Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 11/1998/TTLT/BTM-UBDTMN-BTC-BKH

Hồ Huấn Nghiêm
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư liên tịch 11/1998/TTLT/BTM-UBDTMN-BTC-BKH
Thông tư liên tịch
Hết hiệu lực toàn bộ
15/04/1998
31/07/1998

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện Nghị định 20/1998/NĐ-CP

Thứ trưởng
1.998
Bộ Thương mại

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯLIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Nghị định 20/1998-NĐ-CP ngày 31/3/1998

 

Căn cứ Nghị định 20/1998-NĐ-CP ngày 31-3-1998 của Chính phủ về "phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc", Liên Bộ Thương mại và Uỷ ban Dân tộc và Miền núi - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về: xây dựng chợ và cửa hàng thương mại Nhà nước; trợ giá, trợ cước; doanh nghiệp nhà nước hoạt dộng thương mại ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc; quản lý vốn dự trữ các mặt hàng chính sách như sau:

 

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH

1. Những địa bàn sau đây thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 20/1998/NĐ-CP:

1.1. Miền núi: bao gồm các tỉnh miền núi vùng cao, các tỉnh có huyện miền núi, các tỉnh có xã miền núi, do Uỷ ban Dân tộc và Miền núi quy định tại Quyết định số 21 UB-QĐ ngày 4 tháng 1 năm 1993, Quyết định số 33 UB-QĐ ngày 4 tháng 6 năm 1993, Quyết định số 08 UB-QĐ ngày 4 tháng 3 năm 1994, Quyết định số 64 UB-QĐ ngày 26 tháng 8 năm 1995, Quyết định số 68 UB-QĐ ngày 6 tháng 9 năm 1997 về việc công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.

1.2. Hải đảo: theo quy định của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.

1.3. Vùng đồng bào dân tộc: Uỷ ban Dân tộc và Miền núi có hướng dẫn sau:

1.4. Khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc: Căn cứ trình độ phát triển ở từng vùng, theo 3 khu vực (I, II,III) miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc được quy định tại Quyết định số 42 UB-QĐ ngày 25 tháng 3 năm 1997 và số 21/1998/QĐ-UBDTMN ngày 25-2-1998 về việc công nhận ba khu vực.

Trong trường hợp có sự điều chỉnh địa bàn và khu vực thì áp dụng theo quy định của Uỷ ban Dân tộc và miền núi.

2. Đối tượng:

2.1. Đối tượng được hưởng các chính sách bán các mặt hàng trợ giá trợ cước: nhân dân sinh sống và hoạt động (bao gồm cả công nhân viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang) trên địa bàn quy định tại mục I.1. Thông tư này.

2.2. Đối tượng hưởng chính sách trợ cước tiêu thụ sản phẩm: thương nhân hoạt động thương mại ở địa bàn quy định tại mục I.1 Thông tư này, tiêu thụ các sản phẩm (trong danh mục sản phẩm được Thủ tướng Chính phủ quy định) do đồng bào ở các vùng này sản xuất ra.

2.3. Thương nhân: Mọi chủ thể kinh doanh (thể nhân hoặc pháp nhân) không phân biệt thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư bản nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân) có đăng ký kinh doanh, thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, nhằm mục đích lợi nhuận đều là thương nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 20/1998/NĐ-CP.

Những hoạt động thương mại của thương nhân dưới đây cũng thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 20/1998/NĐ-CP:

Thương nhân có trụ sở chính và đăng ký kinh doanh không thuộc địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, song những hoạt động thương mại được diễn ra trên từng khu vực (I, II,III) ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

Thương nhân có trụ sở chính và đăng ký kinh doanh ở một trong các khu vực (I, II, III) song những hoạt động thương mại diễn ra trên các khu vực khác thuộc vùng miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

Thương nhân được hưởng các chính sách ưu đãi khi có chứng từ hoá đơn, sổ kế toán thể hiện rõ ràng kết quả kinh doanh ở từng khu vực và đã đăng ký với các cơ quan liên quan (thuế, ngân hàng, địa chính...).

 

II. XÂY DỰNG CHỢ, CỬA HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC
HOẶC HỢP TÁC XÃ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ Ở TRUNG TÂM CỤM XÃ CỦA TỪNG KHU VỰC

1. Đối với khu vực III: Chợ và cửa hàng thương nghiệp hoặc hợp tác xã thương mại dịch vụ thuộc chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao theo Quyết định 35/TTg ngày 13-1-1997 của Thủ tướng Chính phủ thì thủ tục trình tự và nguồn vốn để xây dựng như sau:

Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước (Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các tổ chức quốc tế tài trợ), ngoài ra khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện góp vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh mở rộng trao đổi hàng hoá và huy động lao động nghĩa vụ công ích theo quy định của pháp luật.

Sở Thương mại căn cứ vào quy hoạch xây dựng các trung tâm cụm xã thuộc khu vực III (vùng núi cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn) của tỉnh, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan lập kế hoạch hàng năm gửi Sở Kế hoạch Đầu tư tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Khi mỗi dự án xây dựng trung tâm cụm xã được bố trí kế hoạch đầu tư, chủ dự án có trách nhiệm ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng chợ, Cửa hàng thương nghiệp nhà nước hoặc hợp tác xã thương mại dịch vụ ngay trong bước 1 của mỗi dự án, thông báo cho Sở Thương mại và các ban ngành liên quan để phối hợp tổ chức thực hiện.

2. Đối với khu vực II: Chợ và cửa hàng thương nghiệp hoặc hợp tác xã thương mại dịch vụ chưa thuộc chương trình xây dựng trung tâm cụm xã theo Quyết định 35/TTg ngày 13/1/1997 của Thủ tướng Chính phủ thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét các điều kiện sau đây để quyết định đầu tư từ ngân sách địa phương xây dựng với quy mô thích hợp:

Chợ, cửa hàng phải nằm trong tổng sơ đồ quy hoạch xây dựng trung tâm cụm xã của tỉnh được duyệt.

Có yêu cầu bức xúc hình thành chợ để ổn định đời sống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tiểu vùng, phát triển sản xuất hàng hoá nhằm đẩy mạnh giao lưu hàng hoá và sinh hoạt văn hoá của nhân dân các xã trong tiểu vùng, giữa tiểu vùng với các vùng khác.

Sở Thương mại căn cứ tình hình cụ thể, phối hợp với các ngành hữu quan lập kế hoạch hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt ghi vốn đầu tư. Căn cứ dự án được duyệt, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định chủ đầu tư xây dựng chợ, cửa hàng thương nghiệp nhà nước hoặc hợp tác xã thương mại dịch vụ.

3. Đối với khu vực I: Chợ và cửa hàng thương nghiệp ở thành phố, thị xã, thị trấn và các trục giao thông liên tỉnh, liên huyện: ở địa bàn này đã có đường giao thông tương đối thuận tiện, kinh tế xã hội đã có sự phát triển nhất định thì nguồn vốn đầu tư để xây dựng phải thực hiện phương châm "Nhà nước và người kinh doanh cùng làm".

Nhà nước hỗ trợ một phần ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ như san ủi mặt bằng, điện, cấp thoát nước, hệ thống vệ sinh...

Người kinh doanh góp vốn để xây dựng các công trình kiến trúc nơi bán hàng: Ki ốt, quầy bán hàng, đình chợ và được sử dụng diện tích kinh doanh trong chợ theo quy định trong hợp đồng góp vốn giữa người kinh doanh với cơ quan quản lý chợ

Huy động từ nguồn vốn tín dụng trung hoặc dài hạn với lãi suất ưu đãi (kể cả quỹ hỗ trợ đầu tư Quốc gia).

Khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (B.O.T) theo Thông tư số 12/BKH-QLKT ngày 27-8-1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sở Thương mại căn cứ quy hoạch phát triển chợ, xây dựng dự án phát triển từng loại chợ ở khu vực này, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định.

4. Sở Thương mại thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành đối với hoạt động chợ theo Thông tư 15-TM/CSTTTN ngày 16-10-1996 của Bộ Thương mại. Việc quản lý chợ về mặt hành chính theo quy định về phân cấp quản lý chợ tại mục II Thông tư số 15/TM-CSTNTN ngày 16/10/1996 của Bộ Thương mại.

 

III. TRỢ GIÁ TRỢ CƯỚC ĐỂ BÁN CÁC MẶT HÀNG CHÍNH SÁCH
XÃ HỘI, MUA MỘT SỐ SẢN PHẨM SẢN XUẤT Ở MIỀN NÚI,
HẢI ĐẢO VÀ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

1. Đối tượng quy định tại mục I.2.1 được mua tại trung tâm cụm xã (đối với các mặt hàng trợ cước đến trung tâm cụm xã) hoặc tại trung tâm huyện (đối với các mặt hàng trợ cước vận chuyển đến trung tâm huyện) quy định trong Nghị định 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998, với giá tương đương giá bán các mặt hàng cùng loại ở thị xã tỉnh lỵ, đúng quy cách, chất lương, ưu tiên khu vực III và khu vực II có nhiều khó khăn. Đối với các tỉnh chỉ có xã miền núi (tỉnh không có huyện miền núi) thì chỉ thực hiện trợ giá, trợ cước chuyển đối với muối i ốt, giống cây trồng; trợ cước vận chuyển các mặt hàng: dầu lửa thắp sáng, giấy viết học sinh, thuốc chữa bệnh; thực hiện trợ cước vận chuyển từ trung tâm cụm xã đến thị xã của tỉnh để mua một số sản phẩm sản xuất tại các xã này (theo danh mục quy định của Thủ tướng Chính phủ).

2. Các mặt hàng được trợ giá trợ cước vận chuyển để bán, cự ly trợ cước vận chuyển, nguyên tắc xác định giá bán lẻ và đơn giá trợ giá trợ cước theo quy định tại các Điều 12, 14, 16 của Nghị định 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 20/1998/NĐ-CP của Ban Vật giá Chính phủ.

3. Các mặt hàng được trợ cước vận chuyển để mua sản phẩm do đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc sản xuất ra: Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan căn cứ nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ lựa chọn sản phẩm gửi cho Uỷ ban Dân tộc Miền núi, Bộ Thương mại tổng hợp.

Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chủ trì phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ ngành hữu quan, tổng hợp báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục sản phẩm mua được trợ cước trong từng thời gian.

4. Định mức cung ứng hàng hoá để tính kinh phí trợ giá trợ cước vận chuyển:

4.1. Muối iốt: 5 kg/người/năm. 4.2. Dầu hoả: 3 lít/người/năm.

4.3. Giấy viết học sinh (hoặc vở): 1,5 kg/học sinh/năm (bằng 12 tập giấy kẻ ngang hoặc lượng vở học sinh tương ứng).

4.4. Thuốc chữa bệnh: 10.000đ/người/năm. Theo danh mục cụ thể do Bộ Y tế quy định

4.5. Phân bón: 100 kg/1ha đất canh tác/năm, bao gồm cả phân bón hữu cơ vi sinh do địa phương sản xuất.

4.6. Thuốc trừ sâu: 0,12 kg/ha đất canh tác/năm. Theo danh mục do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định.

4.7. Giống cây trồng: là những loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, được thực hiện trong vùng quy hoạch phát triển cây hàng hoá tập trung; (ưu tiên khu vực III), bao gồm giống cây lương thực, giống cây công nghiệp (ngắn, hoặc dài ngày) giống cây ăn quả, giống cây dược liệu.

Mức trợ giá, trợ cước quy đổi cho mặt hàng này quy ước tính về 1 loại giống là cây lúa để tính theo các yếu tố:

Diện tích sử dụng giống mới bằng 5% diện tích đất trồng lúa.

Định mức giống cho 1 ha: tính theo lúa thuần = 160 kg/ha.

Trợ giá, trợ cước vận chuyển cho 1 kg: theo hướng dẫn của Ban Vật giá Chính phủ.

Kinh phí giống cây trồng của tỉnh = (diện tích trồng lúa x 5%) x 160 kg/ha x đơn giá trợ giá và đơn giá trợ cước vận chuyển).

Hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ phương án bố trí cây trồng của địa phương, nguồn kinh phí được giao và hướng dẫn của Ban Vật giá Chính phủ, quyết định cụ thể cho từng loại giống cây trồng và thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính biết khi tổ chức thực hiện.

4.8. Than mỏ (kể cả than thuộc các mỏ do địa phương quản lý khai thác): Hàng năm căn cứ vào khả năng ngân sách và đề nghị của từng địa phương, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan bố trí số lượng, kinh phí giao cho địa phương. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào số lượng và kinh phí quyết định cụ thể mục tiêu sử dụng (ưu tiên cho nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, thay chất đốt hàng ngày của dân...).

4.9. Phát hành sách: bao gồm

Sách chính trị xã hội, pháp luật, kinh tế phổ thông.

Sách phổ biến khoa học kỹ thuật và nâng cao kiến thức.

Sách văn học truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Sách thiếu nhi (kể cả sách do Nhà nước cấp không thu tiền).

Sách các loại bằng tiếng dân tộc ít người.

Các loại văn hoá phẩm phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc bao gồm: băng, cờ, khẩu hiệu, chân dung lãnh tụ, tranh ảnh dân gian và các loại lịch phổ thông.

Hàng năm Bộ Văn hoá thông tin thống nhất với Uỷ ban Dân tộc và miền núi và Bộ Tài chính quy định số lượng ấn phẩm trên đây phù hợp với yêu cầu của từng địa phương và khả năng ngân sách Nhà nước.

4.10. Từng thời kỳ căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, khả năng ngân sách và yêu cầu phát triển tiến bộ kỹ thuật của sản xuất, Uỷ ban Dân tộc miền núi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh định mức cung ứng cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

5. Lập kế hoạch, giao chỉ tiêu, điều chỉnh cơ cấu điều hoà kinh phí.

5.1. Kế hoạch hoá và giao chỉ tiêu.

a. Căn cứ để xây dựng phương án kế hoạch trợ giá trợ cước:

Định mức cung ứng tại mục III.4 của Thông tư này.

Dân số sinh sống và hoạt động tại địa bàn quy định tại mục I.1. của Thông tư này theo số liệu công bố năm trước của Tổng cục Thống kê (hoặc Chi cục Thống kê tỉnh) và tỷ lệ tăng dân số bình quân thực tế hàng năm của tỉnh để tính cho năm kế hoạch.

Diện tích đất đai canh tác, bao gồm: đất trồng lúa, màu, cây công nghiệp ngắn và dài ngày theo số liệu của Tổng cục Thống kê (hoặc chi cục Thống kê tỉnh, thành phố) công bố năm trước để tính cho năm kế hoạch.

Trợ cước vận chuyển tiêu thụ sản phẩm của đồng bào miền núi hải đảo vùng dân tộc sản xuất ra thì căn cứ vào danh mục sản phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, mức trợ cước và cự ly vận chuyển "từ trung tâm cụm xã đến thị xã hoặc thành phố ở đồng bằng gần nhất" theo quy định tại Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 20/1998/NĐ-CP của Ban Vật giá Chính phủ.

b. Xây dựng phương án kế hoạch.

Căn cứ vào yếu tố quy định tại điểm a, mục 5.1 trên đây, hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng phương án trợ giá, trợ cước gửi Uỷ ban Dân tộc và miền núi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại trước ngày 1 tháng 8.

Căn cứ vào phương án kế hoạch của các tỉnh, Uỷ ban Dân tộc miền núi chủ trì phối hợp với Bộ Thương mại và các Bộ ngành xác định số lượng từng mặt hàng cho từng địa phương để làm căn cứ xác định kinh phí trợ giá, trợ cước gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước đã được Chính phủ giao dành cho mục tiêu trợ giá, trợ cước, số lượng kế hoạch các mặt hàng đã xác định và đơn giá trợ giá, trợ cước theo quy định của Ban Vật giá Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc và miền núi thống nhất với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan, phân bổ kinh phí trợ cước, trợ giá cho từng mặt hàng và từng tỉnh (trước hết ưu tiên cho các địa phương có nhiều khó khăn).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chỉ tiêu về số lượng, kinh phí trợ cước, trợ giá cho các địa phương và Bộ ngành (nếu có) trước ngày 31 tháng 12. Bộ Tài chính cấp kinh phí theo hình thức "kinh phí uỷ quyền" theo tiến độ thực hiện.

5.2. Cấp kinh phí:

a. Đối với muối iốt: Được tổng hợp trong chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn do thiếu iốt, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan phân bổ kinh phí và số lượng cho từng tỉnh.

Kinh phí dùng để trợ giá, trợ cước đối với muối iốt giao cho chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn do thiếu iốt đảm nhiệm và được thực hiện như sau:

Số muối iốt mà địa phương tự tổ chức sản xuất để tiêu thụ trong địa bàn thì kinh phí trợ giá (công trộn iốt, túi PE) và trợ cước vận chuyển muối trắng từ nơi mua (chân hàng theo quy định của Bộ Thương mại và Ban Vật giá Chính phủ) đến xí nghiệp sản xuất muối iốt và muối iốt từ nơi sản xuất đến cụm xã được cấp trực tiếp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh theo hình thức kinh phí uỷ quyền.

Số muối iốt mà các doanh nghiệp Trung ương cung ứng cho địa phương để bán cho nhân dân trên địa bàn thì kinh phí trợ cước vận chuyển từ trung tâm huyện đến trung tâm cụm xã được cấp trực tiếp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh theo hình thức kinh phí uỷ quyền; kinh phí để trộn muối iốt (công trộn, túi PE nhỏ đóng muối iốt) và kinh phí trợ cước vận chuyển đến trung tâm huyện được cấp trực tiếp cho doanh nghiệp Trung ương thực hiện công việc này.

b. Các mặt hàng: Dầu hoả, giấy viết học sinh, phát hành sách, thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, than mỏ; và kinh phí trợ cước vận chuyển để tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản được cấp trực tiếp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh theo hình thức kinh phí uỷ quyền.

5.3. Điều chỉnh cơ cấu, điều hoà kinh phí trợ giá, trợ cước hàng bán.

a. Căn cứ vào tổng lượng và kinh phí phân bổ cho các mặt hàng, UBND tỉnh lập phương án thực hiện cho từng mặt hàng gồm cả số lượng, kinh phí tương ứng và tiến độ triển khai. Trước hết bảo đảm đủ kinh phí trợ giá trợ cước các mặt hàng: muối i ốt, giấy viết học sinh, phát hành sách, thuốc chữa bệnh theo định lượng quy định; kinh phí còn lại có thể bố trí điều hoà giữa các mặt hàng hoặc các khu vực (I, II, III) phù hợp với nhu cầu thực tế ở địa phương.

Căn cứ vào phương án trên Uỷ ban nhân dân tỉnh lập dự toán chi ngân sách kinh phí trợ giá, trợ cước chia theo từng quý báo cáo Uỷ ban Dân tộc và miền núi, Bộ Tài chính để theo dõi và cấp kinh phí.

b. Đối với những vùng đặc biệt khó khăn (khu vực III) nhân dân không có khả năng mua hàng thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào kinh phí trợ giá, trợ cước được phân bổ trong năm và nguồn ngân sách của tỉnh, xem xét quyết định việc cấp không thu tiền một hoặc một số mặt hàng: Muối i ốt, thuốc chữa bệnh, giấy viết học sinh theo nguyên tắc sau đây:

Đối tượng xem xét cấp không thu tiền: Chỉ xét cấp cho từng hộ thuộc diện đói hoặc hộ quá nghèo trong khu vực III, thực sự không có tiền mua hàng do Uỷ ban nhân dân xã bình chọn, đề nghị (không cấp đồng loạt cho tất cả các hộ trong xã) chú ý các hộ gia đình chính sách trong vùng.

Bảo đảm được đoàn kết dân tộc, ổn định đời sống thúc đẩy sản xuất phát triển, và chú ý mối tương quan giữa các hộ được cấp với các hộ khác trong thôn bản, giữa các thôn bản liền kề nhau và giữa các vùng để tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết.

Giá vốn thanh toán hàng cấp không thu tiền, không được lớn hơn giá bán lẻ hàng cùng loại được trợ giá, trợ cước trên địa bàn ở cùng thời điểm.

Trong khu vực xét cấp không thu tiền, Uỷ ban nhân dân tỉnh ưu tiên lồng ghép các dự án phát triển kinh tế xã hội (xoá đói giảm nghèo, trồng rừng...) để từng bước hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế nhằm giúp đồng bào trong thời gian một hoặc hai năm có khả năng tự mua hàng.

6. Xác định doanh nghiệp thực hiện việc mua, bán hàng hoá có trợ giá, trợ cước: nhằm khắc phục tình trạng phân tán, manh mún hiện nay, phù hợp với sức mua và dung lượng thị trường, quy mô kinh doanh ở địa bàn cơ sở (huyện, trung tâm cụm xã); Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào đặc điểm từng khu vực quyết định việc áp dụng hình thức đấu thầu hoặc lựa chọn doanh nghiệp có đủ điều kiện về mạng lưới, cơ sở vật chất, cán bộ... giao nhiệm vụ thực hiện việc mua bán các mặt hàng có trợ giá, trợ cước (trừ thuốc chữa bệnh) để thuận tiện cho dân khi mua, hoặc bán hàng hoá với giá cả hợp lý và chất lượng bảo đảm, để vừa quản lý được và tiết kiệm chi phí lưu thông.

 

IV. DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG THƯƠNG NGHIỆP

MIỀN NÚI, HẢI ĐẢO VÀ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

1. Mở rộng mạng lưới của thương mại nhà nước ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc để đủ sức chỉ đạo và chi phối thị trường về bán các mặt hàng chính sách xã hội, vật tư phục vụ sản xuất và mua một số sản phẩm quan trọng của đồng bào sản xuất ra, đặc biệt là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đường giao thông và vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn.

Thương mại nhà nước phải có cửa hàng đến trung tâm cụm xã. Qua đó tổ chức các hình thức thích hợp để lựa chọn và sử dụng các hợp tác xã thương mại dịch vụ, các tổ chức kinh tế Nhà nước (xí nghiệp, nông lâm trường...), trường học, trạm xá, đội ngũ giáo viên và những người có tín nhiệm trong các thôn bản, hình thành mạng lưới trong cụm xã và giữa cụm xã với các vùng khác.

Thông qua các hoạt động đại lý, uỷ thác mua bán hàng hoá, quảng cáo thương mại, triển lãm thương mại... xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhà nước (ở Trung ương, địa phương và trên cùng địa bàn), giữa các thành phần kinh tế với nhau theo tinh thần cùng có lợi nhằm tạo ra hệ thống các kênh lưu thông thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ, giữa miền ngược với miền xuôi.

Sở Thương mại chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và các ngành hữu quan trong tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới hoạt động thương mại (bao gồm chợ, cửa hàng thương mại nhà nước, hợp tác xã thương mại dịch vụ, thương nghiệp ngoài quốc doanh...) phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn, đưa các hoạt động thương mại gắn với quy hoạch dân cư và vùng sản xuất, từng bước phủ kín các vùng "trắng" về mạng lưới thương mại. Trên cơ sở quy hoạch, hàng năm Sở Thương mại lập kế hoạch, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

Bộ Thương mại cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ ngành liên quan cùng với các địa phương tổ chức việc khảo sát nghiên cứu tổng kết các mô hình tổ chức doanh nghiệp hoạt động thương mại ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc (công ty huyện, công ty tỉnh - cửa hàng huyện, công ty khu vực...) hướng dẫn các địa phương sắp xếp lại các doanh nghiệp thương mại nhà nước trên địa bàn.

2. Doanh nghiệp thương mại nhà nước hoạt động công ích được xác định theo các quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 56/CP ngày 12-10-1996 của Chính phủ về "Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích", và hướng dẫn thực hiện tại Thông tư số 1-BKH/DN ngày 29-1-1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tư số 6-TC/TCDN ngày 24-2-1997 của Bộ Tài chính.

Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại ở địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc đủ các điều kiện sau đây nếu có nhu cầu thì có thể chuyển thành doanh nghiệp công ích hoạt động trong lĩnh vực thương mại:

Doanh nghiệp chủ yếu hoạt động ở khu vực III địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

Có ít nhất 70% doanh nghiệp thu là từ hoạt động sản xuất hoặc bán các mặt hàng, tiêu thụ sản phẩm sản xuất ở miền núi, hảo đảo và vùng đồng bào dân tộc theo chính sách trợ giá, trợ cước của Nhà nước.

Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét các doanh nghiệp có đủ điều kiện, lập phương án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, theo trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp công ích.

3. Vốn lưu động của doanh nghiệp thương mại nhà nước ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

3.1. Sở Thương mại chủ trì phối hợp với Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Cục QLV và TSNN), Sở Tài chính hướng dẫn doanh nghiệp có trụ sở chính và đăng ký kinh doanh tại địa bàn, xác định số vốn lưu động đang sử dụng, bao gồm vốn ngân sách cấp, vốn có nguồn gốc từ ngân sách (vốn tự bổ sung), vốn vay Ngân hàng và nguồn vốn góp của công nhân viên chức trong doanh nghiệp (nếu có), làm cơ sở cho việc tìm các biện pháp giải quyết.

3.2. Nhu cầu vốn lưu động hợp lý của các doanh nghiệp thương mại nhà nước ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc được xác định trên cơ sở:

Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp được giao trong Quyết định thành lập doanh nghiệp, được thể hiện theo kết quả kinh doanh (doanh thu) trong 2 đến 3 năm gần đây.

Thực tế vốn lưu động (bao gồm cả vốn tự có và vốn vay) doanh nghiệp đã sử dụng trong 2 - 3 năm gần đây.

Các điều kiện kinh doanh cụ thể như đường xá và cự ly vận tải, thời tiết khí hậu ảnh hưởng đến quá trình lưu thông, tính chất thời vụ của sản xuất và tiêu dùng, điều kiện dịch vụ thanh toán và tín dụng của ngân hàng, tập quán và nhu cầu sản xuất tiêu dùng của nhân dân, và các nhân tố khác ảnh hưởng đến tốc độ vòng quay vốn lưu động.

Yêu cầu về dự trữ các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là hàng thuộc diện mặt hàng chính sách xã hội, theo định mức quy định ở mục V.2 Thông tư này.

Doanh nghiệp thương mại Nhà nước lập phương án về nhu cầu vốn lưu động hợp lý báo cáo Sở Thương mại, Cục QLV và TSNN và Sở Tài chính.

3.3. Căn cứ phương án báo cáo của doanh nghiệp. Sở thương mại chủ trì, phối hợp với Cục QLV và TSNN, Sở Tài chính thẩm định nhu cầu vốn lưu động hợp lý báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét cấp bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương theo hình thức cấp kinh phí uỷ quyền để chi cho khoản "chi đầu tư phát triển" (tiết b khoản 2 Điều 31 của Luật ngân sách) đảm bảo 50% nhu cầu vốn lưu động hợp lý cho doanh nghiệp.

Hàng năm, khi lập dự toán ngân sách, Sở Tài chính căn cứ vào khả năng nguồn thu ngân sách địa phương (kể cả nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương) và tình hình vốn lưu động của doanh nghiệp bố trí khoản chi "hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Nhà nước" trình Uỷ ban nhân dân tỉnh và báo cáo Bộ Tài chính.

3.4. Căn cứ vào nhu cầu vốn lưu động hợp lý của doanh nghiệp thương mại Nhà nước hoạt động ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc do Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thương mại tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương khoản chi "hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động thương mại ở địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc". Khi được Thủ tướng Chính phủ xét duyệt, Bộ Tài chính thông báo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện theo hình thức cấp "kinh phí uỷ quyền".

 

V. QUẢN LÝ VỐN DỰ TRỮ MẶT HÀNG CHÍNH SÁCH Ở MIỀN NÚI,

HẢI ĐẢO VÀ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

1. Các mặt hàng được trợ giá, trợ cước để bán ở miền núi hải đảo và vùng đồng bào dân tộc được cấp vốn dự trữ gồm:

(1) Muối: gồm có muối thường (để trộn iốt) và muối iốt thành phẩm.

(2) Dầu hoả thắp sáng.

(3) Giấy viết học sinh.

(4) Thuốc chữa bệnh (danh mục cụ thể theo quy định của Bộ Y tế).

Tuỳ theo tình hình cụ thể của từng địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể bổ sung mặt hàng nhất thiết phải có dự trữ ở những vùng đặc biệt khó khăn (khu vực III).

2. Doanh nghiệp thương mại nhà nước làm nhiệm vụ cung ứng các mặt hàng chính sách quy định ở điểm 1 được cấp đủ vốn dự trữ ngân sách địa phương. Mức vốn được cấp (sau khi trừ đi phần vốn lưu động đã được cấp bổ sung) là nhu cầu dự trữ lưu thông mặt hàng chính sách, tương đương với nhu cầu tiêu dùng mặt hàng đó của nhân dân thuộc địa bàn phục vụ trong thời gian bình quân từ 2 đến 3 tháng. Tuỳ tình hình của từng khu vực, Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định thời gian dự trữ phù hợp với thực tế địa phương.

3. Doanh nghiệp được cấp vốn có trách nhiệm sử dụng vốn này để dự trữ lưu thông mặt hàng chính sách. Tổ chức dự trữ lưu thông phải đạt được yêu cầu đối với từng mặt hàng, ở từng địa bàn và thời điểm. Doanh nghiệp được chủ động tổ chức dự trữ lưu thông phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn khu vực (I, II, III) và đặc điểm của hàng hoá, nhu cầu tiêu dùng.

Vào những thời điểm như: mùa mưa lũ, tết, lễ hội và những địa bàn giao thông đặc biệt khó khăn, yêu cầu thực tế đòi hỏi lượng hàng hoá dự trữ ở mức cao hơn mức dự trữ bình quân, doanh nghiệp có trách nhiệm huy động các nguồn vốn khác (vốn tín dụng hoặc vốn lưu động tự có) để dự trữ. Ngoài những thời điểm và địa bàn trên đây, doanh nghiệp được tạm thời sử dụng một phần số vốn dự trữ vào kinh doanh mặt hàng khác và phải hoàn trả kịp thời để dự trữ hàng chính sách, đảm bảo cung ứng đủ hàng cho nhu cầu của nhân dân.

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể số lượng hàng hoá và vốn tương ứng dự trữ từng mặt hàng, từng khu vực (I, II, III), thời điểm dự trữ và việc huy động vốn dự trữ mặt hàng chính sách cho nhu cầu kinh doanh ở những thời điểm phù hợp.

5. Doanh nghiệp được miễn tiền thu về sử dụng vốn đối với dự trữ mặt hàng chính sách ở miền núi.

6. Vốn dự trữ các mặt hàng chính sách, được quản lý như vốn lưu động và bảo toàn vốn theo quy định tại Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước ban hành theo Nghị định của Chính phủ số 59/CP ngày 3-10-1996 và Thông tư hướng dẫn thi hành số 75/TC/TCDN ngày 12-11-1996 của Bộ Tài chính.

Sáu tháng một lần, doanh nghiệp được cấp vốn dự trữ phải báo cáo với Cục QLV và TSNN và Sở Thương mại về tình hình sử dụng vốn dự trữ mặt hàng chính sách. Cục QLV và TSNN tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính.

 

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban Dân tộc và miền núi chủ trì tổ chức sự phối hợp giữa các Bộ ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, trong việc tổ chức thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước hàng năm báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách trợ giá trợ cước vận chuyển của địa phương, Bộ ngành và doanh nghiệp có sử dụng kinh phí. Kịp thời phát hiện và xử lý những vướng mắc khó khăn, báo cáo đề xuất với chính phủ các giải pháp cần thiết bảo đảm cho việc thực hiện chính sách đúng mục tiêu và các chế độ quản lý quy định; thực sự phát huy tác dụng của chính sách trong việc ổn định đời sống và thị trường của nhân dân trên địa bàn, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hoá.

2. Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch hàng năm: khoản kinh phí trợ giá trợ cước theo mục tiêu của Nghị định 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ và khoản chi "hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động thương mại miền núi hải đảo và vùng đồng bào dân tộc" trình Chính phủ phê duyệt. Căn cứ chỉ tiêu đã được Chính phủ phê duyệt, kế hoạch của Uỷ ban Dân tộc và miền núi và các Bộ, ngành phân bổ (sau khi đã thống nhất), thông báo và hướng dẫn Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và miền núi các Bộ ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách phát triển thương nghiệp miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc đúng mục tiêu và các chế độ quản lý hiện hành.

3. Bộ Thương mại hướng dẫn các địa phương sử dụng các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại nhằm mở rộng thị trường, tổ chức giao lưu hàng hóa các vùng; bảo đảm cho nhân dân ở các địa bàn mua được các hàng hoá thiết yếu đối với sản xuất và đời sống, bán được các sản phẩm làm ra một cách thuận tiện hơn, không phải đi quá xa và không phải mua với giá quá chênh lệch so với vùng xuôi. Phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và miền núi, các Bộ ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh theo dõi và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện chính sách trợ cước trợ giá và các chính sách đối với thương nhân hoạt động ở vùng này.

4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh: chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện chính sách phát triển thương mại miền núi, hải đảo và đồng bào vùng dân tộc; bảo đảm cho nhân dân sinh sống và hoạt động trên địa bàn thực sự được hưởng những kết quả của chính sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan biện pháp giải quyết.

5. Thông tư này có hiệu lực thi hành theo hiệu lực thi hành Nghị định 20/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 1998. Riêng mục III.4 và III. 5.2 của Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-1-1999. Những Thông tư Liên Bộ hoặc Thông tư của các Bộ Thương mại, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban Dân tộc và Miền núi trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các doanh nghiệp phản ánh kịp thời về liên Bộ để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=7549&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận