Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 02/TTLT/NHNN-TC

 
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư liên tịch 02/TTLT/NHNN-TC
Thông tư liên tịch
18/06/1997
04/06/1997

Tóm tắt nội dung

Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên bộ Ngân hàng Nhà nước - Bộ Tài chính số 01/NHNN-TC ngày 10/02/1995 hướng dẫn việc phát hành tín phiếu kho bạc qua Ngân hành Nhà nước

 
1.997
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

LIÊN TỊCH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM - BỘ TÀI CHÍNH
Sửa đổi, bổ sung thông tư liên bộ Ngân hàng Nhà nước - Bộ Tài chính số 01/NHNN - TC ngày 10/02/1995 hướng dẫn việc phát hành tín phiếu kho bạc

Căn cứ Nghị định số 72/CP ngày 26/07/1994 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế phát hành trái phiếu Chính phủ; Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển, liên tịch Ngân hàng Nhà nước - Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư liên bộ số 01/NHNN-TC ngày 10/02/1995 về việc phát hành tín phiếu Kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước như sau:

 

I. SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỂM CỦA THÔNG TƯ LIÊN BỘ
SỐ 01/NHNN-TC NGÀY 10/02/1995

1. Thay điểm 7 cũ bằng điểm 7 mới như sau:

"7. Đối tượng tham gia đấu thầu tín phiếu, trái phiếu Kho bạc bao gồm:

7.1. Các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam: Các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và các công ty tài chính;

7.2. Các Công ty bảo hiểm, Quỹ bảo hiểm, Quỹ đầu tư;

7.3. Các Tổng công ty Nhà nước được thành lập theo quyết định số 90/TTg và 91/TTg ngày 07/03/1994 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đối tượng muốn tham gia đấu thầu phải có đủ các điều kiện sau:

- Có tư cách pháp nhân, được thành lập theo luật pháp hiện hành của Việt Nam;

- Có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng Việt Nam trở lên đối với các đối tượng thuộc mục 7.1 và 7.2; Có nguồn vốn kinh doanh từ 200 tỷ đồng Việt Nam trở lên đối với các đối tượng thuộc mục 7.3;

- Có tài khoản tiền đồng Việt Nam mở tại Ngân hàng;

- Chấp hành đầy đủ các thủ tục và quy định về đấu thầu tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc.

- Có đơn xin tham gia thị trường gửi đến Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét các điều kiện, tiêu chuẩn của các đối tượng tham gia đấu thầu để cấp giấy công nhận thành viên cũng như việc thu hồi giấy công nhận thành viên tham gia đầu thầu tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc".

2. Thay điểm 15.1 và 15.2 cũ bằng điểm 15.1 và 15.2 mới như sau:

"15.1.- trong phạm vi 2 ngày làm việc tiếp theo sau ngày đấu thầu, các đơn vị trúng thầu phải thanh toán toàn bộ tiền mua tín phiếu, trái phiếu Kho bạc theo giá bán tín phiếu, trái phiếu Kho bạc được xác định trong thông báo trúng thầu, đồng thời được Ngân hàng Nhà nước cấp chứng chỉ hoặc ghi có tài khoản tín phiếu, trái phiếu Kho bạc (đối với loại ghi sổ). Trường hợp các thành viên trúng thầu chậm làm thủ tục thanh toán sau ngày thanh toán đã quy định, Ngân hàng nhà nước trích tiền ký quỹ và tiền gửi của các thành viên trúng thầu (đối với các thành viên trúng thầu là các tổ chức tín dụng) hoặc đề nghị Ngân hàng nơi thành viên mở tài khoản trích tiền gửi của các thành viên trúng thầu (đối với các thành viên là các đối tượng nêu tại mục 7.2 và 7.3 nêu trên) chuyển cho Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp số dư trên tài khoản tiền gửi của các thành viên trúng thầu không đủ để thanh toán thì phần kết quả trúng thầu chưa được thanh toán sẽ bị huỷ bỏ và toàn bộ tiền ký quỹ của thành viên đó tại Ngân hàng Nhà nước sẽ được trích chuyển nộp Ngân hàng Nhà nước."

"15.2. Ngân hàng Nhà nước ghi có tài khoản của kho bạc Nhà nước Trung ương mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước toàn bộ số tiền thực thu từ các thành viên trúng thầu thanh toán tiền mua tín phiếu, trái phiếu Kho bạc vào ngày thứ 3 sau ngày tổ chức đấu thầu."

3/ Thay đoạn "Ban đấu thầu.... của Ngân hàng Nhà nước" tại điểm 17 bằng đoạn "Ban đấu thầu Liên Bộ có 06 thành viên: 3 thành viên của Ngân hàng Nhà nước trong đó một Vụ trưởng của NHNN làm trưởng ban và 1 phó vụ trưởng; 3 thành viên của Bộ tài chính (Kho bạc Nhà nước Trung ương) trong đó có 1 hoặc 2 lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Trung ương."

4/ Thay cụm từ " Cục kho bạc Nhà nước" bằng cụm từ "Kho bạc nhà nước Trung ương" tại các điểm 14 và 15.3.

5/ Thay cụm từ "tín phiếu Kho bạc" bằng cụm từ "trái phiếu Kho bạc" trong điểm 19.

 

II. BỔ SUNG VÀO THÔNG TƯ LIÊN BỘ SỐ 01/NHNN-TC
NGÀY 10/02/1995 CÁC NỘI DUNG SAU ĐÂY

1/ Bổ sung vào cuối câu đầu của điểm 9 cụm từ "Lãi suất chỉ đạo có thể được công bố trong thông báo đấu thầu"

2/ Bổ sung vào cuối điểm 11: Giờ mở thầu quy định là 13 giờ 30 phút của ngày đấu thầu. Việc đấu thầu có thể được thực hiện qua mạng máy vi tính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn trình tự, thủ tục đấu thầu qua mạng máy vi tính để bảo đảm chính xác, an toàn và bảo mật cao.

3/ Bổ sung thêm việc phát hành trái phiếu Kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước:

3.1- Trái phiếu Kho bạc là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 1 năm trở lên do Bộ Tài chính phát hành dưới hình thức ghi sổ và chứng chỉ để bù đắp thiếu hụt của Ngân sách và cho đầu tư phát triển.

3.2- Giá bán trái phiếu kho bạc áp dụng chung cho các đơn vị trúng thầu được tính theo phương pháp sau:

3.2.1- Đối với loại trái phiếu chiết khấu: áp dụng công thức tính giá theo lãi suất chiết khấu của tín phiếu được quy định tại điểm 13 của Thông tư liên bộ số 01/NHNN-TC ngày 10/02/1995.

3.2.2 Đối với loại trái phiếu thanh toán gốc và lãi một lần khi đến hạn:

- Giá bán trái phiếu bằng 100% mệnh giá;

- Số tiền thanh toán trái phiếu khi đến hạn được tính theo công thức sau:

T = G + (G x Ls x t)

Trong đó:

T: tổng số tiền (gốc + lãi) trái phiếu Kho bạc được thanh toán khi đến hạn.

G: giá bán (mệnh giá hoặc gốc) trái phiếu Kho bạc.

Ls: lãi suất trái phiếu Kho bạc trúng thầu. (tính theo tỷ lệ %/năm)

t: kỳ hạn trái phiếu (tính theo năm)

3.2.3. Đối với loại trái phiếu trả lãi định kỳ.

- Giá bán trái phiếu bằng 100% mệnh giá;

- Tiền lãi trả định kỳ được tính theo công thức sau:

Ls


L = G x

k

Trong đó:

L: số tiền lãi thanh toán định kỳ.

G: giá bán (gốc hoặc mệnh) giá trái phiếu.

Ls: lãi suất trái phiếu Kho bạc trúng thầu (%/năm).

k: số lần thanh toán lãi trong một năm.

Trước ngày thanh toán lãi một ngày, Bộ Tài chính (KBNN) chuyển toàn bộ số tiền lãi phải thanh toán trong kỳ cho Ngân hàng Nhà nước để thanh toán cho người sở hữu trái phiếu. Khi đến hạn thanh toán trái phiếu, người sở hữu trái phiếu được thanh toán toàn bộ số tiền gốc và lãi của kỳ lĩnh lãi cuối cùng (= G + L).

3.3. Mọi quy chung và quy định cụ thể khác về đặc điểm, trình tự, thủ tục... phát hành và thanh toán trái phiếu Kho bạc được áp dụng giống như đối với tín phiếu Kho Bạc (quy định tại Thông tư liên bộ số 01/NHNN-TC ngày 10/2/1995 và phần sửa đổi, bổ sung của Thông tư này).

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8498&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận