Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 43/2011/TTLT-BTC-BGTVT

Trần Văn Hiếu
Toàn quốc
Công báo số 221+222, năm 2011
Thông tư liên tịch 43/2011/TTLT-BTC-BGTVT
Thông tư liên tịch
12/05/2011
28/03/2011

Tóm tắt nội dung

Về sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT/BTC-BGTVT ngày 12/11/2008 của liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý giá cước vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam

Thứ trưởng
2.011
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Về sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT/BTC-BGTVT ngày 12/11/2008 của liên tịch

Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý giá cước vận chuyển hàng không nội địa

và giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam

_____________________________________ 

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/UBTVQH10 ngày 26 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;

Căn cứ Nghị định số 83/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Để thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính;

Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT/BTC-BGTVT ngày 12 tháng 11 năm 2008 của liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý giá cước vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT-BTC-BGTVT như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm 3.2.1 khoản 3 “Thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc lập, trình, thẩm định phương án giá và quyết định giá dịch vụ”:

“3.2.1. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cung ứng dịch vụ, lập phương án giá, khung giá, mức phụ thu nhiên liệu; tổ chức thẩm định phương án giá, khung giá, mức phụ thu nhiên liệu do đơn vị lập; có ý kiến chính thức bằng văn bản đề nghị Bộ Tài chính quyết định giá, khung giá các dịch vụ và mức tối đa phụ thu nhiên liệu quy định tại khoản 3.1 điểm 3 Mục II Thông tư này. Thời hạn thẩm định phương án giá, quyết định giá, khung giá thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm 4.3.1 khoản 4 “Đăng ký giá dịch vụ”:

“4.3.1. Đăng ký giá được thực hiện dưới hình thức đơn vị lập 02 bộ Hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận Hồ sơ đăng ký giá là Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) một bộ (01) và Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) một bộ (01) trước khi thực hiện giá đăng ký. Hết thời hạn 05 ngày làm việc (kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký giá của đơn vị theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá), nếu không có yêu cầu giải trình từ phía cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá, đơn vị triển khai cung cấp dịch vụ theo giá đã đăng ký, đồng thời thực hiện niêm yết giá theo quy định của pháp luật”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm 5.1 khoản 5 “Kê khai giá dịch vụ”:

“5.1. Đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện việc kê khai giá dịch vụ quy định tại khoản 5.2 điểm 5 Mục II Thông tư này. Hồ sơ kê khai giá được lập 02 bộ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ kê khai giá là Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) một bộ (01) và Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) một bộ (01) trước khi thực hiện giá kê khai. Thời gian cơ quan tiếp nhận hồ sơ giải quyết là 05 ngày làm việc (kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký giá của đơn vị theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá). Hết thời hạn 05 ngày, nếu không có yêu cầu giải trình từ phía cơ quan tiếp nhận hồ sơ kê khai giá, đơn vị triển khai cung cấp dịch vụ theo giá đã kê khai, đồng thời thực hiện niêm yết giá theo quy định của pháp luật”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 “Hiệp thương giá dịch vụ hàng không”:

4.1. Sửa đổi, bổ sung điểm 6.3.4:

“6.3.4. Hồ sơ hiệp thương giá thực hiện theo mẫu thống nhất tại Phụ lục số 4 kèm theo Thông tư này và do hai bên mua và bán lập, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá 01 bộ; đồng thời gửi 01 bộ Hồ sơ qua đường bưu điện hoặc bằng thư điện tử (email) đến đối tác mua (hoặc bên đối tác bán).

4.2. Bổ sung điểm 6.4 quy định về “Trình tự hiệp thương giá”:

“6.4. Trình tự hiệp thương giá:

a) Sau khi nhận được hồ sơ hiệp thương giá, chậm nhất sau 05 (năm) ngày làm việc, nếu hồ sơ hiệp thương giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá có văn bản yêu cầu các bên tham gia hiệp thương giá thực hiện đúng quy định.

b) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hiệp thương giá hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá phải tổ chức hiệp thương giá.

c) Tại Hội nghị hiệp thương giá:

- Cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá trình bày mục đích, yêu cầu, nội dung hiệp thương giá; yêu cầu bên mua, bên bán trình bày hồ sơ, phương án hiệp thương giá; đồng thời nghe ý kiến của các cơ quan có liên quan tham gia hiệp thương giá.

- Cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá kết luận và ghi biên bản (có chữ ký của cơ quan tổ chức hiệp thương giá, đại diện bên mua, đại diện bên bán), sau đó có văn bản thông báo kết quả hiệp thương giá để hai bên mua và bán thi hành.

d) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đề nghị hiệp thương giá có quyền rút lại hồ sơ hiệp thương giá để tự thỏa thuận với nhau về mức giá mua, giá bán của hàng hóa, dịch vụ đề nghị hiệp thương giá trước khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá”.

4.3. Sửa đổi số thứ tự điểm 6.4 cũ thành điểm 6.5.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các nội dung khác quy định tại Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT-BTC-BGTVT không được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư liên tịch này vẫn có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26407&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận