Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 17/2003/TTLT/BLĐTBXH-TƯĐTNCSHCM

 
Toàn quốc
Công báo số 67 & 68/2003;
Thông tư liên tịch 17/2003/TTLT/BLĐTBXH-TƯĐTNCSHCM
Thông tư liên tịch
15/07/2003
09/06/2003

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

Thứ trưởng
2.003
 

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chính sách đối với thanh niên

xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến

Thi hành Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến;

Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Giao thông - Vận tải, Viện Giám định Y khoa Trung ương, Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN:

1. Đối tượng:

1.1. Thanh niên xung phong đượng hưởng chế độ ưu đãi theo Điều 1 của Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 104/1999) là người tham gia lực lượng thanh niên xung phong tập trung trong kháng chiến từ ngày 15 tháng 7 năm 1950 đến 30 tháng 4 năm 1975 (bao gồm cả thanh niên xung phong làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh ở miền Bắc thời kỳ 1955-1964).

Thanh niên xung phong tập trung trong kháng chiến (gọi chung là thanh niên xung phong) được hiểu như sau:

a. Được hưởng theo chế độ cung cấp của thanh niên xung phong hoặc được hưởng theo chế độ như đối với quân nhân.

b. Được tổ chức theo đội hình đại đội, đội, tổng đội hoặc phân đội, tiểu đội; do Trung ương Đoàn, Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý hoặc do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập và quản lý.

c. Có quy định thời gian tham gia thanh niên xung phong từ 01 năm trở lên.

d. Có một trong các giấy tờ cũ chứng minh là thanh niên xung phong: thẻ đội viên; giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ ở thanh niên xung phong; giấy khen; lý lịch cán bộ, đảng viên có ghi là thanh niên xung phong.

1.2. Những đối tượng tham gia hoạt động trong kháng chiến không áp dụng Quyết định 104/1999 và Thông tư này:

a. Dân công phục vụ các công trình quan trọng, dân công hoả tuyến, công dân thực hiện nghiã vụ lao động trong thời chiến;

b. Lực lượng vận tải nhân dân;

c. Quân nhân, công an nhân dân, công nhân viên chức, cán bộ giữ chức vụ chủ chốt ở xã;

d. Dân quân tự vệ, quân nhân dự bị;

e. Thanh niên xung phong bị kết án tù trên 05 năm (người bị kết án tù từ 05 năm trở xuống thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù sẽ được xem xét);

g. Thanh niên xung phong vi phạm pháp luật, quy định của đơn vị hoặc tự bản thân gây nên bị chết, bị thương, hoặc thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền buộc trả về địa phương;

h. Thanh niên xung phong thời kỳ sau 30 tháng 4 năm 1975.

2. Điều kiện.

2.1. Đối với người bị thương hoặc hy sinh quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Quyết định 104/1999:

Thanh niên xung phong trong khi làm nhiệm vụ bị thương, có vết thương thực thể được xem xét xác nhận là người hưởng chính sách như thương binh hoặc hy sinh được xem xét xác nhận là liệt sĩ thuộc 01 trong các trường hợp quy định tại Điều 25 (đối với người bị thương) hoặc Điều 11 (đối với người hy sinh) Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Thông tư 16/1998).

2.2. Đối với người được hưởng trợ cấp quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 2 của Quyết định 104/1999 hoặc Nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ:

- Thanh niên xung phong được xét hưởng trợ cấp hàng tháng theo Khoản 3 Điều 2, Quyết định 104/1999 hoặc trợ cấp một lần theo Khoản 4 Điều 2, Quyết định 104/1999 là người không thuộc diện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, người đang hưởng lương và trong thời điểm lập hồ sơ ban đầu đang gặp hoàn cảnh sau đây.

a. Thanh niên xung phong thuộc diện người không còn khả năng lao động, hiện sống cô đơn không nơi nương tựa, không có người thân đảm bảo việc nuôi dưỡng hoặc có người thân nhưng họ cũng thực sự gặp hoàn cảnh khó khăn ngoài việc được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 167/TTg ngày 08 tháng 4 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ; đồng thời được xét hưởng trợ cấp một lần bằng 1.500.000 đồng/người (một triệu năm trăm ngàn đồng) do Ngân sách Trung ương bảo đảm.

b. Người được xét hưởng trợ cấp một lần bằng 1.500.000 đồng/người (một triệu năm trăm ngàn đồng) do Ngân sách Trung ương bảo đảm là người ở một trong các hoàn cảnh sau đây:

- Người bị ốm đau kéo dài (là người mắc các bệnh phải nghỉ việc để chữa bệnh dài ngày theo danh mục được qui định tại Thông tư số 33/TT-LB ngày 25 tháng 6 năm 1987 của Bộ Y tế và Tổng liên Đoàn lao động Việt Nam).

- Người không còn khả năng lao động (nam 60 tuổi trở lên, nữ 55 tuổi trở lên tính theo năm dương lịch hoặc được Hội đồng Giám định Y khoa kết luận mất sức lao động từ 61% trở lên).

- Người thuộc hộ nghèo (chuẩn hộ nghèo theo Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 01 tháng 11 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

II. THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM LẬP THỦ

TỤC CÔNG NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI NGƯỜI

HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH:

1. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương.

1.1. Tỉnh Đoàn, thành Đoàn xét cấp giấy chứng nhận bị thương đối với thanh niên xung phong khi bị thương thuộc quyền quản lý của cấp tỉnh, thành phố và của Trung ương Đoàn hiện đang cư trú tại địa phương.

1.2. Bộ Giao thông - Vận tải xét cấp giấy chứng nhận bị thương đối với thanh niên xung phong khi bị thương thuộc quyền quản lý sử dụng của Bộ Giao thông - Vận tải.

2. Căn cứ để cấp giấy chứng nhận bị thương.

2.1. Là giấy tờ được xác lập trong thời kỳ phục vụ trong lực lượng thanh niên xung phong có ghi nhận tình trạng thương tật như: Phiếu chuyển thương, chuyển viện, bệnh án, giấy ra viện, phiếu sức khoẻ kèm theo bản khai cá nhân, biên bản đề nghị của xã/phường nói tại mục 4 dưới đây.

2.2. Có một trong các giấy tờ cũ chứng minh là thanh niên xung phong như qui định ở tiết d khoản 1.1, mục 1 phần I của Thông tư này.

2.3. Sau khi có đầy đủ căn cứ nói trên, Uỷ ban nhân dân xã, phường chuyển đến huyện Đoàn, quận Đoàn kiểm tra, lập danh sách những người đủ điều kiện để đề nghị tỉnh Đoàn, thành Đoàn, Bộ Giao thông - Vận tải xét và cấp giấy chứng nhận bị thương theo thẩm quyền.

Giấy chứng nhận bị thương và giám định thương tật chỉ xác định vết thương thực thể theo quy định tại Thông tư số 22/LĐTBXH-TT ngày 29 tháng 8 năm 1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Giới thiệu giám định thương tật.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương có trách nhiệm giới thiệu thanh niên xung phong đi giám định thương tật.

Để việc giải quyết chính sách được thuận lợi, thống nhất, kịp thời, cơ quan cấp giấy chứng nhận bị thương và giới thiệu giám định thương tật chuyển toàn bộ hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thanh niên xung phong cư trú để phối hợp kiểm tra, rà soát lại và chuyển đến Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh, thành phố giám định thương tật. Sau khi giám định thương tật, Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh, thành phố gửi kết quả đến Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (nơi đã chuyển hồ sơ đến giám định thương tật).

Riêng đối với thanh niên xung phong do Bộ Giao thông - Vận tải cấp giấy chứng nhận bị thương có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội được xem xét giới thiệu giám định thương tật tại Hội đồng Giám định Y khoa Bộ Giao thông - Vận tải (nếu có nguyện vọng).

4. Hồ sơ người bị thương.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương đối với thanh niên xung phong lập và hoàn chỉnh hồ sơ, gồm:

4.1. Bản khai cá nhân (mẫu số 01) có xác nhận và đề nghị của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc trưởng thôn, xóm, đường phố nơi đang cư trú.

4.2. Giấy tờ chứng nhận là thanh niên xung phong qui định tại tiết d, khoản 1.1, mục 1, phần I Thông tư này.

4.3. Biên bản đề nghị xác nhận người hưởng chính sách như thương binh của phiên họp tập thể hội đồng xác nhận xã, phường nơi thanh niên xung phong đang cư trú (mẫu số 3).

4.4. Giấy xác nhận và đề nghị của quận Đoàn, huyện Đoàn.

4.5. Giấy chứng nhận bị thương (mẫu số 04).

4.6. Giấy tờ làm căn cứ cấp giấy chứng nhận bị thương được xác lập trong thời kỳ phục vụ trong lực lượng thanh niên xung phong có ghi nhận tình trạng thương tật như: Phiếu chuyển thương, chuyển viện, bệnh án, giấy ra viện, phiếu sức khoẻ.

4.7. Biên bản giám định thương tật do Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền cấp (mẫu số 05).

5. Thủ tục giải quyết quyền lợi đối với người bị thương.

Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

a. Kiểm tra toàn bộ nội dung các giấy tờ trong hồ sơ thương tật quy định tại mục 2, mục 4 phần II của Thông tư này.

Nếu phát hiện có sai sót thì chuyển hồ sơ đến cơ quan cấp giấy chứng nhận bị thương hoặc chuyển biên bản giám định thương tật đến Hội đồng Giám định Y khoa kèm theo công văn nêu rõ sai sót để xem xét giải quyết.

b. Lập danh sách chuyển về Uỷ ban nhân dân xã, phường những hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thông báo công khai cho nhân dân biết. Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo, nếu không có thắc mắc gì thì Sở lập bản trích lục hồ sơ thương tật (mẫu số 06) và hoàn tất thủ tục giải quyết quyền lợi theo quy định tại điểm 3 và 4, mục IV, phần B Thông tư 16/1998. Đồng thời thông báo cho cơ quan giới thiệu thanh niên xung phong giám định thương tật biết.

III. THẨM QUYỀN TRÁCH NHIỆM LẬP HỒ SƠ LIỆT SĨ
VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

1. Thẩm quyền cấp giấy báo tử.

Tỉnh Đoàn, thành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông - Vận tải xem xét cấp giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ đối với người hy sinh là thanh niên xung phong như đối với việc cấp giấy chứng nhận bị thương quy định tại mục 1, phần II của Thông tư này.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ đối với thanh niên xung phong lập hồ sơ chuyển đến Sở Lao động- Thương binh và Xã hội nơi thân nhân liệt sĩ cư trú, gồm:

2.1 Đơn phát hiện và đề nghị của gia đình, kèm theo bản sao các giấy tờ liên quan đến liệt sĩ (nếu có) và giấy chứng nhận của hai đồng đội cùng tiểu đội, phân đội hoặc đội biết rõ trường hợp hy sinh (mẫu số 07). Người viết giấy chứng nhận đồng đội đã hy sinh phải được thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hoặc cấp ủy xã/phường nơi đang cư trú căn cứ hồ sơ cán bộ hoặc lý lịch đảng viên xác nhận về chữ ký và thời gian cùng đơn vị với người hy sinh trong giấy chứng nhận.

2.2. Biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ của phiên họp tập thể hội đồng xác nhận xã/phường nơi gia đình liệt sĩ cư trú (mẫu số 08) gồm 02 bản.

2.3. Giấy xác nhận và đề nghị của huyện Đoàn, quận Đoàn.

2.4. Giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sĩ (mẫu số 09) gồm 04 bản.

2.5. Giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sĩ do Uỷ ban nhân dân xã nơi thân nhân liệt sĩ cư trú lập (mẫu số 10) 02 bản.

3. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thực hiện như quy định tại điểm 2, mục III, phần A Thông tư 16/1998.

4. Giải quyết quyền lợi.

Thực hiện như quy định tại mục IV, phần A Thông tư 16/1998.

IV. TRÁCH NHIỆM LẬP HỒ SƠ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP HÀNG THÁNG, TRỢ CẤP MỘT LẦN ĐỐI VỚI
THANH NIÊN XUNG PHONG

1. Đối với tỉnh Đoàn, thành Đoàn.

1.1. Phát hiện, lập hồ sơ, xét duyệt hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và trợ cấp một lần đối với thanh niên xung phong thuộc quyền quản lý trực tiếp của địa phương và thanh niên xung phong thuộc quyền quản lý của Trung ương Đoàn, Bộ Giao thông - Vận tải đang cư trú tại địa phương, theo quy định tại khoản 2.2, mục 2 phần I Thông tư này và đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định trợ cấp.

Đối với thanh niên xung phong đã chuyển đến cư trú ở tỉnh, thành phố khác mà chưa được xem xét giải quyết thì phải có giới thiệu và có văn bản đề nghị của tỉnh Đoàn, thành Đoàn nơi cư trú trước khi chuyển đi.

1.2. Hồ sơ trợ cấp.

a. Bản khai đề nghị trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, có xác nhận của trưởng thôn, xóm, đường phố (mẫu số 11).

b. Giấy tờ chứng nhận là thanh niên xung phong theo quy định tại tiết d, khoản 1.1, mục 1 phần I Thông tư này.

c. Biên bản xác nhận và đề nghị của phiên họp tập thể hội đồng xác nhận xã, phường về hoàn cảnh gia đình và trợ cấp đối với thanh niên xung phong (mẫu số 12).

d. Giấy xác nhận và đề nghị của huyện Đoàn, quận Đoàn.

e. Quyết định trợ cấp một lần (mẫu số 13), trợ cấp hàng tháng (mẫu số 14) của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Sau khi hoàn thành thủ tục hồ sơ, tỉnh Đoàn, thành Đoàn lưu giữ 01 bộ chuyển 01 bộ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi thanh niên xung phong cư trú để làm thủ tục giải quyết quyền lợi.

2. Đối với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố.

2.1. Chi trả khoản trợ cấp hàng tháng.

Sở Lao động - Thương binh - Xã hội đăng ký quản lý danh sách (mẫu số 15), tổ chức thực hiện việc chi trả trợ cấp hàng tháng theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

2.2. Chi trả khoản trợ cấp một lần.

a. Sở lập 04 bản tổng hợp (mẫu số 16) gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 03 bản kèm theo công văn để thống nhất với Bộ Tài chính cấp phát kinh phí .

b. Căn cứ kinh phí được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức việc chi trả trợ cấp một lần và thanh quyết toán đúng chế độ kế toán hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tỉnh Đoàn, thành Đoàn chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong cùng cấp (nếu có) giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung Thông tư này; hướng dẫn huyện Đoàn, quận Đoàn, các phòng Tổ chức Lao động - Xã hội và Uỷ ban nhân dân xã, phường trong việc lập hồ sơ đề nghị xác nhận thanh niên xung phong bị thương, hy sinh trong kháng chiến, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần quy định tại Thông tư này và báo cáo kết quả thực hiện về Trung ương Đoàn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban thường vụ tỉnh, thành Đoàn thực hiện các quy định tại Thông tư này; báo cáo kết quả về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn để kịp thời xử lý những vướng mắc.

3. Quá trình thực hiện chính sách cần thực hiện công khai dân chủ, nhất thiết phải thông báo đến nhân dân thôn xóm, đường phố, xã, phường biết những trường hợp đủ điều kiện và những trường hợp không đủ điều kiện xác nhận hưởng quyền lợi.

4. Trong năm 2003, Bộ Giao thông - Vận tải, tỉnh Đoàn, thành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hoàn thành việc xét cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử đối với hồ sơ thanh niên xung phong được xác nhận là đã kê khai và có trong danh sách lưu trữ tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, quận Đoàn, huyện Đoàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Thông tư số 09/2001/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và quy định tại Thông tư này.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với các cơ quan liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức kiểm tra những trường hợp đã được giải quyết chế độ, nếu phát hiện sai sót thì giải quyết theo hướng dẫn tại mục III Thông tư số 11/LĐTBXH ngày 19 tháng 9 năm 1990 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và quy định tại Điều 72, Điều 74 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ.

Đối với hồ sơ thương tật đã tiếp nhận trước ngày ký Thông tư này và hồ sơ thương tật được hoàn chỉnh theo Thông tư số 16/1998 mà chưa làm thủ tục giải quyết quyền lợi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội soát lại, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì thực hiện theo quy định tại khoản b mục 5 phần II của Thông tư này.

6. Thanh niên xung phong đã có kết luận không đủ điều kiện xác nhận người hưởng chính sách như thương binh, liệt sĩ hoặc đã giải quyết chế độ tại nạn lao động, tai nạn chiến tranh, tai nạn rủi ro, chế độ từ trần thì không lập lại hồ sơ đề nghị xác nhận lại.

7. Trợ cấp một lần.

7.1. Trước ngày 30 tháng 11 năm 2003 hoàn thành việc kê khai đề nghị trợ cấp của thanh niên xung phong và lập biên bản của phiên họp tập thể hội đồng xác nhận xã, phường quy định tại tiết a, b, c khoản 1.2 mục 1 phần IV của Thông tư này.

Các huyện Đoàn, quận Đoàn phối hợp với Phòng Tổ chức Lao động xã hội và Uỷ ban nhân dân xã, phường khẩn trương kiểm tra, xác nhận và đề nghị trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng (nếu có) đối với thanh niên xung phong đủ điều kiện. Đồng thời báo cáo tỉnh Đoàn, thành Đoàn và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31 tháng 12 năm 2003 về số lượng thanh niên xung phong thuộc diện tiếp tục xem xét hưởng trợ cấp.

7.2. Để giải quyết trợ cấp một lần đối với thanh niên xung phong được kịp thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ứng nguồn kinh phí uỷ quyền thực hiện chế độ ưu đãi người có công cấp cho thanh niên xung phong theo danh sách đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định đồng thời gửi bản tổng hợp (mẫu số 16) về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi được cấp phát kinh phí sẽ hoàn ứng chi kinh phí uỷ quyền chi ưu đãi người có công.

8. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo .

Thông tư này thay thế Thông tư số 16/1999/TTLT-BLĐTBXH-TƯĐTNCSHCM ngày 6 tháng 7 năm 1999, Thông tư số 06/2000/TTLT-BLĐTBXH-TƯĐTNCSHCM ngày 21 tháng 3 năm 2000 và Thông tư số 10/2001/BLĐTBXH-TƯĐTN ngày 31 tháng 5 năm 2001 của liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các cơ quan, địa phương phản ánh về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để kịp thời nghiên cứu giải quyết.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=21018&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận