Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT/BVHTT-UBTDTT

Phạm Quang Nghị
Toàn quốc
Công báo số 09 - 02/2005;
Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT/BVHTT-UBTDTT
Thông tư liên tịch
01/03/2005
27/01/2005

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao

Bộ trưởng
2.005
Bộ Văn hoá - Thông tin

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao


Căn cứ Pháp lệnh Quảng cáo ngày 16 tháng 11 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Thể dục, thể thao ngày 25 tháng 09 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo;

Căn cứ nghị định số 63/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa - Thông tin;

Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục Thể thao;

Liên Bộ Văn hóa - Thông tin, Uỷ ban Thể dục Thể thao hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao để thi hành thống nhất như sau,

Mục I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao tại Việt Nam, bao gồm quảng cáo thông qua hoạt động thể dục thể thao, quảng cáo tại các địa điểm diễn ra hoạt động thể dục thể thao và quảng cáo về hoạt động thể dục thể thao.

a) Quảng cáo thông qua hoạt động thể dục thể thao là quảng cáo trên trang phục của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, ban tổ chức, người phục vụ và trên phương tiện, dụng cụ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao;

b) Quảng cáo tại địa điểm hoạt động thể dục thể thao là quảng cáo trong sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu, trường bắn thể thao, đường đua và các địa điểm khác phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao;

c) Quảng cáo về hoạt động thể dục thể thao là quảng cáo về các môn thể dục thể thao, giải thi đấu thể thao, biểu diễn thể dục thể thao và các sự kiện thể dục thể thao khác.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao phải tuân thủ cáo quy định của Pháp lệnh Quảng cáo, Pháp lệnh Thể dục, thể thao; các văn bản pháp luật có liên quan và những quy định tại Thông tư liên tịch này.

3. Các hành vi quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao bị cấm:

a) Quảng cáo dùng hình ảnh vận động viên trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Quảng cáo các môn thể thao bị cấm;

c) Quảng cáo các phương pháp huấn luyện bị cấm;

d) Quảng cáo trên trang phục thi đấu của đội tuyển thể thao quốc gia khi tham gia giải thể thao quốc tế chính thức, trừ việc thể hiện lô-gô, nhãn hiệu của nhà sản xuất trang phục đó;

đ) Quảng cáo trong khu vực thi đấu, biểu diễn che khuất quốc kỳ, quốc huy ảnh lãnh tụ hoặc các bảng hướng dẫn chuyên môn;

e) Quảng cáo che khuất tầm nhìn của khán giả, quảng cáo làm ảnh hưởng đến hoạt động tập luyện, thi đấu, biểu diễn của vận động viên; ảnh hưởng đến việc chỉ đạo của huấn luyện viên hoặc việc thực hiện nhiệm vụ của ban tổ chức, trọng tài, nhân viên hướng dẫn, y tế, người phục vụ;

g) Quảng cáo không đúng nội dung, thời gian, địa điểm thi đấu, biểu diễn đã đăng ký hoặc cho phép;

h) Quảng cáo trái luật, điều lệ thi đấu của từng môn thể thao.

Mục II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Quảng cáo thông qua hoạt động thể dục thể thao không phải xin phép thực hiện quảng cáo nhưng đơn vị thực hiện quảng cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức quảng cáo và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo.

2. Quảng cáo tại địa điểm hoạt động thể dục thể thao hoặc quảng cáo về hoạt động thể dục thể thao trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác phải xin Giấy phép thực hiện quảng cáo tại Sở Vãn hóa - Thông tin nơi thực hiện quảng cáo.

Bảng, biển, pa-nô, băng-rôn quảng cáo gắn trên cáo phương tiện của Ban tổ chức đi cùng đoàn đua xe đạp, điền kinh, mô tô, ôtô chỉ phải xin phép thực hiện quảng cáo tại Sở Văn hóa - Thông tin nơi xuất phát đầu tiên.

3. Quảng cáo trên các ấn phẩm phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao (vé, giấy mời và các ấn phẩm khác) không phải xin Giấy phép thực hiện quảng cáo. Người thực hiện quảng cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung và hình thức quảng cáo trên các ấn phẩm đó.

4. Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép thực hiện quảng cáo thực hiện theo quy định tại Mục III Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16 tháng 07 năm 2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP.

Đối với quảng cáo về thi đấu, biểu diễn thể dục thể thao, còn phải kèm theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức thi đấu, biểu diễn.

Mục III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban Thể dục Thể thao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao.

2. Thanh tra thể dục thể thao và Thanh tra văn hóa - thông tin trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm độc lập hoặc phối hợp tổ chức kiểm tra, thanh tra về quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các Quy định của Thông tư này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mục IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các quy định trước đây của Bộ Văn hóa - Thông tin và Uỷ ban Thể dục Thể thao hướng dẫn về quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao trái với Thông tư liên tịch này đều bãi bỏ.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Văn hóa - Thông tin và Uỷ ban Thể dục Thể thao để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=15703&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận