lý và nhân viên thí nghiệm được đăng ký trong hồ sơ;

Đối với bản sao chụp các loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ sẽ được đối chiếu với bản chính trong quá trình đánh giá phòng thí nghiệm.”

4. Sửa đổi Điều 9 như sau:

“Điều 9. Hồ sơ đăng ký công nhận bổ sung gồm:

1) Đơn đề nghị công nhận bổ sung (theo mẫu tại Phụ lục số 5 của Quy định này);

2) Danh mục các phép thử bổ sung, tiêu chuẩn kỹ thuật; Chứng chỉ kiểm định/ hiệu chuẩn các thiết bị bổ sung; Bản sao chụp tài liệu chứng minh trang thiết bị được mua hoặc điều chuyển từ cơ quan khác; Chứng chỉ thí nghiệm viên thực hiện các phép thử bổ sung;

3) Báo cáo khả năng và tình hình hoạt động của phòng thí nghiệm (theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Quy định này);

4) Bản vẽ mặt bằng phòng thí nghiệm và bố trí thiết bị thí nghiệm (trường hợp thay đổi địa điểm đặt phòng thí nghiệm).”

5. Sửa đổi Điều 10 như sau:

“Điều 10. Hồ sơ công nhận và công nhận bổ sung phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông được gửi trực tiếp tại Bộ Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu điện. Nếu hồ sơ không đáp ứng các yêu cầu theo quy định, trong vòng 07 ngày làm việc, cơ quan đánh giá công nhận phải trả lời bằng văn bản cho cơ sở quản lý phòng thí nghiệm để bổ sung và hoàn thiện hồ sơ. Công tác đánh giá tại phòng thí nghiệm sẽ được tiến hành trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định. Đối với phòng thí nghiệm được đánh giá công nhận lần đầu, thời hạn Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Xây dựng cấp mã số LAS-XD sẽ được tiến hành trong vòng 4 ngày làm việc kể từ khi tổ chuyên gia kết thúc kiểm tra, đánh giá và đề nghị Bộ Giao thông vận tải ra quyết định công nhận phòng thí nghiệm. Sau khi nhận được mã số LAS-XD do Bộ Xây dựng cấp, sau 3 ngày làm việc Bộ Giao thông vận tải sẽ ra quyết định công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông cho đơn vị.”

6. Sửa đổi Điều 11 như sau:

“Điều 11. Tùy theo quy mô, tính chất phức tạp và số lượng các phép thử, Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định thành lập tổ chuyên gia tư vấn để tiến hành kiểm tra, đánh giá năng lực của phòng thí nghiệm. Thành phần tổ chuyên gia bao gồm đại diện của cơ quan đánh giá công nhận, cơ quan quản lý chất lượng công trình xây dựng tại địa phương và chuyên gia lĩnh vực thí nghiệm chuyên ngành.”

7. Sửa đổi Điều 12 như sau:

“Điều 12. Đánh giá phòng thí nghiệm bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1) Quyết định thành lập phòng thí nghiệm, quyết định bổ nhiệm trưởng phòng thí nghiệm;

2) Đối chiếu hợp đồng mua, hóa đơn và biên bản bàn giao trang thiết bị thí nghiệm/văn bản điều chuyển trang thiết bị của cấp có thẩm quyền; hợp đồng lao động của các cán bộ quản lý và nhân viên thí nghiệm được đăng ký;

3) Xác định sự phù hợp với tiêu chuẩn TCXDVN 297-2003, bao gồm: điều kiện môi trường làm việc của phòng thí nghiệm; chứng chỉ đào tạo cán bộ quản lý và các nhân viên thí nghiệm; tình trạng thiết bị và chứng chỉ kiểm định/hiệu chuẩn thiết bị; các tiêu chuẩn và tài liệu kỹ thuật của phòng thí nghiệm đối với nội dung đăng ký của cơ sở;

4) Kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng phòng thí nghiệm, bao gồm: quy trình khảo sát, lấy mẫu tại hiện trường; hướng dẫn sử dụng, vận hành thiết bị và quy trình thí nghiệm cho mỗi phép thử; các sổ sách ghi chép (giao nhận mẫu; kết quả quá trình thí nghiệm; lưu mẫu); phiếu kết quả thí nghiệm; chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng của phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 hoặc ISO/IEC 17025 (đối với các cơ sở đã hoạt động 1 năm, kể từ ngày có quyết định công nhận và đề nghị đăng ký công nhận bổ sung).”

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:

“Điều 17. Phiếu kết quả thí nghiệm do cơ sở thiết lập theo yêu cầu của các phép thử, nhưng phải có các thông tin và nội dung cơ bản sau:

1) Tên cơ sở quản lý phòng thí nghiệm;

2) Tên và địa chỉ phòng thí nghiệm, mã số LAS-XD (ghi theo quyết định công nhận);

3) Số hợp đồng kinh tế hoặc văn bản yêu cầu của đơn vị yêu cầu thí nghiệm;

4) Tên dự án/công trình/hạng mục công trình được khảo sát, lấy mẫu, thí nghiệm. Đối với các thí nghiệm phục vụ nghiên cứu/tự kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất thì ghi rõ mục đích thí nghiệm.

5) Tên cán bộ giám sát của Chủ đầu tư trong quá trình lấy mẫu, thí nghiệm;

6) Loại mẫu thí nghiệm;

7) Tiêu chuẩn và thiết bị thí nghiệm;

8) Kết quả thí nghiệm;

9) Thời gian lập phiếu kết quả thí nghiệm;

10) Chữ ký của nhân viên thí nghiệm và trưởng phòng thí nghiệm;

11) Chữ ký của người có thẩm quyền và dấu pháp nhân của cơ sở quản lý phòng thí nghiệm.”

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

“Điều 20. Hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng tại địa chỉ http://www.xaydung.gov.vn. Thông tin về hệ thống các phòng thí nghiệm bao gồm:

1) Tên, địa chỉ và mã số phòng thí nghiệm (LAS-XD);

2) Quyết định công nhận phòng thí nghiệm;

3) Danh mục các phép thử và phương pháp thử kèm theo quyết định công nhận;

4) Danh sách trưởng phòng và nhân viên thí nghiệm;

5) Danh sách các phòng thí nghiệm, trưởng phòng và nhân viên thí nghiệm vi phạm các quy định của pháp luật, bị đình chỉ hoạt động”.

10. Hủy bỏ Điều 7, Điều 23, Điều 29.

11. Sửa đổi Phụ lục số 3 của “Quy định công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông”.

12. Bổ sung Phụ lục số 4, Phụ lục số 5 như sau:

1) Phụ lục số 4: mẫu đơn đề nghị công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông;

2) Phụ lục số 5: mẫu đơn đề nghị công nhận bổ sung phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông.

Điều 2. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Thủ trưởng các Tổng Cục, Cục, Vụ, Viện có liên quan của Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động và quản lý phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giao thông chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27173&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận