THÔNG TƯ
Số 60 NV/CC ngày 21/12/1945 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thi hành Sắc lệnh số 54 ngày 03/11/1945 ấn định những điều kiện cho các công chức về hưu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, gửi các ông Bộ trưởng các Bộ và các ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ.
Tiếp theo Thông tư số 52-NV/CC ngày 3/11/1945, bản Bộ giải thích thêm dưới đây mấy điều cốt yếu để thi hành Sắc lệnh số 54 ngày 3/11/1945 về việc các công chức đến hạn về hưu.
1/ Hạn 30 năm định trong Điều thứ nhất Sắc lệnh kể trên gồm tất cả các thời kỳ mà công chức đã lĩnh lương trong ngân sách, bất luận là đã làm việc trong chính ngạch hay tạm thời. Vậy tất cả những thời kỳ mà viên chức đã được tuyển, làm công nhật, theo hợp đồng, hay tập sự, trước khi vào chính ngạch đều phải tính vào trong hạn 30 năm ấy, dù đã nộp tiền hưu liễm rồi hay chưa nộp.
2/ Vậy những công chức làm việc đủ 30 năm tính theo như trên, đều phải về hưu và sẽ được lĩnh hưu bổng hạng thâm niên, hay tỷ lệ, tuỳ theo số năm làm việc có góp tiền hưu liễm, như đã ấn định trong thể lệ hưu bổng hiện hành.
3/ Muốn cho các công chức về hưu được hưởng một số hưu bổng lợi hơn, bản Bộ, sau khi đã thoả hiệp với Bộ Tài chính (sở Hưu bổng), ra đặc ân cho phép các công chức trong thời hạn một năm kể từ ngày ký thông tư này, được làm đơn xin góp tiền hưu liễm về thời kỳ đã làm việc tập sự, hay làm tạm thời (công nhật, hay có hợp đồng).
Đặc ân này chỉ thi hành cho những công chức hiện đã vào chính ngạch rồi, hoặc những công chức mới hồi hưu chiểu theo Sắc lệnh ngày 3/11/1945. Bộ Tài chính sở (Hưu bổng) sẽ ấn định rõ ràng sau những thể lệ gió hưu liễm hoặc ngay một lần, hoặc làm nhiều lần, trừ vào lương tháng nếu còn tại chức, hay là vào hưu bổng nếu đã về hưu.
4/ Các sở phụ trách lập bảng danh sách những công chức phải về hưu theo Sắc lệnh ngày 3/11/1945 cần phải xét kỹ niên hạn làm việc chiểu theo chỉ thị trong điều 1 thông tư này. Nếu cần, nên bắt buộc những công chức ấy khai rõ và chứng thực số năm làm việc của mình, để tiện sự kiểm soát./.