Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 440/TT-LB

 
Công báo số 22/1989;
Thông tư liên tịch 440/TT-LB
Thông tư liên tịch
...
14/08/1989

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thi hành giá thuốc chữa bệnh

 
1.989
 

Toàn văn

THôNG Tư

 

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ SỐ 440/TT-LB NGÀY 14-8-1989

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHÍNH SÁCH GIÁ THUỐC CHỮA BỆNH

Nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh cho nhân dân và tạo điều kiện đưa ngành công nghiệp dược thành một ngành công nghiệp phát triển có đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI: "Xoá bỏ các hình thức bao cấp đang cản trở việc thực hiện cơ chế hạch toán kinh doanh trên cơ sở thực hiện chi phí sản xuất hợp lý và có lãi thoả đáng, Nhà nước không ép giá tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp quốc doanh mà dùng hình thức trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng được hưởng chính sách xã hội thay cho việc trợ cấp qua giá".

Để thực hiện tốt chủ trương trên, liên Bộ Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Y tế hướng dẫn một số quy định cụ thể về nguyên tắc, chính sách giá đối với thuốc chữa bệnh trong thời gian tới như sau:

I. NGUYÊN TẮC

1. Thực hiện cơ chế một giá thuốc cho mọi đối tượng, tuỳ theo cung cầu và thị trường của từng địa phương và từng loại thuốc.

2. Tính đúng, tính đủ giá đầu vào, xoá bỏ bù lỗ trong các khâu sản xuất, kinh doanh, từng bước xoá bỏ bù lỗ trong xuất nhập khẩu.

3. Giá thuốc gắn liền với hiệu nghiệm, chất lượng và thị hiếu của người tiêu dùng.

4. Thực hiện cơ chế cạnh tranh và đấu thầu, chấp nhận có lãi và có lỗ nhưng phải lấy lãi bù lỗ sao cho cân đối chung phải có lãi.

5. Không dùng giá thuốc bệnh quá thấp để thay cho việc cấp kinh phí của bệnh viện và thực hiện chính sách xã hội.

6. Bảo hộ hàng sản xuất trong nước.

 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. Đối với thuốc nhập khẩu.

1. Nguyên liệu.

Trên cơ sở sức mua đối với thành phẩm mà hình thành giá các loại nguyên liệu, từng bước xoá bỏ bù lỗ trong nhập khẩu.

Giữ ổn định giá nguyên liệu từ 6 tháng đến một năm để ổn định giá đầu vào cho sản xuất.

2. Thành phẩm.

Thành phẩm nhập từ mọi nguồn ngoại tệ được xác định căn cứ vào khả năng chấp nhận của thị trường, có tính đến những mặt hàng cùng loại sản xuất trong nước.

B. Đối với thuốc sản xuất trong nước.

Các đơn vị sản xuất chủ động xây dựng và thoả thuận với khách hàng về mức giá giao sản phẩm đối với những mặt hàng đã được phân cấp theo danh mục của Bộ Y tế, đồng thời có trách nhiệm báo cáo, đăng ký với cơ quan quản lý giá các cấp về phương án giá thành sản phẩm, mức giá mua bán đã thoả thuận.

 

III. PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP

1. Liên Bộ Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Y tế quy định giá bán buôn hàng nhập một số nguyên liệu và thành phẩm chính chiếm sản lượng lớn, nhập từ nguồn ngoại tệ do Nhà nước cân đối (Danh mục cụ thể hai bên sẽ quy định sau).

2. Đối với sản xuất kinh doanh (bao gồm cả trung ương và địa phương).

Căn cứ vào nguyên tắc quy định tại phần II, mục B:

- Các cơ sở sản xuất thoả thuận giá bán với các đơn vị tiêu thụ và công bố mức giá đó.

- Các cơ sở kinh doanh quy định giá bán ra.

- Thặng số lưu thông thuốc do các công ty cấp I, II, III, thoả thuận trên cơ sở giá mua và bán.

Để thực hiện cơ chế mới về chính sách giá thuốc chữa bệnh, việc giải quyết chính sách xã hội sẽ được Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính hướng dẫn riêng hợp với yêu cầu chuyển ngành dược sang cơ chế hạch toán kinh doanh, chống bao cấp.

 

IV. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

- Để phát huy hiệu quả của cơ chế 1 giá thuốc phải gắn sản xuất - kinh doanh với cung cầu thị trường.

- Tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước, tăng cường xuất nhập, cân đối cung cầu trong từng địa phương.

- Có chính sách bảo hộ sản xuất nội địa.

 

V. CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA VÀ BÁO CÁO

- Do lực lượng thuốc có hạn, cung cầu chưa cân đối, các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về mức giá thoả thuận của các cơ sở (đã đăng ký với cơ quan quản lý giá các cấp) về giá xuất, nhập và yếu tố hình thành giá.

Việc chỉ đạo giá bán phải linh hoạt, gắn với tình hình cung cầu và thị trường.

Cần tăng cường công tác quản lý trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu tạo điều kiện giảm giá thành và phí lưu thông, góp phần ổn định giá trên thị trường xã hội, giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu có nhiệm vụ thường xuyên báo cáo với Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Y tế và cơ quan chủ quản về mức giá mua và giá bán.

Việc chuyển ngành dược từ cơ chế bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh, thực hiện chính sách 1 giá bán thuốc là phù hợp với quy luật kinh tế, là vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương (khoá VI) đã đề ra "Hệ thông dược và trang bị y tế cần chuyển nhanh sang cơ chế hạch toán kinh doanh".

Trong khi thực hiện thông tư này, nếu gặp khó khăn vướng mắc gì, các địa phương và các ngành có liên quan cần phản ánh ngay cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Y tế biết để kịp thời xử lý.

 

 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=2193&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận