Văn bản pháp luật: Thông tư 8-LĐ/TT

Nguyễn Đăng
Thông tư 8-LĐ/TT
Thông tư
01/01/1961
04/03/1961

Tóm tắt nội dung

Bổ sung việc hướng dẫn thi hành nghị định số 028-TTg ngày 28-01-1959 của Thủ tướng Chính phủ về nghỉ hàng năm.

Thứ trưởng
1.961
Bộ Lao động

Toàn văn

THÔNG TU

THÔNG TƯ

Số 8-LĐ/TT ngày 04-03-1961 bổ sung việc hướng dẫn thi hành nghị định số 028-TTg ngày 28-01-1959 của Thủ tướng Chính phủ về nghỉ hàng năm

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi: Các Bộ,

Các cơ quan ngang Bộ,

Các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ,

Các Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh,

Các Sở, Ty, Phòng Lao động

Để hướng dẫn thi hành nghị định số 028-TTg ngày 28-1-1959 của Thủ tướng Chính phủ quy định những ngày nghỉ lễ chính thức, chế độ nghỉ hàng năm và nghỉ phép về việc riêng cho cán bộ, công nhân, viên chức, Liên bộ Lao động, Nội vụ đã ra Thông tư số 14-LĐ/TT ngày 21-3-1959. Sau đó Bộ Lao động lại có Công văn số 895-LĐ/BH ngày 10-7-1959 và Thông tư số 14-LĐ/TT ngày 9-6-1960 giải thích một số điểm để áp dụng trong khu vực sản xuất.

Nay căn cứ vào phản ảnh và đề nghị của các ngành, các địa phương và sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ Lao động hướng dẫn thêm về:

- Trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức đi nghỉ hàng năm gặp những đoạn đường không có tàu xe.

- Trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức vì bận công việc mà năm trước không đi nghỉ hàng năm được, phải nghỉ dồn vào năm sau.

I. TRƯỜNG HỢP ĐI NGHỈ HÀNG NĂM GẶP NHỮNG ĐOẠN ĐƯỜNG KHÔNG CÓ TÀU XE

a) Cán bộ, công nhân, viên chức khi đi nghỉ hàng năm nếu gặp những đoạn đường thuộc miền đồng bằng mà không có tàu, xe ô tô, thuyền, hàng phải đi bộ, đi xe đạp tư hoặc dùng những phương tiện vận chuyển khác từ 10 cây số trở lên thì được thanh toán một khoản tiền phụ cấp (thay vào tiền tàu xe) cứ mỗi cây số là ba xu (0đ03) kể từ cây số đầu, dưới 10 cây số không tính.

b) Do hoàn cảnh đặc biệt ở miền rừng núi, những vùng không có tàu, xe ô tô, thuyền, hàng phần nhiều đường xá khó đi, nên không căn cứ vào cây số để tính như vùng đồng bằng mà tính theo chặng đường đã đi, cụ thể là:

- Nếu đi mất một buổi (tức là phải đi từ 4 giờ trở lên) thì được phụ cấp sáu hào (0đ60).

- Nếu đi mất 1 ngày (tức là phải đi từ 8 giờ trở lên thì được phụ cấp 1 đồng hai hào (1đ20).

Uỷ ban hành chính các tỉnh căn cứ vào địa hình của địa phương mình đẻ quy định vùng nào là vùng rừng núi. Cán bộ, công nhân, viên chức đến nghỉ hàng năm ở nơi nào thì phải lấy giấy chứng nhận của chính quyền địa phương nơi đó để tiện việc thanh toán.

II. TRƯỜNG HỢP VÌ BẬN CÔNG VIỆC MÀ NĂM TRƯỚC KHÔNG ĐI NGHỈ HÀNG NĂM ĐƯỢC PHẢI NGHỈ DỒN VÀO NĂM SAU

Lệ nghỉ hàng năm thuộc nâm nào phải thi hành trong năm ấy không nên lưu năm trước dồn năm sau để bồi dưỡng sức khoẻ kịp thời cho cán bộ, công nhân, viên chức đồng thời để tránh gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch lao động và việc thanh toán ngân sách.

Thi hành chỉ thị số 26-CT ngày 22-1-1960 của Thủ tướng Chính phủ và tinh thần của chế độ nghỉ hàng năm nói trên, trong năm 1960 nhiều đơn vị đã có kế hoạch bố trí ngay từ đầu năm, do đó phần lớn cán bộ, công nhân, viên chức đã lần lượt đi nghỉ. Nhưng cũng có đơn vị gặp khó khăn về biên chế hoặc chưa thất chú ý sắp xếp công việc, dành thời gian cho anh chị em nghỉ ngơi nên số người chưa được đi nghỉ còn tương đối nhiều. Hiện nay những anh chị em đó đang được các đơn vị tiếp tục bố trí đi nghỉ vào quý I năm 1961. Trường hợp nghỉ dồn như vậy việc thanh toán tiền tàu xe được giải quyết như sau:

a) Trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức do nhu cầu sản xuất hoặc công tác mà năm trước không đi nghỉ hàng năm được phải nghỉ dồn vào năm sau thì cơ quan, xí nghiệp cần giải thích cho anh chị em nghỉ gọn vào một lần và đi nghỉ ở một nơi nhất định (kể cả phần nghỉ của năm trước và phần nghỉ của năm sau) để bớt thì giờ đi lại nhiều ảnh hưởng đến công tác.

b) Nếu vì tình hình công tác hoặc sản xuất mà không thể bố trí cho cán bộ, công nhân, viên chức nghỉ gọn một lần được thì cơ quan, xí nghiệp có thể để anh chị em nghỉ 2 lần. Trường hợp này được thanh toán tiền tàu xe cả 2 lần (kể cả khoản phụ cấp "những đoạn đường không có tàu xe" nếu có).

Ví dụ: Ông A làm việc ở Hà Nội năm 1960 đủ điều kiện nghỉ hàng năm nhưng vì bận công việc không đi nghỉ được phải nghỉ dồn voà năm 1961. Năm 1961 ông A cũng có đủ điều kiện được nghỉ hàng năm. Như vậy ông A được nghỉ 20 ngày lao động (10 ngày của năm 1960 và 10 ngày của năm 1961) và do nhu cầu công tác nên xí nghiệp đã sắp xếp cho ông A nghỉ 2 lần:

- Tháng 1-1961 ông A nghỉ 10 ngày lao động để về Thái Bình thăm gia đình. Ông A được xí nghiệp thanh toán tiền tàu xe Hà Nội-Thái Bình-Hà Nội. Từ bến ô tô Thái Bình về nhà ông A còn phải đi bộ một quãng đường 15 cây số, do đó ông A được thanh toán thêm khoản tiền phụ cấp "những đoạn đường không có tàu xe" cả đi lẫn về là: 0đ03 x 15 x 2 = 0đ90.

- Tháng 8-1961 xí nghiệp lại thu xếp cho ông A nghỉ 10 ngày lao động để đi nghỉ mát ở Sầm Sơn. Lần này ông A cũng được thanh toán tiền tàu xe Hà Nội- Sầm Sơn-Hà Nội. Còn khoản tiền phụ cấp "những đoạn đường không có tàu xe" ông A không được tính vì quãng đường từ bến ô tô Sầm Sơn đến nơi nghỉ mát của ông A chưa được 10 cây số.

Trên đây là những biện pháp để giải quyết trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức năm 1960 không nghỉ hàng năm được phải dồn sang năm 1961. Sang năm 1961 trở đi các cơ sở cần chú ý sắp xếp cho cán bộ, công nhân, viên chức đi nghỉ năm nào xong năm ấy, hết sức tránh tình trạng để nghỉ dồn vào năm sau vì đó là hiện tượng không hợp lý.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1961 và áp dụng cho toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức thuộc đối tượng thi hành thông tư liên bộ nội vụ, lao động số 14-TT/LB ngày 21-3-1959.

Sau đây Bộ Lao động nhắc lại tinh thần của chế độ nghỉ hàng năm là để bồi dưỡng sức khoẻ cho cán bộ, công nhân, viên chức. Qua một năm lao động, nhà nước dành cho anh chị em một thời gian nghỉ ngơi để rồi tiếp tục sản xuất hay công tác. Vì vậy các cơ quan, xí nghiệp, công nông lâm trường phải làm cho mỗi cán bộ, công nhân, viên chức trong đơn vị mình thấm nhuần mục đích ý nghĩa của chế độ nghỉ hàng năm để có kế hoạch sử dụng thời gian nghỉ ngơi được hợp lý. Về tiền tàu xe đi nghỉ hàng năm ngân sách nhà nước cũng chỉ cấp cho anh chị em mỗi năm một lần để đến một nơi nhất định mà không cấp cho đi nhiều nơi. Các cơ quan, xí nghiệp, công nông lâm trường cần thi hành đúng.

Cán bộ, công nhân, viên chức đi nghỉ hàng năm phải chấp hành đúng chế độ, không được nghỉ quá hạn như một số trường hợp đã xảy ra trong năm 1960 để tránh gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch lao động của xí nghiệp và cơ quan.

Hà Nội ngày 4 tháng 3 năm 1961


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=1212&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận