Văn bản pháp luật: Thông tư 69/TC-TCT

Vũ Mộng Giao
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư 69/TC-TCT
Thông tư
01/01/1997
05/11/1996

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn về việc thu nộp thuế môn bài

Thứ trưởng
1.996
Bộ Tài chính

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về việc thu nộp thuế Môn bài

 

Căn cứ Nghị quyết số 473/NQ-HĐNN8 ngày 10/9/1991 của Hội đồng Nhà nước và Nghị định số 326/HĐBT ngày 19/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về bổ sung sửa đổi thuế Môn bài và thuế sát sinh.

Căn cứ Nghị định số 52/CP ngày 9/9/1996 của Chính phủ về việc điều chỉnh mức thuế Môn bài.

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

 

I- MỨC THUẾ MÔN BÀI

1/ Các cơ sở kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập gồm: Các Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, xí nghiệp tư nhân, doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài khác có kinh doanh tại Việt Nam, các cơ sở làm kinh tế của cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, lực lượng vũ trang và tổ chức kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập khác nộp thuế Môn bài theo mức thống nhất 850.000đ một năm.

2/ Các cơ sở kinh doanh, chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu hạch toán phụ thuộc hoặc báo sổ, hợp tác xã, tổ sản xuất nộp thuế Môn bài theo mức 550.000đ một năm.

3/ Các cơ sở kinh doanh ghi tại điểm 2 nếu có các cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu, điểm kinh doanh dịch vụ... ở những địa điểm khác, không cùng địa điểm của cơ sở ghi tại điểm 2 thì mỗi cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu, điểm kinh doanh dịch vụ... phải nộp thuế môn bài theo mức 325.000đ/năm.

Ví dụ: Công ty A là đơn vị hạch toán độc lập, có trụ sở tại phố Trần Hưng Đạo, thành phố Hà Nội. Công ty A có hai cửa hàng (hoặc chi nhánh...), cửa hàng B ở phố Lý Thường Kiệt, cửa hàng C ở phố Trường Chinh, thì công ty A nộp thuế Môn bài mức 850.000đ/năm, cửa hàng B ở phố Lý Thường Kiệt và cửa hàng C ở phố Trường Chinh, mỗi cửa hàng nộp thuế Môn bài theo mức 550.000đ/năm.

Nếu cửa hàng B ở phố Lý Thường Kiệt lại có hai cửa hàng (hoặc quầy hàng, cửa hiệu, điểm kinh doanh dịch vụ...) một ở phố Hàng Đào, một ở phố Hàng Trống thì cửa hàng B nộp thuế Môn bài theo mức 550.000đ/năm, hai cửa hàng ở phố Hàng Đào và phố Hàng Trống, mỗi cửa hàng nộp thuế Môn bài theo mức 325.000đ/năm.

4/ Các đối tượng sau nộp thuế Môn bài theo biểu dưới đây:

Hộ sản xuất kinh doanh cá thể.

Cán bộ công nhân viên, xã viên HTX, người lao động trong các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhận khoán tự trang trải mọi khoản chi phí, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh.

Nhóm cán bộ công nhân viên, nhóm xã viên HTX, nhóm người lao động nhận khoán cùng kinh doanh chung thì nộp chung thuế Môn bài theo quy định tại Điểm 3 nêu trên. Trường hợp nhóm cán bộ công nhân viên, nhóm xã viên HTX, nhóm người lao động nhận khoán nhưng từng cá nhân trong nhóm nhận khoán lại kinh doanh riêng rẽ, từng cá nhân trong nhóm còn phải nộp thuế môn bài riêng.

Ví dụ: Cửa hàng A của công ty X khoán cho ba nhân viên kinh doanh, mỗi tháng phải nộp về cho Công ty là 900.000đ. Ba nhân viên có ba quầy riêng rẽ trong cửa hàng A, hàng tháng mỗi người phải góp 300. 000đ để cửa hàng A có 900.000đ nộp cho Công ty thì cả ba nhân viên và cửa hàng A đều phải nộp thuế Môn bài.

Các cơ sở kinh doanh trên danh nghĩa là các Công ty cổ phần, Công ty TNHH, HTX, Tổ sản xuất... nhưng từng thành viên của đơn vị vẫn kinh doanh độc lập, chỉ nộp một khoản tiền nhất định cho đơn vị để phục vụ yêu cầu quản lý chung thì thuế Môn bài thu theo từng thành viên.

Ví dụ 1: Một tổ chức kinh tế vận tải có 10 chiếc xe ô tô, nhưng số xe này là của 10 chủ (lái xe) riêng biệt tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, chỉ nộp cho tổ chức của mình một khoản tiền đảm bảo việc điều hành chung, thì 10 chủ xe này nộp thuế Môn bài theo hộ cá thể.

Ví dụ 2: Một tổ chức kinh tế vận tải có 10 xe ôtô, trong đó 4 xe hoạt động chung của tổ chức kinh tế, còn 6 xe hoạt động riêng và tự chịu trách nhiệm kết quả kinh doanh, chỉ nộp cho tổ chức kinh tế một khoản tiền để điều hành chung thì tổ chức kinh tế nộp thuế Môn bài theo mức của tổ chức kinh tế, 6 xe hoạt động riêng nộp thuế môn bài riêng từng xe theo mức hộ cá thể.

Biểu thuế môn bài áp dụng cho các đối tượng quy định ở điểm 4 nói trên như sau:

Đơn vị: đồng

Bậc thuế

Thu nhập 1 tháng

Mức thuế cả năm

1

Trên 1.250.000

850.000

2

Trên 900.000 đến 1.250.000

550.000

3

Trên 600.000 đến 900.000

325.000

4

Trên 350.000 đến 600.000

165.000

5

Trên 150.000 đến 350.000

60.000

6

Dưới 150.000

25.000

 

II- NỘP THUẾ MÔN BÀI

1/ Thời gian nộp thuế Môn bài:

Cơ sở kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh trong khoảng thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức thuế Môn bài cả năm, của 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế môn bài cả năm. Cơ sở đang sản xuất kinh doanh thì nộp thuế Môn bài ngay tháng đầu của năm dương lịch; cơ sở mới ra kinh doanh thì nộp thuế Môn bài ngay trong tháng bắt đầu kinh doanh.

2/ Nơi nộp thuế môn bài:

Cơ sở kinh doanh đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế cấp nào thì nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế cấp đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh có nhiều cửa hàng, cửa hiệu trực thuộc nằm ở các địa điểm khác nhau trong cùng địa phương thì cơ sở kinh doanh nộp thuế Môn bài của bản thân cơ sở, đồng thời nộp thuế Môn bài cho các cửa hàng, cửa hiệu trực thuộc, đóng trên cùng địa phương. Các cửa hàng, cửa hiệu đóng ở địa phương khác thì nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế nơi có cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh.

Sau khi nộp thuế Môn bài, Công ty và mỗi cửa hàng được Cơ quan thuế cấp một thẻ môn bài ghi rõ tên cửa hàng, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh... làm cơ sở để xuất trình khi các cơ quan chức năng kiểm tra kinh doanh.

Các cơ sở kinh doanh không có địa điểm cố định như kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động, hộ xây dựng, vận tải, nghề tự do khác... nộp thuế môn bài với cơ quan thuế nơi mình cư trú hoặc nơi mình được cấp giấy phép kinh doanh.

 

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1/ Trong những tháng cuối năm, Cục thuế các tỉnh, thành phố phải rà soát nắm lại toàn bộ cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, điều tra doanh thu, thu nhập thực tế để phân loại và xếp bậc theo quy định của Biểu thuế môn bài. Trên cơ sở đó lập sổ thuế, duyệt sổ thuế và thông báo công khai để thực hiện. Việc rà soát đối tượng kinh doanh, lập bộ và duyệt bộ, phát hành thông báo thuế Môn bài hàng năm phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm trước.

2/ Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm nộp đủ và đúng hạn thuế Môn bài theo thông báo của cơ quan thuế. Nếu nộp chậm thì bị phạt 0,2% trên số thuế phải nộp cho mỗi ngày nộp chậm. Nếu trốn tránh việc nộp thuế môn bài, khi kiểm tra phát hiện sẽ bị xử phạt đến 3 lần số thuế phải nộp.

3/ Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1997. Những quy định trước đây của Bộ Tài chính trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8961&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận