Văn bản pháp luật: Thông tư 56/2003/TT-BNN

Nguyễn Đình Thịnh
Toàn quốc
Công báo điện tử ;
Thông tư 56/2003/TT-BNN
Thông tư
09/04/2003
09/04/2003

Tóm tắt nội dung

Về việc hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc chương trình xoá đói giảm nghèo và việc làm do Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo

Thứ trưởng
2.003
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Về việc hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc chương trình xoá đói giảm nghèo và việc làm do Bộ Nông ngiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo

 

Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện các dự án được Thủ tướng Chính phủ phân công chỉ đạo trong Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg ngày 27/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001 - 2005 như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi thực hiện các dự án:

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo; Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề ở các xã nghèo; Ổn định dân di cư và xây dựng kinh tế mới ở các xã nghèo; Định canh định cư ở các xã nghèo chỉ thực hiện trên địa bàn các xã nghèo ngoài chương trình 135 theo danh sách được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được thực hiện cả trên địa bàn các xã thuộc chương trình 135 và các xã nghèo ngoài chương trình 135.

2. Về quy mô dự án: Trên cùng một địa bàn (tỉnh, huyện, xã hoặc liên xã) các địa phương có thể xây dựng dự án tổng thể của chương trình hoặc xây dựng các dự án độc lập tương ứng với danh mục các dự án theo Quyết định 143/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về quy trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào các quy định hiện hành tại các văn bản: Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, Thông tư liên tịch số 666/2001/TTLT-BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 23/8/2001 của Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Uỷ ban dân tộc và Miền núi - Tài chính Xây dựng hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng thuộc chương trình 135 để quyết định theo thẩm quyền. Sau khi duyệt các dự án, UBND các tỉnh, thành phố gửi báo cáo tổng hợp chung về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, bố trí kế hoạch và chỉ đạo thực hiện.

4. Nguồn vốn và cơ chế quản lý:

4.1. Nguồn vốn thực hiện các dự án trên bao gồm:

Nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước (Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương).

Nguồn kinh phí đóng góp (của các hộ gia đình, của cộng đồng).

Nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (nếu có)

Nguồn vốn tín dụng

4.2. Cơ chế quản lý, cấp phát và thanh quyết toán cụ thể đối với từng nguồn vốn của các dự án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách, các văn bản hướng dẫn luật, các văn bản pháp quy liên quan khác của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

II. NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Về xây dựng dự án: Các dự án cụ thể được xây dựng theo những nội dung chủ yếu sau:

1.1. Nội dung dự án định canh, định cư ở các xã nghèo:

a. Mục tiêu: Thực hiện ổn định sản xuất và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện định canh định cư; giải quyết tình trạng không có đất hoặc thiếu đất canh tác, chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy; hạn chế tình trạng di cư tự do.

b. Đối tượng: Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản, xã thuộc diện định canh định cư theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 140/1999/QĐ-BNN-ĐCĐC ngày 14/10/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c. Nội dung đầu tư:

Hỗ trợ tạo quỹ đất canh tác nông nghiệp cho hộ (gồm: khai hoang, xây dựng đồng ruộng, làm ruộng bậc thang, xây dựng nương sản xuất cố định).

Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật.

Hỗ trợ vật tư chủ yếu (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y).

Hỗ trợ cho hoạt động của cán bộ khuyến nông, khuyến lâm.

Hỗ trợ mô hình chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn quy mô hộ, nhóm hộ gia đình.

Hỗ trợ kinh phí sự nghiệp chuyển dân cho các hộ phải di chuyển do yêu cầu bố trí, sắp xếp lại dân cư theo chính sách hiện hành.

Hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu theo quy hoạch: thuỷ lợi nhỏ, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở vùng dự án.

1.2. Nội dung dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo:

a. Mục tiêu: phát triển cơ sở hạ tầng các xã nghèo, phấn đấu đến năm 2005 cơ bản hoàn thành các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ phục vụ sản xuất và các dịch vụ xã hội cơ bản khác; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

b. Đối tượng: Các xã nghèo, chưa đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định tại Quyết định 587/2002/QĐ-LĐTBXH ngày 22/5/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

c. Nội dung đầu tư: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng còn thiếu trong 7 hạng mục được quy định tại Quyết định 143/2001/QĐ-TTg ngày 27/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

Các công trình thuỷ lợi nhỏ.

Trường học hoặc phòng học (bao gồm cả lớp mẫu giáo).

Trạm y tế.

Đường dân sinh.

Điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của dân cư trong vùng dự án.

Nước sinh hoạt.

Chợ nông thôn.

1.3. Nội dung dự án ổn định dân di cư và xây dựng kinh tế mới ở các xã nghèo:

a. Mục tiêu:

Khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai còn hoang hoá gắn với phân bố lại lao động dân cư, tạo việc làm ở khu vực nông thôn, thực hiện xoá đói giảm nghèo.

Sắp xếp, ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân ở những vùng khó khăn nhằm hạn chế di cư tự do, tiếp tục hỗ trợ để giải quyết số dân tự do đã đến, từng bước tăng cường di dân theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước.

b. Đối tượng cần ổn định, sắp xếp:

Những hộ dân thiếu đất sản xuất (theo bình quân chung tại địa phương) cần được di chuyển đến các vùng kinh tế mới hoặc vùng khác có điều kiện ổn định sản xuất và đời sống lâu dài.

Những hộ dân di cư tự do đã đến, đang ở những nơi không theo quy hoạch cần phải di chuyển, sắp xếp lại.

Những hộ dân ở phân tán, không đúng quy hoạch cần sắp xếp lại để thuận tiện cho sản xuất, đời sống và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các hộ dân phải di chuyển do chịu ảnh hưởng của thiên tai: sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét...

c. Nội dung đầu tư:

Hỗ trợ khai hoang, xây dựng đồng ruộng.

Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Hỗ trợ hoạt động khuyến nông cơ sở.

Hỗ trợ mô hình chế biến nông lâm sản và ngành nghề quy mô hộ, nhóm hộ.

Hỗ trợ kinh phí sự nghiệp chuyển dân cho các hộ gia đình phải chuyển đến nơi mới theo chính sách hiện hành.

Hỗ trợ đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu: thuỷ lợi nhỏ, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, chợ nông thôn, điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở vùng dự án.

1.4. Nội dung dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư:

a. Mục tiêu: Trang bị kiến thức cho các hộ đói nghèo để họ biết bố trí sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái tạo cho người nghèo có khả năng vươn lên để thoát khỏi đói nghèo.

b. Đối tượng: Các hộ trong diện đói nghèo theo quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 1/11/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có lao động, có đất đai canh tác ở các xã đặc biệt khó khăn và các xã nghèo ngoài chương trình 135.

c. Nội dung đầu tư:

Hỗ trợ giống, vật tư chủ yếu để xây dựng mô hình trình diễn về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ đói nghèo.

Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, phổ biến tiến bộ kỹ thuật mới cho người nghèo.

Hỗ trợ cho việc thông tin, tuyên truyền trên các loại báo, tạp chí chuyên đề, tài liệu, sách mỏng, tờ rơi về hướng dẫn cho người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

Hỗ trợ cho cán bộ đi hướng dẫn người nghèo cách làm ăn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư ở cơ sở.

Kiểm tra, đánh giá các mô hình trình diễn, tổ chức hội nghị sơ, tổng kết để nhân ra diện rộng.

1.5. Nội dung dự án hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề các xã nghèo:

a. Mục tiêu:

Giúp cho người nghèo biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật về bảo quản, chế biến nông lâm sản, để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hoá, tăng thu nhập từng bước thoát nghèo. Hỗ trợ khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống và những ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Phấn đấu cho người lao động thuộc những hộ nghèo đói được dự án hỗ trợ có thu nhập 150.000 - 200.000 đồng/người/tháng.

b. Đối tượng: Các hộ gia đình thuộc diện đói nghèo, diện vận động định canh định cư ở các xã nghèo ngoài chương trình 135 theo danh sách được cấp có thẩm quyền quyết định.

c. Nội dung đầu tư:

Hỗ trợ vật tư, thiết bị máy móc, chuyển giao công nghệ để xây dựng mô hình về bảo quản, chế biến nông lâm sản, nghề muối và ngành nghề phi nông nghiệp.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về bảo quản, chế biến nông lâm sản, nghề muối và sử dụng, bảo dưỡng thiết bị, máy móc.

Hỗ trợ đào tạo nghề thủ công truyền thống.

Hỗ trợ cho công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí chuyên ngành, sách mỏng, tờ rơi về kỹ thuật bảo quản, chế biến nông lâm sản và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp.

Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề; hội nghị sơ kết, tổng kết nhân điển hình.

Kiểm tra, đánh giá kết quả; thuê cán bộ chỉ đạo.

2. Về xây dựng, tổng hợp và giao kế hoạch:

Quy trình xây dựng, tổng hợp và giao kế hoạch hàng năm của các dự án và chương trình được tiến hành đồng thời với quy trình lập kế hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Hàng năm theo hướng dẫn lập kế hoạch của cấp trên, Uỷ ban nhân dân các cấp lập kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách cho từng dự án và chương trình XĐGN của địa phương trình cấp trên theo quy định hiện hành; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp và báo cáo về Bộ NN&PTNT, các Bộ có liên quan để tổng hợp, bố trí vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước trình Chính phủ.

Giao kế hoạch: căn cứ vào tổng dự toán ngân sách và mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình quốc gia XĐGN và việc làm được Thủ tướng Chính phủ giao, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động lồng ghép, bố trí mức kinh phí cho từng dự án, đồng thời gửi văn bản giao kế hoạch về Bộ NN&PTNT và các Bộ có liên quan.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục định canh định cư và vùng kinh tế mới chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai:

1.1. Hướng dẫn các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án.

1.2. Hướng dẫn các địa phương xây dựng và tổng hợp kế hoạch của các dự án (5 năm và hàng năm).

1.3. Hàng năm có trách nhiệm xây dựng, tổng hợp và phân bổ kế hoạch thực hiện các dự án của địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội) thống nhất nội dung kế hoạch trước khi báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

1.4. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án trên địa bàn toàn quốc và tổng hợp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ và Ban chủ nhiệm chương trình theo định kỳ hàng quý, hàng năm, giữa kỳ và kết thúc chương trình.

2. Địa phương:

2.1. Căn cứ vào tình hình thực tế về xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm của địa phương, đề nghị UBND tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) chỉ đạo việc lập, thẩm định trình duyệt dự án, xác định trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn và các chủ quản lý dự án cụ thể của tỉnh, để tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án được duyệt.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc cơ quan chuyên môn được giao phụ trách về công tác này thuộc tỉnh) giúp UBND tỉnh, thành phố làm đầu mối để thực hiện các nhiệm vụ:

a. Xây dựng và tổng hợp kế hoạch của chương trình và các dự án.

b. Dự kiến phân bổ kế hoạch của chương trình và dự án cho các huyện, xã và các ngành trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.

c. Hướng dẫn thực hiện kế hoạch theo đúng mục tiêu, đối tượng, nội dung của các dự án và báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ.

Trong quá trình triển khai xây dựng và thực hiện dự án, nếu có gì vướng mắc đề nghị các địa phương phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (theo địa chỉ: Cục định canh định cư và vùng kinh tế mới, nhà B9 số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04-8438688, 04-8438617) để tổng hợp giải quyết.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=19874&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận