THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP
ngày 08/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Ngày 08/11/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (sau đây viết gọn là Nghị định số 130/2006/NĐ-CP), Bộ Tài chính và Bộ Công an thống nhất hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định này như sau:
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc trích lập kinh phí cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy (sau đây viết tắt là PCCC) và cơ chế quản lý cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí này.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 35/2003/NĐ-CP) và doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
II. THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là những doanh nghiệp có giấy phép thành lập và hoạt động - kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp.
3. Trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
a) Đối với những cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có cơ sở đó chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
b) Đối với cơ sở trong đó có nhiều hộ như nhà tập thể, nhà chung cư hoặc trong một cơ sở mà có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thuê trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực hiện như sau:
- Trường hợp xác định được người là chủ sở hữu cơ sở hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý hoặc người đại diện chung (sau đây gọi chung là người đại diện), thì người đó chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm cho người đại diện. Trong trường hợp này, người được bảo hiểm là từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp phí bảo hiểm cho người đại diện.
- Trường hợp không xác định được người đại diện thì từng hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cơ sở đó có trách nhiệm trực tiếp mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành. Trường hợp xảy ra tổn thất thì việc xác định nguyên nhân cháy, nổ dẫn đến tổn thất thuộc trách nhiệm của cơ quan Công an có thẩm quyền.
5. Các quy định về đối tượng, tài sản phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu; hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và các quy định khác về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực hiện theo quy định tại Chương II của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP.
6. Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm
a) Hướng dẫn các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tự kiểm tra an toàn PCCC và thực hiện điều kiện an toàn PCCC theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP;
b) Định kỳ hàng quý thực hiện kiểm tra về an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn về PCCC hoặc khi có yêu cầu đặc biệt. Biên bản kiểm tra phải có kết luận về việc cơ sở đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện PCCC theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.
7. Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 2 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC thực hiện theo quy định tại mục VII của Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31/03/2004 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.
8. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với bên mua bảo hiểm, khi bên mua bảo hiểm đã được Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC hoặc có Biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về PCCC.
Doanh nghiệp bảo hiểm không được từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc khi bên mua bảo hiểm đã thực hiện các điều kiện về PCCC quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP.
Định kỳ hàng quý, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm lập báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này và gửi về Bộ Tài chính.
III. PHƯƠNG THỨC ĐÓNG GÓP CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
1. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có trách nhiệm trích 5% tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã thu được để đóng góp kinh phí cho các hoạt động PCCC.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12 hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chuyển số tiền đóng góp kinh phí hoạt động PCCC vào Tài khoản tạm giữ của Bộ Công an mở tại Kho bạc nhà nước Trung ương và báo cáo tình hình thực hiện theo Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này và gửi về Bộ Tài chính.
2. Đối với hợp đồng bảo hiểm trọn gói có bao gồm cả bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bằng phụ lục đính kèm hợp đồng và phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 130/2006/NĐ-CP.
3. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán nguồn kinh phí phải đóng góp cho các hoạt động PCCC theo Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này và gửi về Bộ Tài chính.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đối chiếu số liệu đã nộp với số liệu trong báo cáo quyết toán nguồn kinh phí đóng góp, nếu số đã nộp lớn hơn số phải nộp thì số nộp thừa được để lại để tính cho số nộp của năm sau; nếu số đã nộp thấp hơn số phải nộp thì doanh nghiệp có trách nhiệm nộp bổ sung đủ số còn thiếu trong vòng 05 ngày.
Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra tính chính xác của số liệu báo cáo và đôn đốc các doanh nghiệp bảo hiểm nộp đủ các khoản kinh phí phải đóng góp.
IV. QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN NGUỒN KINH PHÍ ĐÓNG GÓP CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
1. Hàng năm, căn cứ nội dung chi tại khoản 2 mục IV của Thông tư này, số thu năm trước, khả năng số thu năm kế hoạch, Bộ Công an lập dự toán thu, chi từ nguồn kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Nguồn kinh phí 5% thu được từ kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc được sử dụng cho hoạt động PCCC với các nội dung sau:
a) Đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị PCCC của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Mức chi cho nội dung này không thấp hơn 70% nguồn kinh phí thực chi cho hoạt động PCCC trong năm; nguồn kinh phí còn lại tối đa không quá 30% để chi cho các hoạt động quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
b) Hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức phổ thông về PCCC chung cho toàn dân. Nội dung và mức chi cho các hoạt động này áp dụng theo Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 08/08/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho các công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
c) Hỗ trợ khen thưởng thành tích trong công tác PCCC cho các đối tượng sau:
- Tổ chức, cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ PCCC;
- Tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp trong công tác PCCC.
Mức khen thưởng tối đa không quá 5 triệu đồng đối với tập thể; 3 triệu đồng đối với cá nhân. Bộ Công an hướng dẫn cụ thể việc khen thưởng và kinh phí khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC.
3. Sáu tháng một lần, Bộ Công an có trách nhiệm làm thủ tục hạch toán kinh phí từ tài khoản tạm giữ vào ngân sách nhà nước. Cuối năm, số chênh lệch giữa số thu phí đã hạch toán vào ngân sách với số dự toán đầu năm sẽ được giảm trừ hoặc bổ sung vào dự toán thu, chi từ nguồn kinh phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của năm sau.
4. Cục Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Bộ Công an tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đóng góp cho các hoạt động PCCC của các doanh nghiệp bảo hiểm.
5. Kho bạc nhà nước Trung ương kiểm soát các khoản chi khi thực hiện cấp phát kinh phí cho hoạt động PCCC theo dự toán đã được phê duyệt.
6. Hàng năm, Bộ Công an có trách nhiệm xét duyệt quyết toán khoản chi từ nguồn kinh phí đóng góp cho hoạt động PCCC, tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước của Bộ Công an và gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
7. Kinh phí đóng góp cho các hoạt động PCCC từ kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cuối năm chưa chi hết thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi cho các nội dung theo hướng dẫn tại Thông tư này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Công an để có hướng dẫn kịp thời./.