Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 11/1997/TTLT/NN-CN

Vũ Trọng Hồng
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư liên tịch 11/1997/TTLT/NN-CN
Thông tư liên tịch
23/11/1997
08/11/1997

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn việc quản lý Nhà nước đối với tài nguyên dưới đất

Thứ trưởng
1.997
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nước dưới đất

 

Căn cứ Nghị định 73/CP ngày 01-11-1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định 74/CP ngày 01-11-1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Chỉ thị 487/TTg ngày 30-07-1996 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nước;

Căn cứ Văn bản số 5073/KTN ngày 08-10-1996 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng về việc bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước tài nguyên nước dưới đất từ Bộ Công nghiệp sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nước dưới đất gồm những nội dung sau:

 

I. NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT

1. Xây dựng chiến lược, chính sách Quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, chương trình về điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, quản lý, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

2. Xây dựng các văn bản Pháp luật, quy định, tiêu chuẩn về nước dưới đất.

3. Kiểm kê, lập ngân hàng dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất và đăng ký công trình khai thác nước dưới đất.

4. Điều hoà, phân phối nước dưới đất.

5. Thẩm định, phê duyệt các dự án, báo cáo thăm dò nước dưới đất.

6. Cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất.

7. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ nước dưới đất và môi trường theo quy định của pháp luật.

8. Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và tố tụng về quyền thăm dò, khai thác và sử dụng nước dưới đất.

9. Hợp tác Quốc tế về điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; thực hiện các điều ước Quốc tế về tài nguyên nước dưới đất mà Việt Nam là một bên ký kết hoặc tham gia.

10. Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng trong việc bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất.

 

II. TRÁCH NHIỆM, MỐI QUAN HỆ GIỮA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

VÀ BỘ CÔNG NGHIỆP TRONG VIỆC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT

1. Trách nhiệm:

1.1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước về tài nguyên nước dưới đất theo các nội dung nêu trong phần I ở trên từ ngày 01-11-1996 (trừ công tác điều tra cơ bản về địa chất, quan trắc động thái Quốc gia về nước dưới đất và công tác quản lý Nhà nước về nước khoáng, nước nóng thiên nhiên).

Cục Quản lý và Công trình thuỷ lợi là cơ quan giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước dưới đất, tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định việc thăm dò, khai thác và hành nghề khoan nước dưới đất trình Bộ trưởng quyết định hoặc được Bộ trưởng uỷ quyền quyết định.

1.2. Bộ Công nghiệp:

Bộ Công nghiệp thực hiện việc điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên nước dưới đất theo kế hoạch Nhà nước, tổ chức mạng lưới quan trắc động thái Quốc gia nước dưới đất; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; quản lý Nhà nước về nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, về điều tra cơ bản địa chất tài nguyên nước dưới đất.

Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam là cơ quan giúp Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất và quan trắc động thái Quốc gia nước dưới đất, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên.

2. Quan hệ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công nghiệp:

2.1. Về công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên nước dưới đất:

Hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất yêu cầu, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất và kế hoạch quan trắc động thái nước dưới đất với Bộ Công nghiệp để Bộ Công nghiệp tổng hợp lập kế hoạch trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Bộ Công nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt các phương án và báo cáo điều tra cơ bản địa chất về nước dưới đất và quan trắc động thái nước dưới đất.

Bộ Công nghiệp cung cấp các tài liệu về điều tra cơ bản địa chất, quan trắc động thái nước dưới đất hàng năm và các phụ lục cần thiết phục vụ công tác quản lý nước dưới đất theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phù hợp với quy định về giao nộp và cung cấp tài liệu địa chất và khoáng sản ban hành kèm theo Quyết định số 127/QĐ-ĐCKS ngày 16-01-1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

Trong các vùng khai thác nước dưới đất tập trung hoặc vùng có các hoạt động kinh tế gây ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng nước dưới đất thì ngoài mạng lưới quan trắc động thái nước dưới đất Quốc gia; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các cơ quan liên quan đề xuất xây dựng mạng chuyên quan trắc nước dưới đất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2.2. Về công tác điều hoà, phân phối và lập kế hoạch khai thác nước dưới đất:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với các địa phương và cơ quan có liên quan xác định trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác được, điều hoà và lập kế hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ, bổ sung nhân tạo nước dưới đất ở các lưu vực sông hoặc vùng lãnh thổ, vùng có cấu trúc địa chất thuỷ văn phức tạp, có yêu cầu khai thác nước lớn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoặc phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức kiểm tra thực hiện.

2.3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công nghiệp thường xuyên thông báo cho nhau các thông tin về tình hình điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ nước dưới đất.

 

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRONG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nước dưới đất, tham gia xét duyệt các dự án phát triển kinh tế xã hội có liên quan tới việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở địa phương mình.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ nước dưới đất các lưu vực sông hoặc các vùng trong phạm vi tỉnh, thành phố mình theo sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quyết định số 357NN-QLN/QĐ ngày 13-3-1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chịu trách nhiệm quản lý việc khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất, kiểm tra, thanh tra công tác khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất, đặc biệt phải có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các đội khoan tư nhân theo Quy định tạm thời về việc thực hiện chế độ cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước ngầm và đăng ký công trình khai thác nước ngầm.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung ương:

Cục Quản lý nước và Công trình thuỷ lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm trước hai Bộ thực hiện nội dung các điều nêu trong mục II của Thông tư này.

2. địa phương:

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nước dưới đất trên lãnh thổ địa phương mình.

Sở Công nghiệp có trách nhiệm bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nước dưới đất, hồ sơ, tài liệu thăm dò, khai thác, cấp giấy phép khai thác nước dưới đất sang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Hiệu lực thi hành:

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành. Mọi quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề gì vướng mắc cần phải điều chỉnh, bổ sung thì cơ quan thực hiện có văn bản báo cáo hai Bộ để nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=8204&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận