Thông tưTHÔNG TƯ
CỦA BỘ LÂM NGHIỆP
Hướng dẫn
kiểm tra khai thác và vận chuyển lâm sản
Thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định số 18-HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ và Chỉ thị số 90-CT ngày 19 tháng 3 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc thực hiện những biện pháp cấp bách để chặn đứng nạn phá rừng; để quản lý chặt chẽ việc khai thác lâm sản, Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn việc kiểm tra khai thác và vận chuyển lâm sản như sau:
I. KIỂM TRA KHAI THÁC LÂM SẢN
Lâm sản quy định tại Thông tư này gồm: gỗ, tre, nứa, lồ ô, đặc sản rừng, động vật rừng và các lâm sản khác (loại thông thường và loại quý hiếm).
Lâm sản quý hiếm là loại theo danh mục nhóm II gồm IIA, IIB quy định tại Nghị định số 18-HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992.
1. Trách nhiệm của chủ rừng (lâm trường và các tổ chức, cá nhân được giao đất, giao rừng) hoặc các tổ chức khai thác phải xuất trình tại hạt kiểm lâm sở tại những hồ sơ sau đây:
Bản thiết kế khai thác gỗ, tre, nữa, lồ ô đã đươc Bộ Lâm nghiệp duyệt, quyết định mở rừng của Bộ Lâm nghiệp hoặc giấy phép khai thác của Sở Lâm nghiệp hoặc Sở nông - lâm nghiệp để khai thác lâm sản khác, đặc sản rửng.
Số hiệu búa bài cây.
Địa điểm tập kết lâm sản khai thác.
Thời gian biếu đề nghị kiểm tra lâm sản khai thác.
2. Trách nhiệm của hạt kiểm lâm sở tại:
a) Thông báo thời gian biểu kiểm tra lâm sản cho chủ rừng hoặc tổ chức khai thác biết.
b) Kiểm tra lâm sản khai thác:
Kiểm tra việc khai thác lâm sản có theo đúng thiết kế khai thác được Bộ duyệt và quyết định mở rừng của Bộ Lâm nghiệp (đối với gỗ, tre, nứa, lồ ô) hoặc giấy phép khai thác của sở lâm nghiệp hoặc sở nông lâm nghiệp (đối với lâm sản khác) không.
Dấu búa bài cây ở khúc gốc gỗ khai thác.
Cùng với chủ rừng hoặc tổ chức khai thác tiến hành đo đếm lâm sản, lập lý lịch gỗ. Đối với gỗ quý hiếm phải lập lý lịch riêng từng loại cây.
c) Đóng dấu búa kiểm lâm: đóng dấu búa kiểm lâm vào gỗ khai thác phải thực hiện đúng Thể lệ quản lý, sử dụng búa kiểm lâm ban hành kèm theo Quyết định số 302-LN-KL ngày 12-8-1991 của Bộ Lâm nghiệp.
Chỉ đóng dấu búa kiểm lâm đối với gỗ khai thác có dấu búa bài cây, đối với gỗ khai thác không có dấu búa bài cây thì sau khi có quyết định xử lý mới được đóng dấu búa kiểm lâm.
d) Lập biên bản kiểm tra gỗ khai thác. Đối với lâm sản khác (là loại không đóng dấu búa kiểm lâm) phải lập biên bản riêng. Biên bản kiểm tra có chữ ký của cơ quan kiểm lâm, chủ rừng và tổ chức khai thác.
3. Đối với gỗ rừng trồng phân tán trong nhân dân thì khi khai thác cũng phải báo cho hạt kiểm lâm sở tại kiểm tra xác, nhận bằng văn bản.
II. KIỂM TRA VẬN CHUYỂN LÂM SẢN
Lâm sản vận chuyển được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Lâm sản (loại thông thường) kể cả lâm sản do kiểm lâm tịch thu:
a) Đối với gỗ phải có dấu búa kiểm lâm và lý lịch gỗ do hạt kiểm lâm sở tại lập.
b) Đối với lâm sản khác (là loại không đóng dấu búa kiểm lâm được ) thì phải có biên bản kiểm tra xác nhận của hạt kiểm lâm.
c) Hoá đơn bán hàng hoặc phiếu xuất kho vận chuyển nội bộ.
d) Biên lai thu thuế tài nguyên (đối với rừng tự nhiên) hoặc biên lai thu tiền nuôi rừng (đối với rừng trồng).
Riêng việc vận chuyển gỗ rừng trồng ở các tỉnh vùng rừng nguyên liệu công nghiệp trung tâm Bắc Bộ (Vĩnh Phú, Tuyên Quang,Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Thái) còn phải có giấy phép vận chuyển của chi cục kiểm lâm các tỉnh sở tại.
2. Đối với gỗ và lâm sản quý hiếm (kể cả lâm sản do kiểm lâm tịch thu).
Có các thủ tục như quy định tại điểm 1 phần II.
Giấy phép vận chuyển đặc biệt của Bộ lâm nghiệp (do Cục kiểm lâm cấp).
3. Đối với gỗ Campuchia và lào (vận chuyển quá cảnh và nhập khẩu).
a) Giấy phép của Bộ Ngoại thương nước bạn và Bộ Thương mại và du lịch Việt Nam.
b) Giấy phép vận chuyển của Cục lầm nghiệp bạn).
c) Dấu búa kiểm lâm của bạn.
d) Lý lịch gỗ do bạn lập, có xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan của khẩu (của 2 nước).
4. đối với lâm sản đã bị cơ quan kiểm lâm xử lý thì khi vận chuyển phải có thủ tục như mục 1 hoặc 2 phần II trên và phải kèm theo quyết định xử lý, biên lai thu tiền phạt (nếu có).
Các tổ chức cá nhân khi vận chuyển lâm sản phải mang đủ giấy tờ quy định trên (bản chính). Bản photo không có giá trị khi vận chuyển lâm sản.
III. XỬ LÝ VI PHẠM
1. Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm tra khai thác, vận chuyển lâm sản, đặc biệt là lâm sản quý hiếm, trong điều kiện chuyển sang kinh doanh rừng theo phương thức bán cây đứng, cơ quan kiểm lâm phải tăng cường kiểm tra, xử lý ngay tận gốc.
Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về khai thác, vận chuyển lâm sản, cơ quan kiểm lâm phải lập biên bản, đình chỉ khai thác và xử lý theo quy định hiện hành. Đối với lâm sản quý hiếm khai thác, vận chuyển trái phép phải tịch thu và báo cáo Bộ lâm nghiệp, trường hợp nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc xử phạt vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, cơ quan kiểm lâm sử dụng biên lai thu tiền (do Bộ Tài chính phát hành) để thu tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, tiền bán lâm sản tịch thu.
Tiền thu được sau khi trừ các chi phí vụ việc theo quy định hiện hành đều phải nộp vào kho bạc Nhà nước.
Nếu lâm sản tịch thu chưa nộp thuế tài nguyên hoặc tiền nuôi rừng thì phải trích nộp thuế tài nguyên hoặc tiền nuôi rừng khi bán lâm sản tịch thu.
2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ kiểm lâm làm sai hoặc bỏ sót thì cũng bị xử lý theo quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều hết hiệu lực thi hành.
Giao cho Cục kiểm lâm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này, trong khi thực hiện nếu có gì vướng mắc các đơn vị báo cáo Bộ giải quyết.