Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 5/8/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Căn cứ Hiệp định vay ưu đãi (sau đây gọi là Hiệp định) tài trợ cho Dự án cải tạo - mở rộng hệ thống cấp nước thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam (sau đây gọi là Dự án) ký ngày 22/5/1998 giữa Bộ Tài chính và Công ty tín dụng xuất khẩu Phần Lan (FEC).
Căn cứ Công văn số 4363/QHQT ngày 01/9/1997 của Văn phòng Chính phủ phê duyệt cơ chế tài chính đối với Dự án và Công văn số 500/CP-QHQT ngày 6/5/1998 của Chính phủ phê duyệt Hiệp định vay cho Dự án.
1. Điều kiện vay của Phần Lan:
Tổng số tiền vay: 1.736.137,66 USD (quy đổi từ 9.290.246,25 Mác Phần Lan theo tỷ giá 5,3511 FIM/1USD là tỷ giá chính thức do Ngân hàng Trung ương Phần Lan công bố vào ngày ký Hiệp định), bao gồm:
Phần vay để thay toán 85% trị giá hợp đồng thương mại là 1.678. 238,44 USD (sau đây gọi là phần vay A),
Phần vay để trả một phần phí bảo hiểm tín dụng bằng 3,45% trị giá Hợp đồng thương mại là 57.899,22 USD (sau đây gọi là phần vay B).
Thời hạn vay 10 năm, không có ân hạn. Khoản đầu tiên sẽ phải trả vào ngày 30/6/2000.
Lãi suất vay: 0%.
Phí cam kết: 0,5%/năm tính trên số vốn chưa rút kể từ ngày ký Hiệp định vay và trả 6 tháng/lần.
Phí thu xếp: 0,375% tính trên tổng số tiền vay và trả một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Hiệp định vay.
Lãi phạt: 1,75% trên mức lãi suất liên ngân hàng Anh (LIBOR).
2. Cơ chế cho vay lại với Dự án:
Chủ đầu tư phải nhận nợ với Tổng cục Đầu tư phát triển (tính bằng USD) toàn bộ phần vốn vay nước ngoài bao gồm cả phần vay để trả phí bảo hiểm tín dụng nói trên.
Lãi suất cho vay lại: 0%.
Phí cho vay lại do hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển thu theo quy định hiện hành.
Thời hạn cho vay lại là 15 năm, trong đó có 5 năm ân hạn tính từ ngày ký Hiệp định vay (ngày 22/5/1998).
Chủ đầu tư trực tiếp trả bằng USD các loại phí ngoài nước theo quy định của Hiệp định vay như: phí cam kết, phí thu xếp, phí đại lý, phí bảo hiểm tín dụng (phần không được tài trợ bằng vốn vay)... cho FEC theo thông báo của Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại).
Riêng đối với mức lãi phạt chậm trả sẽ do Tổng cục Đầu tư phát triển quy định cụ thể trong Hợp đồng cho vay lại ký với Chủ đầu tư, nhưng không thấp hơn mức lãi phạt quy định trong Hiệp định vay (nêu tại điểm II.1).
3. Hướng dẫn đối với việc rút vốn và trả nợ:
a. Vốn đối ứng:
Theo Quyết định số 97/TTg ngày 05/02/1997 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4363/QHQT ngày 01/9/1997 của Văn phòng Chính phủ phê duyệt cơ chế tài chính đối với Dự án cải tạo - mở rộng hệ thống cấp nước thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam thì Dự án thuộc diện vay lại vốn vay ưu đãi của Phần Lan, vốn đối ứng trong nước là 16,94 tỷ đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm tính toán xây dựng kế hoạch vốn đối ứng hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam để huy động vốn, đảm bảo bố trí vốn đối ứng cho dự án theo tiến độ.
Trước mắt, theo điều kiện của Hợp đồng thương mại đã ký kết, Chủ đầu tư chịu trách nhiệm bố trí nguồn vốn để trả tiền đặt cọc trị giá 15% Hợp đồng thương mại (296.160 USD) cho Nhà cung cấp Phần Lan.
b. Rút vốn vay Phần Lan:
Chủ đầu tư căn cứ vào Hiệp định vay và tiến độ Hợp đồng thương mại đã ký để xây dựng kế hoạch rút vốn nước ngoài hàng năm gửi cho Bộ Tài chính.
Theo quy định tại Điều 1.01 của Hiệp định vay, Bộ Tài chính sẽ chỉ định một Ngân hàng thương mại Phần Lan làm nhiệm vụ kiểm tra các chứng từ, hoá đơn thanh toán cho Nhà cung cấp Phần Lan, tiến hành các thủ tục cần thiết để rút vốn từ FEC thanh toán trực tiếp cho Nhà cung cấp theo Hợp đồng thương mại đã ký và làm thủ tục nhận nợ với FEC thông qua việc cấp Chứng thư rút vốn (Certificate of Drawdown). Căn cứ thông báo của Bộ Tài chính, Chủ đầu tư phải trả trực tiếp phí đại lý cho Ngân hàng này theo quy định của Hợp đồng đại lý theo tỷ lệ 0,1% trị giá số vốn rút từng lần.
Chủ đầu tư cần thực hiện một số điểm trong quy trình thanh toán trực tiếp này như sau:
b.1. Thanh toán tiền đặt cọc:
Sau khi nhận được hoá đơn thương mại và bảo lãnh tiền đặt cọc trị giá 15% của Hợp đồng thương mại (Down Payment Bank Guarantee), Chủ đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu này và chuyển trả tiền đặt cọc cho Nhà cung cấp Phần Lan.
b.2. Thanh toán tiền cung cấp thiết bị và giám sát xây lắp cho Dự án:
Ngân hàng đại lý sẽ, căn cứ vào các chứng từ giao hàng hợp lệ phù hợp với Hợp đồng thương mại do Nhà cung cấp Phần Lan xuất trình cho Ngân hàng, thay mặt Chủ đầu tư thanh toán trực tiếp cho Nhà cung cấp Phần Lan theo từng chuyến giao hàng theo tỷ giá 75% trị giá Hợp đồng thương mại. Riêng đối với việc thanh toán phần còn lại 10% trị giá hợp đồng, sau khi Nhà cung cấp đã giao lô hàng cuối cùng và giám sát việc lắp đặt thiết bị máy móc, Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét và ký duyệt Chứng thư chấp nhận hoàn thành (Final Acceptance Certificate) sau khi nhận được bảo lãnh ngân hàng (Bank Guarantee) theo tỷ lệ 5% trị giá hợp đồng cho thời hạn bảo hành kỹ thuật.
b.3. Thanh toán tiền bảo hiểm tín dụng:
Phí bảo hiểm tín dụng 8,79% tổng số tiền vay nêu ở điểm II.1 trên đây sẽ được trả cho Cơ quan bảo hiểm Phần Lan (FGB) theo phương thức như sau:
Phí bảo hiểm 5,34% trị giá Phần vay A: Chủ đầu tư phải trả bằng tiền mặt theo hoá đơn đòi tiền do FEC gửi trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hoá đơn này.
Phí bảo hiểm 8,79% trị giá Phần vay B: Chủ đầu tư phải trả bằng tiền mặt theo hoá đơn đòi tiền do FEC gửi trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hoá đơn này.
Phí bảo hiểm 3,45% trị giá Phần vay A (là trị giá Phần vay B): Sẽ được tài trợ bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi này và do FEC chuyển trả cho FGB và ghi nợ cho phía Việt Nam. Chủ đầu tư phải nhận nợ với Tổng cục Đầu tư phát triển toàn bộ tổng trị giá hai Phần vay A và B này theo cùng điều kiện cho vay lại nêu ở điểm II.2 của Thông tư này.
c. Quản lý việc cho vay lại và trả nợ vốn vay:
Chủ đầu tư có trách nhiệm ký Hợp đồng cho vay lại với Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư phát triển) theo các điều kiện cho vay lại nêu ở điểm II.2 trên đây; thực hiện việc trả nợ vốn vay đầy đủ, đúng hạn theo Hợp đồng cho vay lại này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Mỗi lần nhận được thông báo rút vốn của Ngân hàng đại lý, Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư phát triển) có trách nhiệm thông báo cho Chủ đầu tư số vốn thực rút, lịch thu hồi nợ và đề nghị Chủ đầu tư đến ký khế ước nhận nợ. Thời điểm nhận nợ là ngày Ngân hàng đại lý ghi nợ cho phía Việt Nam.
Tổng cục Đầu tư phát triển chịu trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng vốn vay và tình hình sử dụng tài sản bằng vốn vay của Chính phủ, thu hồi vốn cho vay lại và báo cáo cho Bộ Tài chính tình hình thu hồi vốn cho vay lại.
d. Chế độ báo cáo:
Định kỳ 6 tháng một lần, Chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cho Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư và phát triển, Vụ Tài chính đối ngoại), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chủ quản về tình hình tiếp nhận, sử dụng và hoàn trả vốn vay, vốn đối ứng của Chính phủ.