bộ nông nghiệp và ptnt cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt namTHÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT-BỘ CÔNG AN-BỘ QUỐC PHÒNG
Hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm,
công an, quân đội trong công tác bảo vệ rừng
-
Để thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991); Luật Phòng cháy, chữa cháy (2001); Chỉ thị số 286/TTg và 287/TTg ngày 02/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức kiểm tra truy quét những cá nhân, tổ chức phá hoại rừng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thống nhất hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng, như sau:
I. Trách nhiệm của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ công an, bộ quốc phòng
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi cả nước; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để hướng dẫn các đơn vị trong lực lượng Công an, Quân đội tham gia công tác lâm nghiệp nhằm quản lý, bảo vệ phát triển rừng, ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá rừng, gây cháy rừng, khai thác trái phép lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã.
Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm làm nòng cốt trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, phương án phòng chống chặt phá rừng, truy quét xoá bỏ các tụ điểm khai thác chặt phá rừng, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã; thiết kế về phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và phối hợp với các ngành Công an, Quân đội tổ chức kiểm tra thực hiện phương án đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các cấp phê duyệt.
2. Bộ Công an có trách nhiệm:
Thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; điều tra, xử lý theo thẩm quyền các tội phạm trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng. Chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với cơ quan Kiểm lâm xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng, ; tham gia truy quét xoá bỏ các tụ điểm chặt phá rừng, buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng và Uỷ ban nhân dân các cấp có phương án xử lý kịp thời các vụ cháy rừng. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về điều tra hình sự và phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm theo thoả thuận giữa hai lực lượng.
3. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
Chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là cấp tỉnh) và các đơn vị quân đội phối hợp với cơ quan Kiểm lâm và cơ quan Công an ở địa phương xây dựng phương án phòng chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại nơi đơn vị đóng quân, tại địa bàn hoạt động của đơn vị mình và những diện tích rừng được Nhà nước giao khoán, bảo vệ hoặc rừng trồng của các đơn vị.
Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm truy quét xoá bỏ những tụ điểm chặt phá rừng, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã; chủ động chữa cháy rừng khi phát hiện cháy hoặc tham gia chữa cháy rừng theo lệnh điều động của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc của người chỉ huy chữa cháy có thẩm quyền.
II. Trách nhiệm cụ thể và biện pháp phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội
A. Cơ quan Kiểm lâm
1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; vận động các cơ quan, tổ chức và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng.
2. Kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về rừng; bố trí Kiểm lâm viên về địa bàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng; tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp ở địa phương.
3. Tổ chức tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và tổ chức đội xung kích phòng chống chặt phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức các tổ đội phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở và dân phòng ở trong rừng, ven rừng.
4. Chủ động đề xuất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xây dựng phương án truy quét các tụ điểm chặt phá rừng, hướng dẫn kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ, ngăn chặn khi có dịch sâu, bệnh hại rừng; chủ trì phối hợp với cơ quan Công an, Quân đội cùng cấp huy động lực lượng truy quét những cá nhân, tổ chức phá hoại rừng, xử lý kịp thời những trường hợp chống người thi hành công vụ. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan tổ chức, cá nhân để chữa cháy rừng.
5. Khi phát hiện các vụ vi phạm pháp luật về rừng, cơ quan Kiểm lâm tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Đối với những vụ phạm tội không thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Kiểm lâm thì bàn giao toàn bộ người vi phạm, vật chứng, hồ sơ và các đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền; đồng thời phối hợp xác minh khi được cơ quan điều tra yêu cầu. Đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về rừng do cơ quan Công an, Quân đội chuyển giao thì Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý cho đơn vị đã chuyển giao vụ việc đó biết. Tổng hợp tình hình vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về rừng; định kỳ hàng quý thông báo cho cơ quan Công an và Quân đội.
6. Khi phát hiện hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng hoặc gây cháy rừng mà thẩm quyền xử phạt thuộc cơ quan Kiểm lâm, Công an, Bộ đội biên phòng thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
B. Cơ quan công an
1. Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, đơn vị Quân đội và chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với mọi hành vi khai thác rừng trái phép, huỷ hoại rừng, gây cháy rừng, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã. Trực tiếp chỉ huy lực lượng liên ngành ở địa phương truy quét xoá bỏ các tụ điểm khai thác rừng trái phép, buôn bán trái phép lâm sản ở vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố, giữa các huyện trong tỉnh, thành phố theo kế hoạch được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, chủ rừng điều tra những cá nhân, tổ chức phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã; có biện pháp giáo dục phòng ngừa vi phạm, tham gia cùng lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Dân quân tự vệ tổ chức truy quét các tụ điểm chặt phá rừng, buôn bán trái phép lâm sản.
3. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy phối hợp với lực lượng Kiểm lâm hướng dẫn việc xây dựng, thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tham gia thẩm duyệt dự án, thiết kế và phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn việc mua sắm, trang bị các phương tiện chuyên dùng về phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng; tham gia cứu chữa các vụ cháy rừng và chỉ huy việc chữa cháy rừng.
4. Phát hiện hoặc tiếp nhận để điều tra, xử lý các vụ phạm tội trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng; định kỳ hoặc đột xuất thông báo với cơ quan Kiểm lâm những thông tin có liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý và bảo vệ rừng của cơ quan Kiểm lâm về tình hình tội phạm và kết quả điều tra, xử lý các vụ án.
5. Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ điều tra hình sự cho cán bộ Kiểm lâm làm công tác điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật về rừng.
C- Cơ quan, đơn vị quân đội
1. Giáo dục cán bộ, chiến sỹ nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương tham gia công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã; chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng ở nơi đóng quân.
2. Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh cử cán bộ có thẩm quyền tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương để kiểm tra đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng khi có yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sở tại. Chỉ đạo các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng phải có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tham gia tuần tra và sẵn sàng ứng cứu khi có trường hợp xảy ra cháy rừng theo lệnh huy động của Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng ở nơi đóng quân.
3. Những đơn vị quân đội được giao rừng, đất trồng rừng có trách nhiệm xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức đội chữa cháy rừng cơ sở và tổ chức lực lượng tuần tra kiểm tra thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng.
4. Ban chỉ huy quân sự xã và chỉ huy tự vệ cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ học tập Luật Bảo vệ và phát triển rừng, vận động gia đình và nhân dân không phá rừng làm nương rẫy, khai thác, buôn bán lâm sản, săn bắt trái phép động vật hoang dã. Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm đi kiểm tra rừng, truy quét xóa bỏ các tụ điểm khai thác rừng trái phép, buôn bán trái phép lâm sản, chủ động chữa cháy rừng khi phát hiện cháy hoặc tham gia chữa cháy rừng theo lệnh điều động của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và người chỉ huy chữa cháy có thẩm quyền.
5. Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm kiểm tra, xử lý kịp thời đối với những đơn vị, chiến sỹ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
III. Kinh phí, chế độ, chính sách đối với những người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng
1. Cán bộ, chiến sỹ Quân đội, Công an và Công chức Kiểm lâm khi tham gia phối hợp bảo vệ rừng, nếu bị tai nạn, thương tích hoặc bị chết trong khi thi hành công vụ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.
2. Cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ khi trực tiếp tham gia bảo vệ rừng được hưởng chế độ, chính sách như khi đi huấn luyện quân sự, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả thiên tai, địch hoạ theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Pháp lệnh về dân quân tự vệ, các khoản 1 và 2 Điều 11 Nghị định số 35/CP ngày 14/6/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh về dân quân tự vệ, các điều 1 và 4 Nghị định số 46/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/CP ngày 14/6/1996. Kinh phí chi phục vụ cho công tác bảo vệ rừng do Uỷ ban nhân dân địa phương quyết định.
3. Cá nhân, tổ chức phát hiện, tố cáo người vi phạm pháp luật về rừng, tham gia bắt giữ những đối tượng chặt phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản hoặc gây cháy rừng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có kế hoạch, biện pháp cụ thể chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành mình quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư này; đồng thời thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình, kết quả thực hiện. Hàng năm, lãnh đạo ba Bộ họp để đánh giá kết quả thực hiện Thông tư này và đề ra các biện pháp thực hiện cho năm sau.
2. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Công an, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, biện pháp chỉ đạo phối hợp của lực lượng mình, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện Thông tư này, định kỳ 6 tháng họp kiểm điểm kết quả thực hiện ở địa phương mình, báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương và ba Bộ chủ quản.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định, hướng dẫn trước đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì đề nghị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để kịp thời sửa đổi hoặc hướng dẫn bổ sung.