Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 14/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BTC

Nguyễn Đình Liêu
Toàn quốc
Công báo số 23 - 11/2004;
Thông tư liên tịch 14/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT-BTC
Thông tư liên tịch
07/12/2004
08/11/2004

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam

Thứ trưởng
2.004
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ

bị hậu quả do nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam


Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Thi hành Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 07 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP

1. Đối tượng:

a) Người tham gia kháng chiến bị hậu quả trực tiếp của chất độc hoá học:

- Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Công an nhân dân.

- Công an, dân quân, du kích, tự vệ địa phương.

- Cán bộ thôn, ấp, xã, phường cán bộ, công nhân, viên chức trong hệ thống Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội cách mạng.

- Thanh niên xung phong tập trung theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 04 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ.

- Dân công hoả tuyến.

Các đối tượng trên được gọi chung là người tham gia kháng chiến.

b) Con đẻ còn sống của người tham gia kháng chiến bị hậu quả của chất độc hoá học.

2. Điều kiện:

a) Đối với người tham gia kháng chiến, có đủ các điều kiện sau:

- Đã từng tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn từ tháng 08 năm 1961 đến 30 tháng 04 năm 1975.

- Đang không hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động.

- Bị mắc bệnh do nhiễm chất độc hoá học sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh; bị mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hoá học.

b) Đối với con đẻ còn sống của người tham gia kháng chiến (bao gồm cả con đẻ của bệnh binh, con đẻ của công nhân viên chức nghỉ mất sức lao động) bị dị dạng, dị tật nặng do nhiễm chất độc hoá học không còn khả năng lao động.

c) Người tham gia kháng chiến bị mắc các bệnh và con của họ bị dị dạng, dị tật do chất độc hoá học thuộc danh mục bệnh tật kèm theo Thông tư này.

II. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP VÀ CHẾ ĐỘ KHÁC

1. Chế độ trợ cấp hàng tháng:

a) Đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học:

- Mức trợ cấp bằng 300.000 đồng/người/tháng đối với người bị mắc bệnh hiểm nghèo, không còn khả năng lao động.

- Mức trợ cấp bằng 165.000 đồng/người/tháng đối với người bị mắc bệnh, suy giảm khả năng lao động.

b) Đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học:

- Mức trợ cấp bằng 170.000 đồng/người/tháng đối với người bị dị dạng, dị tật nặng không có khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt.

- Mức trợ cấp bằng 85.000 đồng/người/tháng đối với người bị dị dạng, dị tật, không có khả năng lao động, còn tự lực được trong sinh hoạt.

2. Chế độ ưu đãi khác:

a) Đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng theo điểm 1 mục II trên nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được Nhà nước mua bảo hiểm y tế với mức 3% tiền lương tối thiểu hiện hành.

b) Học sinh, sinh viên là con đẻ của người tham gia kháng chiến bị mắc bệnh hiểm nghèo, không còn khả năng lao động đang học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước (có khoá học từ 1 năm trở lên) mà không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí thì được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục, đào tạo như đối với con của bệnh binh mất sức lao động từ 61% đến 70%.

c) Người tham gia kháng chiến đang hưởng trợ cấp 300.000 đồng/người/tháng khi chết nếu không thuộc diện có chế độ mai táng phí thì người đảm nhiệm việc chôn cất được cấp mai táng phí như đối với bệnh binh mất sức lao động từ 61% đến 70%.

d) Người tham gia kháng chiến bị suy giảm khả năng lao động và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị dị dạng, dị tật, còn tự lực được trong sinh hoạt thuộc diện đói nghèo được ưu tiên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm giành cho người tàn tật từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống.

đ) Người tham gia kháng chiến già yếu, cô đơn không nơi nương tựa và con đẻ của người tham gia kháng chiến mồ côi cả cha và mẹ nếu không có thân nhân chăm sóc, nuôi dưỡng, không tự bảo đảm được cuộc sống tại cộng đồng thì được xem xét tiếp nhận nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

III. THỦ TỤC, HỒ SƠ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP HÀNG THÁNG

1. Người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ quy định tại mục I làm 02 bản khai (mẫu số 01) chuyển đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã) 01 bản.

2. Uỷ ban nhân dân cấp xã:

a) Căn cứ điều kiện thực tế của đối tượng tại địa phương để xác nhận:

- Người tham gia kháng chiến có thời gian hoạt động ở chiến trường thời kỳ tháng 08 năm 1961 đến 30 tháng 04 năm 1975.

- Tình trạng bệnh tật và tình trạng sinh con bị dị dạng, dị tật hoặc vô sinh sau thời gian tham gia kháng chiến (đối với người tham gia kháng chiến) mức độ dị dạng, dị tật (đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến) trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của trưởng trạm y tế cấp xã.

- Khả năng lao động (đối với người tham gia kháng chiến), khả năng tự lực trong sinh hoạt (đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến) trên cơ sở ý kiến của trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố.

b) Gửi Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (Hội đồng xác nhận người có công) cấp xã xác nhận đề nghị.

c) Chuyển hồ sơ kèm theo công văn đến phòng làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, quận, thị xã (gọi chung là phòng Tổ chức - Lao động xã hội) để xem xét.

d) Trường hợp còn vướng mắc hoặc có khiếu nại về mức độ bệnh, mức độ suy giảm khả năng lao động (đối với người tham gia kháng chiến - kể cả những thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được xác định tỷ lệ thương tật không có vết thương thực thể), về mức độ dị dạng, dị tật, khả năng tự lực trong sinh hoạt (đối với con đẻ người tham gia kháng chiến) thì chuyển hồ sơ kèm công văn đến Phòng Tổ chức - Lao động xã hội để phối hợp với Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực kiểm tra, xác minh và kết luận.

3. Phòng Tổ chức - Lao động xã hội:

a) Kiểm tra hồ sơ, đối chiếu danh sách người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng của chất độc hoá học, lập danh sách những người có đủ điều kiện (mẫu số 02a và mẫu số 02b), trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp ký công văn kèm hồ sơ gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

b) Những trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp xã chuyển đến để kiểm tra, xác minh, kết luận theo tiết d, điểm 2 mục III trên đây mà vẫn không có sự thống nhất thì Phòng Tổ chức - Lao động xã hội huyện chuyển hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để làm thủ tục giới thiệu đến Hội đồng giám định Y khoa cấp tỉnh giám định. Nếu mất sức lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng chế độ đối với người bị mắc bệnh, suy giảm khả năng lao động.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Rà soát đề nghị của quận, huyện, thị xã lập danh sách người hưởng trợ cấp (mẫu số 02a và mẫu số 02b), lập 04 bản tổng hợp (mẫu số 03) thống nhất với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định trợ cấp (mẫu số 04).

b) Căn cứ phê duyệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Lập quyết định hưởng trợ cấp đối với từng người, đồng thời phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí trợ cấp và tổ chức thực hiện việc chi trả trợ cấp theo quy định hiện hành; gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Thương binh - Liệt sĩ và Người có công) 01 bản Quyết định và 01 bản tổng hợp trợ cấp.

- Tổ chức lưu giữ hồ sơ; thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện trợ cấp về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

IV. NGUỒN KINH PHÍ CHI TRẢ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP

Kinh phí để chi trả trợ cấp và một số chế độ ưu đãi quy định tại mục II Thông tư này do ngân sách địa phương đảm bảo từ nguồn trợ cấp xã hội được Chính phủ giao hàng năm. Đối với những địa phương khó khăn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 07 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này tới các cấp, các ngành và nhân dân địa phương; kiểm tra, rà soát bảo đảm thực hiện đúng đối tượng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

2. Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn kiểm tra việc xác định bệnh tật, mức độ dị dạng, dị tật, khả năng lao động đối với các đối tượng quy định tại điểm I Thông tư này.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định danh sách đối tượng được hưởng chế độ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ.

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo đủ nguồn kinh phí thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hoá học, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn tại Thông tư này.

5. Thủ tục, hồ sơ thực hiện các chế độ giáo dục đào tạo, bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học quy định tại Thông tư này được thực hiện như quy định hiện hành đối với người có công với cách mạng.

6. Người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ đang hưởng trợ cấp hàng tháng và bảo hiểm y tế trước ngày 01 tháng 07 năm 2004 theo Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Y tế thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra lại nếu đủ điều kiện tiếp tục hưởng chế độ thì làm thủ tục hưởng các chế độ quy định tại Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 07 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2004.

7. Đối với những trường hợp đang hưởng trợ cấp hàng tháng mà có khiếu nại, tố cáo về mức độ bệnh, mức độ suy giảm khả năng lao động thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tạm dừng thực hiện chế độ và phối hợp cơ quan liên quan kiểm tra xác minh, kết luận theo mục III của Thông tư này, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

8. Người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ đã được quản lý theo danh sách và được lập hồ sơ thủ tục xét hưởng chính sách từ ngày 01 tháng 07 năm 2004 trở về sau được hưởng trợ cấp hàng tháng và các chế độ khác từ ngày có Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

9. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 17/2000/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 07 năm 2000 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính và Thông tư số 02/2001/TTLT/BYT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 02 năm 2001 của liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phương phản ánh kịpthời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính để giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=24806&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận