Qua một thời gian thi hành các chế độ tiết kiệm theo Quyết định số 140/HĐBT ngày 15-9-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về triệt để tiết kiệm, các ngành, các cấp đã có những quy định cụ thể sát với hoàn cảnh của mình, được nhân dân hoan nghênh.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương về sử dụng xe ô-tô con cho có hiệu quả và sát với thực tế hơn. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn cụ thể một số điểm như sau:
1. Ô-tô con là một phương tiện phục vụ cho nhu cầu công tác. Tiêu chuẩn chủ yếu để mỗi cơ quan xem xét, bố trí ô-tô con cho cán bộ là trách nhiệm được giao, nhu cầu đi lại để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy không máy móc phân biệt người được sử dụng theo mức lương hoặc chức vụ, gây trở ngại trong công tác của những cán bộ cần phải sử dụng xe như bác sĩ đi cấp cứu, phóng viên báo chí đi lấy tin tức, v.v...
2. Những cán bộ được thường xuyên sử dụng riêng một xe ô- tô con để phục vụ công tác là các đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương. Đối với các cán bộ lãnh đạo khác của các Bộ, Uỷ ban, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu, hoặc thủ trưởng các đơn vị sản xuất, kinh doanh (Liên hiệp xí nghiệp, Tổng công ty, v.v...) cần tổ chức để 2, 3 đồng chí cùng đi một xe con.
Các Bộ, Uỷ ban, Tổng cục và Uỷ ban Nhân dân địa phương cần bố trí một số xe con thường trực để khi có việc cần thiết các đồng chí lãnh đạo có trọng trách trong ngành hoặc địa phương có xe ô-tô đi giải quyết công việc, bảo đảm kịp thời sự chỉ đạo công tác của ngành hoặc địa phương.
Tuỳ điều kiện cụ thể, cơ quan cần tổ chức xe chung đưa, đón cán bộ đi làm việc hàng ngày cho hợp lý và tiết kiệm.
Căn cứ vào những điểm nói trên, mỗi cơ quan phải sắp xếp, bố trí lại việc sử dụng xe ô-tô con và xe đưa đón cán bộ ở cơ quan mình.
3. Số xe dôi ra ở các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, ở các cơ quan thuộc Bộ, Uỷ ban, Tổng cục và ở các đơn vị sản xuất kinh doanh xử lý theo nguyên tắc sau đây:
a) Những xe con tốt, nhất là xe do các nước tư bản sản xuất, thì bán cho các Công ty du lịch hoặc Công ty xe con để sử dụng vào việc phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch hoặc tổ chức các tuyến tắc-xi (theo sự hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải).
b) Bộ hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu điều chỉnh cho những nơi thực sự có nhu cầu trong ngành hoặc địa phương mình.
c) Số xe cần thanh lý thì bán và nộp vào ngân sách Nhà nước, trừ xe của các đơn vị sản xuất kinh doanh thì đưa vào vốn tự có của đơn vị.
4. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ quy định cụ thể việc sử dụng xe ô- tô con cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc phù hợp với yêu cầu, tính chất, phạm vi hoạt động của các cơ quan, đơn vị ấy và phù hợp với quyết định về triệt để tiết kiệm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
5. Việc sử dụng xe ô-tô con của các cơ quan Đảng và các đoàn thể do Ban Bí thư quy định cụ thể, cũng theo những nguyên tắc nói trên.
6. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức các Công ty xe con tại các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang, v.v...
7. Thông qua chức năng giám đốc tài chính của mình, các cơ quan tài chính từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng xăng dầu, mua sắm xe mới và phụ tùng thay thế.
Căn cứ vào Thông tư này, các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu hướng dẫn cụ thể thêm để mỗi cơ quan, đơn vị có quy chế sử dụng xe con phù hợp với yêu cầu hoạt động của ngành, địa phương theo những nguyên tắc nói trên.
Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm giúp Hội đồng Bộ trưởng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này ở các ngành, các địa phương.