Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 18/TC-KHKT

 
Sách-Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia;
Thông tư liên tịch 18/TC-KHKT
Thông tư liên tịch
Hết hiệu lực toàn bộ
01/07/1983
16/07/1983

Tóm tắt nội dung

Quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm cho các chủ nhiệm, các thành viên ban chủ nhiệm chương trình và chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong điểm của Nhà nước

 
1.983
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC SỐ 18/TC-KHKT NGÀY 16 THÁNG 7 NĂM 1983 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ
PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM CHO CÁC CHỦ NHIỆM, CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỦ NHIỆM CHƯƠNG TRÌNH VÀ CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC - KỸ THUẬT TRỌNG ĐIỂM CỦA NHÀ NƯỚC

Thực hiện Điều 17 Nghị định số 122-HĐBT ngày 20 tháng 7 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng về chế độ quản lý các chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước, Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm cho các chủ nhiệm, thành viên ban chủ nhiệm chương trình và chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước (gọi tắt là chế độ phụ cấp trách nhiệm) dưới đây:

 

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP

Những cán bộ dưới đây nếu đạt các tiêu chuẩn quy định ở điểm 1 mục III thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm:

1. Các Chủ nhiệm chương trình tiến bộ KHKT trọng điểm Nhà nước đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định bổ nhiệm.

2. Các thành viên Ban Chủ nhiệm chương trình, thư ký chương trình được Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ra quyết định bổ nhiệm.

3. Các Chủ nhiệm đề tài thuộc chương trình tiến bộ KHKT trọng điểm Nhà nước được Bộ chủ trì hoặc Bộ chủ quản ra quyết định bổ nhiệm.

 

II. MỨC PHỤ CẤP

1. Mỗi Chủ nhiệm chương trình được phụ cấp 70 đồng/tháng.

2. Mỗi thành viên Ban chủ nhiệm và thư ký chương trình, Chủ nhiệm đề tài được phụ cấp 40 đồng/tháng.

Các đối tượng nói trên, nếu cùng một lúc chủ trì từ hai nhiệm vụ trở lên thì cũng chỉ được hưởng tối đa là hai suất phụ cấp trách nhiệm. Thí dụ: đồng chí Chủ nhiệm chương trình này và là thành viên trong Ban Chủ nhiệm chương trình khác, đồng thời là Chủ nhiệm đề tài, hoặc một cán bộ làm Chủ nhiệm hai, ba đề tài một lúc thì cũng chỉ được tối đa là hai suất phụ cấp trách nhiệm.

 

III. TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC XÉT DUYỆT VÀ CẤP PHÁT

1. Các đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm phải đạt đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a. Phải là những cán bộ trực tiếp tổ chức điều hành việc thực hiện chương trình, đề tài theo kế hoạch đã được duyệt hàng năm.

b. Thực hiện đầy đủ chế độ và nội dung báo cáo quy định tại Điều 10 Nghị định 122-HĐBT ngày 20-7-1982 của Hội đồng Bộ trưởng và các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

c. Phải được cơ quan trực tiếp quản lý đánh giá, xác nhận là đã hoàn thành kế hoạch về tiến độ, nội dung, chất lượng công tác nghiên cứu và có văn bản đề nghị gửi cho Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

2. Thủ tục xét duyệt các đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm:

Trên cơ sở các báo cáo về tình hình thực hiện các đề tài, chương trình và kết quả kiểm tra, các cơ quan quản lý cứ 6 tháng một lần (tháng 3 và tháng 9 hàng năm) đánh giá và xác nhận những cán bộ hoàn thành nhiệm vụ đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm, lập danh sách gửi cho Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Bộ Tài chính.

Phân công các cơ quan quản lý đánh giá như sau:

a. Đối với Chủ nhiệm đề tài: đơn vị chủ trì đề tài đánh giá xác nhận và lập danh sách gửi cho Chủ nhiệm chương trình. Chủ nhiệm chương trình xem xét và tập hợp danh sách các Chủ nhiệm đề tài thuộc chương trình của mình đủ tiêu chuẩn đề nghị lên Bộ chủ trì chương trình quyết định. Sau đó, Bộ chủ trì chương trình đánh giá, xác nhận, lập danh sách gửi cho Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Bộ Tài chính.

b. Đối với Chủ nhiệm chương trình là thành viên Ban Chủ nhiệm và thư ký chương trình, Chủ nhiệm chương trình lập danh sách những cán bộ đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm đề nghị lên Bộ chủ trì chương trình xem xét. Bộ chủ trì chương trình đánh giá xác nhận, lập danh sách gửi cho Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Bộ Tài chính.

3. Cấp phát

a. Phụ cấp trách nhiệm được cấp 6 tháng một lần cho các đối tượng được Bộ chủ trì chương trình đề nghị, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước quyết định.

b. Chậm nhất là sau một tháng, kể từ khi nhận được báo cáo của Bộ chủ trì chương trình. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm xét quyết định thông báo danh sách và mức phụ cấp cho các cán bộ thuộc từng chương trình.

c. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chịu trách nhiệm cấp phát tiền phụ cấp trách nhiệm. Căn cứ vào thông báo của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, các Chủ nhiệm chương trình cử đại diện đến nhận số tiền phụ cấp và trực tiếp thanh toán cho từng cán bộ được hưởng phụ cấp.

 

IV. LẬP DỰ TOÁN, HẠCH TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN

Phụ cấp trách nhiệm là khoản chi thuộc kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học, do Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước trực tiếp quản lý. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm lập dự toán, cấp phát, hạch toán và quyết toán khoản phụ cấp trách nhiệm với Bộ Tài chính theo đúng chế độ hiện hành.

 

1. Lập dự toán

Hàng năm, căn cứ vào số Chủ nhiệm chương trình, thành viên Ban Chủ nhiệm và Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước lập dự toán chi về khoản phụ cấp trách nhiệm và tổng hợp vào dự toán chung của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước gửi Bộ Tài chính.

Sáu tháng một lần, Bộ Tài chính cấp phát kinh phí về phụ cấp trách nhiệm để Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước trả cho các đối tượng được duyệt.

2. Hạch toán và quyết toán

Khoản chi về phụ cấp trách nhiệm được hạch toán và quyết toán vào loại II khoản 41, hạng 34, mục 30, tiết 3 của mục lục ngân sách hiện hành.

Khoản phụ cấp trách nhiệm phải được quản lý và cấp phát theo đúng chế độ quản lý quỹ tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp hiện hành. Dự toán chi về phụ cấp và các quyết định trả phụ cấp do Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước lập gửi cho ngân hàng Nhà nước để làm căn cứ kế hoạch chi tiền mặt và giám đốc khoản chi này.

Giấy trả phụ cấp là chứng từ gốc để làm cơ sở lập quyết toán và kiểm tra của các cơ quan Nhà nước theo quy định hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1983. Tất cả các Chủ nhiệm chương trình, đề tài khoa học kỹ thuật của các ngành, các cấp và cơ sở không thuộc đối tượng thi hành chế độ này.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=3628&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận