THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2006
của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng mới,
mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và
cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp
Căn cứ Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi tập trung, công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Đối tượng được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ là các tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp, phù hợp với quy hoạch của địa phương và đảm bảo đủ các điều kiện về quy mô, công suất theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
II. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
1. Các chính sách ưu đãi về các loại thuế và đất đai:
a) Tổ chức, cá nhân quy định tại Phần I Thông tư này được áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành về khuyến khích đầu tư. Riêng ưu đãi về thuế nhập khẩu, ngoài việc được miễn theo quy định chung, các tổ chức, cá nhân nêu trên được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại các điểm 6, 7, 9, 15, 16 Mục 1 Phần D Thông tư số 113/2005/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
b) Đối với các cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp phải di dời đến địa điểm theo quy hoạch để đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, ngoài việc được hỗ trợ theo Thông tư này còn được hưởng hỗ trợ về sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và các công trình khác khi phải di dời theo quy định tại Thông tư số 66/2005/TT-BTC ngày 18/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg ngày 06/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại:
a) Nguyên tắc xác định mức hỗ trợ lãi suất:
- Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất là mức vốn vay thực tế trong hạn theo hợp đồng tín dụng giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức, cá nhân vay vốn. Việc hỗ trợ lãi suất chỉ xem xét đối với những hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày 31 tháng 12 năm 2007 với mục đích vay vốn để thực hiện đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp.
- Thời hạn vay vốn được hỗ trợ lãi suất là thời gian vay vốn trong hạn thực tế để đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp nhưng không vượt quá 2 năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận khoản vay lần đầu.
- Lãi suất vay để tính mức hỗ trợ lãi suất là lãi suất cho vay thực tế ghi trên hợp đồng tín dụng không vượt quá mức lãi suất cho vay do chính tổ chức tín dụng đó công bố và phù hợp mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn, cùng thời điểm, cùng địa bàn của các tổ chức tín dụng khác.
- Số tiền hỗ trợ lãi suất vay vốn được xác định trên cơ sở mức vốn vay thực tế trong hạn, thời hạn vay vốn được hỗ trợ lãi suất, lãi suất vay vốn và tỷ lệ hỗ trợ lãi suất.
b) Công thức xác định mức hỗ trợ lãi suất:
Số tiền hỗ trợ lãi suất | = | Tổng tích số giữa số vốn vay với số ngày vay vốn phát sinh thực tế | X | Lãi suất vay vốn (tính theo tháng) | X | Tỷ lệ hỗ trợ lãi suất |
30 |
- Đối với dự án do trung ương quản lý, tỷ lệ hỗ trợ lãi suất cho các chủ đầu tư là 40% lãi suất vốn vay thương mại.
- Đối với các dự án do địa phương quản lý, tỷ lệ hỗ trợ lãi suất do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định nhưng không thấp hơn 40% lãi suất vốn vay thương mại.
c) Hồ sơ cấp hỗ trợ lãi suất:
- Định kỳ 6 tháng, các tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại để đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi tập trung, công nghiệp về Bộ Tài chính (đối với các dự án do trung ương quản lý), cơ quan tài chính địa phương (đối với các dự án do địa phương quản lý) để xem xét hỗ trợ theo quy định tại Điểm 2 Phần II Thông tư này.
- Hồ sơ xem xét hỗ trợ lãi suất bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp hỗ trợ lãi suất của tổ chức, cá nhân.
+ Bản kê tích số đối với từng hợp đồng vay vốn.
+ Bản sao hợp đồng tín dụng và khế ước theo dõi cho vay thu nợ (có công chứng); hoặc bảng kê xác nhận nợ của tổ chức tín dụng cho vay.
+ Bản xác nhận của Ngân hàng thương mại về số lãi đã trả cho dự án đầu tư theo hợp đồng tín dụng và khế ước vay vốn.
- Chậm nhất sau 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất của các tổ chức cá nhân, cơ quan tài chính xem xét thẩm định hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền quyết định. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định chậm nhất trong 03 (ba) ngày làm việc, cơ quan tài chính phải có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân để yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
3. Quy trình hỗ trợ lãi suất và hạch toán kế toán:
a) Đối với ngân sách nhà nước:
- Đối với dự án do trung ương quản lý:
+ Căn cứ hồ sơ đề nghị cấp hỗ trợ lãi suất do các tổ chức gửi, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) thực hiện thẩm định và quyết định hỗ trợ lãi suất vay thương mại cho các tổ chức kinh tế thuộc Bộ, cơ quan trung ương quản lý.
+ Khi cấp phát ngân sách cho đơn vị, tổ chức, hạch toán Chương, Loại, Khoản tương ứng của Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành, Mục 134 Tiểu mục 11 - Chi hỗ trợ khác.
- Đối với dự án do địa phương quản lý:
Căn cứ hồ sơ đề nghị cấp hỗ trợ lãi suất của các tổ chức, cá nhân gửi, Sở Tài chính thực hiện thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại cho các tổ chức, cá nhân. Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì Phòng Tài chính thực hiện thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại cho các tổ chức, cá nhân.
Việc hạch toán khoản kinh phí hỗ trợ được thực hiện như sau:
+ Trường hợp cấp hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, doanh nghiệp, hạch toán: Chương, Loại, Khoản tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành, Mục 134 - Tiểu mục 11- Chi hỗ trợ khác.
+ Trường hợp cấp hỗ trợ kinh phí cho cá nhân, hạch toán Chương 160, Loại, Khoản tương ứng của Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành, Mục 134 Tiểu mục 11 - Chi hỗ trợ khác.
b) Đối với chủ đầu tư:
Khi nhận được khoản tiền hỗ trợ lãi suất, chủ đầu tư hạch toán giảm chi phí đầu tư hoặc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ tương ứng với khoản hỗ trợ về lãi suất vốn vay thương mại để đầu tư như sau:
- Đối với tài sản đầu tư chưa hoàn thành chủ đầu tư hạch toán giảm chi phí đầu tư.
- Đối với tài sản đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đã ghi tăng tài sản thì chủ đầu tư hạch toán giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
4. Về nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất:
Ngân sách trung ương hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các chủ đầu tư thuộc trung ương quản lý từ dự toán chi cấp bù lãi suất được bố trí trong dự toán chi ngân sách trung ương hàng năm.
Ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các chủ đầu tư do địa phương quản lý từ nguồn ngân sách địa phương hàng năm.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Các bộ, ngành trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ lãi suất đảm bảo kinh phí được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh kịp thời với Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.