Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 10/2004/TTLT/BYT-BLĐTBXH-BTC

Nguyễn Thị Xuyên
Toàn quốc
Thông tư liên tịch 10/2004/TTLT/BYT-BLĐTBXH-BTC
Thông tư liên tịch
...
16/12/2004

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Thứ trưởng
2.004
Bộ Y tế

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện khám và chứng nhận sức khoẻ

cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Căn cứ Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định số 81/2003/NĐ-CP); Liên tịch Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Thông tư này áp dụng đối với người lao động, chuyên gia và tu nghiệp sinh Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi chung là người lao động); bệnh viện được phép khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là bệnh viện khám sức khoẻ) và doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

II. TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI BỆNH VIỆN KHÁM VÀ CHỨNG NHẬN SỨC KHOẺ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Bệnh viện khám sức khoẻ phải đạt tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa từ hạng II trở lên theo xếp hạng của Bộ Y tế và đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:

1. Bệnh viện phải có đủ các chuyên khoa lâm sàng theo Quy chế bệnh viện (Ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

2. Bệnh viện phải có các khoa cận lâm sàng, X-quang làm được các xét nghiệm cơ bản:

- Xét nghiệm máu: công thức máu, công thức bạch cầu, nhóm máu ABO, nhóm máu Rh, tốc độ máu lắng, tỷ lệ huyết sắc tố, u rê máu, đường máu;

- Tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu;

- Xét nghiệm viêm gan A, B, C, E;

- Xét nghiệm giang mai, tiến hành đồng thời hai loại xét nghiệm:

+ Xét nghiệm VDRL hoặc RPR

+ Xét nghiệm TPHA

- Xét nghiệm HIV (Phòng xét nghiệm HIV của bệnh viện phải đạt "Tiêu chuẩn phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính" ban hành kèm theo Quyết định số 3052/2000/QĐ-BYT ngày 29/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Trong trường hợp bệnh viện không có phòng xét nghiệm HIV, nhưng cơ sở y tế của địa phương có phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính, bệnh viện được phép kết hợp với cơ sở y tế này để cùng thực hiện việc xét nghiệm HIV cho người lao động.

- Thử phản ứng Mantoux;

- Xét nghiệm nước tiểu: đường niệu, protein niệu;

- Thử thai;

- Xét nghiệm ma tuý, morphin, amphetamin;

- Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng;

- Điện tâm đồ;

- Điện não đồ;

- Siêu âm;

- X-quang tim phổi thẳng;

- Xét nghiệm chẩn đoán bệnh phong (trong trường hợp bệnh viện không có khả năng làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh phong, bệnh viện được phép kết hợp với Trung tâm Da liễu hoặc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội của tỉnh để cùng thực hiện việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh phong cho người lao động).

Bác sĩ chuyên khoa trực tiếp khám sức khoẻ; bác sĩ kết luận các kết quả xét nghiệm phải là bác sỹ đã liên tục hành nghề ít nhất 05 năm về chuyên khoa đó. Bác sĩ đọc và kết luận kết quả phim X-quang phải có trình độ từ chuyên khoa cấp I trở lên.

3. Các xét nghiệm cận lâm sàng và X-quang làm theo các phương pháp phổ thông hiện nay, nếu phía nước ngoài có yêu cầu thêm về các loại xét nghiệm và kỹ thuật khác thì bệnh viện khám sức khoẻ phải đáp ứng yêu cầu của phía nước ngoài.

4. Chủ tịch hội đồng khám sức khoẻ hoặc người được uỷ quyền ký giấy chứng nhận sức khoẻ phải có học vị từ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sỹ trở lên.

III. HỒ SƠ, THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CÔNG NHẬN BỆNH VIỆN KHÁM

VÀ CHỨNG NHẬN SỨC KHOẺ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

1. Hồ sơ:

Hồ sơ đề nghị công nhận bệnh viện khám sức khoẻ gồm:

- Công văn của Bệnh viện đề nghị được khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

- Bản kê khai danh sách nhân lực, trang thiết bị y tế, năng lực kỹ thuật và cơ sở vật chất của bệnh viện, đủ điều kiện theo quy định tại mục II của Thông tư này.

2. Thủ tục:

a) Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Y tế): Hồ sơ đề nghị công nhận bệnh viện khám sức khoẻ gửi về Sở Y tế.

b) Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ, ngành; bệnh viện ngoài công lập: Hồ sơ đề nghị công nhận bệnh viện khám sức khỏe gửi về Bộ Y tế.

c) Trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ của bệnh viện đề nghị công nhận bệnh viện khám sức khoẻ, Bộ Y tế hoặc Sở y tế phải xem xét và quyết định công nhận bệnh viện khám sức khoẻ. Nếu bệnh viện không đủ điều kiện để được công nhận, thì Bộ Y tế, Sở Y tế phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Thẩm quyền công nhận

a) Bộ Y tế xem xét và công nhận các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc các Bộ, các ngành, các bệnh viện ngoài công lập được phép khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đối với các bệnh viện ngoài công lập (vì chưa phân hạng), sau khi nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Y tế tiến hành thẩm định cơ sở theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.

b) Sở Y tế xem xét và công nhận các bệnh viện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và báo cáo về Bộ Y tế.

IV. TỔ CHỨC KHÁM VÀ CHỨNG NHẬN SỨC KHOẺ

1. Nguyên tắc chung

a) Chỉ những bệnh viện đủ tiêu chuẩn và điều kiện đã được Bộ Y tế, Sở Y tế công nhận mới được tổ chức khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

b) Cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động thông báo, hướng dẫn cho người lao động và doanh nghiệp xuất khẩu lao động về việc khám và chứng nhận sức khoẻ để người lao động, doanh nghiệp tổ chức cho người lao động đến khám và chứng nhận sức khoẻ tại những bệnh viẹn đã được Bộ Y tế, Sở Y tế công nhận được khám sức khoẻ.

c) Tiêu chuẩn sức khoẻ: Bệnh viện khám sức khoẻ căn cứ Tiêu chuẩn sức khoẻ ban hành kèm theo Thông tư này (Phụ lục 1) để khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động. Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, phía đối tác nước ngoài có yêu cầu cụ thể khác, nếu những yêu cầu trên phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì bệnh viện phải đáp ứng cả những yêu cầu đó trong tổ chức khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động.

d) Bệnh viện khám sức khoẻ phải chịu trách nhiệm về kết luận sức khoẻ của người lao động. Nếu người lao động bị trả về nước do kết luận khám và chứng nhận sức khoẻ của bệnh viện không đúng thì bệnh viện đó phải bồi hoàn cho người lao động mọi khoản kinh phí bằng 01 lượt vé máy bay (hạng phổ thông) từ nước mà người lao động bị trả về Việt Nam. Trường hợp người lao động bị mắc các bệnh cấp tính, các bệnh có thời gian cửa sổ hoặc lao động nữ có thai sau thời gian bệnh viện khám và chứng nhận sức khoẻ, thì người lao động phải tự chịu trách nhiệm.

e) Khám và chứng nhận sức khoẻ là hoạt động chuyên môn của bệnh viện phải được thống kê, báo cáo vào hoạt động chung của bệnh viện.

2. Hội đồng khám và chứng nhận sức khoẻ

a) Bệnh viện khám sức khoẻ phải thành lập Hội đồng khám sức khoẻ, các thành viên của Hội đồng gồm:

- Chủ tịch Hội đồng: là Giám đốc hoặc Phó giám độc phụ trách chuyên môn của bệnh viện;

- 01 hoặc 02 Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Một số bác sĩ các khoa lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoàn hình ảnh (theo yêu cầu tại mục II của Thông tư này)

b) Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng:

- Tổ chức việc khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động;

- Giải quyết các vấn đề có liên quan đến khám và chứng nhận sức khoẻ;

- Chủ tịch Hội đồng hoặc người được Chủ tịch Hội đồng uỷ quyền ký giấy chứng nhận sức khoẻ phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Giấy chứng nhận sức khoẻ (ban hành kèm theo Thông tư này - Phụ lục số 2) có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày ký.

3. Tổ chức khám sức khoẻ

Khám sức khoẻ có thể thực hiện tập trung thông qua doanh nghiệp xuất khẩu lao động với bệnh viện khám sức khoẻ hoặc do người lao động tự đi khám.

- Khám sức khoẻ tập trung: Doanh nghiệp xuất khẩu lao động liên hệ, ký hợp đồng với bệnh viện khám sức khoẻ để tổ chức khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động theo đúng quy định của Thông tư này.

- Người lao động tự đi khám sức khoẻ: Người lao động liên hệ trực tiếp với bệnh viện khám sức khoẻ để được khám và chứng nhận sức khoẻ theo đúng quy định của Thông tư này.

Căn cứ hợp đồng khám sức khoẻ với doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoặc yêu cầu của người lao động, bệnh viện khám sức khoẻ tổ chức khám, chứng nhận sức khoẻ và thu phí đúng quy định và không để ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn khác của bệnh viện.

4. Quy trình tổ chức khám và chứng nhận sức khoẻ

4.1. Tiếp nhận hồ sơ và hoàn thành các thủ tục hành chính;

4.2. Khám thể lực: đếm mạch, nhịp thở, đo thân nhiệt, huyết áp, chiều cao, cân nặng;

4.3. Khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa;

4.4. Làm các xét nghiệm bắt buộc và các xét nghiệm khác (nếu có yêu cầu);

a) Các xét nghiệm cận lâm sàng và X-quang bắt buộc:

- Công thức máu

- Nhóm máu ABO

- U rê máu

- Đường máu

- Xét nghiệm viêm gam B

- Xét nghiệm HIV

- Xét nghiệm giang mai: tiến hành đồng thời 2 xét nghiệm

+ Xét nghiệm VDRL (hoặc RPR)

+ Xét nghiệm TPHA

- Tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu

- Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng

- Xét nghiệm nước tiểu: đường niệu, protein niệu

- Chụp X-quang tim phổi thẳng

b) Các xét nghiệm khác (nếu có yêu cầu)

- Điện tâm đồ

- Điện não đồ

- Công thức bạch cầu

- Tốc độ máu lắng

- Tỷ lệ huyết sắc tố

- Nhóm máu Rh

- Xét nghiệm viêm gan A, B, C

- Thử phản ứng Mantoux

- Tổng phân tích nước tiểu 10 thông số

- Chẩn đoán thai nghén

- Xét nghiệm tìm Morphin hay chất gây nghiện

- Xét nghiệm tìm chất kích thích (Amphetamin)

- Xét nghiệp chẩn đoán bệnh phong

- Xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác

- Siêu âm

- Các xét nghiệm khác.

(Các bác sĩ khám lâm sàng và kết luận các xét nghiệm cận lâm sàng, X-quang phải ký và ghi rõ họ tên vào giấy khám sức khoẻ).

4.5. Căn cứ vào kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm, Hội đồng kết luận về tình trạng sức khoẻ cho người lao động;

4.6. Căn cứ vào kết luận về tình trạng sức khoẻ của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng hoặc người được Chủ tịch Hội đồng uỷ quyền ký Giấy chứng nhận sức khoẻ;

4.7. Giao trả Giấy chứng nhận sức khoẻ trong vòng 05 ngày làm việc;

4.8. Thanh lý hợp đồng khám sức khoẻ với doanh nghiệp xuất khẩu lao động (nếu có);

4.9. Lưu trữ hồ sơ khám sức khoẻ cho người lao động theo quy định hiện hành.

V. MỨC THU PHÍ KHÁM VÀ CHỨNG NHẬN SỨC KHOẺ,

QUẢN LÝ SỬ DỤNG NGUỒN THU

1. Mức phí khám, chứng nhận sức khoẻ

- Phí khám, chứng nhận sức khoẻ được tính trên cơ sở biểu giá thu một phần viện phí theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo các chi phí cần thiết cho khám, chứng nhận sức khoẻ gồm: Chi phí khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và các chi phí hành chính khác.

- Mức thu phí khám, chứng nhận sức khoẻ cho người lao động quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Biểu giá khám sức khoẻ phải được niêm yết công khai tại nơi thu tiền.

Mức phí khám và chứng nhận sức khoẻ sẽ được điều chỉnh khi nhà nước điều chỉnh mức thu viện phí.

2. Quản lý và sử dụng phí khám, chứng nhận sức khoẻ:

- Người lao động hoặc doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải nộp phí khám và chứng nhận sức khoẻ theo mức quy định cho bệnh viện khám sức khoẻ.

- Phí khám và chứng nhận sức khoẻ là nguồn thu của bệnh viện. Việc thu, chi phí khám sức khoẻ được hạch toán, kế toán theo đúng quy định hiện hành về thu viện phí.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế báo cáo về Bộ Y tế danh sách các bệnh viện của tỉnh, thành phố được phép khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động.

2. Bộ Y tế tổng hợp và thông báo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách các bệnh viện khám sức khoẻ cho người lao động theo quy định tại Thông tư này.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động về danh sách các bệnh viện khám sức khoẻ

4. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện khám sức khoẻ để tổ chức khám và chứng nhận sức khoẻ thuận tiện, đảm bảo chất lượng.

5. Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện khám, chứng nhận sức khoẻ của các bệnh viện khám sức khoẻ cho người lao động và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định ở các văn bản khác trái với Thông tư này bị bãi bỏ.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh về liên Bộ: Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14441&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận