TÒA ÁN NHÂN DÂN THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn về việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu
liên quan đến người phạm tội
Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của pháp luật về việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội nhằm thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn như sau:
I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội giữa các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp, bao gồm những thông tin, tài liệu phản ánh về lý lịch, đặc điểm nhận dạng, nhân thân, kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và các thông tin, tài liệu khác có liên quan đến người phạm tội; trách nhiệm, thủ tục, thời hạn thông báo, gửi, cung cấp các thông tin, tài liệu đó.
2. Nguyên tắc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu
Việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
a) Thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội phải được thông báo, gửi đầy đủ, kịp thời, chính xác, tập trung vào cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát của ngành Công an (sau đây gọi là cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát) để quản lý, khai thác và cung cấp phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự;
b) Bảo đảm đúng quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh lưu trữ quốc gia và danh mục bí mật nhà nước của từng ngành.
3. Các loại thông tin, tài liệu phải được thông báo, gửi, cung cấp
3.1. Các loại thông tin, tài liệu mà Cơ quan điều tra các cấp của Bộ Công an, Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm thông báo, gửi, cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát bao gồm:
a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Quyết định trả tự do;
c) Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn; quyết định huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn;
d) Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự; quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự; quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự;
đ) Lệnh bắt khẩn cấp;
e) Quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can;
g) Lệnh bắt bị can để tạm giam; lệnh tạm giam;
h) Quyết định tạm giữ; quyết định gia hạn tạm giữ;
i) Quyết định đình chỉ điều tra bị can; quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can; quyết định phục hồi điều tra bị can;
k) Quyết định truy nã; quyết định đình nã.
3.2. Các loại thông tin, tài liệu mà Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm thông báo, gửi cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát bao gồm:
a) Quyết định tạm giam;
b) Bản trích sao cáo trạng; bản sao quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn;
c) Bản sao quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án.
3.3. Các loại thông tin, tài liệu mà Tòa án nhân dân có trách nhiệm thông báo, gửi cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát bao gồm:
a) Lệnh bắt và tạm giam;
b) Lệnh tạm giam;
c) Quyết định bắt và tạm giam;
d) Quyết định tạm giam;
đ) Bản án hình sự sơ thẩm;
e) Bản án hình sự phúc thẩm;
g) Quyết định hình sự giám đốc thẩm;
h) Quyết định hình sự tái thẩm;
i) Quyết định thi hành hình phạt tù;
k) Quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù;
l) Quyết định miễn chấp hành hình phạt tù;
m) Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù;
n) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
o) Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
p) Quyết định đình chỉ thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
q) Giấy chứng nhận xóa án tích;
r) Quyết định xóa án tích.
s) Quyết định của Chủ tịch nước về việc xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình (bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình hoặc ân giảm hình phạt tử hình);
t) Quyết định thi hành án tử hình;
u) Biên bản thi hành án tử hình.
3.4. Các loại thông tin, tài liệu mà cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi có yêu cầu bao gồm:
a) Danh bản, chỉ bản căn cước can phạm;
b) Trích lục tiền án, tiền sự;
c) Thông báo kết quả xác minh đối tượng, nhân thân;
d) Bản sao những văn bản đã được cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát nêu tại các điểm 3.1, 3.2 và 3.3 phần I của Thông tư này.
II. THỦ TỤC VÀ THỜI HẠN THÔNG BÁO, GỬI, CUNG CẤP THÔNG TIN, TÀI LIỆU
1. Thủ tục và thời hạn thông báo, gửi thông tin, tài liệu
1.1. Thủ tục thông báo, gửi thông tin, tài liệu
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thông báo, gửi các thông tin, tài liệu nêu tại mục 3 phần I của Thông tư này cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát; cụ thể như sau:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp huyện thông báo, gửi cho bộ phận Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thuộc Công an cấp huyện;
b) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh thông báo, gửi cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thuộc Công an cấp tỉnh;
c) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thông báo, gửi cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thuộc Bộ Công an.
Đối với những vụ án do Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển khởi tố điều tra và chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thì Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo, gửi tất cả những thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội nêu tại các mục 3.1 và 3.2 phần I của Thông tư này cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát.
1.2. Thời hạn thông báo, gửi thông tin, tài liệu
a) Đối với các thông tin, tài liệu nêu tại mục 3 phần I của Thông tư này mà pháp luật có quy định thời hạn gửi, cấp thì cơ quan có trách nhiệm thông báo, gửi thông tin, tài liệu đó phải thông báo, gửi cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thuộc cơ quan Công an cùng cấp trong thời hạn do pháp luật quy định.
b) Đối với các thông tin, tài liệu nêu tại mục 3 phần I của Thông tư này mà phát luật không quy định thời hạn gửi, cấp thì chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày ban hành, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân phải thông báo, gửi thông tin, tài liệu đó cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thuộc cơ quan Công an cùng cấp.
1.3. Bảo đảm tính pháp lý của thông tin, tài liệu được thông báo, gửi
Thông tin, tài liệu được thông báo, gửi phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật về hình thức văn bản (bản chính hoặc bản sao).
Đối với bản sao hoặc trích sao thông tin, tài liệu phải được người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị ký xác nhận và đóng dấu của cơ quan đó.
2. Thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin, tài liệu
Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát các cấp thuộc Bộ Công an có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu theo thủ tục và thời hạn như sau:
2.1. Thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu
Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc bằng văn bản.
a) Khi cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu bằng hình thức trực tiếp thì người trực tiếp đi nhận thông tin, tài liệu phải có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản, trong đó ghi rõ tên thông tin, tài liệu đề nghị cung cấp, hình thức (bản chính hoặc bản sao), mục đích sử dụng. Nếu cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát yêu cầu thì phải xuất trình giấy tờ tùy thân của mình.
b) Khi cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu bằng văn bản (công văn), thì trong văn bản yêu cầu phải ghi rõ tên thông tin, tài liệu đề nghị cung cấp, hình thức (bản chính hoặc bản sao), mục đích sử dụng. Văn bản yêu cầu phải đánh số; ngày tháng năm ban hành; họ tên, chức vụ, chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu cơ quan yêu cầu. Văn bản yêu cầu được gửi gửi đến cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát nơi trực tiếp quản lý, lưu trữ thông tin, tài liệu đó.
2.2. Thời hạn cung cấp
a) Đối với trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu bằng hình thức trực tiếp thì cơ quan có trách nhiệm cung cấp phải cung cấp ngay trong ngày. Trong trường hợp chưa thể cung cấp ngay được, thì cần hẹn ngày cung cấp thông tin, tài liệu nhưng tối đa không quá bảy ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
b) Đối với trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu bằng văn bản thì cơ quan có trách nhiệm cung cấp phải có văn bản trả lời cho cơ quan, đơn vị yêu cầu trong thời hạn như sau:
- Ở cấp huyện: chậm nhất là 5 ngày đối với yêu cầu bình thường; đối với yêu cầu phức tạp được gia hạn tối đa là 10 ngày;
- Ở cấp tỉnh: chậm nhất là 7 ngày đối với yêu cầu bình thường; đối với yêu cầu phức tạp được gia hạn tối đa là 15 ngày;
- Ở cấp bộ: chậm nhất là 10 ngày đối với yêu cầu bình thường; đối với yêu cầu phức tạp được gia hạn tối đa là 20 ngày.
c) Đối với trường hợp yêu cầu cần đọc, nghiên cứu thông tin, tài liệu tại chỗ, thì cơ quan có trách nhiệm cung cấp phải cung cấp ngay sau khi có sự phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý thông tin, tài liệu đó. Nếu không cung cấp được ngay thì cần nêu rõ lý do.
d) Trường hợp không thể đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu thì cơ quan được yêu cầu phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
2.3. Văn bản trả lời, nội dung thông tin, tài liệu cung cấp phải bảo đảm chính xác, đầy đủ. Thủ trưởng cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát trực tiếp quản lý thông tin, tài liệu duyệt, ký và đóng dấu văn bản trả lời. Nếu kèm theo văn bản trả lời có bản sao thông tin, tài liệu thì các bản sao này phải được xác nhận và đóng dấu theo quy định.
III. HIỆU LỰC THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các văn bản trước đây của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần được hướng dẫn, bổ sung, đề nghị các đơn vị, địa phương báo cáo theo ngành dọc về Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời./.