Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 34/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT

Nguyễn Thị Hằng
Toàn quốc
Công báo số 28 - 12/2005;
Thông tư liên tịch 34/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT
Thông tư liên tịch
07/01/2006
09/12/2005

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của quỹ quốc gia về việc làm

Bộ trưởng
2.005
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/04/2005

của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay

của quỹ quốc gia về việc làm


Thi hành Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC VAY VỐN

Đối tượng được vay vốn thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây gọi tắt là Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg).

II. XÂY DỰNG DỰ ÁN, LẬP HỒ SƠ VAY VỐN

Xây dựng dự án và lập hồ sơ vay vốn theo Khoản 1 Điều 9 của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, thực hiện như sau:

1. Xây dựng dự án:

Các đối tượng có nhu cầu vay vốn phải xây dựng dự án, trình bày rõ mục tiêu, nội dung, hiệu quả kinh tế của dự án và cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, thu hút đúng số lao động vào làm việc, cụ thể:

- Đối với các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 5 của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh là chủ dự án phải xây dựng dự án theo mẫu số1a ban hành kèm theo Thông tư này;

- Đối với các đối tượng nêu tại khoản 2 Điều 5 của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, chủ dự án xây dựng dự án theo mẫu số 1b ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể:

+ Đối với các hộ cùng tham gia một dự án (dự án nhóm hộ): chủ hộ (người vay vốn) phải làm đơn tham gia dự án theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này gửi chủ dự án (là người đại diện nhóm hộ gia đình hoặc đại diện chính quyền hoặc đại diện Hội đoàn thể quần chúng);

+ Đối với hộ gia đình tự xây dựng dự án thì chủ hộ làm chủ dự án.

2. Lập hồ sơ vay vốn:

Hồ sơ vay vốn được lập thành 4 bộ, cụ thể:

a) Đối với các đối tượng nêu tại Khoản 1 Điều 5 của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, hồ sơ vay vốn bao gồm:

- Dự án có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân xã) về trụ sở của đối tượng hiện đang đóng trên địa bàn;

- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản dùng để thế chấp, cầm cố và bảo lãnh thế chấp (có công chứng);

Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp cụ thể cần có một trong các giấy tờ sau:

+ Bản sao Hợp đồng hợp tác sản xuất, kinh doanh có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã (đối với Tổ hợp sản xuất);

+ Bản sao Giấy tờ chứng minh có đủ tiêu chí xác định trang trại theo quy định tại mục III Thông tư liên tịch số 69/2000/BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục Thống kê "Hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại" (đối với Chủ trang trại);

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề (đối với Hộ kinh doanh cá thể; Hợp tác xã; Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật doanh nghiệp; Cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật);

+ Bản sao Quyết định thành lập (đối với Trung tâm giáo dục Lao động - xã hội);

b) Đối với các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 5 của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, hồ sơ vay vốn bao gồm:

- Dự án có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về hộ khẩu của chủ dự án;

- Đơn tham gia dự án của từng hộ có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về hộ khẩu của đối tượng thường trú trên địa bàn (trong trường hợp là dự án nhóm hộ).

III. THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN

Thẩm định và phê duyệt dự án theo Khoản 2 và 3 Điều 9 của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, thực hiện như sau:

1. Phân cấp thẩm định và phê duyệt dự án:

a) Đối với các dự án thuộc nguồn vốn do địa phương quản lý:

- Dự án có mức vốn vay đến 100 triệu đồng: Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định, sau đó trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt.

- Dự án có mức vốn vay trên 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định, sau đó trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

b) Đối với các dự án thuộc nguồn vốn do tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội quản lý:

- Dự án có mức vốn vay đến 100 triệu đồng: Cơ quan thực hiện Chương trình huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan thực hiện Chương trình cấp huyện) chủ trì phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định, sau đó trình Thủ trưởng cơ quan thực hiện Chương trình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan thực hiện Chương trình cấp tỉnh) phê duyệt.

Trường hợp cơ quan thực hiện Chương trình không có ở cấp huyện thì do cơ quan thực hiện Chương trình cấp tỉnh chủ trì thẩm định và trình Thủ trưởng cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình phê duyệt.

- Dự án có mức vay trên 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng: Cơ quan thực hiện Chương trình cấp tỉnh chủ trì phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định, sau đó trình Thủ trưởng cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình phê duyệt.

Tùy theo tình hình thực tế ở địa phương và của các cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình có thể phân cấp cho cấp dưới thẩm định và phê duyệt dự án đối với mức vay trên 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

c) Đối với các dự án vay vốn do Bộ Quốc phòng quản lý, tùy theo tình hình cụ thể do Thủ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn phân cấp.

2. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và phê duyệt dự án:

- Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng dự án, tiếp nhận hồ sơ vay vốn và ghi giấy biên nhận trao cho chủ dự án (hoặc người được ủy quyền). Giấy biên nhận ghi rõ: ngày, tháng, năm nhận hồ sơ; những văn bản có trong hồ sơ; số bộ hồ sơ và thời hạn trả lời.

- Cơ quan chủ trì thẩm định phối hợp với cơ quan Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp tổ chức thẩm định dự án (theo mẫu số 3a và 3b ban hành kèm theo Thông tư này) và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Trong thời hạn 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ dự án và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong thời hạn nêu trên, nếu không ra quyết định phê duyệt dự án thì cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Quyết định phê duyệt các dự án của Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Thủ trưởng Cơ quan thực hiện Chương trình các cấp kèm theo biểu tổng hợp dự án như mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này (kèm hồ sơ vay vốn đã qua thẩm định) được gửi 01 bộ cho chủ dự án để thực hiện; lưu 01 bộ tại cơ quan chủ trì thẩm định; 01 bộ tại cơ quan Ngân hàng Chính sách xã hội được phân cấp giải ngân dự án; 01 bộ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với dự án thuộc nguồn vốn do địa phương quản lý) hoặc Cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình (đối với dự án thuộc nguồn vốn do Cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình quản lý) để theo dõi, tổng hợp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các cơ quan:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn xây dựng dự án khả thi, sử dụng vốn có hiệu quả, đảm bảo quy trình thẩm định chặt chẽ;

- Phân bổ nguồn vốn, giao chỉ tiêu giải quyết việc làm cho các cấp; quyết định phê duyệt và phân cấp phê duyệt dự án theo đúng quy định;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cơ quan thực hiện Chương trình và Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả cho vay của Quỹ.

b) Các cơ quan Trung ương thực hiện Chương trình:

- Chỉ đạo cơ quan cấp dưới tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án bảo đảm nhanh chóng thuận lợi cho các đối tượng vay vốn;

- Phân bổ nguồn vốn, giao chỉ tiêu giải quyết việc làm cho các cấp; quyết định phê duyệt và phân cấp phê duyệt dự án theo đúng quy định;

- Giám sát tình hình thực hiện cho vay vốn, tổng hợp báo cáo định kỳ quý, 6 tháng và hàng năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu số 5a, 5b ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Ngân hàng Chính sách xã hội:

- Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cấp dưới phối hợp với cơ quan lao động và các cơ quan thực hiện Chương trình thẩm định dự án trong đó chịu trách nhiệm chính về phương án tài chính và phương án trả nợ vốn vay của khách hàng, thực hiện giải ngân dự án, thu hồi nợ, xử lý nợ theo quy định của pháp luật;

- Giám sát tình hình thực hiện cho vay vốn, tổng hợp báo cáo định kỳ tháng, quý, 6 tháng và hàng năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu số 06, 07, 08 và 09 ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, lập kế hoạch phân bổ chỉ tiêu giải quyết việc làm, nguồn vốn cấp mới và vốn thu hồi của tỉnh trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, xem xét, ra quyết định giao chỉ tiêu cho các cơ quan thực hiện; chỉ đạo cơ quan Lao động cấp huyện thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

- Chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thẩm định các dự án vay vốn được phân cấp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt; trong đó chịu trách nhiệm chính về đối tượng vay vốn; tính khả thi của dự án, mục tiêu giải quyết việc làm; phối hợp với các cơ quan có liên quan phúc tra các dự án bị rủi ro theo quy định; kiểm tra đánh giá kết quả cho vay của Quỹ;

- Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét việc thu hồi vốn và sử dụng nguồn vốn;

- Tổng hợp kết quả cho vay các dự án do địa phương quản lý, gửi báo cáo định kỳ quý, 6 tháng, năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu số 5a, 5b ban hành kèm theo Thông tư này.

Đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, phân bổ chỉ tiêu kế hoạch giải quyết việc làm và chỉ tiêu kế hoạch vốn vay cho các cấp, tổ chức đoàn thể, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả cho vay vốn từ Quỹ.

e) Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, xây dựng kế hoạch phân bổ dự toán ngân sách cấp vốn mới cho từng huyện, để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

- Bố trí kinh phí quản lý Quỹ cho vay giải quyết việc làm trong dự toán chi quản lý hành chính hàng năm cho các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương;

- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí quản lý, điều hành Quỹ tại địa phương theo quy định;

- Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội định giá tài sản thế chấp của đối tượng vay vốn.

2. Hiệu lực thi hành:

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các văn bản quy định trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=16921&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận