Thông tưTHÔNG TƯ
CỦA LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Hướng dẫn quản lý,
thu chi tài chính trong hoạt động sáng kiến và sở hữu công nghiệp
Thi hành Nghị định 84/HĐBT ngày 20/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc sửa đổi bổ sung Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật - hợplý hoá sản xuất và sáng chế; Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá; Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp; Điều lệ về giải pháp hữu ích nhằm thi hành Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu côngnghiệp, Liên Bộ Tài chính - Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn các quy định về thu, chi tài chính đối với các hoạt động sáng kiến và sở hữu công nghiệp.
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Kinh phí cho hoạt động sáng kiến và sở hữu công nghiệp được sử dụng để chi cho các việc sau đây:
a) Nghiên cứu tạo ra sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hay thiết kế nhãn hiệu hàng hoá;
b) Tổ chức thực nghiệm và áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp;
c) Trả thù lao cho tác giả sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp; trả tiền thưởng khuyến khích cho những người hỗ trợ tác giả và những người tham gia tổ chức áp dụng lần đầu sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp;
e) Tổ chức hoạt động sáng kiến và sở hữu công nghiệp, đánh giá kết luận về sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, công tác thông tin tư liệu, triển lãm, hội nghị, hội thảo, hội thi, tham quan khảo sát, mở các lớp đào tạo nghiệp vụ về sáng kiến và sở hữu công nghiệp;
g) Làm thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá.
2. Nguồn kinh phí:
a) Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp thì kinh phí chi cho các hoạt động sáng kiến và sở hữu công nghiệp do ngân sách Nhà nước cấp phát.
b) Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh kinh phí chi cho các hoạt động sáng kiến và sở hữu công nghiệp lấy từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất.
c) Riêng kinh phí chi cho việc tổ chức đánh giá, khảo nghiệm, áp dụng thử và trả thưởng, trả thù lao cho tác giả các giống câyt, giống con, các phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh cho người, súc vật và cây trồng được tính vào ngân sách chi nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Y tế.
3. Hạch toán, quyết toán và kiểm tra:
Các khoản chi cho hoạt động sáng kiến và sở hữu công nghiệp bằng nguồn vốn nào thì hạch toán và quyết toán riêng theo từng nguồn vốn đó và thực hiện theo các chế độ: kế toán báo cáo xét duyệt và kiểm tra quyết toán, theo quy định hiện hành của Nhà nước.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
A. XÁC ĐỊNH LỢI ÍCH THU ĐƯỢC DO ÁP DỤNG SÁNG KIẾN,
SÁNG CHẾ, GIẢI PHÁP HỮU ÍCH:
1. Lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích tính được thành tiền (lợi ích kinh tế) - được gọi là tiền làm lơi, hoặc dạng không tính được thành tiền (lợi ích xã hội).
a) Tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích là tổng số tiền tiết kiệm được do sản xuất, sử dụng sản phẩm hoặc do áp dụng phương pháp được công nhận là sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích từ tất cả các nguồn sản xuất (nhân lực, tiền vốn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, khấu hao tài sản cố định...).
b) Lợi ích không tính được thành tiền là lợi ích liên quan đến sức khoẻ và đời sống con người như cải thiện điều kiện sinh sống, điều kiện lao động (giảm tiếng ồn, độ độc hại, nâng cao an toàn giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi sinh, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh xã hội...).
2. Phương pháp xác định lợi ích thu được (tiền làm lợi).
2.1. Khi xác định tiền làm lợi chỉ được tính những lợi ích trực tiếp thu được do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích; còn những lợi ích gián tiếp nảy sinh do việc tiếp tục sử dụng nhân lực, tiền vốn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu... đã thu được do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích đó đều không được tính khi xác định số tiền làm lợi.
2.2. Lợi ích trực tiếp được xác định trên cơ sở so sánh thực trạng kinh tế, kỹ thuật trước và sau khi áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích.
- Trường hợp sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích được áp dụng tại cơ quan, đơn vị không có cơ sở so sánh (đối tượng kỹ thuật chưa được áp dụng hoặc sản xuất tại cơ quan, đơn vị) thì lấy các chỉ tiêu định mức kinh tế, kỹ thuật của đối tượng kỹ thuật có cùng chức năng ở cơ quan, đơn vị khác làm cơ sở để so sánh. Nếu đối tượng kỹ thuật có cùng chức năng được áp dụng hay sản xuất tại nhiều cơ quan, đơn vị thì cơ sở để so sánh là các chỉ tiêu định mức kinh tế, kỹ thuật tiên tiến nhất trong số các cơ quan đơn vị đó.
- Trường hợp đối tượng kỹ thuật là hoàn toàn mới ở trong nước thì cơ sở so sánh là các chỉ tiêu định mức kinh tế, kỹ thuật trung bình của đối tượng kỹ thuật có cùng chức năng ở nước ngoài.
- Trường hợp đối tượng kỹ thuật là hoàn toàn mới trên thế giới (hoặc không có tài liệu về đối tượng đó ở nước ngoài) thì tiền làm lợi là lợi nhuận thu được do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích nói trên tại cơ quan, đơn vị.
2.3. Trường hợp trong một nhiệm vụ kỹ thuật áp dụng nhiều sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích thì đánh giá lợi ích theo mức độ ảnh hưởng của từng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích đối với nhiệm vụ kỹ thuật đó theo tỉ lệ phần trăm của lợi ích chung và căn cứ vào đó để xác định mức thù lao cho tác giả của từng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích.
2.4. Khi xác định tiền làm lợi phải căn cứ vào phương pháp hạch toán của cơ quan, đơn vị để khấu trừ các chi phí phát sinh do việc áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích.
2.5. Tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích được tính bằng đồng Việt Nam nếu tiền làm lợi thu được là ngoại tệ thì tính thành tiền đồng Việt Nam theo tỉ giá hối đoái do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm xác định tiền làm lơi.
2.6. Thời gian xác định tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích và lợi nhuận thu được do sử dụng kiểu dáng công nghiệp (gọi chung là tiền làm lợi).
a) Tiền làm lợi được xác định cho từng năm áp dụng tính từ ngày bắt đầu áp dụng, tức là ngày thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra quyết định áp dụng chính thức.
b) Năm áp dụng đầu tiên là 12 tháng tính từ ngày bắt đầu áp dụng; năm áp dụng thứ hai là 12 tháng tiếp theo v.v...
c) Trường hợp sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp được áp dụng dưới 12 tháng thì tiền làm lợi được xác định theo thời gian áp dụng thực tế đó.
d) Nếu thời gian để sản xuất một đơn vị sản phẩm theo sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp dài hơn 12 tháng thì thời gian cần thiết để hoàn thành một đơn vị sản phẩm được coi là năm áp dụng và tiền làm lợi được xác định trong thời gian áp dụng thực tế đó.
e) Trường hợp sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp được áp dụng theo mùa thì năm áp dụng là thời gian áp dụng thực tế theo mùa.
B. TIỀN THÙ LAO CHO TÁC GIẢ TIỀN THƯỞNG KHUYẾN KHÍCH
CHO NHỮNG NGƯỜI HỖ TRỢ TÁC GIẢ VÀ NHỮNG NGƯỜI THAM GIA
TỔ CHỨC ÁP DỤNG LẦN ĐẦU SÁNG KIẾN, SÁNG CHẾ, GIẢI PHÁP
HỮU ÍCH, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP.
1. Trường hợp lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích tính được thành tiền.
a) Nghĩa vụ và thời hạn, thời gian, mức và điều kiện trả thù lao, tiền thưởng, khuyến khích theo quy định trong các Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định số 84/HĐBT ngày 20/03/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
b) Tiền thù lao cho tác giả sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp không bị khống chế mức tối đa (mức tối thiểu được quy định trong các Điều lệ tương ứng) và thuộc quyền quyết định của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trên cơ sở tiền làm lợi thu được do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.
c) Những người có thu nhập cao do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp phải chịu thuế thu nhập theo Nghị định 119/HĐBT ngày 17/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Trường hợp lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích không tính được thành tiền:
a) Tiền thù lao cho tác giả trong trường hợp này được xác định trên cơ sở đánh giá giá trị của sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích thông qua các chỉ tiêu như sau:
+ Hiệu quả khắc phục và hiệu quả kỹ thuật.
+ Khối lượng và phạm vi áp dụng của sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích.
+ Mức độ phức tạp của nhiệm vụ kỹ thuật.
+ Giá trị khoa học kỹ thuật.
b) Trong thực tế áp dụng, tính toán hiệu quả ở các cơ quan, xí nghiệp quá phức tạp, tạm thời quy định mức tối đa và mức tối thiểu như sau:
+ Tiền thù lao cho các tác giả sáng kiến:
Mức tối thiểu 100.000 đồng;
Mức tối đa 3.000.000 đồng.
+ Tiền thù lao cho các giả sáng chế, giải pháp hữu ích:
Mức tối thiểu 200.000 đồng
Mức tối đa 6.000.000 đồng
III. LỆ PHÍ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC CẤP VÀ DUY TRÌ HIỆU LỰC VĂN BẰNG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
1. Các mức thu lệ phí được sửa đổi lại quy định cụ thể trong Phụ lục đính kèm Thông tư này.
2. Lệ phí liên quan đến đơn quốc tế theo Hiệp ước Hợp tác Patent (PCT): Cục sở hữu công nghiệp có trách nhiệm thu của người nộp đơn và chuyển cho Văn phòng quốc tế và Cơ quan tra cứu quốc tế có thẩm quyền theo quy chế thi hành Hiệp ước Hợp tác Patent (PCT).
3. Thời hạn và hình thức nộp lệ phí đăng ký duy trì hiệu lực Văn Bằng bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp:
Thời hạn và hình thức nộp lệ phí sẽ do Cục Sở hữu công nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể.
4. Nộp lệ phí vào ngân sách Nhà nước:
Cục Sở hữu công nghiệp làm thủ tục nộp lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước theo quyđịnh tại Thông tư số 48-TC/TCT ngày 28/9/1992 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí; Nộp vào Chương 11 loại 10 khoản 2 mục 35 Cục Kho bạc Nhà nước.
Trường hợp thu bằng ngoại tệ sẽ nộp vào Tài khoản:
212.210.370.001 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
Lệ phí liên quan đến việc cấp và duy trì hiệu lực của Văn Bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (lệ phí sở hữu công nghiệp) là nguồn thu của ngân sách Nhà nước nên phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Nhưng để khuyến khích việc thu nộp, Bộ Tài chính sẽ cấp lại 10% tổng số lệ phí thu được kể cả nội và ngoại tệ đã quy đổi thành tiền Việt Nam theo tỉ giá Ngân hàng công bố tại từng thời điểm để thưởng và thù lao cho các cán bộ khoa học trực tiếp và gián tiếp làm công tác sở hữu công nghiệp và chi một số khoản có liên quan đến hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Hàng năm số tiền được cấplại này Cục Sở hữu công nghiệp phải thực hiện chế độ báo cáo quyết toán các khoản thu chi lệ phí theo đúng các quy định của Nhà nước.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
1. Thông tư này thay thế cho Thông tư 892/TT-TB ngày 4/8/1982 và Thông tư số 796/LBKH-TC ngày 30/5/1988 của Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn thi hành những vấn đề về tài chính và trả thưởng quy định trong Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế. Các quy định ban hành trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được áp dụng nhưng chưa trả thù lao cho tác giả và tiền thưởng khuyến khích cho những người hỗ trợ tác giả và những người tổ chức áp dụng lần đầu thì mức tiền được xác định lại theo Thông tư này.
PHỤ LỤC KÈM THEO THÔNG TƯ
MỨC LỆ PHÍ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC CẤP, SỬA ĐỔI VÀ DUY TRÌ HIỆU LỰC VĂN BẰNG BẢO HỘ
| | A.Mức lệ phí bằng tiền Việt Nam (1000đồng) | B. Mức lệ phí bằng đôla Mỹ (USD) |
Số TT | Khoản lệ phí | Sáng chế | Giải pháp hữu ích | Kiểu dáng công nghiệp | Nhãn hiệu hàng hoá | Sáng chế | Giải pháp hữu ích | Kiểu dáng công nghiệp | Nhãn hiệu hàng hoá |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
1 | Lệ phí nộp đơn (với Nhãn hiệu hàng hoá cho mỗi nhóm) | 180 | 135 | 60 | 120 | 100 | 75 | 25 | 60 |
| Nếu bản mô tả có trên 5 trang từ trang thứ 6 trở đi phải nộp thêm mỗi trang | 6 | 6 | - | - | 2,5 | 2,5 | - | - |
| - Nếu đơn có trên 1 đối tượng (hoặc trên phương án đối với kiểu dáng công nghiệp) từ đối tượng (phương án) thứ 2 phải nộp thêm cho mỗi đối tượng (phương án) | 90 | 60 | 9 | - | 50 | 40 | 5 | - |
2 | Lệ phí gửi đơn quốc tế | | | | | 50 | | | |
3 | Lệ phí sao đơn quốc tế | | | | | 20 | | | |
4 | Lệ phí cấp tài liệu xin quyền ưu tiên | | | | | 30 | | | |
5 | Lệ phí xin hưởng quyền ưu tiên | 90 | 90 | 45 | 90 | 50 | 50 | 20 | 45 |
6 | Lệ phí công bố Đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp ở dạng đen trắng | - | - | 30 | - | - | - | 30 | - |
| thứ 2 phải thêm | - | - | 9 | - | - | - | 10 | - |
7 | Lệ phí sửa đổi tên, địa chỉ người nộp Đơn, tác giả, hoặc người đại diện | 45 | 45 | 45 | 45 | 15 | 15 | 15 | 15 |
8 | Lệ phí ghi nhận việc chuyển giao đối với đơn đang được xem xét | 60 | 60 | 45 | 120 | 30 | 30 | 20 | 30 |
9 | Lệ phí đăng bạ và cấp văn bằng bảo hộ | 60 | 60 | 75 | 120 | 25 | 25 | 30 | 60 |
10 | Lệ phí công bố Văn bằng bảo hộ: | | | | | | | | |
| - Công bố nội dung | 45 | 45 | 45 | 45 | 20 | 20 | 20 | 20 |
| - Công bố mỗi ảnh chụp hoặc mỗi hình vẽ dạng đen trắng | 15 | 15 | - | 15 | 10 | 10 | - | 10 |
11 | Lệ phí duy trì hiệu lực Văn bằng bảo hộ (Sáng chế, Giải pháp hữu ích): | | | | | | | | |
| - Năm thứ nhất và năm thứ hai, mỗi năm | 90 | 90 | - | - | 50 | 50 | - | - |
| - Năm thứ ba và năm thứ tư, mỗi năm | 150 | 150 | - | - | 80 | 80 | - | - |
| - Năm thứ năm và năm thứ sáu, mỗi năm | 240 | 240 | - | - | 120 | 120 | - | - |
| - Năm thứ bảy và năm thứ tám, mỗi năm | 360 | - | - | - | 160 | - | - | - |
| - Năm thứ chín và năm thứ mười, mỗi năm | 480 | - | - | - | 200 | - | - | - |
| - Năm thứ mười một và năm thứ mười hai, mỗi năm | 600 | - | - | - | 240 | - | - | - |
| - Năm thứ mười ba, năm thứ mười bốn và năm thứ mười lăm, mỗi năm | 720 | - | - | - | 280 | - | - | - |
12 | Lệ phí sửa đổi: tên, địa chỉ của chủ Văn bằng bảo hộ, Người đại diện Sở hữu công nghiệp | 60 | 60 | 60 | 90 | 25 | 25 | 20 | 45 |
| - Giới hạn phương án Kiểu dáng công nghiệp (cho mỗi phương án) | - | - | 60 | - | - | - | 20 | - |
| - Giới hạn danh mục sản phẩm (cho mỗi nhóm sản phẩm) | - | - | - | 60 | - | - | - | 45 |
13 | Lệ phí công bố các nội dung sửa đổi Văn bằng: | | | | | | | | |
| - Công bố sửa đổi tên địa chỉ | 45 | 45 | 45 | 45 | 20 | 20 | 20 | 20 |
| - Công bố sửa đổi nội dung thuộc yêu cầu bảo hộ (đối với kiểu dáng công nghiệp cho mỗi phương án) | 45 | 45 | 45 | 45 | 20 | 15 | 20 | 20 |
14 | Lệ phí ghi nhận việc chuyển giao quyền được bảo hộ: | | | | | | | | |
| - Trường hợp việc chuyển giao không phải phê duyệt | 60 | 60 | 45 | 120 | 30 | 30 | 20 | 60 |
| - Trường hợp việc chuyển giao phải phê duyệt | 160 | 120 | 100 | 80 | 60 | 50 | 30 | 60 |
15 | Lệ phí công bố việc chuyển giao quyền được bảo hộ | 45 | 45 | 45 | 45 | 20 | 20 | 20 | 20 |
16 | Lệ phí gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ (NHHH-KDCN) | | | | | | | | |
| - Gia hạn Giấy Chứng nhận kiểu dáng công nghiệp lần thứ nhất | - | - | 90 | - | | | 40 | |
| - Gia hạn Giấy Chứng nhận kiểu dáng công nghiệp lần thứ hai và mỗi lần gia hạn Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho mỗi nhóm sản phẩm | - | - | 120 | 120 | - | - | 60 | 60 |
17 | Lệ phí công bố việc gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ | - | - | 45 | 45 | - | - | 20 | 20 |
18 | Lệ phí khiếu nại (cho mỗi lần khiếu nại) | 150 | 150 | 150 | 150 | 30 | 30 | 30 | 30 |