Văn bản pháp luật: Thông tư 41-NV-6-TT

Trần Duy Hưng
Thông tư 41-NV-6-TT
Thông tư
01/05/1950
16/10/1950

Tóm tắt nội dung

Định thể lệ xếp công chức vào thang lương chung theo năng lực

Thứ trưởng
1.950
Bộ Nội vụ

Toàn văn

THÔNG TU

THÔNG TƯ

SỐ 41-NV-6-TT NGÀY 16 THÁNG 10 NĂM 1950 CỦA BỘ NỘI VỤ ĐỊNH THỂ LỆ XẾP CÔNG CHỨC VÀO THANG LƯƠNG CHUNG THEO NĂNG LỰC

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Kính gửi Ông Phó Thủ tướng

Các Ông Bộ trưởng các Bộ

Hội đồng Chính phủ họp tháng 9 vừa qua đã xét việc xếp lại công chức vào thang lương chung, theo năng lực. Để thi hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, Bộ tôi xin đề nghị các Bộ áp dụng những thể lệ sau đây trong việc xếp lại công chức:

I. Mục đích việc xếp

Việc này nhằm hai mục đích:

a/ hoàn thành việc xếp các công chức vào thang lương chung, để đi đến chỗ toàn thể công chức chỉ còn chia làm 2 loại, như đã định trong quy chế công chức: công chức xếp vào một bậc trong thang lương chung và công chức tuyển theo hợp đồng;

b/tạm sửa chữa những sự bất công quá rõ rệt của việc xếp ngạch hiện thời, ảnh hưởng không hay đến tinh thần phục vụ của các cán bộ.

II. Tính cách việc xếp

Việc xếp ngạch này cũng có tính cách tạm thời như việc xếp các công chức thuộc các ngạch vào thang lương chung, thi hành từ cuối năm 1948 theo những điều kiện ấn định trong Sắc lệnh số 188-SL ngày 29/5/1948, Thông tư liên bộ Nội vụ - Tài chính số 600-NV-TC ngày 15/7/1948 và những văn bản kế tiếp. Khi nào quy tắc các ngạch công chức mới thuộc các Bộ được ban hành, ấn định hệ thống tổ chức, điều kiện tuyển bổ và các bậc lương cho các ngạch, thì việc chuyển các công chức hiện thời vào những ngạch mới đó mới có tính cách chính thức và dứt khoát.

III. Những hạng công chức được xếp

Căn cứ theo những mục đích kể trên, việc xếp ngạch chỉ thi hành cho những công chức ở trong hai trường hợp sau này:

A. Công chức chưa được xếp vào thang lương chung.

B. Công chức đã xếp mà có sự thiệt thòi quá rõ rệt.

Trường hợp A gồm:

1/ những tư nhân giữ các chức vụ điều khiển và lĩnh lương theo chức vụ.

Tất cả những người này phải được xếp vào một ngạch bậc thích đáng với năng lực của từng cá nhân, trừ những người tự ý xin không xếp thì sẽ tuyển theo hợp đồng.

2/ những công chức tuyển theo hợp đồng muốn được xếp vào ngạch;

3/ những công chức lĩnh lương khoán tháng theo công việc. Đối với những người không muốn được xếp thì sẽ tuyển theo hình thức hợp đồng;

4/ những nhân viên coi như công chức và đến nay chưa được xếp vào thang lương chung như Giám thị, Công chính, nữ viên điện thoại, v..v..

Trường hợp B gồm:

1/ những công chức trước kia xếp vào thang lương chung theo điều kiện văn bằng hoặc theo một bảng đối chiếu ngạch trật cũ với ngạch và bậc lương mới, nay xét thấy năng lực thực tế hay công việc phải phụ trách chênh lệch một cách quá đáng với ngạch bậc hiện thời của đương sự. Nhưng theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ thì chỉ xét và xếp lại những trường hợp thực đặc biệt thôi, còn những trường hợp thường tuy có thiệt thòi chút ít cho công chức cũng để đến lúc chuyển chính thức sẽ xét lại. Nếu công chức đủ điều kiện định trong Thông tư số 28-TTg ngày 29/6/1950 của Phó Thủ tướng để được thăng bậc thì cho thăng trước, rồi sau hãy xét và xếp lại, nếu sau việc thăng thưởng, sự thiệt thòi đối với đương sự còn quá rõ rệt.

2/ những công chức xếp vào một bậc trong thang lương chung căn cứ theo lời khai danh dự của đương sự về văn bằng hay học lực, nay xét thấy năng lực đối với công việc kém quá xa một người có trình độ văn hoá đó.

IV. Tiêu chuẩn để xếp

Việc xếp sẽ xét làm hai giai đoạn:

a/ xếp vào ngạch nào (giám sự, kiểm sự, tham sự, cán sự hay tá sự);

b/ xếp vào bậc lương nào trong ngạch?

Tiêu chuẩn áp dụng để xếp ngạch-Năng lực và uy tín của công chức đối với công việc hiện thời.

Các cơ quan phải căn cứ vào chức vụ hay công tác hiện thời của công chức, rồi xét:

- chức vụ hay công tác đó thuộc nhiệm vụ của nhân viên ngạch nào.

- năng lực của công chức đối với công việc hiện thời ra sao?

- trong việc thừa hành nhiệm vụ, công chức đã gây được nhiều hay ít uy tín?

Để đề nghị xếp công chức vào một ngạch thật thích đáng với năng lực thực tế và uy tín của đương sự.

Sau đó sẽ xét công chức xứng đáng xếp vào bậc nào trong thang lương chung.

Tiêu chuẩn áp dụng để xếp bậc.

a/ tinh thần phục vụ;

b/ thành tích chuyên môn, cách mạng và kháng chiến;

c/ thâm niên, tính từ ngày tuyên bố Độc lập (2/9/1945).

Các cơ quan sẽ xét trường hợp từng công chức một, lần lượt theo ba loại tiêu chuẩn này, rồi đem so sánh với đa số công chức khác mà đề nghị việc xếp bậc, sao cho đối với những công chức đồng ngạch và thách tích tương đương, đương sự không bị thiệt thòi như không được lợi hơn.

Về phương diện thâm niên, thời gian làm việc ở những khu vực khí hậu xấu sẽ được tính một thành một rưỡi.

Những tiêu chuẩn kể trên để xếp ngạch và xếp bậc cũng là những tiêu chuẩn mà Bộ tôi đã đề nghị áp dụng trong việc chuyển chính thức sau này cho các công chức ngành hành chính vào các ngạch mới. Như vậy, các cơ quan sẽ có dịp xét việc áp dụng những tiêu chuẩn đó có được sát thực tế không và rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho việc xếp chính thức công chức vào ngạch mới sẽ thi hành được thật chu đáo.

V. Thủ tục xếp ngạch

A. Làm đề nghị xếp- Các cấp điều khiển trực tiếp công chức sẽ lập bảng đề nghị xếp ngạch theo mẫu đính sau. Bảng này gồm có ba phần: hai phần A và B sẽ do công chức điều khuyết lấy và các cấp điều khiển kiểm soát lại, phần C dành để ghi những nhận xét, ý kiến và đề nghị của cấp điều khiển và cấp chính quyền.

Phải làm một bảng riêng cho mỗi công chức xét cần xếp lại. Đối với những công chức làm việc ở các địa phương, đề nghị của các cấp điều khiển chuyên môn phải chuyển qua Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp tương đương ghi ý kiến.

Những bảng đề nghị cho công chức thuộc mỗi bộ, làm việc tại Văn phòng Bộ hay các cơ quan trực thuộc, sẽ tập trung ở Bộ. Các vị Bộ trưởng sẽ xét và quyết định cho tạm xếp.

Tại các liên khu, Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu, sẽ tập trung các bảng đề nghị do các Trưởng ty, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh hay Giám đốc liên khu chuyên môn lập. Những bảng đề nghị xếp vào các hạng công chức thuộc quyền quyết định của các Bộ sẽ chuyển lên Bộ sở quan sau khi Uỷ ban đã ghi ý kiến của Uỷ ban. Nếu Bộ sở quan xét công chức chỉ đáng xếp vào một hạng do Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu được uỷ quyền quyết định thì Bộ sẽ gửi bảng đề nghị trả lại Uỷ ban với ý kiến của Bộ. Còn những bảng đề nghị xếp vào các hạng công chức Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu được uỷ quyền xếp thì giữ lại ở liên khu để Uỷ ban xét ra quyết định cho tạm xếp. Các Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu sẽ gửi một bản sao quyết định lên Bộ sở quan để tường trình.

Trong trường hợp đặc biệt, Giám đốc liên khu chuyên môn không đồng ý với quyết định của Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu thì có thể đề nghị Uỷ ban chuyển hồ sơ lên Bộ sở quan quyết định chung thẩm.

Đối với những công chức thuộc Bộ này phái sang giúp việc một cơ quan của Bộ khác, cơ quan sử dụng phải gửi bảng đề nghị đến Bộ quản trị (qua các Uỷ ban kháng chiến hành chính, nếu công chức làm việc tại các địa phương). Việc cho xếp sẽ tuỳ trường hợp, do Bộ quản trị hay do Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu được uỷ quyền, quyết định.

B. Xét đề nghị - Vì việc xếp lại này chỉ có tính cách tạm thời, nên không cần lập những hội đồng riêng để xét các đề nghị, trình lên cấp có thẩm quyền quyết định. Vả lại, dù có thiết lập, trong nhiều trường hợp, Hội đồng cũng chỉ có thể xét trên các giấy tờ, vì thế đề nghị của Hội đồng có khi không được sát.

Trong thực tế, ngoài cấp điều khiển trực tiếp ra, biết rõ năng lực và tư cách của công chức là anh em đồng sự trong cơ quan. Vậy trước khi chuyển đề nghị của mình lên cấp trên, cấp điều khiển trực tiếp công chức cần triệu tập một cuộc họp nhân viên cơ quan để trưng cầu ý kiến về đề nghị đó. Khi biểu quyết thì bỏ phiếu kín nếu cấp điều khiển xét cần. Nếu số lượng hay thành phần nhân viên trong cơ quan không đủ bảo đảm cho một sự nhận xét đúng mực, cấp điều khiển có thể triệu tập thêm một số công chức ngoài phụ trách những công việc tương tự với công chức được đề nghị. Biên bản buổi họp (hay một bản sao) phải định theo bảng đề nghị.

Dĩ nhiên là cấp có thẩm quyền quyết định việc xếp ngạch không bó buộc phải theo ý kiến ghi trong biên bản. Những ý kiến này cũng giúp cho cấp có thẩm quyền biết rõ hơn năng lực và uy tín của những công chức được đề nghị xếp và do đó sẽ tránh được những sự bất công mà chính việc xếp lại này có mục đích xoá bỏ.

C – Quyền quyết định cho xếp ngạch

1/ Việc xếp ngạch cho công chức thuộc quyền quản trị Bộ nào sẽ do Bộ trưởng Bộ đó quyết định.

2/ Đôi svới những công chức làm việc tại các địa phương các vị Bộ trưởng có thể uỷ:

a/ cho Uỷ ban kháng chiến hành chính các liên khu vẫn liên lạc bình thường với Trung ương, quyền quyết định việc tạm xếp vào hai hạng cán sự và tá sự;

b/ cho Uỷ ban kháng chiến hành chính các liên khu ở vào tình thế liên lạc khó khăn, quyền quyết định việc tạm xếp vào cả năm hạng giám sự, kiểm sự, tham sự, cán sự và tá sự.

Các Bộ sẽ báo thẳng cho các Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu biết quyết định của Bộ về điểm này.

3/ Các công chức làm việc tại Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ và các cơ quan trung ương không thuộc Bộ nào sẽ do nghị định của Thủ tướng Chính phủ cho tạm xếp.

VI. Hiệu lực việc xếp ngạch

Việc xếp ngạch này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 1950, là ngày thi hành quy chế công chức


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=10&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận