THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn việc chuyển xếp ngạch và xếp lương đối với công chức ngạch chấp hành viên thi hành án dân sự
___________________________________
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự (sau đây viết tắt là Nghị định số 74/2009/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BNV ngày 28 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chấp hành viên và thư ký thi hành án dân sự (sau đây viết tắt là Thông tư số 10/2010/TT-BNV);
Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc chuyển xếp ngạch và xếp lương đối với công chức vào các ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp trong các cơ quan thi hành án dân sự như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc chuyển xếp ngạch và xếp lương đối với công chức hiện giữ ngạch Chấp hành viên cấp tỉnh, Chấp hành viên cấp huyện vào các ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp quy định tại Thông tư số 10/2010/TT-BNV.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng với công chức trực tiếp làm công tác thi hành án dân sự trong các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện.
Điều 3. Nguyên tắc chuyển xếp ngạch
1. Việc chuyển xếp ngạch phải căn cứ vào chức trách, vị trí công tác, chuyên môn, nghiệp vụ được giao của công chức.
2. Công chức được chuyển xếp ngạch phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch chấp hành viên thi hành án dân sự quy định tại Thông tư số 10/2010/TT-BNV.
3. Khi chuyển xếp ngạch từ ngạch chấp hành viên hiện giữ sang các ngạch chấp hành viên mới không được kết hợp nâng bậc lương.
Điều 4. Cách chuyển xếp từ ngạch chấp hành viên hiện giữ sang ngạch chấp hành viên mới
1. Chuyển xếp vào ngạch Chấp hành viên cao cấp (mã số ngạch 03.299) đối với các trường hợp sau:
Công chức hiện giữ ngạch Chấp hành viên cấp tỉnh (mã số ngạch 03.017), có đủ điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch Chấp hành viên cao cấp quy định tại Thông tư số 10/2010/TT-BNV và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 5 Điều 52 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.
2. Chuyển xếp vào ngạch Chấp hành viên trung cấp (mã số ngạch 03.300) đối với các trường hợp sau:
a) Công chức hiện giữ ngạch Chấp hành viên cấp tỉnh (mã số ngạch 03.017), có đủ điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch Chấp hành viên trung cấp quy định tại Thông tư số 10/2010/TT-BNV;
b) Công chức đã giữ ngạch Chấp hành viên cấp tỉnh (mã số ngạch 03.017) nhưng do yêu cầu nhiệm vụ được điều động, bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên cấp huyện (mã số ngạch 03.018) và có đủ điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch Chấp hành viên trung cấp quy định tại Thông tư số 10/2010/TT-BNV;
c) Công chức hiện giữ ngạch Chấp hành viên cấp huyện (mã số ngạch 03.018), có đủ điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch Chấp hành viên trung cấp quy định tại Thông tư số 10/2010/TT-BNV và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 52 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.
3. Chuyển xếp vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp (mã số ngạch 03.301) đối với công chức hiện giữ ngạch Chấp hành viên cấp huyện (mã số ngạch 03.018), không có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để được chuyển xếp ngạch theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 5. Cách xếp lương
Việc xếp lương đối với công chức vào các ngạch chấp hành viên thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch này thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Người đứng đầu cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện việc tổng hợp, kiểm tra, rà soát lại các vị trí công tác của chấp hành viên thuộc thẩm quyền quản lý và lập phương án chuyển xếp vào các ngạch chấp hành viên thi hành án dân sự trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Bộ Tư pháp phê duyệt phương án chuyển xếp vào các ngạch chấp hành viên với các trường hợp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 của Thông tư này.
Đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Điểm c Khoản 2 Điều 4 của Thông tư này Bộ Tư pháp phê duyệt phương án chuyển xếp vào các ngạch chấp hành viên sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ.
3. Bộ Tư pháp sau khi thực hiện việc chuyển xếp ngạch đối với công chức vào các ngạch chấp hành viên thi hành án dân sự có báo cáo tổng hợp gửi Bộ Nội vụ để theo dõi. Riêng đối với các trường hợp đề nghị chuyển xếp vào ngạch Chấp hành viên cao cấp, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ bổ nhiệm ngạch và xếp lương. Việc bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên cao cấp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2011.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ảnh về Bộ Nội vụ để thống nhất với Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết./.