Văn bản pháp luật: Thông tư 866/TCHQ-PCXL

 
Toàn quốc
Sách-Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia;
Thông tư 866/TCHQ-PCXL
Thông tư
...
12/12/1992

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thi hành Nghị định 232-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan

 
1.992
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 232/HĐBT của
Hội đồng Bộ trưởng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan

Thi hành Nghị định số 232/HĐBT ngày 25-6-1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan, Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc thực hiện như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm các quy định quản lý Nhà nước về Hải quan mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 232/HĐBT ngày 25-6-1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan là tổ chức, cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài có hành vi vi phạm các quy định quản lý Nhà nước về Hải quan.

3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan áp dụng theo điều 6 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.

Các cấp Hải quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quy định tại điều 7 và điều 8 của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính để quyết định hình thức và mức xử phạt đúng quy định của pháp luật hiện hành.

4. Căn cứ pháp lý để quyết định hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan:

Pháp lệnh Hải quan và các văn bản quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hải quan;

Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính;

Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh;

Nghị định số 232/HĐBT ngày 25-6-1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Hải quan;

Các quy chế quản lý Nhà nước khác về xuất nhập khẩu hàng hoá, hành lý, ngoại hối, bưu phẩm, bưu kiện, tài sản, đồ vật khác và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, mượn đường đang còn hiệu lực thi hành.

II. CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ CÁC BIỆN PHÁP
HÀNH CHÍNH KHÁC

A. CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT

a. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về Hải quan phải chịu một trong các hình thức xử phạt sau đây:

Cảnh cáo;

Phạt tiền.

Hình thức phạt cảnh cáo chỉ áp dụng với cá nhân, không áp dụng với tổ chức có vi phạm hành chính.

b. Ngoài hình thức phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về Hải quan còn có thể phải chịu hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có thời hạn hoặc không có thời hạn.

Ngoài hai hình thức xử phạt quy định trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về Hải quan còn bị buộc tiêu huỷ các văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ, hàng giả, vật phẩm gây nguy hại cho sức khoẻ con người.

Khi áp dụng biện pháp tiêu huỷ tang vật, phải lập biên bản tiêu hủy với sự chứng kiến của đại diện cơ quan chức năng liên quan.

B. HÀNH VI VI PHẠM VÀ MỨC XỬ PHẠT:

Căn cứ vào Điều 1 của Nghị định thì các vi phạm hành chính phải chịu các hình thức và mức xử phạt như sau:

1. Vi phạm thủ tục Hải quan quy định tại khoản 1 điều 1:

Sau khi đã được cán bộ hải quan hướng dẫn làm thủ tục hải quan mà đương sự không thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc có hành vi gây cản trở việc xuất trình hoặc nộp các giấy tờ về hồ sơ hải quan được quy định tại Nghị định số 171/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng thì xử phạt như sau:

Vi phạm lần đầu thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ trên 20.000 đồng đến 50.000 đồng;

Nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt từ trên 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

2. Vi phạm chế độ kiểm tra, giám sát hải quan quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 của điều 1:

a. Đối với các vi phạm quy định tại khoản 2:

Phạt tiền 50.000 đồng đối với vi phạm lần đầu quy định tại điểm a mà không có dụng ý thêm, bớt hoặc đánh tráo và các điểm b, c, d, e khi đương sự cố tình từ chối yêu cầu xuất trình hoặc kiểm tra của Hải quan đối với các đối tượng chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan;

Phạt tiền từ trên 50.000 đồng đến 80.000 đồng với vi phạm lần thứ 2;

Phạt tiền từ trên 80.000 đồng đến 100.000 đồng nếu có tình tiết tăng nặng.

b. Đối với các vi phạm quy định tại khoản 3:

b.1. Chủ hàng hoá, phương tiện vận chuyển hoặc người đại diện vi phạm quy định tại điểm a cố tình tẩy xoá, sửa chữa làm sai nội dung thực của giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tờ khai hải quan hoặc giấy tờ khác liên quan đến việc làm thủ tục hải quan, nhằm mục đích tư lợi thì xử phạt như sau:

Vi phạm lần đầu phạt tiền 100.000 đồng;

Vi phạm lần 2 phạt tiền từ trên 100.000 đồng đến 150.000 đồng;

Nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền từ trên 150.000 đồng đến 200.000 đồng và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể áp dụng biện pháp phạt bổ sung, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có thời hạn hoặc không có thời hạn.

b.2. Vận chuyển hàng hoá, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện, quá cảnh, mượn đường Việt Nam mà không có giấy phép của Bộ Thương mại cấp (quá cảnh), giấy phép do Tổng cục Hải quan cấp (mượn đường) và các giấy tờ liên quan khác do cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật thì xử phạt như sau:

Vi phạm lần đầu phạt tiền 100.000 đồng;

Vi phạm lần 2 phạt tiền từ trên 100.000 đồng đến 150.000 đồng;

Nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền từ trên 150.000 đồng đến 200.000 đồng.

Ngoài hình thức phạt tiền trên, còn buộc chủ hàng, chủ phương tiện phải chấp hành đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.

c. Đối với các vi phạm quy định tại khoản 4:

Vi phạm lần đầu và không có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền 200.000 đồng;

Vi phạm lần thứ 2 phạt tiền từ trên 200.000 đồng đến 300.000 đồng;

Nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền từ trên 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Tổng cục Hải quan sẽ có Thông tư hướng dẫn việc đăng ký và cấp giấy phép đối với tàu, thuyền vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan khi di chuyển trong nội thuỷ và lãnh hải Việt Nam.

d. Đối với các vi phạm quy định tại khoản 5:

Vi phạm lần đầu có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền 500.000 đồng;

Vi phạm lần thứ 2 thì phạt tiền từ trên 500.000 đồng đến 800.000 đồng;

Nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền từ trên 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng và có thể áp dụng hình thức phạt bổ sung, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có thời hạn hoặc không có thời hạn.

Trường hợp hàng xuất khẩu, nhập khẩu không đúng với nội dung của giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc hàng thừa so với giấy phép thì xử lý theo hướng dẫn tại khoản 5 nói trên.

Đối với chủ phương tiện vận tải tạm nhập mà không tái xuất, tạm xuất mà không tái nhập hoặc tái xuất, tái nhập không đúng nội dung ghi trên giấy phép, sẽ áp dụng xử phạt theo điểm c khoản 5 Điều 1 Nghị định 232/HĐBT. Nếu lợi dụng quy định tạm nhập, tái xuất để buôn bán trục lợi thì tuỳ theo tính chất hành vi vi phạm mà áp dụng mức xử phạt theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định 232/HĐBT.

e. Đối với các vi phạm quy định tại khoản 6:

e.1. Vi phạm quy định tại các điểm a, c, d, e, g và điểm b (nếu tang vật và tiền Việt Nam) thì xử phạt như sau:

Vi phạm lần đầu, phạt tiền 1.000.000 đồng;

Vi phạm lần thứ 2, phạt tiền từ trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng;

Nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền từ trên 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

e.2. Vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 điều 1 Nghị định thì tuỳ theo tính chất, mức độ, số lượng ngoại hối vi phạm (ngoài số ngoại hối xuất nhập khẩu không phải khai báo) mà áp dụng các mức phạt sau:

e.2.a. Đối với ngoại hối nhập khẩu:

Vi phạm lần đầu và không có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền tương đương bằng 2% số ngoại hối vi phạm;

Vi phạm lần thứ 2 và không có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền tương đương bằng 10% số ngoại hối vi phạm;

Nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền tương đương tối đa bằng 50% số ngoại hối vi phạm.

e.2.b. Đối với ngoại hối xuất khẩu:

Vi phạm lần đầu và không có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền tương đương bằng 30% số ngoại hối vi phạm;

Vi phạm lần thứ 2 và không có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền tương đương bằng 50% số ngoại hối vi phạm;

Nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền tương đương bằng 80% đến 1 lần trị giá số ngoại hối vi phạm.

Đối với mức xử phạt quy định tại điểm e trên, ngoài mức phạt tiền ra, tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả xẩy ra mà áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hoặc thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có thời hạn hoặc không có thời hạn.

Điểm g, khoản 6 điều 1 Nghị định 232/HĐBT được áp dụng để xử phạt những trường hợp tàu nhập cảnh trái cảng mà không có lý do xác đáng.

3. Đối với các vi phạm quy định tại khoản 8 mà tính chất của hành vi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì xử phạt như sau:

a. Vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, đã bị xử phạt nhiều lần, lại tiếp tục vi phạm do lỗi cố ý, nhằm hợp pháp hoá việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, hành lý, ngoại hối... và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh với mục đích và động cơ trục lợi, gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc tiếp nhận hồ sơ hải quan, thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà ra quyết định xử phạt cho đúng với khung hình phạt quy định tại khoản 8 điều 1 Nghị định 232/HĐBT.

Đối với các doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp, vi phạm quy định trên, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Hải quan tỉnh báo cáo Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại biết để thực hiện việc đình chỉ quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu trực tiếp đối với các doanh nghiệp này.

b. Đối với các vi phạm quy định tại điểm b, c, d:

Vi phạm lần đầu, trị giá hàng hoá, hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam dưới 30 triệu đồng Việt Nam, không có tình tiết tăng nặng, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà phạt tiền từ 1 đến 3 lần số lợi bất chính hoặc từ 1 đến 3 lần trị giá hàng phạm pháp, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm.

Riêng đối với vi phạm quy định tại điểm d khoản này còn có thể áp dụng biện pháp buộc tiêu huỷ hàng hoá giả không có giá trị sử dụng.

c. Vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 232/HĐBT có tình tiết tăng nặng, gây hậu quả nghiêm trọng thì cấp Hải quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại điều 28 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

4. Đối với các vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 8 Điều 1 của Nghị định mà tang vật là hàng cấm xuất nhập khẩu, hàng quản lý bằng hạn ngạch, tạm ngừng xuất nhập khẩu, xuất nhập khẩu có điều kiện hoặc theo định lượng thì tuỳ theo tính chất, hậu quả xẩy ra, áp dụng các mức phạt quy định tại khoản 8 của Điều 1 Nghị định.

5. Trường hợp hàng lậu đã đưa vào trong thị trường nội địa mới bị phát hiện, thì căn cứ vào tính chất, mục đích, hậu quả xẩy ra và chủng loại hàng (hàng cấm nhập, hàng nhập có điều kiện, tạm ngừng nhập khẩu, hàng quản lý bằng hạn ngạch...), áp dụng việc xử phạt quy định tại điểm 2, 3 mục B Thông tư này. Hải quan các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, quản lý thị trường, tài chính cùng cấp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm tại điểm 5 trên đây.

 

III. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN

Thẩm quyền xử phạt hành chính của các cấp Hải quan:

Chỉ các cấp Hải quan sau mới được quyền xử phạt:

1. Trưởng Hải quan cửa khẩu, Đội trưởng đội kiểm soát thuộc Hải quan cấp tỉnh được phạt cảnh cáo và phạt tiền từ 20.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 1 Nghị định.

Riêng điểm a khoản 3 Điều 1 có tình tiết tăng nặng mà việc phạt tiền kèm theo tịch thu tang vật có giá trị từ trên 500.000 đồng trở lên; hoặc áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có thời hạn thì cấp Hải quan có thẩm quyền nói trên phải chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật về Hải quan cấp tỉnh để xử lý.

2. Giám đốc Hải quan cấp tỉnh được quyền áp dụng tất cả các hình thức phạt và biện pháp hành chính theo quy định của Nghị định số 232/HĐBT ngày 25-6-1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

Đối với Hải quan các tỉnh, thành phố có cửa khẩu hoặc đội kiểm soát hoạt động trên địa bàn rộng, thì tuỳ tình hình cụ thể mà Giám đốc Hải quan cấp tỉnh giao thẩm quyền xử phạt từ hình thức cảnh cáo đến phạt tiền 20.000 đồng cho tổ trưởng đội kiểm soát thuộc Hải quan cửa khẩu.

Đối với những vi phạm hành chính về Hải quan có tính chất và mức độ nghiêm trọng có dấu hiệu của tội "buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới" cấp có thẩm quyền của Hải quan phải ra quyết định khởi tố hình sự theo điều 28 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

Đối với các vụ vi phạm có trị giá lớn khó xác định là vi phạm hành chính hay tội phạm thì Giám đốc Hải quan cấp tỉnh phải trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp bằng văn bản, đồng thời báo cáo Tổng cục Hải quan để hướng dẫn chỉ đạo việc xử lý. Sau khi nghiên cứu văn bản trả lời của Viện Kiểm sát nhân dân và của Tổng cục Hải quan mà quyết định khởi tố hình sự hay xử phạt hành chính.

Đối với các vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, khoản 5, 6, 8 của Điều 1 có tình tiết tăng nặng mà việc phạt tiền kèm theo tịch thu tang vật có trị giá trên 30.000.000 đồng Việt Nam hoặc trên 3.000 USD thì Giám đốc Hải quan cấp tỉnh phải sao gửi hồ sơ và báo cáo về Tổng cục, và chỉ khi có ý kiến của Tổng cục mới được ra quyết định xử phạt.

Cơ quan Pháp chế xử lý của Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp với các Vụ, Cục chức năng làm tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục để hướng dẫn việc xử lý theo Luật định.

 

IV- THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG
LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ HẢI QUAN

Nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng xử phạt hành chính trong ngành Hải quan, bao gồm các bước sau:

1. Lập biên bản vi phạm hành chính về Hải quan.

Khi phát hiện vi phạm hành chính về Hải quan, phải lập biên bản kịp thời, đúng nội dung quy định tại điều 21 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với vi phạm nghiêm trọng, hoặc có những tình tiết phức tạp cần làm rõ phải tiến hành lấy lời khai; khi cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc bảo đảm việc xử phạt, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn được quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.

Việc tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết đinh bằng văn bản và ghi vào biên bản vi phạm. Trong trường hợp cần thiết tiến hành niêm phong trước mặt người vi phạm hoặc đại diện của họ.

Biên bản vi phạm phải vào sổ theo dõi biên bản vi phạm hành chính về Hải quan; hàng hoá, tang vật tạm giữ phải lập phiếu nhập kho và vào sổ kho hàng tạm giữ.

Sau khi lập biên bản, nếu xét vụ việc đó không thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp mình thì Trưởng Hải quan cửa khẩu hoặc Đội trưởng Đội kiểm soát làm thủ tục lập phiếu xuất kho chuyển hồ sơ và tang vật kèm theo phiếu giao hàng tạm giữ (HQ. 23) lên cấp trên để giải quyết.

2. Thủ tục tiếp nhận hồ sơ và thời hạn ra quyết định xử phạt.

a. Khi nhận được hồ sơ vụ vi phạm, cán bộ xử lý phải vào sổ thụ lý hồ sơ vi phạm hành chính về Hải quan, ghi đầy đủ vào cột, mục in sẵn.

b. Nếu có tang vật, phương tiện kèm theo thì lập phiếu nhập kho, vào sổ theo dõi kho hàng tạm giữ. Hồ sơ phải ghi và sắp xếp theo thứ tự quy định in trên bìa hồ sơ.

c. Căn cứ vào hồ sơ, cán bộ xử lý phải nghiên cứu, phân tích, xác định rõ các nội dung sau:

Các yếu tố pháp lý đảm bảo để ra quyết định xử lý đã đủ chưa.

Những chứng cứ cần được bổ sung, làm rõ (như biên bản giám định, biên bản lấy lời khai...).

Có cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn không?

Thẩm quyền xử lý thuộc cấp nào?

Khi các nội dung trên được xác định và theo quy định thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp mình thì làm báo cáo tổng hợp, đề xuất ý kiến xử phạt. Tuỳ theo tính chất của từng vụ vi phạm để xin ý kiến của Hội đồng xử lý trước khi ký quyết định xử phạt.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính về Hải quan, cán bộ có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan. Chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt, phải công bố quyết định xử phạt hoặc tống đạt quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt. Khi công bố quyết định xử phạt, phải giải thích cho đương sự thấy rõ lỗi vi phạm của họ hoặc của tổ chức do họ làm đại diện hoặc uỷ quyền. Nếu đương sự có ý kiến khiếu nại thì giải thích quyền khiếu nại cho đương sự biết theo đúng nội dung của điều 36 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.

Quyết định xử phạt hành chính có mức phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có trị giá từ 500.000 đồng trở lên phải gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Tổng cục Hải quan.

3. Thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được chuyển trực tiếp đến đối tượng bị xử phạt hoặc người được họ uỷ quyền.

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan phải thi hành ngay sau khi nhận được quyết định xử phạt, và thời hạn thi hành chậm nhất không quá 5 ngày.

Quá thời hạn trên, nếu đối tượng bị xử phạt không tự nguyện thi hành quyết định xử phạt, thì các cấp Hải quan có thẩm quyền xử phạt có nhiệm vụ tổ chức cưỡng chế hành chính với sự phối hợp của lực lượng cảnh sát nhân dân, chính quyền sở tại và các ngành hữu quan, cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hành chính phải chịu mọi chi phí cho việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

Khấu trừ 1 phần lương hoặc một phần thu nhập (đối với cá nhân); khấu trừ tiền từ tài khoản của ngân hàng (đối với tổ chức);

Kê biên tài sản để bán đấu giá;

Buộc tiêu huỷ các văn hoá phẩm đồi truỵ và vật phẩm được quy định tại điều 2 Nghị định 232/HĐBT.

4. Giải quyết khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại cơ quan cấp trên trực tiếp của người ra quyết định xử phạt phải xem xét và ra một trong những quyết định sau đây:

Không thay đổi quyết định xử phạt;

Thay đổi hình thức, mức độ, biện pháp xử phạt;

Huỷ bỏ quyết định xử phạt và đình chỉ việc xử phạt.

Đối với các vụ phức tạp, thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày để giải quyết khiếu nại lần đầu. Các lần tiếp theo mỗi lần không quá 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

Không giải quyết khiếu nại trong những trường hợp sau:

Thời hiệu khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng (thời hiệu khiếu nại là 6 tháng kể từ ngày có quyết định xử phạt);

Người khiếu nại không có năng lực hành vi mà không có người đại diện hợp pháp;

Việc khiếu nại đã có quyết định cuối cùng.

Quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành ngay.

Mọi khiếu nại về các quyết định xử lý đã có hiệu lực pháp luật đều phải chuyển về cơ quan thanh tra Hải quan các cấp, để giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Thanh tra và Pháp lệnh Giải quyết khiếu nại và tố cáo của công dân.

 

V. XỬ LÝ TANG VẬT VÀ PHƯƠNG TIỆN
VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN

Cần phân biệt nguồn gốc, tính chất, nội dung và giá trị sử dụng của từng loại tang vật, phương tiện vi phạm để quyết định hình thức xử lý thích hợp.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm đã xử lý tịch thu sung quỹ Nhà nước thì quyết định xử phạt và biên bản liên quan đến việc tịch thu tang vật, phương tiện đó phải giao cho Tài chính thuộc cấp đã quyết định xử phạt. Việc giao bán phải thực hiện bằng phương thức đấu giá (trừ các loại tang vật phải giao cơ quan chức năng quản lý như: văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ, ma tuý, vũ khí, chất độc, chất nổ, v.v...) thông qua Hội đồng định giá và có thể tham khảo ý kiến cơ quan tài chính vật giá cùng cấp.

Hội đồng định giá bán đấu giá gồm các thành viên là cán bộ phụ trách công tác tài chính, xử lý, giám quản kiểm soát và đại diện đơn vị bắt giữ, do một thành viên trong Ban giám đốc Hải quan cấp tỉnh hoặc tương đương làm chủ tịch, hoạt động theo quy chế bán đấu giá hàng tịch thu Tổng cục Hải quan ban hành.

Hàng không xác định được chủ sở hữu thực hiện theo điều 45 Pháp lệnh Hải quan:

Tang vật, phương tiện vi phạm và văn hoá phẩm đồi truỵ, hàng giả không có giá trị sử dụng thì phải thành lập Hội đồng xử lý để huỷ bỏ. Tuỳ từng loại tang vật mà mời các cơ quan Công an, Văn hoá, Y tế, Quản lý thị trường tới chứng kiến.

Không tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc sở hữu Nhà nước, tập thể hoặc cá nhân bị người vi phạm chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép.

Những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không biết rõ chủ sở hữu thì khi thi hành quyết định xử phạt phải niêm yết công khai, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo công khai, nếu không xác định được chủ sở hữu thì tang vật, phương tiện đó được sung vào quỹ Nhà nước.

Khi giao bán, bàn giao, trả lại, huỷ tang vật, phương tiện vi phạm, các cấp Hải quan phải thực hiện theo đúng chế độ kế toán tố tụng và chế độ báo cáo định kỳ, tiền phạt, tiền bán hàng tịch thu phải sử dụng biên lai thu tiền (CTT11) (Tổng cục sẽ có văn bản hướng dẫn về kế toán hàng tạm giữ và tịch thu).

Nghiêm cấm Hải quan các cấp sử dụng tiền, hàng, phương tiện tạm giữ hoặc đã xử lý sai các quy định kế toán tố tụng hiện hành.

 

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, HƯỚNG DẪN, KIỂM SOÁT VIỆC
TUÂN THEO PHÁP LUẬT TRONG VIỆC XỬ PHẠT
VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 178/HĐBT ngày 17-6-1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan Pháp chế xử lý của Tổng cục Hải quan là đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc tuân theo pháp luật trong việc thực hiện trình tự, thủ tục, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; phát hiện, đề xuất ý kiến, để Tổng cục trưởng ra quyết định, đảm bảo thực hiện nghiêm việc xử phạt hành chính theo luật định. Giám đốc Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về Hải quan của Trưởng Hải quan cửa khẩu và Đội kiểm soát thuộc quyền.

Chế độ báo cáo: Ngoài báo cáo xin ý kiến theo quy định tại điểm 2 mục III Thông tư này, hàng tháng, quý, 6 tháng và 1 năm Hải quan cấp tỉnh phải báo cáo công tác xử lý gửi về Tổng cục theo hướng dẫn chung.

 

VII. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Chế độ khen thưởng đối với người có công phát hiện, bắt giữ xử lý vi phạm hành chính về Hải quan thực hiện theo các quy định hiện hành.

Mọi hành vi vi phạm các quy định xử phạt hành chính về Hải quan phải được xử lý nghiêm khắc, kịp thời.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, những vấn đề mới phát sinh, phải báo cáo Tổng cục Hải quan để hướng dẫn giải quyết.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=10967&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận