1. Xác định hàng giả:
1.1. Về định nghĩa và dấu hiệu của hàng giả:
Định nghĩa và dấu hiệu của hàng giả đã được nêu ở Điều 3 và 4 của nghị định. Trong điều kiện hiện nay, công tác chống hàng giả cần tập trung vào những hàng hoá bị làm giả ở những dấu hiệu sau:
a. Sản xuất và sử dụng nhãn giả và bao bì mang nhãn giả hoặc sử dụng nhãn của người khác, của cơ sở sản xuất khác mà không được phép của chủ nhân (bao gồm nhãn sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá và dấu phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam).
b. Hàng hoá không có giá trị sử dụng, không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và có công dụng của nó hoặc có chất lượng dưới mức tối thiểu do Nhà nước qui định, nhằm đánh lừa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng để thu lợi bất chính.
1.2. Phân biệt giữa hàng giả và hàng kém chất lượng:
Sản phẩm hàng hoá có mức chất lượng thấp hơn mức chất lượng đã đăng ký và ghi nhãn sản phẩm (ê-ti-ket) song chưa vi phạm mức chất lượng tối thiểu thì chưa bị coi là hàng giả mà chỉ là kém chất lượng. Những hàng hoá này được xử lý theo Nghị định số 327-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng qui định về việc thi hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá.
1.3. Mức chất lượng tối thiểu:
Mức chất lượng tối thiểu: Mức chất lượng (chủ yếu là các chỉ tiêu liên quan đến an toàn, vệ sinh và môi trường) được các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (như Uỷ ban khoa học Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội) qui định dưới dạng tiêu chuẩn hoặc văn bản qui định khác. Những hàng hoá có mức chất lượng dưới mức chất lượng tối thiểu thì bị coi là hàng giả và bị xử lý theo Nghị định số 140-HĐBT.
2. Tổ chức thực hiện công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả:
Điều 1, 6 và 20 của Nghị định số 140-HĐBT đã nói rõ: Chống sản xuất , buôn bán hàng giả là trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng của mọi cấp, mọi ngành và của các cơ quan Nhà nước đã được giao thẩm quyền kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả, cụ thể là :
2.1. Trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân sản xuất - kinh doanh:
Để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trước khách hàng và trước pháp luật về chất lượng sản phẩm - hàng hoá của mình. mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có hoạt động sản xuất - kinh doanh phải tự bảo vệ uy tín của mình bằng nhiều biện pháp như: Đổi mới công nghệ sản xuất, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm. hàng hoá trước khi xuất xưởng, quản lý tốt bao bì, nhãn mác... Phải đăng ký chất lượng và nhãn sản phẩm, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá của mình... theo các qui định của Nhà nước, đồng thời phải chịu sự kiểm tra và xử lý về chất lượng sản phẩm - hàng hoá của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tích cực tham gia vào việc phát hiện, tố cáo với các cơ quan Nhà nước nêu ở điều 6 của Nghị định và với khách hàng để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả.
2.2. Trách nhiệm của người tiêu dùng:
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, mọi người tiêu dùng đều có trách nhiệm phát hiện, tố cáo, khiếu nại các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả với 1 trong các cơ quan được nêu ở điều 6 của nghị định: Tìm hiểu những kiến thức cần thiết về chất lượng sản phẩm hàng hoá , các qui định pháp luật về quản lý chất lượng - hàng hoá, về bảo hộ sở hữu công nghiệp... để có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả trong khi mua và sử dụng hàng hoá.
2.3. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và các ngành, các cấp:
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vi ngành và lãnh thổ, các cơ quan Nhà nước ở các ngành, các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức, phòng chống, phát hiện và sử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả trong phạm vi quản lý pháp luật qui định, coi đó là nhiệm vụ để đảm bảo và duy trì trật tự kỷ cương kinh tế - xã hội.
2.4. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả nói ở điều 6:
2.4.1. Bộ Thương mại và Du lịch và hệ thống cơ quan cấp dưới của mình có nhiệm vụ chỉ đạo việc quản lý chất lượng hàng hoá trong khâu lưu thông của các thành phần kinh tế, trước hết là trong hệ thống thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã.
2.4.2. Ban chỉ đạo quản lý thị trường các cấp:
- Là đầu mối giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưỏng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức phối hợp, đôn đốc và kiểm tra các ngành các cấp, các cơ quan Nhà nước có chức năng kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả.
- Tổ chức phối hợp công tác giữa các cơ quan nói ở điều 6 của Nghị định.
- Trên cơ sở báo cáo các cơ quan nói ở điều 6 của nghị định và của uỷ ban Nhân dân các địa phương định kỳ hay đột xuất tổng hợp tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả và công tác phòng chống hàng giả để báo cáo lên cấp trên;
- Chủ trì việc nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ xung những chính sách, biện pháp kiểm tra và xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả với các cơ quan quản lý Nhà nước.
- Tổ chức sự phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên kiểm tra, phát hiện các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả và xử lý theo quyền hạn được giao đối với các vi phạm phát hiện được.
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình hàng giả và kết quả kiểm tra, xử lý hàng giả.
2.4.3. Trách nhiệm của Uỷ ban Khoa học Nhà nước:
a. Cơ quan tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng ở Trung ương và địa phương:
- Tiến hành đăng ký chất lượng và nhãn sản phẩm cho những sản phẩm, hàng hoá theo danh mục Nhà nước công bố.
- Tiến hành chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho những sản phẩm, hàng hoá trước hết là những sản phẩm, hàng hoá thuộc danh mục Nhà nước bắt buộc chứng nhận:
- Thanh tra, giám sát chất lượng sản phẩm - hàng hoá, phát hiện xử lý các vụ vi phạm về sản xuất, bán buôn hàng hoá không đăng ký chất lượng, hàng kém phẩm chất.
- Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nêu ở điều 6 của nghị định trong kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả, giám định chất lượng sản phẩm - hàng hoá, cung cấp tài liệu cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan nêu ở Điều 6 của Nghị định.
b. Cơ quan Nhà nước về sở hữu công nghiệp:
- Tiến hành công nhận việc bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ.
- Phối hợp với các cơ quan nêu ở điều 6 của nghị định trong việc giám định và cung cấp tài liệu về sở hữu công nghiệp.
2.4.4. Trách nhiệm của cơ quan quản lý y tế, cơ quan thanh tra Nhà nước, cơ quan công an và cơ quan hải quan.
- Các cơ quan này có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, buôn bán hàng giả trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn đã được Nhà nước giao của mình.
- Phối hợp với cơ quan nêu ở điều 6 và cung cấp thông tin cho Ban quản lý thị trường cung cấp cho việc kiểm tra, xử lý hàng giả.
3. Để thực hiện Nghị định, trước mắt các ngành các địa phương cần chỉ đạo tập trung vào các việc sau:
- Lập và triển khai ngay kế hoạch chống hàng giả trong địa bàn mình quản lý, gửi kế hoạch này về Ban quản lý thị trường Trung ương và Uỷ ban khoa học Nhà nước để phối hợp.
- Hướng dẫn người tiêu dùng và các hội quần chúng dưới mọi hình thức về sự nguy hại của tệ sản xuất , buôn bán hàng giả nhằm tạo điều nên một phong trào quần chúng thường xuyên chống tệ hàng giả.
- Tập trung kiểm tra, xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức, có qui mô lớn, vào các mặt hàng quan trọng có liên quan tới điều kiện vệ sinh, an toàn của người tiêu dùng và môi trường. Nhanh chóng điều tra và đưa ra truy tố xét xử nghiêm khắc và công khai các vụ việc điển hình về sản xuất, buôn bán hàng giả để giáo dục chung.
- Tổ chức các hòm thư thu thập tố cáo của người tiêu dùng về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Trong quá trình thực hiện Nghị định 140-HĐBT và thông tư này, các ngành, các địa phương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện trong ngành và địa phương mình. Nếu gặp khó khăn vướng mắc hoặc có thể đề xuất các biện pháp chống hàng giả thì báo cáo cho Liên bộ Uỷ ban Khoa học Nhà nước - Bộ Thương mại và du lịch để biết và hướng dẫn.