Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 04/2004/TTLT/BTC-BNN

Lê Thị Băng Tâm
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư liên tịch 04/2004/TTLT/BTC-BNN
Thông tư liên tịch
...
16/01/2004

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn chế độ hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống gốc

Thứ trưởng
2.004
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn chế độ hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống gốc

 

 Thực hiện Nghị định số 14/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về việc quản lý giống vật nuôi; Thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt  Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thời kỳ 2000 – 2005, Liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ hỗ trợ kinh phí cho  các cơ sở nuôi giữ giống gốc như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Giống gốc gồm: Giống cụ kỵ, ông bà (đối với lợn và gia cầm), đàn hạt nhân ( đối với gia súc lớn), giống thuần đối với ong, tằm và các sản phẩm tinh, phôi theo đúng phẩm cấp giống của các giống nêu trên.

Các loại vật nuôi giống gốc được ngân sách hỗ trợ bao gồm: trâu, bò, ngựa, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, dê, thỏ, ong, tằm và bổ sung các loại vật nuôi khác theo quyết định  của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Nhà nước dành một phần ngân sách chi hỗ trợ cho giống gốc để :

Nuôi giữ, chọn lọc nâng cao chất lượng giống gốc;

Nhập và nuôi thích nghi giống gốc mới;

Đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý giống gốc;

Thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu kết quả nuôi giữ giống gốc tại các cơ sở được giữ giống gốc.

3. Đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ là các đơn vị nuôi giữ giống gốc có tư cách pháp nhân ở trung ương và địa phương. Đối với các đơn vị trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ. Đối với các đơn vị địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao nhiệm vụ.

4. Nguồn kinh phí hỗ trợ: Các đơn vị do trung ương quản lý được cấp kinh phí hỗ trợ giống từ ngân sách trung ương; các đơn vị do địa phương quản lý được cấp kinh phí hỗ trợ từ  ngân sách địa phương.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng giống gốc vật nuôi trên phạm vi cả nước; ban hành các quy trình, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước về nuôi giữ và quản lý giống gốc.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Dự toán kinh phí.

Hàng năm vào quý III, các đơn vị được giao nhiệm vụ nuôi giữ giống gốc xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ giống gốc của năm kế tiếp gửi cơ quan quản lý ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cơ quan quản lý ngành và cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp xem xét và ghi vào dự toán ngân sách trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Căn cứ dự toán ngân sách năm về hỗ trợ  giống gốc đã được cơ quan tài chính thông báo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao kế hoạch phân bổ mức kinh phí hỗ trợ giống gốc để các đơn vị nuôi giữ giống gốc chủ động thực hiện.

2. Xác định mức kinh phí.

a. Hỗ trợ kinh phí nuôi giữ, chọn lọc nâng cao chất lượng giống gốc:

Đơn giá hỗ trợ:

 

Chi phí chăn nuôi  một  con giống gốc

-   Dự  kiến doanh thu  bán sản       phẩm của một con giống gốc

Đơn giá hỗ trợ cho sản phẩm giống

=  ...........................................................................................

Số lượng sản phẩm giống sản xuất theo

định mức của  một con giống gốc

Trong đó:

Chi phí chăn nuôi  một con giống gốc được tính trên cơ sở chi phí trực tiếp ( thức ăn, thuốc thú y, tiền lương,  điện nước,  khấu hao tài sản cố định) và chi phí quản lý được phân bổ cho vật nuôi.

Riêng đối với cơ sở sản xuất tinh, phôi gia súc lớn và trứng tằm thì ngoài các chi phí chăn nuôi nêu trên còn cộng thêm chi phí bảo quản tinh, phôi tại ngân hàng tinh, phôi và trứng tằm trong năm.

Dự kiến doanh thu bán sản phẩm của một con giống: Gồm tiền bán giống (con giống, trứng giống, tinh...) và tiền bán sản phẩm phụ (con giống thải loại, sữa, trứng, phân bón...)  theo giá tiêu thụ sản phẩm tại thời điểm xây dựng mức hỗ trợ.

Mức hỗ trợ cho từng loại sản phẩm :

Mức hỗ trợ cho từng   =             Đơn giá hỗ trợ cho           X       Số lượng sản phẩm giống

     loại sản phẩm                       một sản phẩm giống                sản xuất ra được hỗ trợ kinh phí

Trong đó: Số lượng sản phẩm giống sản xuất ra được hỗ trợ kinh phí là số lượng sản phẩm giống đạt tiêu chuẩn đã bán ra  thị trường và số lượng con giống được sử dụng để thay thế đàn giống gốc hiện có.

Mức hỗ trợ được áp dụng trong 03 năm kể từ năm thông báo. Sau 3 năm,  nếu giá con giống trên thị trường có biến động tăng bình quân trên 15% thì  cơ quan quản lý ngành và cơ quan tài chính cùng cấp sẽ xem xét lại mức hỗ trợ.

b. Kinh phí để nhập và nuôi thích nghi giống gốc mới:

Hàng năm, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để nhập giống gốc mới có chất lượng tốt, năng suất cao mà trong nước chưa đáp ứng được đồng thời tổ chức nuôi thích nghi trước khi đưa vào sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định số lượng giống gốc mới cần nhập đối với các đơn vị do trung ương quản lý, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định số lượng giống gốc mới cần nhập đối với các đơn vị do địa phương quản lý.

Kinh phí để nhập giống gốc mới, nuôi thích nghi được xác định tối đa không quá 20% tổng kinh phí hỗ trợ giống gốc hàng năm.

c. Kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý và kiểm tra nghiệm thu kết quả nuôi giữ  giống gốc:

Hàng năm, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để cơ quan chủ quản tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý và kiểm tra, nghiệm thu kết quả nuôi giữ giống gốc tại các cơ sở chăn nuôi. Mức kinh phí được bố trí cho hoạt động này không quá 7% tổng mức kinh phí hỗ trợ giống gốc hàng năm.

3.Cấp phát kinh phí hỗ trợ.

 a. Cấp phát kinh phí nuôi giữ và chọn lọc nâng cao chất lượng giống gốc:

Căn cứ dự toán kinh phí hỗ trợ giống gốc được thông báo cho đơn vị, cơ quan quản lý ngành làm việc với cơ quan tài chính cùng cấp để cấp phát kinh phí cho các đơn vị. Sau khi có thông báo kế hoạch hỗ trợ giống gốc của cơ quan chủ quản, cơ quan tài chính cùng cấp sẽ kịp thời ứng trước 70% kinh phí hỗ trợ giống gốc, số tiền còn lại sẽ cấp tiếp cho đơn vị khi có đủ hồ sơ:

Công văn đề nghị hỗ trợ kinh phí giống gốc của đơn vị kèm theo bảng kê số lượng con giống và sản phẩm giống tiêu thụ, mức hỗ trợ đề nghị được cấp;

Bản photo hoá đơn bán hàng (hoá đơn tài chính) có xác nhận sao y bản chính và đóng dấu đơn vị;

Biên bản xác định số lượng sản phẩm giống đạt tiêu chuẩn được sử dụng để thay thế đàn giống gốc hiện có tại đơn vị;

Biên bản kiểm tra, nghiệm thu kết quả nuôi giữ giống gốc và xác định số lượng sản phẩm giống đạt tiêu chuẩn bán ra và thay thế đàn giống gốc của cơ quan quản lý ngành.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí của đơn vị nuôi giữ giống gốc gửi về cơ quan  quản lý ngành và cơ quan tài chính cùng cấp để làm thủ tục cấp kinh phí hỗ trợ.

b. Cấp kinh phí nhập và nuôi thích nghi giống gốc mới:

Căn cứ quyết định của cơ quan quản lý ngành về việc nhập khẩu giống gốc mới, cơ quan tài chính cùng cấp sẽ cấp phát kinh phí cho đơn vị được giao nhiệm vụ sau khi đã ký hợp đồng nhập khẩu với đơn vị có tư cách pháp nhân về xuất nhập khẩu và mở L/C tại Ngân hàng thương mại để nhập khẩu con giống.

Cơ quan quản lý ngành xác nhận thời gian nuôi thích nghi và tính toán kinh phí cần thiết nuôi thích nghi để thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp bố trí kinh phí cho đơn vị .

c. Cấp kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý nhập và kinh phí  kiểm tra, nghiệm thu kết quả nuôi giữ giống gốc:

Khoản kinh phí này được cấp cho các cơ quan quản lý ngành và các đơn vị nuôi giữ giống gốc để triển khai công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý giống và công tác kiểm tra, nghiệm thu kết quả nuôi giữ giống gốc theo kế hoạch bố trí trong năm.

Căn cứ dự toán được duyệt, cơ quan tài chính sẽ cấp cho cơ quan quản lý ngành hoặc đơn vị nuôi giữ giống gốc theo tiến độ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, kiểm tra, nghiệm thu kết quả nuôi giữ giống gốc.

4. Chế độ báo cáo, kiểm tra và sử dụng kinh phí hỗ trợ.

Định kỳ 6 tháng 1 lần vào ngày 30/6 và 31/12 hàng năm, các đơn vị được giao nhiệm vụ nuôi giữ giống gốc có trách nhiệm báo cáo kết quả nuôi dưỡng, sản xuất giống cho cơ quan quản lý nhà nước về giống gốc. Theo yêu cầu của công tác quản lý, cơ quan quản lý ngành có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và đột xuất số lượng,  chất lượng con giống được nuôi giữ tại các đơn vị.

Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ nuôi giữ giống gốc chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng con giống bán ra, kết quả thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi và  thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ tài chính, kế toán hiện hành. Đơn vị phải sử dụng khoản chi hỗ trợ trên đúng mục đích, không được sử dụng khoản kinh phí hỗ trợ để trích quỹ khen thưởng hoặc quỹ phúc lợi và các mục đích khác trái với quy định của thông tư này.

5. Quyết toán kinh phí.

Hàng năm đơn vị nhận kinh phí hỗ trợ giống gốc chịu trách nhiệm quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành, báo cáo cơ quan quản lý ngành xem xét,  tổng hợp để gửi Bộ Tài chính đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gửi Sở Tài chính  đối với các đơn vị thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

III. ĐIỀU KHOẢN THI  HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và áp dụng từ năm ngân sách 2004, các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cấp, các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp giải quyết./.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=20041&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận