Thông tưTHÔNG TƯ
LIÊN BỘ UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC - NỘI VỤ SỐ 1424/TT-LB
NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 1959 THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 151/TTG
NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM 1959 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
QUY ĐỊNH THỂ LỆ TẠM THỜI VỀ TRƯNG DỤNG RUỘNG ĐẤT
ĐỂ LÀM ĐỊA ĐIỂM XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH
KIẾN THIẾT CƠ BẢN
Kính gửi: UBHC khu Hồng Quảng.
Các thành phố, tỉnh, khu vực Vĩnh Linh
Đồng kính gửi: Các Bộ
Từ hoà bình lập lại đến nay, do yêu cầu cần thiết cho công trình xây dựng xí nghiệp, giao thông, thuỷ lợi.. các ngành ở Trung ương và địa phương đã trưng dụng một số ruộng đất khá nhiều của nông dân. Nhưng vì chưa có thể lệ chung cho các ngành, các địa phương, nên mỗi nơi làm một khác, mỗi ngành làm một khác, làm cho nông dân thắc mắc về chính sách trưng dụng, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất nông nghiệp và không bảo đảm được kịp thời yêu cầu của cơ quan cần dùng ruộng đất.
Để bổ cứu tình trạng trên và để thống nhất việc trưng dụng ruộng đất xây dựng các công trình kiến thiết cơ bản, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định số 151-TTg ngày 14 -4 -1959 quy định thể lệ tạm thời về trưng dụng ruộng đất cần thiết cho việc xây dựng những công trình do Nhà nước quản lý.
Căn cứ Điều 11 của Nghị định nói trên, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Nội vụ góp một số ý kiến dưới đây về nguyên tắc chung, quyền hạn, thủ tục trưng dụng và nguyên tắc bồi thường và quy định những thể thức chi tiết để giúp các ngành và Uỷ ban hành chính địa phương thi hành thể lệ trưng dụng ruộng đất cho thống nhất, bảo đảm được yêu cầu về diện tích ruộng đất cần thiết cho việc xây dựng công trình, đồng thời giải quyết đúng mức về quyền lợi của người có ruộng đất bị trưng dụng.
I- NGUYÊN TẮC CHUNG, QUYỀN HẠN VÀ THỦ TỤC
TRƯNG DỤNG RUỘNG ĐẤT
1. Nguyên tắc chung:
Điều 2 của Nghị định số 151-TTg ngày 14-4 -1959 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định 3 nguyên tắc cụ thể:
Hai nguyên tắc thứ nhất và thứ hai liên quan mật thiết với nhau và là nguyên tắc căn bản: "Đảm bảo kịp thời và đủ diện tích cần thiết cho công trình xây dựng, đồng thời chiếu cố đúng mức quyền lợi và đời sống cho người có ruộng đất. Chỉ được trưng dụng số ruộng đất thật cần thiết, không được trưng dụng thừa. Hết sức tiết kiệm ruộng đất cày cấy, trồng trọt..."
Thực tế mấy lâu nay, trong việc trưng dụng ruộng đất, đã xảy ra nhiều hiện tượng lãng phí nghiêm trọng như: có cơ quan lấy lí do "để chuẩn bị sau này" đã lấy số lượng đất để xây dựng gấp bội số ruộng đất cần thiết, không những để lại số ruộng đất đủ để phát triển trong thời gian ngắn gần đây, mà còn để lại dự trữ cho việc phát triển lâu dài nữa, để đất bỏ hoang hoặc xin ruộng đất rồi nhưng để hàng năm chưa dùng đến v.v...
Để tránh những hiện tượng lãng phí như vậy, để thực hiện nguyên tắc tiết kiệm ruộng đất nói ở Điều 2 của Nghị định số 151-TTg, cơ quan cần dùng ruộng đất để xây dựng công trình phải đến tại chỗ để nghiên cứu địa điểm xây dựng, ngoài việc nghiên cứu về phương diện kỹ thật và kinh tế mà công trình đòi hỏi, cần phải nghiên cứu một diện tích đất đai thật cần thiết cho việc xây dựng, tránh tình trạng đề ra yêu cầu quá cao, rồi không dùng hết đất, lãng phí đất, mặt khác, phải căn cứ vào tình hình thực tế của ruộng đất mà lựa chọn địa điểm và bố trí mặt bằng làm cho lợi đất, ít ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhân dân, đồng thời bảo đảm được yêu cầu của công trình nghĩa là không lấy thừa đất, cố gắng tránh những ruộng cày cấy, đất trồng cây công nghiệp hay ăn quả, nhất là những ruộng đất tốt, và hết sức lợi dụng những đất bỏ hoang.
Trường hợp việc xây dựng công trình chia làm nhiều đợt, hay trường hợp công trình cần phải phát triển thêm về tương lai, thì diện tích đất đai cần thiết cho các đợt xây dựng sau chỉ ghi trên bản đồ địa điểm và chỉ được trưng dụng khi nào cần đến, tuyệt đối không được trưng dụng ruộng đất để dành, mà chỉ được khoanh vùng trên bản đồ địa điểm để các cơ quan có thẩm quyền về duyệt địa điểm biết và khỏi cấp cho cơ quan khác.
2. Quyền hạn và thủ tục trưng dụng ruộng đất:
Về thể thức phải theo trong việc xin trưng dụng ruộng đất, thì:
Cơ quan cần trưng dụng ruộng đất, trước khi đi nghiên cứu địa điểm, phải thông qua Uỷ ban kế hoạch địa phương, xin giấy giới thiệu của Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố, liên lạc với Uỷ ban hành chính huyện và xã tại nơi có đất mà mình định làm địa điểm xây dựng, để được phép nghiên cứu, đo đạc và lập hồ sơ.
Uỷ ban hành chính tỉnh, huyện, xã căn cứ vào quy hoạch đô thị hay dự kiến xây dựng đô thị (nếu chưa có quy hoạch đô thị chính thức) mà phân phối các địa điểm xây dựng các công trình kiến thiết cơ bản, tránh tình trạng giành địa điểm để gây khó khăn cho việc trưng dụng.
- Khi đã chọn được địa điểm đáp ứng được yêu cầu cần thiết về kỹ thuật và kinh tế mà công trình đòi hỏi, và đáp ứng được điều kiện tiết kiệm đất đai, cơ quan cần trưng dụng ruộng đất, một mặt phải thông qua sự tuyên truyền giải thích của Uỷ ban hành chính và nông hội xã mà trưng cầu ý kiến của nhân dân, mặt khác, phải xin ý kiến của các Bộ hay các cơ quan có liên quan đến địa điểm xây dựng đã lựa chọn, như cơ quan kiến trúc về phương diện quy hoạch đô thị, cơ quan y tế về phương diện an toàn cho nhân dân, cơ quan địa chính về phương diện ruộng đất, Sở địa chất (Bộ Nông nghiệp) về phương diện địa vùng khoáng sản, cơ quan giao thông bưu điện, thuỷ lợi, Quốc phòng nếu địa điểm xây dựng có liên quan đến đường xá, đê điều hay công trình quân sự. Cơ quan thiết kế công trình cũng cần có ý kiến về phương diện kỹ thuật. Đối với những công trình trên hạn ngạch cần trưng cầu ý kiến của Cục quản lý kiến thiết cơ bản của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước .
- Cơ quan xin trưng dụng ruộng đất thu thập những ý kiến của nhân dân và của các cơ quan có liên quan và giải quyết những ý kiến ấy trước khi lập hồ sơ. Tất cả những ý kiến đã thu thập được, những biện pháp giải quyết và những vấn đề tồn tại đều phải ghi vào hồ sơ xin địa điểm và trưng dụng ruộng đất gửi đi xét duyệt.
Hồ sơ xin địa điểm và trưng dụng ruộng đất gồm có những văn bản sau đây:
1) Một tờ trình nói rõ:
- Sự cần thiết phải xây dựng công trình kiến thiết cơ bản.
- Vị trí địa điểm công trình ở đâu? Lý do phải đặt công ở địa điểm này.
-
Ý kiến của nhân dân và của các cơ quan, biện pháp giải quyết và những điều tồn tại.- Diện tích đất đai cần thiết phải trưng dụng để xây dựng trong giai đoạn hiện tại, và diện tích sẽ cần đến sau này cho các đợt xây dựng sau, hay cho việc khuyếc trương tương lai nếu có.
- Số gia đình bị trưng dụng ruộng đất .
- Các biện pháp giải quyết để bồi thường.
2) Một trích lục bản đồ địa dư, ghi rõ vị trí địa điểm xây dựng hiện tại và tương lai nếu có.
3) Một bản sơ đồ bố trí mặt bằng, ghi rõ hình thế địa điểm vị trí và hình thế của công trình để thấy rõ mật độ xây dựng.
Hồ sơ trên đây do cơ quan xin trưng dụng đất lập, phải được sự đồng ý của Uỷ ban hành chính các cấp, (Uỷ ban hành chính huyện, xã, tỉnh, thành phố, khu) và gửi đến Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xét (hoặc Bộ Quốc phòng xét nếu là công trình xây dựng quốc phòng) và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; hoặc gửi lên Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố hoặc khu duyệt, tuỳ theo trường hợp đã quy định ở Điều 3 trong nghị định.
Đối với các công trình trên hạn ngạch, mà diện tích đất đai xin trưng dụng dưới 10 ha, hay phải dời nhà cửa của dân dưới 10 nhà, cũng phải gửi đến Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xét về địa điểm.
Trường hợp phải gửi đến Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xét thì phải có 8 hồ sơ. Số 8 hồ sơ ấy, sau khi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã xét và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, sẽ phân phối như sau:
Phủ Thủ tướng giữ 1 hồ sơ
Uỷ ban kế hoạch Nhà nước giữ 1 hồ sơ
6 hổ sơ còn lại sẽ gửi trả cho cơ quan xin trưng dụng ruộng đất. Cơ quan này sau khi đã thực hiện xong việc bồi thường sẽ phân phối những hồ sơ ấy kèm thêm hồ sơ bồi thường cho các cơ quan có liên quan để sau đây dễ quản lý hồ sơ:
- Bộ Kiến trúc 1 hồ sơ
- Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố 1 hồ sơ
- Uỷ ban hành chính xã 1 hồ sơ
- Cơ quan trưng dụng ruộng đất công trường 2 hồ sơ
- Sở địa chính thuộc Bộ Tài chính 1 hồ sơ
Nếu có khu thì phải thêm 1 hồ sơ gửi cho khu.
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định việc trưng dụng duyệt y toàn bộ kế hoạch, cơ quan cần dùng ruộng đất phải báo cho Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố hoặc khu nơi có ruộng đất biết trước 3 tháng trước ngày thi công để giải quyết mọi vấn đề tồn tại và bồi thường để đảm bảo thời gian 2 tháng cho người có ruộng đất bị trưng dụng kịp di chuyển, như Điều 14 của Nghị định đã quy định. Trong thời gian này, Uỷ ban hành chính xã và các đoàn thể nhân dân ở xã giải thích cho nhân dân một lần nữa những biện pháp đã được giải quyết, mặt khác, cho niêm yết bản đồ ruộng đất trưng dụng tại trụ sở Uỷ ban hành chính xã sở tại trong thời gian 2 tháng trước ngày giao nhận ruộng đất. Chỉ giao nhận ruộng đất một tuần lễ trước khi bắt đầu thi công. Trường hợp còn hoa màu sắp đến ngày thu hoạch thì chờ thu hoạch xong mới giao nhận ruộng đất.
Điều 4 của Nghị định số 151-TTg ngày 14-4 -1959 có quy định: "Những người có ruộng đất bị trưng dụng cần được báo trước một thời gian là 2 tháng để kịp chuyển, trừ trường hợp khẩn cấp.... Thời gian 2 tháng này kể từ ngày người có ruộng đất bị trưng dụng nhận được quyết định trưng dụng cho đến ngày giao nhận ruộng đất. Trong thời gian này, cơ quan trưng dụng ruộng đất, Uỷ ban hành chính và các cơ quan đoàn thể nhân dân xã cần chú ý giúp đỡ về mọi phương tiện tuỳ theo tình hình và hoàn cảnh thực tế của từng người, từng nơi, từng lúc để đảm bảo quyền lợi và đời sống của những người có ruộng đất bị trưng dụng.
Một điều cần chú ý là trong khi thi công, cơ quan trưng dụng ruộng đất cố gắng tránh tình trạng để vật liệu bừa bãi lẫn vào ruộng để cấy cày xung quanh ruộng đất bị trưng dụng: hoặc cho xe cộ vận chuyển đi lên ruộng đất cày cấy, trồng trọt, phá hoại hoa màu. nếu tạm thời phải sử dụng đến cả ruộng đất ngoài phạm vi được sử dụng để làm chỗ xếp vật liệu hoặc làm đường vận chuyển thì phải báo với Uỷ ban hành chính địa phương thương lượng với những người có ruộng đất để thuê dùng hoặc mượn dùng. Nếu gây thiệt hại nhiều thì cơ quan thi công phải bồi thường tiền cho chủ có ruộng đất. Số tiền bồi thường về việc mượn đất này do sự thương lượng thoả thuận giữa hai bên, có Uỷ ban hành chính xã tham gia bàn bạc.
II- BỒI THƯỜNG CHO NGƯỜI CÓ RUỘNG ĐẤT
BỊ TRƯNG DỤNG
Điều 6 của Nghị định số 151-TTg ngày 14-4 -1959 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định 6 nguyên tắc cụ thể về việc bồi thường cho người có ruộng đất bị trưng dụng.
Để thực hiện tốt những nguyên tắc này nhằm đảm bảo quyền lợi và đời sống cho người có ruộng đất bị trưng dụng, Uỷ ban hành chính tỉnh hay huyện cùng với Uỷ ban hành chính các xã có liên quan, các đại diện ban chấp hành nông hội xã hay đại diện của hợp tác xã nông nghiệp, đại diện của cơ quan trưng dụng và những người có ruộng đất hoặc những người đại diện của họ, mở hội nghị dân chủ bàn bạc việc bồi thường, nghiên cứu cách giải quyết để bồi thường theo các nguyên tắc nói ở trong Điều 6 và đề ra những tiêu chuẩn bồi thường (giá bồi thường cho mỗi đơn vị diện tích các loại ruộng đất, hoa màu, cây cối, nhà cửa,...).
Có hai cách bồi thường: bồi thường bằng ruộng đất, bồi thường bằng tiền. Nhưng bồi thường bằng ruộng đất là tốt nhất và là chủ yếu.
Giá bồi thường căn cứ vào sản lượng của ruộng đất đã dùng để tính thuế nông nghiệp. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào cũng bồi thường; cần nắm vững tinh thần của Nghị định số 151-TTg là việc bồi thường chủ yếu nhằm những ruộng đất có sản lượng và hoa lợi, nếu ruộng đất thuộc loại không có sản lượng, hoa lợi thì có thể không cần bồi thường, nhưng một mặt khác cũng phải căn cứ vào hoàn cảnh sinh sống của người chủ có ruộng đất mà nghiên cứu việc bồi thường cho thích đáng và tuỳ từng trường hợp. Nếu người chủ có ruộng đất tự nguyện không đòi bồi thường thì có thể không bồi thường.
Cách giải quyết để bồi thường và các tiêu chuẩn bồi thường phải được Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố hay khu quyết định mới được thi hành.
Để tiến hành việc bồi thường được tốt, cần thành lập một ban bồi thường. Ban bồi thường có nhiệm vụ chấp hành cách giải quyết việc bồi thường và các tiêu chuẩn bồi thường mà Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố hay khu đã quyết định.
Ban bồi thường do Uỷ ban hành chính tỉnh hay huyện cử gồm có:
- Đại diện Uỷ ban hành chính các xã có ruộng đất bị trưng dụng và các xã có ruộng đất để bồi thường.
- Đại diện ban chấp hành nông hội các xã hay đại diện của các hợp tác xã nông nghiệp.
- Đại diện của những chủ ruộng đất bị trưng dụng.
- Đại diện cơ quan trưng dụng ruộng đất.
- Cơ quan địa chính có nhiệm vụ giúp đỡ ban bồi thường.
Để thực hiện việc bồi thường, Ban bồi thường phải lập bản đồ thửa ruộng đất và bản danh sách bồi thường rồi dựa vào hai tài liệu này mà tiến hành việc bồi thường cho những người có ruộng đất bị trưng dụng.
Vẽ bản đồ thửa ruộng, có thể xin trích lục của Sở địa chính. Nếu không có thì cơ quan trưng dụng với sự hướng dẫn và giúp đỡ của cơ quan địa chính phải hoạ đạc ra, để biết rõ ruộng đất và diện tích của từng thửa ruộng đất bị trưng dụng.
Về bản dạnh sách bồi thường theo mẫu kèm theo Thông tư này, Ban bồi thường phải đến tại chỗ để lập ra theo tình hình thực tế của ruộng đất bị trưng dụng và tình hình các hoa màu, cây cối, nhà cửa bị phá huỷ nếu có, để áp dụng cách giải quyết bồi thường và các tiêu chuẩn bồi thường cho đúng.
Việc lập danh sách bồi thường phải tiến hành trước mặt những người chủ ruộng đất hay đại diện của họ, nếu họ vắng mặt.
Hồ sơ bồi thường phải được Uỷ ban hành chính tỉnh hay huyện thông qua. Sau khi được thông qua, hồ sơ này phải niêm yết tại trụ sở Uỷ ban hành chính xã sở tại, đồng thời Ban bồi thường tiến hành bồi thường.
Sau khi đã thực hiện xong việc bồi thường, cơ quan Địa chính cùng với cơ quan trưng dụng ruộng đất tiến hành việc cắm mốc phân rõ địa giới ruộng đất đã trưng dụng, và tiến hành giao nhận địa giới theo thủ tục hiện hành.
Nghị định số 151-TTg ngày 14-4 -1959 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc trưng dụng ruộng đất ở nông thôn. Mỗi khi cần trưng dụng nhà đất trong nội thành các thành phố, thị xã thì cơ quan cần nhà, đất có dựa vào những nguyên tắc chung trong nghị định và tình hình cụ thể mà giải quyết cho thích đáng, gặp trường hợp khó khăn thì phải báo cáo xin ý kiến Bộ Nội vụ .
Trên đây là một số ý kiến và một số thể thức chi tiết giúp các ngành và chính quyền địa phương trong việc thi hành thể lệ tạm thời về trưng dụng ruộng đất ở vùng đồng bằng và trung du. Còn đối với những khu tự trị thì việc trưng dụng ruộng đất sẽ do Uỷ ban hành chính khu tự trị quy định thể lệ riêng (Điều 12 của Nghị định 151- TTg ngày 14-4 -1959).
Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Nội vụ đặc biệt lưu ý các ngành và Uỷ ban hành chính địa phương quán triệt phương châm, "cần kiệm kiến quốc" một cách toàn diện, tránh tư tưởng "quy mô lớn" hoặc tư tưởng "phòng hao" yêu cầu nhiều dùng ít, và nắm vững đường lối quần chúng, luôn luôn nghe ngóng ý kiến quần chúng để việc thi hành thể lệ tạm thời về trưng dụng ruộng đất được đầy đủ, chu đáo và kịp thời.
Ngoài ra Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính địa phương đặc biệt quan tâm đến việc trưng dụng ruộng đất cần thiết cho việc xây dựng cơ bản , đặt vấn đề giám đốc, kiểm tra chặt chẽ việc trưng dụng và sử dụng ruộng đất.