Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 15/TTLB

 
Toàn quốc
Công báo điện tử;
Thông tư liên tịch 15/TTLB
Thông tư liên tịch
21/08/1996
21/08/1996

Tóm tắt nội dung

Về việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên âm nhạc và mĩ thuật phục vụ sự nghiệp giáo dục thẩm mĩ cho học sinh mẫu giáo, phổ thông

 
1.996
 

Toàn văn

THôNG Tư

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - VĂN HOÁ-THÔNG TIN

Về việc phối hợp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên âm nhạc và mỹ thuật phục vụ sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ cho học sinh mẫu giáo, phổ thông

Ngày 7/1/1995 lãnh đạo hai Bộ Văn hoá - Thông tin và Giáo dục và đào tạo đã họp kiểm điểm kết quả bước đầu trong việc thực hiện Thông tư Liên Bộ số 18 do Bộ trưởng Trần Hoàn và Bộ trưởng Trần Hồng Quân ký ngày 15-3-1994 về việc "phối hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin trong trường học" và nhất trí ra Thông tư Liên Bộ về "phối hợp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên âm nhạc, Mỹ thuật phục vụ sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ cho học sinh mẫu giáo, phổ thông".

 

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Tăng cường sự phối hợp có hiệu quả và phát huy thế mạnh của hai ngành Giáo dục - Đào tạo và Văn hoá - Thông tin từ Trung ương đến địa phương để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo giáo viên âm nhạc, Mĩ thuật (gọi tắt là giáo viên nhạc, hoạ) góp phần khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng đội ngũ giáo viên âm nhạc, mĩ thuật tại các trường sư phạm và các trường mẫu giáo, phổ thông nhằm phục vụ sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ cho học sinh mẫu giáo, phổ thông theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từng bước tiến tới đào tạo đủ giáo viên âm nhạc, Mĩ thuật cho các trường phổ thông và trước mắt bảo đảm đủ số giáo viên âm nhạc, mĩ thuật cho trường phổ thông dân tộc nội trú.

2. Trong quá trình phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hai ngành cần quan tâm đặc biệt việc giáo dục cho giáo sinh biết bảo vệ và phát huy các tinh hoa bản sắc văn hoá dân tộc, các tinh hoa văn hoá thế giới, có lòng yêu nghề mến trẻ, có đạo đức tác phong phù hợp nghề thầy giáo, có trình độ nghiệp vụ sư phạm bảo đảm thực hiện chương trình âm nhạc và mĩ thuật ở mỗi cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

II. NỘI DỤNG VÀ NHIỆM VỤ:

Bắt đầu từ năm học 1996-1997, hai Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nội dung sau:

1. Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc-Hoạ Trung ương và các Trường Đại học Mĩ thuật, Nhạc viện phối hợp xây dựng chương trình đào tạo giáo viên Đại học Sư phạm âm nhạc và mĩ thuật và chương trình bồi dưỡng giáo viên âm nhạc, mĩ thuật từ trình độ Cao đẳng lên trình độ Đại học Sư phạm âm nhạc, mĩ thuật và chỉ đạo chỉnh lý chương trình Cao đẳng, Trung học sư phạm âm nhạc, mĩ thuật trình hai Bộ duyệt và Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành để thực hiện trong cả nước.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng kinh phí trong chương trình để biên soạn giáo trình đào tạo giáo viên các hệ và giáo trình bồi dưỡng giáo viên để sử dụng cho các trường tham gia đào tạo giáo viên âm nhạc, mĩ thuật. Mỗi Bộ trình Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường đào tạo giáo viên âm nhạc và mĩ thuật thuộc Bộ quản lý. 3. Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp lập dự án mở các khoa sư phạm âm nhạc, mĩ thuật để đào tạo cử nhân sư phạm âm nhạc và mĩ thuật bậc Đại học tại các trường Đại học Mĩ thuật, Nhạc viện và mở các lớp Đại học sự phạm âm nhạc, Mĩ thuật tại trường Cao đẳng sư phạm nhạc-hoạ trung ương bằng chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách nhà nước giao nhằm kịp thời cung cấp đội ngũ giáo viên sư phạm âm nhạc và mĩ thuật cho các trường sư phạm địa phương và trực thuộc và một phần cho các trường phổ thông cơ sở trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

4. Để thực hiện mục tiêu mỗi trường trung học cơ sở có 2 giáo viên (1 dạy âm nhạc, 1 dạy hoạ), sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép UBND, các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho trường CĐSP và trường VHNT các tỉnh, thành phố liên kết đào tạo giáo viên nhạc, hoạ bậc Trung học và Cao đẳng theo chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (với điều kiện các cơ sở đào tạo đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo). 5. Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp xây dựng quy hoạch, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy nhạc, hoạ. Các trường CĐSP Nhạc-Hoạ TW, Đại học Mĩ thuật và âm nhạc, các trường CĐSP và VHNT địa phương mở các lớp bồi dưỡng chuyên ngành âm nhạc và mỹ thuật theo kế hoạch bồi dưỡng giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên âm nhạc, mĩ thuật đương nhiệm và kiêm nhiệm.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin và Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các băng hình dạy âm nhạc, mĩ thuật theo chương trình phổ thông để phát triển VTTH và phát hành tới các trường phổ thông trên cả nước, đặc biệt các trường vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Văn hoá thông tin xây dựng chế độ chính sách đào tạo giáo viên âm nhạc và mĩ thuật trình Chính phủ và xây dựng cơ chế sử dụng đội ngũ giáo viên âm nhạc, mĩ thuật đào tạo theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để từng bước thực hiện các nội dụng của Thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ văn hoá - thông tin cần tiến hành một số công việc sau:

1. Hai Bộ thống nhất thành lập Hội đồng liên ngành để phối hợp chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo giáo viên âm nhạc, mĩ thuật ở cấp Bộ và cấp Sở. Thành phần hội đồng gồm:

- Mỗi Bộ cử một đồng chí Thứ trưởng tham gia Hội đồng liên ngành, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch Hội đồng.

- Các thành viên gồm: lãnh đạo Vụ Giáo viên và chuyên viên, lãnh đạo Vụ Đào tạo Bộ Văn hoá - Thông tin và chuyên viên, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyên viên, đại diện các trường Đại học và Cao đẳng âm nhạc, Mĩ thuật, Sư phạm... tham gia đào tạo giáo viên âm nhạc, mĩ thuật.

2. UBND mỗi tỉnh, thành phố thành lập Hội đồng liên ngành Văn hoá-Thông tin - Giáo dục-Đào tạo về đào tạo giáo viên âm nhạc, mĩ thuật gồm lãnh đạo hai Sở Văn hoá - Thông tin, Giáo dục - Đào tạo và các ban ngành hữu quan do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định.

Hội đồng liên ngành cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá, lập kế hoạch đào tạo và ngân sách hàng năm trình Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt để triển khai đào tạo giáo viên âm nhạc, mĩ thuật hàng năm.

3. Hội đồng liên ngành cấp bộ và cấp tỉnh, thành phố mỗi năm họp 1 lần vào tháng 10 hàng năm để kiểm điểm thực hiện việc phối hợp.

4. Trước mắt, năm 1996, hai Bộ phối hợp tổ chức hội nghị các trường Sư phạm Nhạc-Hoạ và VHNT tham gia đào tạo giáo viên nhạc, hoạ để rút kinh nghiệm và triển khai thí điểm tại một số trường Đại học và Trung học VHNT.

 

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH:

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

2. Các Vụ tổng hợp và chức năng của hai Bộ như: Văn phòng Bộ, Vụ Đào tạo, Vụ Giáo viên, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tiểu học, Vụ Trung học phổ thông, các đồng chí Giám đốc các Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Văn hoá - Thông tin địa phương, các đồng chí Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng và THCN tham gia đào tạo giáo viên âm nhạc, mĩ thuật có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hoá - Thông tin thực hiện Thông tư này.

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=9113&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận