Văn bản pháp luật: Thông tư 9/TC-CSTC

 
Toàn quốc
Công báo số 11 năm 1996;
Thông tư 9/TC-CSTC
Thông tư
01/01/1996
02/02/1996

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn chi tiết việc sử dụng tiền thu về xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị

 
1.996
 

Toàn văn

THôNG Tư

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Hướng dẫn chi tiết việc sử dụng tiền thu về xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị

Tại Thông tư liên Bộ Tài chính - Nội vụ số 77/TTLB-NV ngày 30-10-1995 hướng dẫn bổ sung việc thu và sử dụng tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị có quy định: Toàn bộ tiền thu về xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị do các lực lượng Trung ương và địa phương xử phạt đều phải được tập trung vào Ngân sách Nhà nước thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước để bổ sung kinh phí cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị, trong đó: 30% tập trung vào Ngân sách Trung ương và 70% được điều tiết cho Ngân sách địa phương.

Để thực hiện việc cấp phát kinh phí kịp thời cho các đơn vị tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết tỷ lệ phân bổ toàn bộ tiền thu về xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị cho các đơn vị như sau:

1. Đối với khoản tiền thu (30%) tập trung vào ngân sách Trung ương (coi như 100%) được phân chia như sau:

- 20% chi bổ sung kinh phí cho công tác tuyên truyền, in ấn tài liệu, sơ kết công tác... của Ban Chỉ đạo an toàn giao thông Trung ương;

- 40% chi bổ sung kinh phí hoạt động cho Bộ Nội vụ;

- 20% chi bổ sung kinh phí hoạt động cho Bộ Giao thông vận tải;

- 20% chi bổ sung kinh phí hoạt động cho Bộ Tài chính (Kho bạc nhà nước).

2. Đối với khoản thu (70%) điều tiết cho Ngân sách địa phương (coi như 100%) được phân chia như sau:

- 10% tổng số điều tiết để chi bổ sung cho công tác phổ biến, tuyên truyền để tăng cường công tác trật tự an toàn giao thông tại địa phương. Bao gồm cả chi cho công tác sơ kết, tổng kết hoạt động trên địa bàn.

- Dành tối đa không quá 40% tổng số điều tiết để chi bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Trong đó:

+ 20% tổng số điều tiết để chi cho lực lượng công an tham gia trên địa bàn.

+ 5% tổng số điều tiết để chi cho lực lượng giao thông tham gia trên địa bàn.

+ 5% tổng số điều tiết để chi cho các lực lượng của địa phương ở quận, huyện, xã, phường tham gia trực tiếp vào công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

+ 10% tổng số điều tiết để chi cho Kho bạc Nhà nước thực hiện việc thu tiền phạt (bao gồm cả kinh phí chi trả cho người được uỷ quyền thu phạt do Kho bạc Nhà nước giao cho).

- Số tiền còn lại (tối thiểu là 50% tổng số tiền điều tiết) dành để chi cho việc tăng cường cơ sở vật chất, các chi phí cần thiết cho việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, thành phố.

3. Trình tự cấp phát kinh phí, nội dung chi cụ thể và việc quyết toán sử dụng tiền thu phạt được áp dụng theo quy định tại Thông tư liên Bộ Tài chính - Nội vụ số 77-TTLB/TC/NV ngày 30-10-1995.

Phần kinh phí dành có việc bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông là mức trích tối đa. Số kinh phí này không sử dụng hết thì được chuyển sang để chi cho việc trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị trên địa bàn.

4. Hàng tháng, cơ quan Tài chính căn cứ vào số tiền thu được phân bổ số kinh phí được hưởng cho các đơn vị và thực hiện cấp phát kinh phí cho các đơn vị theo tỷ lệ quy định tại Thông tư này; đối với số tiền còn lại (tối thiểu là 50% tổng số tiền điều tiết) dành để chi cho việc tăng cường cơ sở vật chất, các chi phí cần thiết cho việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, thành phố, Sở Tài chính - Vật giá thực hiện cấp phát kinh phí theo chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố.

5. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1996. Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thực hiện việc cấp phát kinh phí kịp thời cho các đơn vị, không sử dụng khoản thu này vào các mục đích khác.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=9295&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận