Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 49/2007/TTLT/BTC-BGDĐT

Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Toàn quốc
Công báo số 326 & 327/2007;
Thông tư liên tịch 49/2007/TTLT/BTC-BGDĐT
Thông tư liên tịch
Hết hiệu lực toàn bộ
16/06/2007
18/05/2007

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn tạm thời về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực

Thứ trưởng
2.007
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn tạm thời về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện

xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự

các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng trong việc thực hiện các nhiệm vụ:

a) Xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm;

b) Tổ chức các kỳ thi:

- Thi chọn học sinh giỏi cấp quận (huyện) và cấp tỉnh (thành phố);

- Thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông;

- Thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông;

- Thi chọn học sinh vào các đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực;

- Thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp phổ thông, bổ túc văn hoá (nếu có).

c) Tổ chức các nhiệm vụ khác có liên quan:

- Tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực;

- Tổ chức đưa đón và khen thưởng học sinh có thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực;

- Đối với các nhiệm vụ khác có liên quan, các cơ sở, địa phương có thể vận dụng hướng dẫn của Thông tư này.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ cho các cấp có liên quan trong việc tổ chức các kỳ thi và thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. HƯỚNG DẪN VỀ NỘI DUNG CHI

1. Nội dung chi cho việc xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm:

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ soạn thảo câu trắc nghiệm;

- Soạn thảo câu trắc nghiệm để đưa vào biên tập;

- Thẩm định, biên tập câu trắc nghiệm;

- Tổ chức thi thử;

- Định cỡ câu trắc nghiệm;

- Đánh máy, nhập vào ngân hàng câu trắc nghiệm.

2. Nội dung chi cho công tác tổ chức thi:

2.1. Chi cho công tác ra đề thi:

a) Đối với đề thi tự luận:

- Ra đề thi đề xuất để lựa chọn, xây dựng mới đề thi (chính thức hoặc dự bị);

- Chi soạn thảo và phản biện đề thi chính thức, đề thi dự bị có kèm theo hướng dẫn chấm và biểu điểm.

b) Đối với đề thi trắc nghiệm:

- Chi xây dựng ma trận đề thi trắc nghiệm: mục đích kỳ thi, mục tiêu đánh giá, thời gian thi, xây dựng các yêu cầu, kỹ thuật về cấu trúc đề thi, thiết lập ma trận;

- Chi cho việc duyệt ma trận, duyệt đề;

- Chi cho việc rút các câu trắc nghiệm từ ngân hàng, theo ma trận, hình thành chế bản đề;

- Chi phản biện đề thi.

2.2. Chi phụ cấp trách nhiệm cho Hội đồng /Ban ra đề thi (sau đây gọi chung là Hội đồng):

- Chủ tịch, Phó chủ tịch, Uỷ viên thường trực, thư ký, bảo vệ vòng ngoài;

- Thư ký, bảo vệ vòng trong khu cách ly (bảo vệ 24/24 giờ).

2.3. Chi cho công tác phục vụ tổ chức ra đề thi:

- Thuê địa điểm làm việc cho Hội đồng ra đề thi (nếu có);

- Chi phí ăn, ở cho những người trong Hội đồng ra đề thi trong những ngày tập trung cách ly đặc biệt với bên ngoài;

- Chi thanh tra, kiểm tra trước khi thi;

- Chi bảo vệ vòng ngoài, nhân viên y tế, kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ ở tại khu cách ly trong thời gian Hội đồng ra đề thi làm việc;

- Thuê (hoặc mua) trang thiết bị (nếu có);

- Mua vật tư, văn phòng phẩm;

- Phương tiện đi lại, vận chuyển đề thi;

- In các loại giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, phong bì...

2.4. Chi cho Hội đồng in sao đề thi:

- Thuê địa điểm làm việc của Hội đồng in sao đề thi;

- Chi phí ăn, ở cho những người trong Hội đồng in sao đề thi trong những ngày tập trung cách ly đặc biệt với bên ngoài;

- Chi bảo vệ vòng ngoài, nhân viên y tế, kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ ở tại khu cách ly trong thời gian Hội đồng làm việc;

- Chi thanh tra, giám sát;

- Thuê (hoặc mua) trang thiết bị (nếu có);

- Mua vật tư, văn phòng phẩm.

2.5. Nội dung chi cho công tác coi thi:

2.5.1. Chi phụ cấp trách nhiệm cho Hội đồng coi thi: Chủ tịch, Phó chủ tịch, Uỷ viên thường trực, thư ký, giám thị, thanh tra, kiểm tra thi.

2.5.2. Chi phục vụ tổ chức các kỳ thi;

- Chi bảo vệ, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ;

- Thuê địa điểm thi (nếu có);

- Chi cho tổ chức thêm ngày thi (nếu có);

- Thuê (hoặc mua) trang thiết bị (nếu có);

- Mua vật tư, văn phòng phẩm;

- In thẻ dự thi, phù hiệu giám thị/cán bộ coi thi...

2.6. Nội dung chi cho công tác chấm thi:

2.6.1. Chi cho công tác chấm thi:

a) Đối với thi tự luận:

- Chi chấm bài thi;

- Chi phụ cấp trách nhiệm tổ trưởng, tổ phó các tổ chấm thi.

b) Đối với thi trắc nghiệm:

- Chi phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm;

- Thuê máy chấm thi (nếu có);

2.6.2. Chi phụ cấp trách nhiệm Hội đồng chấm thi

- Chủ tịch, Phó chủ tịch, Uỷ viên thường trực, thư ký;

- Thanh tra, kiểm tra chấm thi;

2.6.3. Chi cho công tác phục vụ tổ chức chấm thi:

- Thuê địa điểm làm việc của Hội đồng chấm thi (nếu có);

- Chi bảo vệ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ tại địa điểm chấm thi;

- Thuê (hoặc mua) trang thiết bị (nếu có);

- Mua vật tư, văn phòng phẩm;

- Thuê phương tiện đi lại, vận chuyển bài thi;

- In các loại giấy chứng nhận, phù hiệu giám khảo/cán bộ chấm thi...

2.7. Nội dung chi phúc khảo bài thi (nếu có):

- Chi cho các cán bộ tham gia công tác phúc khảo bài thi;

- Chi cho phục vụ chấm phúc khảo bài thi (nếu có): giống như tổ chức chấm thi.

- Chi cho công tác thanh tra.

3. Nội dung chi cho công tác tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực:

- Chi xây dựng đề cương chi tiết cho chương trình tập huấn;

- Chi dịch tài liệu tham khảo (nếu có);

- Chi cho cán bộ phụ trách lớp tập huấn;

- Chi biên soạn và giảng dạy lý thuyết, dạy thực hành và trợ lý thực hành, thí nghiệm;

- Chi ăn, ở và thanh toán tàu xe cho học sinh trong đội tuyển;

- Chi phương tiện đi lại, thuê chỗ ở cho các giáo viên ở xa và những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước;

- Thuê phương tiện đi thực tế và các dịch vụ khác;

- Chi mua nguyên vật liệu, bồi dưỡng gia công lắp ráp thiết bị và các loại bài thi thí nghiệm, thực hành;

- Chi tổ chức đón tiếp, tiễn các đoàn tham dự kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực;

- Chi ăn, ở, đi lại và tiền tiêu vặt của học sinh đội tuyển trong thời gian tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực được áp dụng theo quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.

- Chi đồng phục cho đoàn tham dự kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, mua tặng phẩm và các dịch vụ khác (nếu có);

4. Chi các nhiệm vụ khác có liên quan.

B. QUY ĐỊNH VỀ MỨC CHI

1. Một số mức chi cụ thể theo Phụ lục đính kèm.

Mức thanh toán trên được thực hiện cho những ngày thực tế làm việc trong thời gian chính thức tổ chức kỳ thi. Trường hợp một người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau trong một ngày thì chỉ được hưởng một mức thù lao cao nhất.

2. Trong phạm vi nguồn kinh phí được giao hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo căn cứ vào khung mức chi đã quy định để quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp.

3. Mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa, các địa phương căn cứ vào mức chi trên để ban hành các quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương, nhưng không được vượt mức chi quy định tại Thông tư này.

C. LẬP DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN

1. Nguồn kinh phí thực hiện:

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Mục A, Phần II được đảm bảo từ nguồn lệ phí tuyển sinh theo quy định và nguồn ngân sách nhà nước; được bố trí trong dự toán ngân sách sự nghiệp giáo dục, đào tạo hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

2. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào yêu cầu công việc liên quan đến việc ra đề thi, tổ chức các kỳ thi, và các mức chi quy định tại Thông tư này để lập dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm và quyết toán chi cùng với quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư này.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

3. Ngoài các kỳ thi và nhiệm vụ quy định tại Thông tư này, các cơ sở giáo dục đào tạo tự quy định về nội dung, mức chi để tổ chức các kỳ thi, cuộc thi trong phạm vi nhiệm vụ chuyên môn và nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế cho Thông tư liên tịch số 47/2001/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 20/06/2001 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo "Hướng dẫn mức chi bồi dưỡng cho công tác ra đề thi và tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi, thi quốc tế và thi tốt nghiệp".

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, các cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=14151&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận